TextBody
Huy chương 2

Quy hoạch thủy lợi miền Trung trong điều kiện biến đổi khí hậu: Mấu chốt bảo đảm ngăn mặn, giảm lũ

22/11/2011

Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi và Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, tổng số vốn đầu tư để thực hiện Quy hoạch tổng thể thủy lợi miền Trung trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng đến năm 2050 tiêu tốn khoảng 269 nghìn tỷ đồng, trong đó khu vực Bắc Trung Bộ là 109 nghìn tỷ đồng, Nam Trung Bộ là 160 nghìn tỷ đồng

Đề cập đến vấn đề này, mới đây tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội thảo “Quy hoạch tổng thể thủy lợi khu vực miền Trung trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng”. Các chuyên đầu ngành thủy lợi khẳng định, đây là nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng hàng đầu về nhiều mặt để miền Trung phát triển kinh tế, xã hội một cách bền vững.

Theo thạc sỹ Lương Ngọc Chung, Trưởng phòng Quy hoạch Bắc Trung bộ (Viện Quy hoạch thủy lợi), chủ nhiệm đề tài “Quy hoạch tổng thể thủy lợi trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng vùng Bắc Trung bộ”, tác động ảnh hưởng nước xâm mặn đối với khu vực này khá nặng nề. Theo tính toán, đến năm 2050, khoảng 81.110 ha thuộc các lưu vực sông Mã, sông Cả, sông Gianh, sông Nhật Lệ, sông Bến Hải, Thạch Hãn, Ô Lâu, sông Hương và các vùng phụ cận sẽ bị nước biển xâm mặn. Về mùa kiệt, dòng chảy trên các nhánh sông suối sẽ bị suy giảm từ 5-17%; khoảng 3.000 hồ đập nhỏ khả năng điều tiết kém ảnh hưởng đến nguồn nước sản xuất và sinh hoạt; tần suất các cơn bão cũng nhiều hơn, nhiều vùng phải chuyển sang tiêu bằng động lực.

Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Việt, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài “Quy hoạch tổng thể thủy lợi khu vực Nam Trung bộ trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng”, ngay điều kiện hiện tại, sự phân phối nước không đều đã dẫn đến tình trạng thiếu nước về mùa kiệt, lũ lụt thường xuyên xảy ra. Trong tương lai, dưới tác động của biến đổi khí hậu, những hậu quả về tài nguyên nước còn gay gắt hơn nhiều, thiên tai sẽ xảy ra nghiêm trọng tại Nam Trung bộ.

Các chuyên gia ngành thủy lợi cho rằng, có “lỗi” khi đã chậm trễ hoàn thành kịch bản quy hoạch thủy lợi khu vực miền Trung trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tuy nhiên, đây là một vấn đề lớn, phức tạp, đòi hỏi phải nghiên cứu từ nhiều khía cạnh và góc độ khác nhau từ thực tiễn. Do vậy, để đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, cần sớm quy hoạch thủy lợi và các công trình phòng chống giảm nhẹ thiên tai. Một số hệ thống thủy lợi hiệu quả thấp do vốn đầu tư hạn chế nên xây dựng thiếu hoàn chỉnh, đồng bộ;nhiều công trình chưa được tu bổ, sửa chữa kịp thời nên bị xuống cấp, thiếu an toàn… cần được đầu tư cải tạo, nâng cấp, đồng thời tu bổ các tuyến đê có nguy cơ cao ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của dân.

Bên cạnh đó, các địa phương cần phổ biến kiến thức về biến đổi khí hậu, nâng cao việc thích ứng của người dân với các tác động của biến đổi khí hậu. Mặt khác, tập trung tăng độ che phủ rừng đầu nguồn, trồng cây chắn sóng khu vực cửa sông, ven biển; xây dựng các khu vực tránh thiên tai; ngoài ra triển khai các chương trình nghiên cứu chuyển giao kỹ năng sản xuất phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu như: canh tác lúa ở vùng nhiễm mặn, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi...

Theo VP Bộ NN&PTNT

Ý kiến góp ý: