Sẽ có bốn đến năm đợt nắng nóng trên diện rộng, nhiệt độ cao nhất có thể lên tới 41 độ C
12/05/2011*Nắng nóng, nước xâm nhập gây thiệt hại cây trồng ở nhiều địa phương
Theo Trung tâm Dự báo KTTV TW, từ ngày 12/5, các tỉnh miền Bắc sẽ chịu ảnh hưởng của một bộ phận cao lạnh ở phía Bắc. Dự báo, đợt không khí lạnh này có cường độ yếu, lại ở thời điểm nhiệt độ trung bình ở ngưỡng cao nên chỉ chủ yếu gây mưa, nhiệt độ giảm không đáng kể...
Tuy nhiên, mưa rào kèm theo dông sẽ giúp người dân giải tỏa được cái nóng gay gắt đầu mùa. Còn tại khu vực các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ trời tiếp tục nắng nóng trên diện rộng trong hai đến ba ngày nữa với nhiệt độ cao phổ biến 35 đến 38 độ C.
Mùa hè năm nay sẽ có khoảng 4 đến 5 đợt nắng nóng trên diện rộng, riêng khu vực Trung Bộ có khoảng 7 đến 8 đợt và xảy ra từ tháng 5 đến tháng 8. Nhiệt độ cao nhất có thể lên tới 39 đến 41 độ C. Tuy nhiên, nhiều khả năng những đợt nắng nóng trong mùa hè năm nay chỉ diễn ra trong năm, sáu ngày. Áp thấp nóng xuất hiện muộn hơn, ít và yếu hơn.
Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư cũng cho biết, hiện nay mực nước sông Thao đang dao động, hạ lưu sông Lô dao động theo điều tiết của hồ Tuyên Quang và hồ Thác Bà, hạ lưu sông Hồng dao động theo thủy triều và điều tiết của các hồ chứa, hạ lưu sông Thái Bình chịu ảnh hưởng của thủy triều. Do ảnh hưởng mưa lớn diện rộng gây ra bởi rãnh áp thấp có trục qua Bắc Bộ kết hợp với hội tụ gió trên cao, trên thượng lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình vào ngày 13 và 14-5 có khả năng xảy ra đợt lũ tiểu mãn sớm hơn trung bình nhiều năm.
Từ ngày 24-4 đến 9-5, trên địa bàn TP Cần Thơ đã xảy ra ba vụ sạt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng. Trước tình hình trên, thành phố chỉ đạo các quận, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát nhất là các hộ dân sinh sống dọc theo các tuyến sông chính, các kênh rạch dòng chảy mạnh có nguy cơ sạt lở cao, lập tức di dời nhân dân đến nơi an toàn, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Ðồng thời cần quan tâm, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hoàn thành các cụm, tuyến dân cư vượt lũ cho người dân nằm trong khu vực có nguy cơ bị sạt lở cao để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Những ngày qua, nắng nóng đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất nông nghiệp tại nhiều tỉnh, thành phố. Tại thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đã xảy ra tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt, có hộ phải mua nước từ địa phương khác vận chuyển đến với giá 50 nghìn đồng/m3. Nắng nóng, khô hạn cũng đang đe dọa đến sản xuất nông nghiệp. Tại các huyện Nghi Lộc, Quỳnh Lưu đã bắt đầu xuất hiện tình trạng nhiễm mặn cục bộ trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Tỉnh khuyến cáo nông dân tiết kiệm nước trong tưới tiêu; đóng mở trạm bơm với thời gian hợp lý để tránh nước mặn xâm nhập vào. Theo Chi cục BVTV tỉnh Thừa Thiên - Huế, nắng nóng kéo dài đã làm gần 3.500 ha lúa bị nhiễm bệnh khô vằn và sâu cuốn lá nhỏ; hơn 17 ha lúa bị bệnh đạo ôn lá, đòng và cổ bông; rầy nâu gây hại có chiều hướng gia tăng với mật độ phổ biến từ 300 đến 500 con/m2, nơi cao lên đến từ 1.000 đến 1.500 con/m2... Chi cục đang hướng dẫn nông dân phun thuốc phòng bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh lem lép hạt. Ðối với diện tích lúa trổ muộn, không kịp thu hoạch để chuyển vụ, các địa phương cần chủ động lịch gieo cấy hợp lý. Hiện nay lượng nước tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận thấp hơn nhiều so cùng kỳ năm trước, do đó khả năng thiếu nước tưới cho vụ hè thu rất lớn. Tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng chủ động điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm, xây dựng kế hoạch tưới luân phiên giữa các kênh trong hệ thống; ưu tiên nước sinh hoạt và nước uống cho gia súc trong trường hợp hạn hán xảy ra; chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, giảm diện tích lúa, tăng diện tích các cây trồng cạn sử dụng ít nước... Những ngày qua, nắng nóng kéo dài cộng với nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng đã làm chết mía giai đoạn từ một tháng tuổi trở lên ở một số nơi tại huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng). Trong đó, xã Ðại Ân 1 huyện Cù Lao Dung bị thiệt hại gần 30 ha mía mới xuống giống. Hiện nay, chính quyền địa phương và nhân dân đang khẩn trương đối phó với tình trạng trên nhằm giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất. Trong khi đó tại Bạc Liêu, mực nước biển liên tục dâng cao bất thường, đặc biệt xuất hiện các cơn mưa trái mùa với lượng mưa khá lớn hay mùa khô kéo dài, do biến đổi khí hậu gây xói lở và cuốn trôi nhiều đoạn đê kè và nhà của người dân sinh sống ven đê. Ngoài ra, nước mặn xâm thực qua đê, qua các tuyến đường còn gây thiệt hại nặng đến sản xuất nông nghiệp, nuôi tôm của một số hộ dân. Tình trạng sạt lở ven sông, ven biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang tiếp tục có những diễn biến xấu. Ðặc biệt, bờ biển tây với chiều dài khoảng 93 km, trong đó 6,4 km đang bị sạt lở nghiêm trọng, cần được đầu tư nâng cấp trong trước mùa mưa bão năm nay. Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu, dòng chảy, thủy triều thi công đào bới bờ kênh không đúng quy trình kỹ thuật... Tỉnh Ðắk Lắk cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh chỉ còn 33.406 ha điều, giảm 3.015 ha so năm 2010. Nguyên nhân khiến diện tích cây điều đang suy giảm là thời tiết không thuận lợi cho phát triển của cây điều, cộng với việc người dân chuyển đất sang trồng cao-su, ca-cao và rừng. Bên cạnh đó, phần lớn diện tích điều của địa phương là do trồng tự phát, bằng các giống điều thực sinh, ít được đầu tư chăm sóc... nên năng suất khá thấp, khiến người dân không còn mặn mà.
Theo nhandan
Ý kiến góp ý: