TextBody
Huy chương 2

Phương pháp phù hợp để lập mô hình tính toán hệ thống bơm tiêu vùng đồng bằng sông Hồng

03/04/2013

Bài viết giới thiệu phương pháp sử dụng phần mềm Duflow kết hợp với khảo sát phân chia ô tiêu trên nền ảnh bản đồ ảnh viễn thám độ phân giải 0,5m để thiết lập mô hình tính toán tiêu nước từ mặt ruộng đến đầu mối phù hợp với hệ thống bơm tiêu vùng đồng bằng sông Hồng. Phương pháp này được áp dụng tại hệ thống bơm tiêu Triều Dương. Kết quả kiểm định trong 3 năm cho thấy mực nước giữa tính toán và thực đo chỉ sai lệch từ 2-3cm. Kết quả tính toán xác định được độ sâu ngập, thời gian ngập và diện tích bị úng ngập của tất cả các đối tượng tiêu nước trên hệ thống.

1. Đặt vấn đề

Theo quy hoạch thuỷ lợi vùng đồng bằng Sông Hồng (ĐBSH) đến năm 2020 [1], kịch bản phát triển bền vững, nếu thời điểm năm 2006 tổng công suất bơm tiêu của cả vùng là 2406,8m3/s, thì 10 năm tới sẽ phải xây dựng bổ sung nâng tổng công suất bơm tiêu tăng 2,15 lần đạt mức 5181,3m3/s. Đó là công suất rất lớn và hạ tầng hệ thống bơm tiêu rất quy mô. Cần phải quan tâm nghiên cứu để phục vụ quá trình xây dựng và quản lý khai thác hiệu quả khối lượng tài sản này.

Công suất trạm bơm đầu mối sẽ rất lớn để đảm bảo tiêu nhanh, kịp thời nhưng nếu không có những tính toán bằng các công cụ khoa học sẽ dẫn đến vận hành theo kinh nghiệm khiến cho việc bơm tiêu quá mức, giảm hiệu quả sử dụng tài nguyên nước mưa.

Trong nhiều năm qua, việc ứng dụng mô hình toán có rất nhiều nhưng chủ yếu là tính toán thủy lực phục vụ quy hoạch. Nghiên cứu về mô hình phù hợp với hệ thống bơm tiêu có thể chuyển giao và phục vụ thường xuyên công tác quản lý vận hành bơm nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nước mưa và hệ thống bơm tiêu vẫn còn rất hạn chế.

Bài viết này giới thiệu kỹ thuật mô hình toán và khai thác tài nguyên viễn thám từ internet để thiết lập mô hình tính toán tiêu nước trong các hệ thống bơm tiêu có độ chính xác cao và có khả năng chuyển giao cho các đơn vị trực tiếp quản lý khai thác công trình nhằm đánh giá thực trạng, lập kế hoạch quản lý vận hành hiệu quả các hệ thống bơm tiêu hiện tại và trong tương lai thuộc các hệ thống thủy nông vùng đồng bằng sông Hồng. Đồng thời có thể sử dụng vào các nghiên cứu xác định hệ số tiêu hệ thống, đánh giá hiệu quả tiêu. Bên cạnh đó, thực trạng hạ tầng công trình trong vùng ĐBSH các công trình dạng tuyến là tương đối dày đặc làm thay đổi cơ bản các quá trình dòng chảy mặt tự nhiên [7] nên bất kỳ ứng dụng mô hình toán vào cũng phải thể hiện được đặc điểm này.

2. Phương pháp Duflow kết hợp với khảo sát chi tiết địa hình để lập mô hình tính toán tiêu

2.1 Giới thiệu và khảo sát chi tiết địa hình vùng nghiên cứu điển hình - Triều Dương

Vùng tiêu triều Dương có tổng diện tích trong ranh giới lưu vực tiêu là 4215 ha trên tổng số hơn 5924 ha theo ranh giới hành chính của 10 xã thuộc huyện Tiên Lữ, giáp ranh với thành phố Hưng Yên. Trong nghiên cứu lập mô hình tính toán tiêu nước thì thông tin về thực trạng sử dụng đất (các đối tượng tiêu nước) trong hệ thống là đặc biệt quan trọng. Như vậy, nếu sử dụng các tài liệu thống kê về thực trạng đất đai theo ranh giới hành chính như thường làm đối với tính toán tiêu nước phục vụ quy hoạch và thiết kế hệ thống là không đáp ứng được các yêu cầu cho quản lý vận hành, bởi vì thông tin không trùng khớp giữa ranh giới hành chính và ranh giới lưu vực tiêu và chưa xác định được vị trí, tọa độ, cao độ của các đối tượng tiêu nước.

Nghiên cứu này đã sử dụng Arcview-GIS kết hợp với ảnh vệ tinh độ phân giải siêu cao 0,5m (khai thác từ internet và cài đặt tọa độ thực về vùng Triều Dương) để khảo sát phân chia ô tiêu và xác định chi tiết đối tượng tiêu nước trong từng ô. Dựa vào bản đồ ảnh độ phân giải 0,5m, hiện trạng hệ thống kênh mương và công trình dạng tuyến phân chia thành 126 ô tiêu xử lý trên bản đồ GIS. Sử dụng máy thuỷ bình khảo sát xác định cao độ bình quân các đối tượng tiêu nước trong từng ô tiêu theo nguyên tắc mỗi điểm mia sẽ xác định cao độ cho không quá 2 ha. Trung bình 1 ô tiêu có 33ha, trong đó ruộng lúa 19,01ha (Hình 1). Một ô tiêu được xác định bằng đường bao là các địa vật dạng tuyến như bờ vùng, bờ thửa, đường, kênh tưới... đảm bảo nước không tràn từ ô này sang ô khác (khái niệm không tràn có điều kiện hệ thống được vận hành bơm tiêu), công trình đầu ô tiêu, kênh thu nước ô tiêu và tổng diện tích ô tiêu. Các thông tin chi tiết xác định đối tượng tiêu nước của ô tiêu phân chia theo hai nhóm: nhóm 1 theo mục đích sử dụng đất bao gồm: diện tích và cao độ ruộng lúa, màu, phi canh tác, mặt nước, địa hình kênh mương; nhóm 2 là số liệu đặc trưng ô tiêu theo tác động của bề mặt đến chế độ dòng chảy gồm diện tích mặt nước; diện tích được lát cứng bằng vật liệu không thấm nước và diện tích không được lát cứng. Các thông tin dữ liệu ô tiêu phục vụ thiết lập mô hình tính toán tiêu nước từ mặt ruộng đến đầu mối theo yêu cầu của Duflow có cải tiến cách xây dựng số liệu địa hình mặt cắt kênh ô tiêu.

Hình 1: Một mảng bản đồ kết quả khảo sát phân chia ô tiêu và dữ liệu phân bố cao trình ruộng lúa trong các ô tiêu vùng Triều Dương

2.2  Thiết lập và kiểm định mô hình tính toán hệ thống bơm tiêu Triều Dương

1) Giới thiệu về Duflow : là một bộ phần mềm kỹ thuật do Viện nghiên cứu cải tạo đất và môi trường Hà Lan xây dựng (ALTERRA) dùng để mô phỏng chế độ thuỷ lực hệ thống thủy lợi và các vật thể lỏng khác. Duflow là công cụ để lập mô hình động lực một chiều, người sử dụng thông qua các cửa sổ giao diện để phân tích chi tiết các hệ thống sông, kênh mương phục vụ quy hoạch, thiết kế và quản lý hệ thống thuỷ lợi. Hiện nay, Duflow được ứng dụng nhiều trong các công trình tiêu nước và cải tạo đất, môi trường tại Indonesia, Hà Lan, Ấn Độ, Mỹ. Tại Việt nam, Duflow được sử dụng trong một số dự án nghiên cứu như nghiên cứu hiệu quả tiêu [3], kết quả ban đầu cũng được đăng trên tạp chí quốc tế và trong nước [4], [5].

2) Thiết lập mô hình tính tiêu từ mặt ruộng đến đầu mối

a) Soạn thảo thông tin mô hình tính chuyển lượng mưa thành dòng chảy:

Tài liệu yêu cầu với mỗi ô tiêu: tổng diện tích, trong đó diện tích mặt nước (bề mặt kênh mương, ao hồ, mặt nước trên ruộng lúa); diện tích lát cứng bằng vật liệu không thấm nước (sân gạch, mái nhà, mái tôn, sân xi măng, đường nhựa...), và diện tích không đuợc lát cứng bằng vật liệu không thấm (đất màu, cây trồng cạn, cây phân tán, triền đê, bãi cỏ...).

Bốc thoát hơi bình quân ô tiêu với kiểm định mô hình tính bốc hơi cây trồng là lúa theo chương trình Copwat 4.3 với điều kiện lượng mưa và khí tượng trực tiếp tại thời đoạn bơm tiêu thực tế. Bốc hơi của các đối tượng khác được giả sử bằng bốc hơi mặt thoáng cùng thời đoạn theo số liệu quan trắc tại trạm khí tượng Hưng Yên. Bằng công thức gia quyền diện tích xác định bốc hơi bình quân diện tích ô tiêu.

Hình 2: Mô phỏng mặt ngang ô tiêu theo Duflow được cải tiến

Hình 3: Mô phỏng một mảng mạng tính toán theo Duflow thiết lập cho vùng Triều Dương

Quá trình tính toán mưa thành dòng chảy của Duflow là modul RAM có cơ sở khoa học là cân bằng nước trong ô với đầu vào là lượng mưa trừ đi bốc hơi và các quá trình tổn thất bằng hệ số mô hình xác định theo phương pháp thử dần.

c) Đặc trưng thuỷ lực mặt  kênh ô tiêu mô phỏng ở hình 2:

- Giả thiết nước từ các đối tượng hưởng lợi trong ô tiêu tràn vào kênh ô tiêu (kênh cấp cuối cùng) là tự do. Quá trình thiết lập mặt cắt ngang kênh ô tiêu được cải tiến có sự tham gia của các chuyên gia Hà lan để đảm bảo sự tham gia của ruộng lúa nước vào quá trình tính toán, điều tiết hệ số tiêu trong dự án nghiên cứu hiệu quả tiêu [3] và kết quả sử dụng đăng trên báo quốc tế [4].

- Chiều dài kênh ô tiêu được soạn thảo trực tiếp trên nền bản đồ GIS dựa vào chức năng ứng dụng GIS của Duflow sẽ tự động xác lập tọa độ và độ dài của các tuyến kênh.

- Bề rộng kênh B0 và cao độ các đối tượng tiêu nước trong ô tiêu bằng số liệu khảo sát trực tiếp tại thực địa.

- H0 được giả định bằng 0 tương đương với cao độ đáy kênh ô tiêu được khảo sát bằng máy thủy bình. Các giá trị HA, HL, HM, và HP lần lượt là chiều cao từ đáy kênh đến cao độ bình quân ruộng lúa, màu và đất phi canh tác trong mỗi ô tiêu. Cao độ bình quân của các đối tượng này bằng cao độ đáy kênh cộng với HA, HL, HM, và HP.

- Bề rộng của mỗi đối tượng tiêu nước gồm: ao hồ kênh mương (BA), lúa (BL), màu vườn (BM), và đất phi canh tác (BP) bằng diện tích của đối tượng tiêu chia cho chiều dài kênh ô tiêu.

d) Đặc trưng công trình trên hệ thống là cống, tràn, xi phông:

- Cao độ đáy và khẩu độ công trình lấy theo tài liệu thiết kế có khảo sát kiểm tra.

- Mức độ bồi lắng làm giảm khẩu độ kích thước công trình từ khảo sát.

Trong tính toán kiểm định và đánh giá hiện trạng sẽ sử dụng số liệu công trình thực tế thể hiện hiện trạng hệ thống.

e) Kết nối 126 ô tiêu với hệ thống chuyển tải nước tới đầu mối trạm bơm tiêu sử dụng Duflow minh họa như hình 3:

3) Kiểm định mô hình: từ mô hình được thiết lập và đặc trưng địa hình hệ thống như đã giới thiệu, tính toán thuỷ lực và so sánh với số liệu quan trắc tại các điểm đầu, giữa và cuối hệ thống theo nguyên tắc sau:

- Xây dựng hệ số mô hình chuyển mưa thành dòng chảy và đặc trưng thuỷ lực hệ thống để tính toán tiêu nước trên hệ thống và bơm tiêu điển từ 27/9 - 2/10 năm 2005.

- So sánh với số liệu thực đo tại 3 điểm: đầu, giữa và cuối hệ thống trong thời gian tính toán năm 2005 để đảm bảo đường quá trình mực nước giữa tính toán và quan trắc tại thực địa tiếp cận nhau qua quá trình hiệu chỉnh, thử dần bộ hệ số mô hình tới khi đạt được kết quả mà sự chênh mực nước giữa tính toán và thực đo là thấp nhất.

- Kết quả kiểm định thông qua so sánh mực nước tại đầu, giữa và cuối hệ thống, chênh lệch giữa tính toán và thực đo từ 2-3cm; thời điểm chênh lệch cao nhất cũng không quá 5cm; trung bình khoảng 1,0cm. Điều đó cho thấy mô hình Duflow rất phù hợp với tính toán tiêu nước bằng bơm kết quả tính toán minh họa trên Hình 4.

Hình 4: Lưu lượng tại bể hút và mực nước tại bể hút, giữa và cuối hệ thống

- Các hệ số mô hình vừa tính toán trận mưa điển hình năm 2005 được kiểm định thêm bằng áp dụng cho các trận mưa điển hình năm 2006 (từ 17 đến 23 tháng 8) và năm 2009 (từ 12 đến 23 tháng 7). Kết quả giữa tính toán và thực đo tại đầu, giữa và cuối hệ thống có sự sai lệch từ 2-4cm; trung bình sai lệch dưới 2cm. Điều đó cho thấy mô hình được thiết lập đảm bảo độ tin cậy cho việc tiến hành các công tác đánh giá hiện trạng cũng như các tính toán ứng dụng khác.

4) Sử dụng mô hình đã kiểm định đánh giá khả năng tiêu của hệ thống ứng với mưa thiết kế với hai kịch bản: kịch bản 1 hiện trạng hệ thống kênh mương, công suất đầu mối và mưa thiết kế; kịch bản 2 đưa hệ thống kênh mương về thiết kế, mưa thiết kế và công suất đầu mối hiện có (hiện trạng công suất đầu của trạm bơm Triều Dương tương đương hệ số tiêu 4,21l/sha).

- Mưa thiết kế được xác định trên cơ sở xây dựng đường tần suất mưa ngày trạm Hưng Yên từ năm 1976-2008; với tổng lượng mưa 5 ngày max tần suất 10% là 333,8mm diễn biến như sau: 0,1mm; 16,0mm; 159,6mm; 150,5mm; và 7,6mm.

- Mức ngập cho phép với giống lúa mới tại vùng Triều Dương giai đoạn sinh trưởng đầu tiên đảm bảo 90% năng suất. Cụ thể là: ngập 12,5cm không quá 5 ngày; ngập 18,7cm không quá 3 ngày và ngập quá 25cm không quá 2 ngày [6].

- Thiết lập quá trình bơm tự động có điều kiện mực nước bắt đầu bơm là 1,625m (ngưỡng bắt đầu gây ngập úng ở ô tiêu có có chân ruộng lúa thấp nhất) và khi mực nước xuống dưới 0,8m thì tự động dừng bơm theo quy trình vận hành.

- Kết quả tính toán bằng biểu diễn đường quá trình lưu lượng vận hành đầu hệ thống, đường quá trình mực nước trên các ô tiêu và so sánh với cao trình ruộng lúa trên các ô tiêu để xác định được độ sâu ngập và thời gian ngập của các đối tượng tiêu nước trong từng ô.

- Kết quả tính toán kịch bản 1 được phân tích, đánh giá như sau:

i) Tại đầu hệ thống đường quá trình mực nước, lưu lượng trên hình 5. Mực nước tại đầu hệ thống duy trì ở mức dưới 1,5m, (thấp hơn trình mặt ruộng lúa thấp nhất). Thời gian vận hành liên tục ứng với công suất hiện trạng từ 2h ngày thứ 2 đến 2h ngày thứ 7, mưa 5 ngày vận hành 5 ngày còn lại là quá trình vận hành cầm chừng. Điều đó cho thấy dường như với công suất hiện trạng là đảm bảo tiêu.

ii) Hình 6 là diễn biến lớp nước mặt ruộng một số ô tiêu đại diện, đánh giá tình trạng úng ngập bằng so sánh độ sâu ngập thời gian ngập với mức ngập cho phép ở từng ô. Ví dụ ô T1.3.2 cao trình mặt ruộng 1,50m; có 15,80ha lúa: ngập 12,5cm; 18,75cm; 25cm; và 30cm lần lượt là 9,5; 8,5; 5,0 và 2,0 ngày; cả 4 mức ngập đều vượt thời gian ngập cho phép nên được đánh giá là "Ngập". Kết quả đánh giá tất cả các ô tiêu thì hệ thống có 936,6ha lúa bị úng ngập (chiếm 48,78% diện tích lúa).

iii) Nguyên nhân úng ngập: hiện trạng giữa hệ thống tải nước trên kênh và công suất đầu mối không đồng bộ mặc dù công suất hiện có chưa lớn (4,21l/s-ha); phân tích úng ngập chi tiết ở từng ô tiêu cho thấy quy luật úng ngập không tuân theo độ cao nên có thể kết luận rằng công trình đầu ô tiêu cũng như công trình trên kênh xây dựng vẫn chưa đủ khẩu độ; bồi lắng trên hệ thống là rất lớn mà kinh phí nạo vét thường xuyên không đủ để duy trì hệ thống luôn ở điều kiện thiết kế, ví dụ khảo sát các kênh chính bồi lấp 0,7-1,0m; thậm trí có tuyến kênh qua thị trấn là đất cát pha bồi lấp trên 1m, năm 2006 nạo vét nhưng sau 1 năm bồi lắng trở lại tới 40cm.

- Kịch bản 2: Việc tính toán bằng điều chỉnh so với kịch bản 1 như sau: đưa hệ thống kênh mương về điều kiện thiết kế; tính toán thử dần, nếu công trình trên hệ thống cũng như đầu ô tiêu có tổn thất lớn hơn 5cm sẽ được điều chỉnh mở rộng khẩu độ và cao độ đáy công trình. Kết quả tính toán và đánh giá tình trạng úng ngập tương tự như trên và kết quả vẫn có 690,9 ha lúa bị ngập chiếm 36,3% diện tích lúa. Điều đó cho thấy hiện trạng đầu mối vẫn chưa đủ công suất bơm tiêu khi mưa thiết kế xảy ra.

3. Một số kết luận và thảo luận

Kết luận về tính phù hợp của sử dụng mô hình Duflow kết hợp với khảo sát chi tiết địa hình để lập mô hình tính toán hệ thống bơm tiêu trong nghiên cứu này ở được kết luận như sau:

- Khai thác bản đồ ảnh vệ tinh độ phân giải 0,5m và cài đặt về tọa độ thực vùng nghiên cứu có thể thực hiện trên toàn bộ vùng ĐBSH làm cơ sở để khảo sát phân chia ô tiêu và cơ sở dữ liệu ô tiêu với nguồn lực hợp lý. Số liệu này được xử lý trên bản đồ GIS là yêu cầu tài liệu đặc biệt quan trọng khi thiết lập mạng tính toán thủy lực tiêu nước.

- Phần mềm Duflow khác với một số phần mềm khác là việc xác định biên dưới (biên ra) của mô hình là lưu lượng mới phù hợp với hệ thống bơm tiêu. Cộng với thiết lập mặt cắt ngang kênh ô tiêu được cải tiến thể hiện ảnh hưởng của ruộng lúa nước vào quá trình điều tiết hệ số tiêu sẽ xác định được độ sâu ngập, thời gian ngập và diện tích bị ngập ở tất cả các cánh đồng. Kết quả tính toán thông tin về úng ngập ở từng ô tiêu và trên hệ thống là cơ sở khoa học để đánh định lượng tình trạng úng ngập ứng với các điều kiện vận hành cũng như các giả thiết thiết kế hệ thống khác nhau. Định lượng đượng úng ngập sẽ có điều kiện đánh giá hiệu quả công trình tiêu nước đối với sản suất nông nghiệp khi không có công trình hoặc có công trình với các mức thiết kế khác nhau.

- Một sự phù hợp nữa khi thiết lập mô hình tính toán tiêu nước trong nghiên cứu này là khối lượng công việc không lớn, và giá thành mua phần mềm là rất khả thi đối với các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi (giá năm 2004 khoảng 700 USD [3], chỉ bằng 1/10 giá mua so với các phần mềm có tính năng tương tự). Hơn nữa, điều quan trọng là mô hình dễ sử dụng phù hợp với điều kiện nguồn nhân lực ở các công ty khai thác công trình thủy lợi.

Thảo luận về kết quả tính toán đánh giá khả năng tiêu của hệ thống: với cả hai kịch bản cho thấy, vùng Triều Dương còn thiếu cả công suất tiêu đầu mối và hệ thống chuyển tải nước. Do vậy, nếu mưa thiết kế xảy ra sẽ có úng ngập trên diện rộng. Vấn đề được đặt ra ở đây là:

- Công suất đầu mối cần phải lắp đặt (hay hệ số tiêu thiết kế) bằng bao nhiêu thì tiêu được toàn bộ 100% diện tích lúa theo mức chịu ngập cho phép?

- Tiêu nước cho hệ thống bao gồm cả đối tượng phi nông nghiệp, do vậy cần phải xác định tỷ trọng tiêu nông nghiệp và phi nông nghiệp trong cơ cấu nhiệm vụ đầu tư hệ thống bơm tiêu.

- Nâng công suất đến mức nào thì đầu tư công trình tiêu cũng như tiêu cho đất nông nghiệp vẫn đảm bảo có hiệu quả?

- Để đảm bảo hiệu quả tiêu cũng như lợi dụng khả năng phân tán nước trên ruộng lúa ở các cấp địa hình khác nhau trong điều kiện diện tích ao hồ có khả năng điều tiết nước tiêu bị thu hẹp dần, và xu hướng chuyển đổi ruộng lúa úng trũng sang nuôi cá thì hệ thống tiêu cần phải cải tiến như thế nào? cải tiến ở đâu? và bằng biện pháp gì? để điều tiết giảm hệ số tiêu và tăng khối lượng nước giữ lại sử dụng ở bên trong hệ thống.

Đó là những vấn đề cần thiết cần phải nghiên cứu làm rõ để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn những năm tới khi xây dựng bổ sung hàng loạt các trạm bơm tiêu ở vùng ĐBSH nhằm hoàn thiện hệ thống thủy lợi, thích ứng với ảnh hưởng do biến đổi nước biển dâng.

Tuy vậy, để phương pháp này trở thành hiện thực và mở rộng vào thực tế cần có nghiên cứu bổ sung một vài hệ thống điển hình khác làm cơ sở tổng kết, xây dựng chương trình tập huấn, phát triển lực lượng cán bộ cho quá trình chuyển giao tới các đơn vị trực tiếp vận hành bơm tiêu để đảm bảo tiêu nước và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên nước mưa.

Các tài liệu tham khảo

[1]. Tô Trung Nghĩa, Bùi Nam Sách, 2006. Báo cáo quy hoạch tiêu, Dự án quy hoạch sử dụng tổng hợp nguồn nước lưu vực sông Hồng - sông Thái Bình đến năm 2010 và năm 2020.

[2]. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2009. Danh mục các dự án chuẩn bị đầu tư ngành thủy lợi giai đoạn năm 2011 - 2015 kèm theo văn bản số 3505/BNN-KH.

[3]. Lê Đình Thỉnh, H. P. Rizema, Nguyễn Thế Quảng, Nguyễn Viết Chiến, Đặng Ngọc Hạnh, Trịnh Ngọc Lan, Lê Quang Ảnh, Bùi Thị Kim, 2006. Nghiên cứu hiệu quả tiêu, Dự án thuỷ lợi lưu vực sông Hồng giai đoạn 2, khoản vay 1853-VIE(SF), 156 trang.

[4]. H. P. Ritzema, Lê Đình Thỉnh; Lê Quang Ảnh; Đặng Ngọc Hạnh, Nguyễn Viết Chiến; Trịnh Ngọc Lan; R. A. L. Kselik; Bùi Thị Kim, 2007. Participatory research on the effectiveness of drainage in the Red River Delta, Vietnam; Irrig Drainage Syst DOI 10.1007/s10795-007-9028-0.

[5] Đặng Ngọc Hạnh, 2009. Ứng dụng công cụ Duflow để giải bài toán tiêu nước cho trạm bơm Phấn Động, Tuyển tập khoa học công nghệ 50 năm xây dựng và phát triển 1959-2009, tập 1, Nhà xuất bản nông nghiệp, Hà nội năm 2009, trang 309-317.

[6] Đặng Ngọc Hạnh, Nguyễn Thế Quảng, 2011. Nghiên cứu đề xuất mức ngập cho phép của một giống lúa mới làm cơ sở so sánh trong tính toán tiêu nước - Tạp chí khoa học và Công nghệ thủy lợi, Viện Khoa học thủy lợi Việt nam số tháng 9 năm 2011, 6 trang.

[7] Đặng Ngọc Hạnh, 2010. Objective and Subjective Factors Influence on Demand of Drainage by Pumping in Red River Delta - VNU Journal of Science, Earth Sciences 26 (2010) 121-127.


Tác giả: ThS. Đặng Ngọc Hạnh - Viện Kinh tế và Quản lý Thủy lợi
PGS.TS. Nguyễn Thế Quảng - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Tạp chí KH&CN Thủy lợi

Ý kiến góp ý: