Tạo áp lực quốc tế đối với việc xây đập thượng nguồn
19/07/2010Không chỉ tại sông Mekong, việc xây đập trên các sông chảy qua nhiều nước đã là bài học của cả thế giới về tác động đến môi trường và đời sống người dân đồng thời là đối tượng gây tranh cãi, thậm chí xung đột liên tiếp giữa các nước chung dòng.
Một số đập xây xong đã bị lên án mạnh mẽ, số khác đang xây dựng cũng chịu sức ép từ nhiều phía dẫn đến trì hoãn.
Trong tài liệu Bảo vệ sông ngòi và quyền lợi (Protecting Rivers and Rights) công bố tháng này, tổ chức International Rivers đã xếp các trường hợp dưới đây vào diện không tuân thủ nguyên tắc về các tác động môi trường hạ nguồn. Theo đó, chính sách của các quốc gia liên quan đến các nguồn nước cùng chia sẻ với các nước khác cần phải thông qua thỏa thuận với các nước liên quan trên cơ sở tin cậy lẫn nhau.
Đập Farakka, Ấn Độ/Bangladesh
Việc xây dựng đập nước trên các sông chảy qua nhiều nước
làm bùng nổ các cuộc tranh cãi không chỉ giữa chính quyền
và người dân, mà còn giữa các nước với nhau.
Xây dựng từ năm 1960 đến năm 1974, đập Farakka trên sông Hằng thuộc bang Tây Bengal của Ấn Độ (cách biên giới Bangladesh 10km) là con đập dài nhất có tên trong sách Guinness. Con đập được xây nhằm mục đích chuyển hướng nước sông Hằng vào sông Hugli (phần nối dài của sông Bhagirathi, một trong hai con sông đầu nguồn của sông Hằng) cho mùa khô (từ tháng 1 đến tháng 6 hàng năm) và ngăn bùn tích lũy.
Con đập Farakka gần như lấy đi nguồn cung nước cho nước láng giềng Bangladesh, nơi mà trên 80% nông dân phụ thuộc vào nguồn nước chảy từ Ấn Độ để trồng trọt. Dần dần, hiện tượng nhiễm mặn xuất hiện ở phía, ảnh hưởng đến nguồn cá, đe dọa chất lượng nước và sức khỏe người dân. Độ ẩm thấp của đất cùng với độ mặn gia tăng đã gây sa mạc hóa.
Nhiều hoạt động chính trị ngoại giao đã diễn ra giữa 2 nước từ năm 1974 xoay quanh vấn đề chia sẻ nguồn nước từ Ấn Độ. Năm 1976, Liên Hiệp Quốc cũng can thiệp yêu cầu Ấn Độ ngồi vào bàn đàm phán với Bangladesh. 2 nước đã có nhiều hiệp định sau đó nhưng vẫn thiếu các cam kết dài hạn.
Đến năm 1996, Hiệp ước về Chia sẻ nguồn nước sông Hằng đã được ký kết giữa hai bên với thời hạn 30 năm. Tuy nhiên, người dân và các tổ chức quốc tế vẫn phàn nàn về sự thiếu tuân thủ cam kết của Ấn Độ. Bangladesh luôn ở thế bị động nhưng mọi chuyện cũng đã rồi.
Đập Ilisu, Thổ Nhĩ Kỳ/Iraq/Syria
Đập Ilisu trên sông Tigris, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu khởi công vào tháng 8/2006, dự kiến hoàn thành vào năm 2013. Đây được xem là dự án thủy điện lớn nhất của nước này với giá trị đầu tư ước tính 1,7 tỉ USD và là một trong những dự án gây tranh cãi nhiều nhất thế giới. Nếu xây xong, con đập có thể buộc 70.000 cư dân di dời, nhấn chìm thành cổ 10.000 năm tuổi Hasankeyf và phá hủy các khu vực sinh thái quan trọng. Chính quyền Iraq lo ngại quốc gia thượng nguồn sử dụng con dập để kiểm soát dòng nước sông Tigris gây thiệt hại cho các nước hạ nguồn.
Theo luật quốc tế, Thổ Nhĩ Kỳ phải cung cấp thông tin, tham vấn và đàm phán với các nước liên quan là Iraq và Syria để đảm bảo khai thác sông Tigris hợp lý. Đến năm 2007, Iraq phản đối xây đập, gây bế tắc trong đàm phán giữa 3 nước.
Các xung đột xuyên quốc gia và phản đối quốc tế làm cho công tác vận động nguồn vốn cho dự án gặp nhiều khó khăn. Trước khi khởi công vào năm 2006, các tổ chức tín dụng của Đức, Thụy Sĩ và Áo đã đồng ý để tài trợ 610 triệu USD. Sau đó, trước áp lực của cộng đồng trong nước và quốc tế, đến 12/2008, các công ty trên ngừng cung cấp kinh phí và cho Thổ Nhĩ Kỳ thời hạn 180 ngày để đáp ứng hơn 150 tiêu chí môi trường và xã hội.
Tháng 6/2009, do các tiêu chí đề ra chưa được đáp ứng, các khoản tài chính chính thức bị cắt giảm. Nỗ lực của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trong việc tìm kiếm các nhà tài trợ phương Tây đã thất bại. Tương lai con đập này bị đe dọa.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn xác định tiếp tục kế hoạch. Vào tháng 12/2009, nước này đã mời được nhà đầu tư từ Trung Quốc.
Đập Gibe 3, Ethiopia/Kenya
Nếu hoàn thành, Gibe 3, trên sông Omo, thuộc lãnh thổ Ethiopia sẽ trở thành đập thủy điện lớn và cao nhất châu Phi với công suất 1.870 MW và chiều cao 240m. Theo ước tính, đập sẽ tăng sản lượng điện của Ethiopia lên 234% và phục vụ tốt kế hoạch xuất khẩu điện sang các nước láng giềng.
Tuy nhiên, sau 2 năm từ khi bắt đầu thi công vào năm 2006, đơn vị tài trợ chính cho dự án là ngân hàng Phát triển châu Phi vẫn không thực hiện bất cứ đánh giá nào về các tác động của con đập và đơn phương cấp 250 triệu USD cho dự án.
Nhiều tổ chức quốc tế lên tiếng phản đối việc này, cho rằng ngân hàng đã vi phạm luật pháp Ethiopia và quy định quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng. Các tổ chức này còn cho rằng con đập sẽ làm thay đổi chu kỳ lũ sông Omo, ảnh hưởng đến hệ sinh thái, đến cuộc sống hàng trăm nghìn người từ 8 nhóm cư dân bản địa, cũng như hai di sản thế giới là hồ Turkana và thung lũng thấp Omo.
Trước phản ứng của dư luận, cuối năm 2009, ngân hàng Phát triển châu Phi đã phải xem xét việc cấp kinh phí cho đến khi có đánh giá cụ thể tác động môi trường. Hiện dự án cần trên một tỉ USD nữa để kịp hoàn thành vào năm 2013 theo dự kiến.
Nguồn: SGTT
Ý kiến góp ý: