Tác động của tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công lên chế độ thủy động lực các khu vực lân cận
25/06/2014Bài báo này trình bày một số kết quả sơ bộ ban đầu về đánh giá tác động của Dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công lên chế độ thủy động lực học khu vực các cửa sông và vùng ven biển lân cận dự án bằng công cụ mô hình toán.
I. MỞ ĐẦU
Vùng bờ biển từ Vũng Tàu đến Tiền Giang có đặc điểm tự nhiên rất khác biệt với các vùng xung quanh: là vùng giao hội của hai hệ thống sông lớn là sông Cửu Long và hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai, là nơi chuyển tiếp giữa hai loại hình thái bờ biển khác nhau: bờ mềm với dạng kiến tạo triều chiếm ưu thế, trầm tích bùn là chủ yếu, có hình dạng bờ lồi kẹp giữa các cửa sông của đồng bằng sông Cửu Long và bờ vách đá cứng trầm tích cát là chủ yếu, có hình dạng bờ lõm giữa các mỏm đá của bờ biển Vũng Tàu và vùng phía Bắc của nó. Chế độ thủy thạch động lực của khu vực này bị chi phối bởi dòng chảy trên các hệ thống sông nói trên cũng như chế độ thủy triều biển Đông và chế độ khí hậu gió mùa.
Dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công có mục tiêu là giảm lũ, chống ngập và xâm nhập mặn cho toàn vùng thành phố Hồ Chí Minh (Tp.HCM) trước mắt và lâu dài, đồng thời tăng cường khả năng thoát lũ, giảm chiều sâu và thời gian ngập lũ, chống xâm nhập mặn cho vùng Đồng Tháp Mười, Gò Công, Long An. Đê biển Vũng Tàu - Gò Công sẽ giảm nhẹ thiên tai và các tác động từ biển cho toàn bộ khu vực Tp.HCM và vùng Đồng Tháp Mười [1]. Khi công trình đê biển Vũng Tàu – Gò Công được xây dựng, chắc chắn sẽ làm thay đổi chế độ thủy thạch động lực vùng cửa sông ven biển. Đối tượng chịu sự chi phối nhiều nhất sẽ là các sông, cửa sông và ven biển giữa hai đầu tuyến đê, như vịnh Gành Rái, các cửa sông Soài Rạp, Đồng Tranh. Các vùng biển và cửa sông bên ngoài và lân cận công trình từ Bến Tre đến Vũng Tàu cũng chịu ảnh hưởng. Càng xa vị trí công trình thì mức độ ảnh hưởng sẽ giảm dần.
Bài báo này trình bày một số kết quả sơ bộ ban đầu của đề tài về đánh giá tác động của dự án đê biển Vũng Tàu – Gò Công lên chế độ thủy động lực học khu vực các cửa sông và vùng ven biển lân cận dự án bằng công cụ mô hình toán. Phương án tuyến đê được xem xét đánh giá được trình bày như trên Hình 1, theo đó đê biển sẽ gồm 2 đoạn: (i) Đoạn đê chính bắt đầu từ Gò Công đến cách Vũng Tàu khoảng 5 km và nối với Vũng Tàu bằng cầu giao thông; (ii) Đoạn đê phụ nối tiếp điểm cuối đê chính với Cần Giờ. Việc phân tích sẽ được tiến hành bằng cách so sánh chế độ thủy động lực học các phương án công trình có bề rộng cửa thoát nước khác nhau so với hiện trạng.
Chi tiết bài báo xem tại đây: Tác động của tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công lên chế độ thủy động lực các khu vực lân cận
Tác giả: ThS. Trần Bá Hoằng, TS. Nguyễn Duy Khang
Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam
Tạp chí KH&CN Thủy lợi
Ý kiến góp ý: