TextBody
Huy chương 2

Tăng cường dự báo về biến đổi khí hậu

11/05/2011

Phát biểu tại họp báo Ngày Môi trường Thế giới (5/6) sáng 10/5 tại Hà Nội, đại diện Cục Khí tượng Thủy văn&Biến đổi Khí hậu cho biết thông báo quốc gia lần thứ hai của Việt Nam cho Công ước Khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi Khí hậu đề cập đến vấn đề ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường; tăng cường thông báo quan trắc, dự báo biến đổi khí hậu.

Tại buổi họp báo, Bộ Tài nguyên&Môi trường công bố việc hoàn thành thông báo lần thứ hai của Việt Nam cho Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (Công ước Khí hậu).

Thông báo, đã được gửi cho Ban Thư ký Công ước Khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi Khí hậu tại hội nghị lần thứ 16 các bên tham gia Công ước Khí hậu tại Cancun, Mexico hồi tháng 12/2010, có ba nội dung cơ bản.

Thứ nhất kiểm kê quốc gia khí nhà kính năm cơ sở 2000 cho các lĩnh vực năng lượng; các quá trình công nghiệp; nông nghiệp; sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp; chất thải đối với khí nhà kính chủ yếu là CO2, CH4, và N2O. Ước tính lượng khí nhà kính phát thải của ba nguồn phát thải, bể hấp thụ khí nhà kính chính tại Việt Nam là năng lượng; nông nghiệp; sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp vào các năm 2010, 2020, và 2030.

Thứ hai, trên cơ sở xác định các nguồn phát thải, bể hấp thụ khí nhà kính thông qua kiểm kê quốc gia khí nhà kính và quy hoạch phát triển ngành, đã đánh giá và xây dựng một số phương án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho ba lĩnh vực chính tại Việt Nam là năng lượng; nông nghiệp; sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp.

Cuối cùng, xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu tại Việt Nam và, trên cơ sở đó, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, khả năng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu gây ra và đề xuất các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu cho các lĩnh vực chính như tài nguyên nước; vùng ven bờ; nôn nghiệp, lâm nghiệp; thủy sản; năng lượng; giao thông vận tải, và sức khỏe.

Ngoài những nội dung nêu trên, thông báo còn đề cập đến vấn đề ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường; tăng cường thông báo quan trắc, dự báo biến đổi khí hậu và nghiên cứu, đào tạo, và nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu.

Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn&Biến đổi Khí hậu, nói: “Việt Nam hướng tới hiện đại hóa hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu nói riêng.”

"Năm 2000, phát thải khí nhà kính ở Việt Nam là từ 1,5 – 1,6 tấn/đầu người trong khi Trung Quốc khoảng 3 tấn/đầu người. Trong sáu loại khí nhà kính, Việt Nam thực hiện kiểm kê ba loại gồm CO2, CH4, và N2O, Việt Nam có tiềm năng giảm phát thải khí mê tan sinh ra trong quá trình trồng lúa nước mà chi phí lại thấp, hiệu quả cao”, ông Hiếu cho biết thêm.

Ông Hiếu cho biết các thông tin nêu trong thông báo sẽ góp phần hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương, địa phương lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu trong quá trình lập kế hoạch, quy hoạch phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Liên quan đến vấn đề toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam với đoàn đại biểu cấp Chính phủ sẽ tham dự Đại hội Khí tượng Thế giới lần thứ 16 (WMO) tổ chức tại Geneva, Thuỵ Sỹ từ ngày 16/5 đến 3/6 tới. Đại hội là một trong những sự kiện quốc tế quan trọng của ngành khí tượng thuỷ văn toàn thế giới được tổ chức 4 năm/lần nhằm xem xét thông qua các quy định, định hướng phát triển và hợp tác về khí tượng thuỷ văn toàn thế giới. Ngoài ra, đại hội còn tập trung trao đổi, đề xuất hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, cung cấp dịch vụ khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu trong khuôn khổ WMO. Việc Việt Nam tham dự đại hội thể hiện vai trò, trách nhiệm cũng như tăng cường hội nhập quốc tế về lĩnh vực khí tượng thuỷ văn và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo vfej.vn

Ý kiến góp ý: