TextBody
Huy chương 2

Tăng trưởng xanh: Bây giờ là quá muộn

10/07/2013

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế xã hội, dựa trên những nghiên cứu về tài nguyên môi trường và phát triển bền vững, thì đối với nhiều quốc gia trên thế giới, tăng trưởng đang là xu thế tất yếu. Nếu không bắt đầu từ bây gờ, cái giá phải trả cho những năm sau sẽ rất lớn.

 Những con số ấn tượng từ Hàn Quốc

TS. Myung Kyoon Lee, Giám đốc Quy hoạch và thực hiện tăng trưởng xanh (Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu –GGGI), tại Diễn đàn đầu tư hướng tới tăng trưởng xanh ở Quảng Nam đưa ra một ví dụ nhỏ về việc chuyển hướng tăng trưởng xanh khiến nhiều người ngạc nhiên. Số liệu của ông cho thấy, những nỗ lực trong gần 15 năm của một ngôi làng nhỏ ở Hàn Quốc - làng Suncheon đã mang đến những con số hết sức ấn tượng.

Từ năm 1996, người dân ở ngôi làng này đã thực hiện triệt để việc không sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học trong sản xuất cây trồng. Họ cho dỡ bỏ 282 cột điện, di dời các nhà hàng ngoài khu vực vùng vịnh và thành lập khu bảo tồn sinh thái rộng 9,6 triệu m2. Cùng với chiến lược lâu dài về phát triển bền vững, người dân bắt đầu thay đổi lối sống, tập quán canh tác, sản xuất, ý thức bảo vệ môi trường.

Kết quả, theo thống kê, trong khoảng 15 năm từ 1996 đến 2010, từ một ngôi làng nông thôn trầm lắng đã trở thành trung tâm du lịch sinh thái. Những chuyển dịch của môi trường tự nhiên mới thật là kỳ diệu: từ chỉ có 79 loài chim di cư năm 1996, đến năm 2010, số chim di cư tại làng Suncheon đã tăng lên đến 525 loài. Và đến 2012, đã có tới ba triệu lượt khách du lịch đến ngôi làng này. Chỉ riêng cuộc triển lãm về Vịnh Suncheon năm 2013 mới đây đã thu hú tới 1,28 triệu lượt khách chỉ riêng trong tháng 4.

Lấy lại những gì đã mất…


Lịch sử hàng trăm năm của những nước phát triển luôn đi liền với những con số tác động, ảnh hưởng tới môi trường toàn cầu. Hiệu ứng phát thải nhà kính, sự cạn kiện nguồn nước, thu hẹp một cách nhanh chóng diện tích cây xanh, cánh đồng, mặt nước... là cái giá đắt cho sự phát triển.

TS. Myung Kyoon Lee nhận định rằng, thế giới ngày nay đã rất khác so với những năm 70 của thế kỷ trước. Sự suy giảm tài nguyên thiên nhiên, giảm diện tích đất canh tác, diện tích đất trên đầu người, nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng, nạn phá rừng tự nhiên với tốc độ chóng mặt, sự chênh lệch giữa nông thôn và đô thị... Nghiêm trọng hơn là chúng ta đang phải đối phó với biến đổi khí hậu và an ninh lương thực, an ninh năng lượng.

Vì vậy, những mô hình tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu khi tính đến chiến lược lâu dài cho phát triển kinh tế bền vững. Đơn giản, như TS. Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) nhận định, đầu tư phát triển kinh tế xanh chính là tìm cách để lấy lại những gì đã mất. Ông cho rằng, các nước phát triển phải “trả lại những gì họ đã lấy đi” bằng cách đầu tư, hỗ trợ những dự án tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế bền vững.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam định hướng trong những năm sắp tới, bắt đầu hướng đến nền kinh tế carbon thấp, làm giàu vốn tự nhiên là xu thế chủ đạo, giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội.

Những thách thức đang phải đối mặt đó là suy thoái môi trường, việc khai thác tài nguyên để phát triển công nghiệp nhanh, trong đó trồng cao su xâm lấn đất rừng cũng được coi là một nguy cơ nghiêm trọng. Sự phát triển chưa cân bằng về lao động, sự chênh lệch và tụt hậu giữa nông thôn và đô thị - nếu không bù lấp bằng giải pháp bền vững thì lại là một nguy cơ mới: Đô thị hóa nông thôn đồng nghĩa tàn phá môi trường và gia tăng nghèo đói.

Bắt đầu từ “lối sống xanh”

Trong vòng 10 năm trở lại đây, Quảng Nam đang từng bước khởi đầu phát triển kinh tế xanh tại một số trọng điểm. Hội An, Cù Lao Chàm, và bây giờ là Tam Kỳ... đang được xây dựng những chiến lược cụ thể.

Qua khảo sát cách đây năm năm, Cù Lao Chàm, rất tự nhiên - vẫn bị ảnh hưởng bởi những tác động từ con người tới hệ sinh thái. Những rặng san hô ven bờ đảo hầu như không mọc được do sự xả thải vô ý thức của con người. Chính quyền đã tuyên truyền, vận động người dân bắt đầu từ những việc làm rất cụ thể. Hằng ngày, các cán bộ đoàn thể phụ nữ, thanh niên đan những chiếc giỏ đi chợ bằng lá dừa, lá cọ đến tận các chợ phát cho người dân, bắt buộc những ai mang theo túi nilon đi chợ phải quay về. Những quy định đó cũng thực hiện với cả khách du lịch: không một bao đựng rác bằng nilon nào được phép mang ra đảo.

Tương tự như ngôi làng Suncheon ở Hàn Quốc, điều kỳ diệu đã đến với Cù Lao Chàm. Chỉ mấy năm hạn chế ô nhiễm, rạn san hô ven đảo đã mọc trở lại, khiến cho dịch vụ lặn biển trở thành tour hút du khách, mang lại doanh thu không nhỏ cho hòn đảo này.

Những chính sách vĩ mô

Đầu tư tăng trưởng xanh, như TS. Myung Kyoon Lee nói, trong rất nhiều giải pháp đồng bộ, thì chiến lược quốc gia trong đó những chính sách vĩ mô về quản lý tài nguyên đất, nước,chính sách về thuế, khuyến khích doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Chỉ riêng việc quản lý chất thải rắn hiện nay đã là một vấn đề cần được đầu tư nghiên cứu và thực hiện triệt để.

Cũng kinh nghiệm từ Hàn Quốc, chất thải rắn được coi như nguyên liệu đầu vào. Chỉ trong vòng 10 năm từ 1994 đến 2004, khi thực hiện xử lý rác thải theo công nghệ hiện đại, quản lý chặt chẽ, lượng chất thải phát ra môi trường giảm đi đến 53 nghìn 670 tấn. Lượng chất thải được tái chế lên đến 16 nghìn 470 tấn. Từ đó, tiết kiệm được 6,72 tỷ USD. Đó quả thật là những con số đáng kinh ngạc khiến nhiều người phải giật mình.

Bài toán về phát triển bền vững, đầu tư vào những dự án tăng trưởng xanh có thành hiện thực hay không phải dựa rất nhiều vào những chính sách vĩ mô cấp nhà nước, cấp bộ. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã đặt ra những mục tiêu cụ thể. Tuy nhiên, để hoàn thiện và khả thi, cần giải pháp đồng bộ: Chiến lược đầu tư phải lồng ghép những mục tiêu dài hạn, ngoài đầu tư công khuyến khích những dự án đầu tư tư nhân bằng chính sách giảm thuế (hoặc miễn thuế) cho những dự án tăng trưởng xanh. Ngược lại với những dự án tác động môi trường, tiêu hao năng lượng và tài nguyên thiên nhiên thì đánh thuế cao. Một việc quan trọng là hoàn thiện hệ thống tiêu chí đánh giá về tăng trưởng xanh và tiết kiệm năng lượng. Điều này hết sức cần thiết để góp phần bắt đầu từ chuyển biến nhận thức.

Rất nhiều giải pháp được đưa ra tại Diễn đàn đầu tư hướng tới tăng trưởng xanh ở Quảng Nam trong khuôn khổ Festival Di sản vừa qua. Hướng tới tăng trưởng xanh để phát triển bền vững còn là lời kêu gọi như một cơ hội vượt qua thách thức để phát triển kinh tế trong thời kỳ khủng hoảng.

Theo nhandan

Ý kiến góp ý: