TextBody
Huy chương 2

Sau 2 năm miễn giảm thuỷ lợi phí: Vẫn còn nhiều “tác dụng phụ”

15/02/2011

Miễn giảm thuỷ lợi phí được đánh giá là chính sách khoan sức dân, được sự hưởng ứng nhiệt tình của cả nông dân lẫn các đơn vị cung ứng tưới tiêu. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, bên cạnh mặt tích cực, chính sách này cũng tạo ra những “tác dụng phụ”, đòi hỏi cần được giải quyết dứt điểm.

Nhiều cái lợi

Huyện Điện Biên là vựa lúa lớn nhất của tỉnh Điện Biên, bình quân mỗi vụ nông dân gieo cấy 5.900 - 6.100ha. Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ công trình đại thuỷ nông Nậm Rốm và các hồ đập khác nên rất ít khi đồng ruộng của huyện gặp hạn, nhờ đó năng suất lúa luôn đạt 64 - 65 tạ/ha/vụ. Đây là kết quả sau hơn 2 năm triển khai chính sách miễn giảm thuỷ lợi phí của Chính phủ.

Đánh giá của Tổng cục Thuỷ lợi cho thấy, sau khi thực hiện chính sách miễn thủy lợi phí, diện tích rau màu, cây công nghiệp, cây vụ đông đủ nước tưới ngày càng tăng lên, khắc phục tình trạng giấu diện tích, nợ đọng thủy lợi phí. Bên cạnh đó, hầu hết các công trình thủy lợi được duy tu, sửa chữa thường xuyên nên đảm bảo an toàn, tạo nguồn nước tưới ổn định. Nếu như trước đây, các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi phải tự đi thu phí thì nay luôn được cấp ứng trước một khoản kinh phí để chủ động trong hoạt động, duy tu, sửa chữa các công trình thuỷ lợi.

Tại hầu hết các địa phương, kinh phí dành cho hoạt động này tăng lên rõ rệt, như Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn đạt trên 30% kinh phí. Đặc biệt, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thường dành kinh phí lớn để nạo vét, khơi thông kênh rạch như An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng.

Ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Linh Cảm (Hà Tĩnh) cho biết: “Chính sách này đã giúp các hộ dân phấn khởi, yên tâm sản xuất. Nhiều diện tích đất trước đây bỏ hoang được đưa vào sản xuất. Nếu năm 2007, khi chưa thực hiện chính sách, diện tích tưới của đơn vị trên 16.800ha thì đến năm 2010, con số này đã xấp xỉ 19.000ha. Thêm vào đó, các hộ còn quan tâm, đầu tư vào sản xuất nên năng suất tăng đáng kể”.

Vùng khó vẫn khó

Mặc dù miễn giảm thuỷ lợi phí được coi là chính sách khoan sức dân, góp phần thực hiện Nghị quyết tam nông, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, vướng mắc.

Đầu tiên phải kể tới mức thuỷ lợi phí còn nhiều bất cập. Tại Hà Nội, Nam Định, và khu vực Tây Nguyên, miền núi, việc lấy quy định của Nghị định 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ làm cơ sở tính toán, nhân với hệ số trượt giá (2,31 lần) để xác định mức thu quy định của Nghị định 115 là không phù hợp với thực tế. Với mức này, các tỉnh miền núi, Tây Nguyên sẽ gặp nhiều khó khăn do việc quản lý công trình thuỷ lợi trải trên địa bàn rộng, diện tích manh mún, chi phí quản lý, vận hành công trình cao nhưng mức thu quy định thấp, do vậy mức cấp bù rất thấp, trong khi đó, đối với các vùng khác như Đồng bằng sông Hồng, ĐBSCL còn dư kinh phí để sửa chữa công trình. Mặc dù chỉ tính theo mức thu tạo nguồn nhưng đối với các tỉnh ĐBSCL cũng không đáp ứng được theo quy định của Nghị định 115 vì nếu cấp đủ, các địa phương sẽ chuyển việc sử dụng nguồn kinh phí này theo hình thức xây dựng cơ bản. Thêm vào đó, vì không có cơ chế cấp kinh phí trực tiếp tới người dân nên khoản kinh phí phải trả cho việc bơm nước tưới, tiêu ở khu vực nội đồng của người dân còn rất lớn, thường từ 500.000-700.000 đồng/ha/vụ.

Một vấn đề khác cũng được đa số các địa phương có ý kiến với Bộ Nông nghiệp và PTNT là việc sử dụng thuỷ lợi phí còn bị gò ép bởi các chính sách hiện hành. Theo quy định của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi, Nghị định 143 của Chính phủ thì thủy lợi phí chỉ được dùng cho duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng và vận hành công trình thủy lợi, có bao gồm sửa chữa lớn. Do vậy, một số tỉnh có mức thu cao, sau khi sử dụng kinh phí thuỷ lợi cho công tác vận hành, duy tu, bảo dưỡng sửa chữa còn dư rất ít, nếu muốn sử dụng vào việc xây dựng cơ bản như kiên cố hoá kênh mương, đại tu nâng cấp công trình thuỷ lợi sẽ rất khó thực hiện do vướng mắc về cơ chế.

Ngoài những khó khăn trên, chính sách miễn giảm thuỷ lợi phí còn tạo ra một số “tác dụng phụ” như làm giảm sút đáng kể ý thức của các hộ sản xuất trong việc trả nợ số tiền thuỷ lợi phí trước đây. Hàng tỷ đồng nợ kéo dài nhiều năm nay đang có nguy cơ mất trắng. Nhiều nơi sử dụng nước một cách lãng phí...

Ông Đào Quang Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý thuỷ nông Điện Biên cho biết: Kể từ thời điểm thực hiện chủ trương miễn, giảm thuỷ lợi phí cho nông dân đến nay, hoạt động sản xuất của đơn vị gặp nhiều khó khăn do ngân sách Nhà nước thường cấp chậm so với kế hoạch và nhu cầu hoạt động. Năm 2010, dự toán kinh phí hoạt động 4,3 tỷ đồng, đến nay Công ty mới được ứng 1,5 tỷ đồng. “Là doanh nghiệp hoạt động công ích, nếu cấp trên rót kinh phí nhỏ giọt và liên tục chậm sẽ không khuyến khích cán bộ, công chức chuyên tâm với công việc, ảnh hưởng tới tiến độ sản xuất”, ông Chiến nói.

Theo KTNT, wrd.gov.vn

Ý kiến góp ý: