TextBody
Huy chương 2

Rà soát, bổ sung Quy hoạch phát triển thủy lợi

05/11/2009

Ngày 09/2/2009, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Đào Xuân Học đã chủ trì cuộc họp về Rà soát, bổ sung Quy hoạch phát triển Thủy lợi. Tham dự cuộc họp có nguyên Bộ trưởng Nguyễn Cảnh Dinh, lãnh đạo và chuyên viên Cục Thủy lợi, Cục Đê điều, Vụ Kế hoạch, Vụ Khoa học Công nghệ & Môi trường, Viện Quy hoạch Thủy lợi, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Trường Đại học Thủy lợi.

Theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn phải hoàn thành “Rà soát bổ sung Quy hoạch phát triển thủy lợi” và báo cáo Chính phủ trong Quý I năm 2009

Sau khi nghe ý kiến của nguyên Bộ trưởng Nguyễn Cảnh Dinh và các đại biểu tham dự, Thứ trưởng Đào Xuân Học đã có ý kiến kết luận:

“...Quy hoạch phát triển Thủy lợi sẽ dựa trên nền chiến lược phát triển thủy lợi, tuy nhiên phương án quy hoạch cụ thể hơn, chi tiết hơn chiến lược, quy hoạch phải đưa ra danh mục các công trình lớn. Cần nghiên cứu, tính toán các phương án cho từng vùng cụ thể: Đồng bằng Bắc Bộ: Tập trung các hệ thống thủy lợi lớn: Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ, Bắc Nam Hà, Ngũ Huyện Khê, Bắc Đuống, An Kim Hải..., nghiên cứu giải pháp công trình cho các vùng phân lũ chậm ở khu vực này (sông Đáy, sông Hoàng Long). Các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Miền núi phía Bắc: Tập trung các công trình lợi dụng tổng hợp trên dòng chính, các công trình phục vụ di dân tái định cư. Các công trình quy mô vừa và nhỏ phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Ngoài ra cần nghiên cứu việc sử dụng nước của một số sông quốc tế (sông Hồng, Đà, Bằng Giang, Kỳ Cùng); Miền trung: Tập trung nghiên cứu các giải pháp chống lũ chính vụ bằng các công trình cắt lũ thượng lưu và hệ thống đê bao, cống dưới đê. Các giải pháp phòng chống xói lở cửa sông và cấp nước ngọt cho dải ven biển Miền Trung phục vụ phát triển công nghiệp, dân sinh. Các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Miền Đông Nam Bộ: Tập trung nghiên cứu các hồ chứa của các bậc thang thủy điện, thủy lợi. Đề xuất các giải pháp chuyển nước lưu vực; Đồng bằng sông Cửu Long: Đây là vùng chịu ảnh hưởng lớn nhất của nước biển dâng, do đó cần nghiên cứu phương án quy hoạch thủy lợi thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Các giải pháp cấp nước ngọt cho vùng Bán đảo Cà Mau, phân ranh mặn ngọt vùng Quản Lộ - Phụng Hiệp, các giải pháp quy hoạch phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp... Ngoài ra còn nghiên cứu việc sử dụng nước của các nước thượng lưu sông Mê Công.

Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng đã phân giao nhiệm vụ cho các đơn vị: Giao Cục Thủy lợi tổng hợp chính, có trách nhiệm phối hợp, đôn đốc các đơn vị tư vấn sớm hoàn thiện báo cáo...; Viện Quy hoạch Thủy lợi chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Thủy lợi, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam lập báo cáo quy hoạch phát triển thủy lợi khu vực Miền Bắc, Miền Trung (đến hết Khánh Hòa, kể cả vùng Tây Nguyên)... Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam chủ trì, phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, Cơ sở 2 - Đại học Thủy lợi lập báo cáo quy hoạch phát triển thủy lợi khu vực Miền Nam (tính từ Ninh Thuận trở vào)...”

Tỉnh Thanh

 

Ý kiến góp ý: