TextBody
Huy chương 2

Tầm nhìn khoa học công nghệ 2020

30/03/2010

Năm 2009 đã qua đi với những ấn tượng sâu đậm về nền kinh tế và xã hội nước ta vượt qua tác động của khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, giữ vững ổn định và duy trì mức tăng trưởng khá, trong đó có phần đóng góp thiết thực của khoa học và công nghệ.           

 

 

Đất nước ta đang bước vào một thời kỳ chiến lược mới 2010-2020 tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm hướng tới mục tiêu trở thành một nước công nghiệp có trình độ phát triển trung bình trên thế giới. Làm thế nào để đạt được mục tiêu đó là một câu hỏi, một bài toán khó.

 

 

Có thể đặt ra nhiều phương án về hướng đi và cách làm, nhưng có một hướng hầu như ai cũng nghĩ tới và thống nhất, đó là vận dụng tối đa yếu tố tiến bộ khoa học và công nghệ của thời đại. Lựa chọn hướng đi này có thể được xem là khôn ngoan nhất, tuy không dễ dàng, nhưng cũng có rất nhiều khả năng thực tế. Khả năng đó nằm trong điều kiện thuận lợi của thế giới ngày nay mà nước ta là nước đi sau trong tiến trình phát triển; đồng thời, chúng ta có một lợi thế không nhỏ, cũng là một lợi thế chủ yếu trong phát triển, đó là con người Việt Nam với những tố chất cho phép có thể biến khả năng thành hiện thực.

 

 

 

Nhìn lại những chặng đường đã qua, có thể thấy Đảng và Nhà nước ta đã coi trọng phát triển khoa học và công nghệ, coi đây là quốc sách hàng đầu. Chúng ta đã đạt được không ít thành tựu về phát triển và ứng dụng khoa học cũng như công nghệ trong nền kinh tế và trong đời sống xã hội. Song gần như ai cũng thấy rằng những gì đã làm được trong lĩnh vực này còn rất khiêm tốn, dưới mức tiềm năng khá nhiều. Thời gian qua, đặc biệt là gần đây, chúng ta đã xác định được nguyên nhân chủ yếu nằm ở công tác quản lý khoa học và công nghệ gắn với quản lý kinh tế, cơ chế chính sách thiếu đồng bộ và tổ chức thực hiện yếu kém. Đã đến lúc phải rất khẩn trương khắc phục mặt hạn chế này, có quyết tâm rất cao và thống nhất, ráo riết trong hành động.

 

 

 

 

 

 

 

 

Vậy thì trong thời kỳ chiến lược tới, khoa học và công nghệ cần ưu tiên nhằm vào những mục tiêu và phương hướng phát triển nào? Có nhiều yêu cầu phải đáp ứng, trong đó nổi lên hàng đầu là góp phần thực hiện có hiệu quả công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng với việc thâm dụng vốn, tài nguyên, lao động giản đơn và lao động chất lượng thấp chuyển mạnh sang tích cực phát triển theo chiều sâu mà chủ yếu là sử dụng và phát huy các yếu tố tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ năng quản lý hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó yếu tố tiến bộ khoa học công nghệ là quan trọng nhất.

 

 

 

Trong từng ngành, lĩnh vực, từng vùng của nền kinh tế đều có không ít những vấn đề, những công việc cần và có thể giải quyết có hiệu quả cao, một khi ứng dụng tốt khoa học, công nghệ, trọng tâm là phục vụ cho chuyển dịch cơ cấu sản xuất kinh doanh theo hướng nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh; thật sự gắn nghiên cứu khoa học, công nghệ với đào tạo và sản xuất kinh doanh, làm cho khoa học và công nghệ thật sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Cùng với đổi mới, nâng cấp các ngành công nghiệp, kết cấu hạ tầng và dịch vụ, cần coi trọng đưa nhanh tiến bộ khoa học và công nghệ vào nông nghiệp và nông thôn để tạo một chuyển biến mạnh mẽ trong sự phát triển của khu vực này.

 

 

 

Công cuộc phát triển đất nước cũng đòi hỏi sự tham gia đóng góp có hiệu quả hơn của các nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn, nhất là để phục vụ cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, thể chế, xây dựng nền văn hóa và con người mới. Công tác điều tra và nghiên cứu trong các ngành khoa học tự nhiên nên hướng mạnh vào việc sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, ứng phó có hiệu quả với sự biến đổi khí hậu và hủy hoại môi trường ngày càng gia tăng. Các ngành khoa học cơ bản gắn bó hơn nữa với các nghiên cứu ứng dụng, có định hướng, có trọng điểm và góp phần thiết thực vào nâng cao trình độ khoa học của đất nước.

 

 

Để thực hiện được những yêu cầu nói trên, phù hợp với nền kinh tế thị trường ngày càng hiện đại và theo định hướng xã hội chủ nghĩa, không thể nào khác là phải phát triển mạnh thị trường khoa học và công nghệ để tạo đầu ra cho sản phẩm khoa học và công nghệ và đó cũng là động lực chủ yếu cho phát triển khoa học và công nghệ. Đồng thời ra sức nâng cao năng lực, xây dựng và sử dụng có hiệu quả tiềm lực khoa học và công nghệ đồng bộ cả về cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực, trong đó chú trọng thích đáng cho phát triển kinh tế tri thức. Nhà nước tập trung đầu tư nhiều hơn, có hiệu quả hơn cho các lĩnh vực trọng điểm, đồng thời thu hút mọi nguồn lực trong xã hội và từ nước ngoài cho công việc này, tiếp cận dần mức trung bình của thế giới về đầu tư và chi phí cho khoa học và công nghệ so với GDP. Có như vậy mới từng bước rút ngắn được khoảng cách về trình độ khoa học và công nghệ với các nước phát triển và tiến dần tới đạt trình độ tiên tiến trên thế giới, trước hết là trong một số lĩnh vực quan trọng mà chúng ta có điều kiện như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học...

 

 

 

Một vấn đề quan trọng nữa là Đảng và Nhà nước có chính sách, giải pháp đồng bộ và thực hiện tốt việc đào tạo, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng nhân tài khoa học và công nghệ; thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tính độc lập tự chủ, tự do trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức vì sự phát triển của đất nước; hình thành và vận hành tốt hệ thống đánh giá kết quả, hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ, thực hiện nghiêm các quy định về quyền sở hữu trí tuệ.

 

 

 

Năm 2009 đã qua đi với những ấn tượng sâu đậm về nền kinh tế và xã hội nước ta vượt qua tác động của khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, giữ vững ổn định và duy trì mức tăng trưởng khá, trong đó có phần đóng góp thiết thực của khoa học và công nghệ. Về mốc 50 năm hình thành và phát triển Ngành khoa học và công nghệ của nước Việt Nam mới được ghi nhận bằng phần thưởng cao quý Huân chương Sao Vàng, chúng ta càng vững vàng niềm tin về một chặng đường mới đầy khó khăn nhưng cũng đầy triển vọng tươi sáng của nền khoa học và công nghệ nước nhà khi chuẩn bị bước sang một thập kỷ mới.

 

Hãy để cho niềm tin đó soi sáng và thôi thúc chúng ta tiến bước. 

 

TS. LƯU BÍCH HỒ

Nguyên Viện trưởng

Viện Chiến lược chính sách

 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

 

Nguồn: khoahoc&phattrien

Ý kiến góp ý: