Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, hầu hết công trình thủy lợi (CTTL) được xây dựng từ lâu, nay xuống cấp và hư hỏng nặng. Ðể phát huy tác dụng các CTTL những năm gần đây, tỉnh đẩy mạnh chương trình kiên cố hóa kênh mương, tạo thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới.
Hiện đại hóa công trình đại thủy nông Phú Ninh
Vào những ngày đầu tháng 9, chúng tôi cùng Ban Quản lý Tiểu dự án Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi Phú Ninh đến công trình đại thủy nông này. Nằm cách trung tâm TP Tam Kỳ chừng 7 km về hướng tây, hồ thủy lợi Phú Ninh được xây dựng từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Giám đốc Ban Quản lý Nguyễn Tường Mạnh cho biết, công trình có quy mô lớn nhất tỉnh Quảng Nam, công suất thiết kế tưới cho 23 nghìn ha canh tác. Sau khi hoàn thành, công trình không chỉ cấp nước tưới cho 14 nghìn ha lúa và hàng nghìn ha rau màu mà còn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân ở các huyện của tỉnh Quảng Nam.
Từ ngày có hồ thủy lợi Phú Ninh, nông dân các huyện Núi Thành, Phú Ninh, Thăng Bình, Quế Sơn và TP Tam Kỳ đã chủ động được kế hoạch sản xuất. Từ chỗ mỗi năm chỉ sản xuất một vụ lúa bấp bênh, năng suất thấp, nay bà con trồng ba vụ lúa/năm với năng suất tăng hai, ba lần so với trước. Ðời sống người dân ngày càng cải thiện. Phần lớn, các hộ gia đình đã sắm được tư liệu sản xuất, phương tiện sinh hoạt và xây dựng được nhà ở kiên cố; góp phần tạo ra bộ mặt mới cho nông thôn. Tuy nhiên, sau hơn 30 năm sử dụng, hầu hết hệ thống kênh mương đã bị xói lở, xuống cấp trầm trọng. Sau khi được T.Ư đầu tư hàng trăm tỷ đồng gia cố, nâng cấp hệ thống đập chính, đập phụ và các tràn xả lũ, Quảng Nam tiếp tục đề nghị Chính phủ đầu tư hiện đại hóa toàn bộ hệ thống thủy lợi Phú Ninh. Ðề xuất này được Chính phủ đồng ý triển khai từ đầu năm 2005 với nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới, tổng vốn đầu tư giai đoạn một là hơn 485 tỷ đồng. Qua gần sáu năm thi công, đến nay, Quảng Nam đã kiên cố hóa được 18 km kênh chính và hơn 80 km kênh nhánh (cấp 1 và 2), giải ngân được hơn 250 tỷ đồng. Theo dự kiến, giữa tháng 9 này, tỉnh sẽ cắt nước toàn hệ thống để các nhà thầu tiếp tục thi công các đoạn kênh còn dở dang, chuyển sang chuẩn bị thi công giai đoạn hai.
Ðẩy mạnh kiên cố hóa kênh mương nội đồng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quảng cho biết, nếu chỉ tập trung đầu tư cho các hồ chứa và dừng lại ở việc kiên cố hóa các tuyến kênh chính mà không chú trọng đầu tư hệ thống kênh mương nội đồng thì không đưa nước vào được từng cánh đồng, từng thửa ruộng, các CTTL không phát huy hết tác dụng. Vì vậy, trong gần mười năm qua, cùng với đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp, kiên cố các công trình đầu mối ở đập Phước Hà (Thăng Bình), Vĩnh Trinh (Duy Xuyên), Trà Cân (Ðại Lộc); rồi xây dựng mới hồ chứa nước Ðông Tiễn (Thăng Bình), tỉnh Quảng Nam luôn ưu tiên đầu tư chương trình kiên cố hóa hệ thống kênh mương nội đồng. Sau khi có nghị quyết của HÐND tỉnh về "Phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu và kiên cố hóa kênh mương", với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong gần mười năm qua, toàn tỉnh xây dựng được 464 CTTL nhỏ, 86 công trình thủy lợi đất màu, giải quyết nước tưới thêm cho 8.190 ha lúa và rau màu các loại với tổng vốn đầu tư 136 tỷ đồng. Cũng trong khoảng thời gian này, các huyện trong tỉnh đã huy động các nguồn vốn để kiên cố hóa gần 560 km kênh mương, với tổng vốn đầu tư 164 tỷ đồng.
Ðáng lưu ý là gần đây, nhiều huyện còn tranh thủ các nguồn vốn khác để nâng cấp, thay dần hệ thống kênh đất bằng hệ thống kênh bê-tông và ống nhựa. Thăm cánh đồng lúa nằm giáp ranh giữa xã Bình Nguyên và thị trấn Hà Lam (huyện Thăng Bình) mới đây, chúng tôi chứng kiến hệ thống kênh nhánh làm bằng bê-tông nối tiếp với hệ thống kênh dẫn nước nội đồng làm bằng ống nhựa, chạy men theo bờ ruộng và được lắp đặt nằm sâu trong lòng đất, có van đóng, mở để điều tiết nước vào từng thửa ruộng. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Thăng Bình Nguyễn Văn Hương cho biết, đây là một dự án thí điểm được UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý cho triển khai tại huyện. Tổng chiều dài các tuyến kênh khoảng một km, làm bằng ống nhựa, có ưu điểm vượt trội là tiết kiệm được nước, không tốn đất làm kênh, không còn cỏ dại trên bờ kênh làm nguồn tồn lưu, lây lan sâu bệnh. Hằng năm, hằng vụ không còn phải nạo vét kênh mương, duy tu bảo dưỡng tốn kém kinh phí và không cản trở dòng chảy tiêu nước vào mùa mưa lũ. Ðồng thời, rất thuận lợi cho việc tưới tiêu chủ động, khoa học; giảm nhân lực trong tổ thủy nông dịch vụ điều tiết nước... Về hiệu quả kinh tế, làm kênh ống nhựa sẽ tiết kiệm khoảng 10% chi phí so với kênh bê-tông. Tuy nhiên, hằng năm phải thông súc đường ống...
Giải pháp để phát huy hiệu quả các công trình
Ðến bây giờ, việc hiện đại hóa hệ thống thủy lợi Phú Ninh mới đến chặng cuối của giai đoạn một, mới chỉ có gần 50% chiều dài kênh chính được kiên cố, các tuyến kênh nhánh (cấp 1 và 2) vẫn còn dở dang nhiều đoạn; hệ thống kênh mương nội đồng cũng chỉ mới nâng cấp được khoảng một phần tư tổng chiều dài toàn hệ thống. Sau khi gia cố, nâng cấp, năng lực chuyển nước của kênh chính Phú Ninh được cải thiện đáng kể. Trước đây, kênh chính chỉ tải lưu lượng nước cao nhất là 19 m3/giây, nay lên đến 25 m3/giây; thời gian chuyển nước từ hồ đến cuối kênh đã rút ngắn từ 10 đến 20 ngày xuống còn 5-10 ngày.
Vào đầu tháng 6 vừa qua, nước Phú Ninh đã vượt gần 50 km theo kênh chính về đến cầu máng số 10, cuối kênh chính bắc tưới cho lúa hè thu. Chánh Văn phòng UBND xã Duy Trung (Duy Xuyên) Lê Ðình Thu cho biết, vụ hè thu năm nay, toàn xã có gần 100 ha lúa được tưới nước Phú Ninh. Trong đó, có hơn 20 ha đất nông nghiệp từ lâu vẫn chờ nước trời. Nay có nước tưới chủ động, năng suất lúa dự kiến đạt 45 tạ/ha. Tình trạng thiếu nước ở vùng cuối kênh trong mùa hạn vừa qua được khắc phục. Theo Sở NN và PTNT tỉnh, hiện các CTTL trên địa bàn tỉnh đã bảo đảm tưới cho khoảng 70.000 ha lúa (đạt 80% diện tích) và khoảng 13.000 ha cây màu, cây công nghiệp.
Bước đầu, chương trình hiện đại hóa hệ thống thủy lợi Phú Ninh và đầu tư nâng cấp các CTTL trên địa bàn tỉnh đã mang lại những hiệu quả thiết thực; vừa đạt mục tiêu tăng diện tích tưới chủ động, vừa phục vụ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, giảm chi phí duy tu bảo dưỡng, tiết nước, đất sản xuất và hạn chế thiệt hại do lũ lụt gây ra. Tuy nhiên, số tuyến kênh được kiên cố hóa chưa nhiều, do khó khăn về kinh phí nên tiến độ thực hiện kiên cố hóa kênh mương rất chậm.
Ðồng chí Nguyễn Văn Sỹ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh cho biết, tại kỳ họp mới đây, HÐND tỉnh đã ra nghị quyết về "Tiếp tục phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu và kiên cố hệ thống kênh mương trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011-2015". Giai đoạn 2011-2015, tỉnh sẽ đầu tư 210 tỷ đồng, kiên cố 110 km kênh loại II và 300 km kênh loại III, ưu tiên đầu tư cho những khu vực có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn. Tỉnh cũng đã đề ra cơ chế đầu tư mới. Cụ thể, hạng mục kiên cố kênh loại III, thuộc khu vực I (đồng bằng), ngân sách tỉnh sẽ đầu tư 50% và 50% còn lại do ngân sách huyện, xã hỗ trợ, HTX và nhân dân đóng góp. Ðối với khu vực II (miền núi), ngân sách tỉnh đầu tư 70%, phần còn lại do địa phương và nhân dân đóng góp. Với phương châm "nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ", sắp tới, hằng năm, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ tối thiểu 17 tỷ đồng, cùng ngân sách cấp huyện và nhân dân đóng góp để thực hiện chương trình thủy lợi đất màu và kiên cố kênh nội đồng. Ðồng thời, tỉnh sẽ tiếp tục kêu gọi, huy động các nguồn vốn vay của các tổ chức và hỗ trợ ít nhất 10% ngân sách vượt thu hằng năm của tỉnh (sau khi đã dành 50% để cải cách tiền lương) để tăng nguồn vốn đầu tư cho chương trình này...
Nguồn: nhandan