Tăng cường quản lý tài nguyên nước
20/03/2013Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước do biến đổi khí hậu. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước hiện nay thiếu bền vững, chưa hợp lý và hiệu quả thấp; chất lượng nguồn nước đang suy giảm. Bởi vậy, tăng cường quản lý tài nguyên nước đang là vấn đề cấp bách hiện nay
Theo Viện Tài nguyên nước và Môi trường Đông Nam Á, Việt Nam có tổng cộng 2.372 sông dài từ 10 km trở lên nhưng có tới 62,2% tổng nguồn nước mặt là "nhập khẩu". Theo tiêu chí của Hội Tài nguyên nước quốc tế, bình quân mức sử dụng nước của thế giới là 7.400 m3/người/năm, trong khi đó, theo thống kê năm 2010, Việt Nam trở thành quốc gia thiếu nước với mức bình quân 3.850 m3 nước/người/năm.
Hiện nay, chỉ tính lượng tài nguyên nước mặt sản sinh trên lãnh thổ thì nước ta đã thuộc vào số các quốc gia thiếu nước, tình trạng này sẽ ngày một gay gắt hơn trong tương lai gần. Vì vậy, an ninh quốc gia về tài nguyên nước cần được đặc biệt quan tâm nhằm giảm thiểu thiệt hại về nhiều mặt do thiếu nước.
Bên cạnh đó, năng lực bảo đảm nước của các công trình thủy lợi, thủy điện chưa theo kịp với nhu cầu sử dụng nước hiện nay (chỉ trữ được khoảng 7,7% lượng nước sông), cộng thêm lớp thảm thực vật phủ trên lưu vực suy giảm mạnh, xói mòn gia tăng dẫn đến các hồ chứa bị bồi lấp nhanh chóng. Dự đoán trong vòng 20 năm tới, các hồ sẽ không còn đủ dung tích trữ nước và phòng lũ như đã thiết kế, chưa kể hiện tượng xâm nhập mặn từ biển vào đất liền theo các dòng sông, các biểu hiện suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước mặt và nước dưới đất do công nghiệp hóa, đô thị hóa đang trở nên rõ rệt và phổ biến.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đào Xuân Học, có tới 90% thiên tai ở Việt Nam liên quan đến nước, vì vậy quản lý tài nguyên nước phải tính đến những thảm họa này, cũng như vấn đề khô hạn, xâm nhập mặn diễn ra ngày một gay gắt hơn do biến đổi khí hậu gây ra.
Đề cập về tăng cường quản lý tài nguyên nước, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Hoàng Văn Bảy cho rằng, cần triển khai thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội thông qua. Trước hết là rà soát, điều chỉnh, bổ sung để ban hành các văn bản về cấp phép, xử lý vi phạm hành chính; xây dựng các văn bản để triển khai thực hiện các quy định mới của Luật này. Đi đôi với việc hoàn thiện Kế hoạch hành động quốc gia về nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường, trình Thủ tướng Chính phủ và chuẩn bị triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước, triển khai xây dựng các trạm quan trắc, hệ thống thông tin, cơ sở quốc gia, đẩy mạnh công tác quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước. Qua đó, đề xuất các giải pháp nhằm thích ứng với những hậu quả do tác động biến đổi khí hậu gây ra đối với tài nguyên nước.
Theo dangcongsan.vn
Ý kiến góp ý: