TextBody
Huy chương 2

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 11 năm 2012

 

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THỦY LỢI
SỐ 11 (11/2012)

 

TT

Tên bài báo

Tác giả

Tóm tắt

I

Khoa học công nghệ

 

 

1

Định hướng phát triển Viện Thủy Công đến năm 2020

PGS.TS. Nguyễn Quốc Dũng

 

2

Cửa van và thiết bị điều khiển cho các cống thuộc dự án chống ngập thành phố Hồ Chí Minh

ThS. Lê Đình Hưng, GS.TS. Trương Đình Dụ

Nghiên cứu lựa chọn cửa van khẩu độ lớn, phù hợp cho dự án chống ngập úng thành phố Hồ Chí Minh là một trong những yêu cầu quan trọng. Nhiệm vụ cửa van là ngăn triều, tháo lũ và điều tiết mực nước khi cần thiết. Vì vậy cửa van phải có độ tin cậy cao, có thẩm mỹ, hài hòa với cảnh quan đô thị. Thời gian đóng mở cửa van phải đủ nhanh, công tác bảo dưỡng và sửa chữa dễ dàng. Kết cấu cửa van không gây bất lợi cho việc xây dựng kết cấu thủy công. Từ những kết quả nghiên cứu thiết kế các công trình ngăn sông và kết quả nghiên cứu của đề tài "Nghiên cứu thiết kế, chế tạo, lắp đặt và vận hành một số cửa van kiểu mới phục vụ chống ngập úng khu vực TP Hồ Chí Minh”, trong bài báo này giới thiệu và phân tích những yêu cầu khi thiết kế cửa van và thiết bị đóng mở cho công trình chống úng ngập cho thành phố Hồ Chí Minh.

3

Một số vấn đề kỹ thuật trong thiết kế khối đắp trên nền cọc

PGS.TS. Nguyễn Quốc Dũng

Nhu cầu xây dựng hạ tầng ngày càng tăng dẫn đến có những công trình phải xây dựng trên nền đất yếu, chính vì vậy, cần phải có các giải pháp xử lý. Một trong các phương pháp xử lý nền đất yếu là sử dụng cọc (piled embankment). Đây là phương pháp có nhiều ưu điểm và có giá thành ngày càng thấp. Bài báo này giới thiệu một số vấn đề chủ yếu liên quan đến kỹ thuật thiết kế khối đắp trên nền đất yếu nhằm cung cấp cho người đọc những khái niệm bước đầu khi tiếp cận với công nghệ này.

4

Bàn về phương pháp tính toán gia cố nền bằng cọc xi măng - đất

TS. Phùng Vĩnh An

Bài báo đề cập đến những tồn tại trong phương pháp tính toán được quy định trong tiêu chuẩn Việt Nam TCXDVN 385:2006 “Phương pháp gia cố nền bằng trụ đất xi măng” và TCCS 05:2010/VKHTLVN “Hướng dẫn sử dụng phương pháp Jet Grouting tạo cọc đất xi măng để gia cố đất yếu, chống thấm nền và thân công trình đất”, đồng thời, đề xuất một số điểm nhằm hoàn thiện các tiêu chuẩn đã nêu trên.

5

Bàn về công nghệ xây dựng đập bằng bê tông đầm lăn

PGS.TS. Hoàng Phó Uyên

Bê tông đầm lăn (BTĐL) là một loại bê tông không có độ sụt được rải, san và sau đó đầm chặt bằng máy đầm lăn. Sử dụng BTĐL được xem là bước phát triển đột phá trong công nghệ xây dựng đập bê tông trọng lực công trình thủy điện, thủy lợi. Ưu điểm cơ bản của BTĐL là giá thành rẻ, tốc độ thi công nhanh, giảm được ứng suất nhiệt trong lòng khối đổ do lượng dùng xi măng thấp. Tuy nhiên BTĐL cũng có những nhược điểm không nhỏ đó là: chất lượng bám dính giữa các lớp đổ, tính chống thấm nước kém và chất lượng của BTĐL không đồng đều. Mặc dù công nghệ BTĐL đã được khẳng định là tối ưu áp dụng cho xây dựng đập trọng lực nhưng chỉ trong trường hợp khắc phục được những điểm yếu của loại hình công nghệ này. Bài viết trình bày một số quan điểm của tác giả bàn về ứng dụng công nghệ BTĐL trong xây dựng đập thủy lợi, thủy điện của Việt Nam hiện nay.

6

Kinh nghiệm nâng cao ổn định và xử lý chống thấm nền đê sông

ThS. Nguyễn Quốc Đạt

Đê điều là một công trình đặc biệt quan trọng, bảo vệ dân sinh và kinh tế cho cả một vùng rộng lớn. Tuy nhiên hệ thống đê điều được xây dựng và nâng cấp qua nhiều đời nay, lại đi qua nhiều vùng địa chất phức tạp, tồn tại trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt,.. vì vậy tiềm ẩn nhiều khuyết tật, đe dọa vỡ đê khi nước sông dâng cao. Bài báo giới thiệu các giải pháp nhằm nâng cao ổn định thấm đê sông trong mùa lũ, từ cách làm truyền thống đến áp dụng các công nghệ hiện đại.

7

Nghiên cứu ổn định đập xà lan trên nền đất yếu bằng lý thuyết kết hợp thực nghiệm

TS. Trần Văn Thái, ThS. Nguyễn Hải Hà, KS. Ngô Thế Hưng

Đập xà lan là giải pháp công nghệ có hiệu quả kinh tế kỹ thuật cao khi xây dựng trên nền mềm, yếu, ở các sông rạch vùng Đồng bằng sông cửu Long. Đập xà lan được chế tạo tại hố đúc, di chuyển đến vị trí công trình, hạ chìm trên nền bùn đã chuẩn bị sẵn. Qua thí nghiệm đẩy trượt công trình cống Minh Hà ở hố đúc và nhiều thí nghiệm kéo trượt bàn nén hiện trường (với nền chuẩn bị tự nhiên) cho thấy rằng hệ số ma sát tiếp xúc giữa nền và đập xà lan chỉ đạt khoảng (35%-50%) Sumax. Trên cơ sở đó nhóm tác giả đã đề xuất các giải pháp tăng cường chống trượt đồng thời kiến nghị công thức tính toán ổn định đập xà lan trên nền đất yếu.

8

Giải pháp kết cấu và biện pháp thi công đê biển Vũng Tàu - Gò Công bằng công nghệ thùng chim

PGS.TS. Trần Đình Hòa, KS. Vũ Tiến Thư

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề xuất ý tưởng xây dựng Tuyến đê biển từ Vũng Tàu đến Gò Công nhằm giải quyết triệt để các vấn đề về lũ, úng ngập, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt cho TP. Hồ Chí Minh, vùng Đồng Tháp Mười và các khu vực lân cận. Bên cạnh những vấn đề quan trọng khác như môi trường hệ sinh thái, giao thông thủy.v.v. giải pháp kết cấu và biện pháp xây dựng đê biển là một trong những vấn đề lớn cần được phân tích, nghiên cứu một cách thận trọng làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất giải pháp kỹ thuật cho dự án. Bài báo giới thiệu công nghệ thùng chìm, một trong nhiều giải pháp kết cấu có thể xem xét, áp dụng cho tuyến đê biển này.

9

Ứng dụng bơm thủy luân cải tiến cho địa bàn miền núi phía Bắc

PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt, TS. Phùng Hồng Tuấn

Bơm thủy luân là một thiết bị bơm nước tự động có kết cấu đơn giản, làm việc hiệu quả trong lĩnh vực cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt tại các vùng nông thôn miền núi. Tuy nhiên, trong thực tế sử dụng, bơm thủy luân bộc lộ một số nhược điểm cần nghiên cứu cải tiến để hoàn thiện. Bài báo giới thiệu một số kết quả nghiên cứu bơm thủy luân cải tiến nhằm nâng cao hiệu suất cũng như độ bền của loại bơm này, đồng thời đánh giá khả năng áp dụng của nó tại các tỉnh miền miền núi phía Bắc.

10

Lựa chọn hình thức đoạn chuyển tiếp từ dốc nước xuống bể tiêu năng cho công trình tràn xả lũ ở EARƠK tỉnh Đắk Lắk

PGS.TS. Lê Văn Nghị, KS. Hoàng Đức Vinh, KS. Nguyễn Việt Hùng, ThS. Nguyễn Quốc Huy

Bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu thực nghiệm trên mô hình vật lý cho hai loại đoạn cong chuyển tiếp chuyển đổi cao độ từ cuối dốc nước xuống đáy bể tiêu năng cho công trình tràn xả lũ Earơk tỉnh Đăk lắc là loại có phương trình đường nước rơi và loại có hai bán kính cong ngược. Bài báo cũng so sánh các đặc trưng thuỷ động lực học, khả năng tiêu hao năng lượng của bể tiêu năng khi áp dụng hai loại đoạn chuyển tiếp này, cũng như điều kiện áp dụng của từng loại.

11

Nguyên nhân, cơ chế hư hỏng và giải pháp sửa chữa nâng cấp kè biển Cửa Tùng - tỉnh Quảng Trị

ThS. Nguyễn Thành Trung, ThS. Bùi Huy Hiếu, ThS. Lữ Ngọc Lâm

Bãi biển Cửa Tùng là một địa danh nổi tiếng của tỉnh Quảng Trị. Trong những năm gần đây, bãi tắm Cửa Tùng bị thu hẹp về không gian do sự xâm thực ngày càng gia tăng cả về quy mô lẫn cường độ. Năm 2010, đoạn kè tường đứng bảo vệ khu hạ tầng kỹ thuật bãi tắm Cửa Tùng bị hư hỏng nặng nề. Bài báo này trình bày kết quả phân tích nguyên nhân, cơ chế hư hỏng và đề xuất giải pháp sửa chữa, nâng cấp đoạn kè trên.

II

Chuyển giao công nghệ

  

1

Giải pháp túi địa kỹ thuật để sửa chữa nâng cấp đường giao thông nông thôn

TS. Ngô Anh Quân

Hiện nay, các tuyến đường giao thông từ thôn xã ra các khu sản xuất và các đường nội đồng đều đang được bê tông hóa. Nhưng với nền đường mềm yếu, thường xuyên ngập nước sẽ dẫn đến chất lượng và độ bền bê tông mặt đường giảm nhanh. Đặc biệt vào mùa mưa, trên tuyến đường ở nhiều địa phương, các phương tiện đi lại nhiều gây gãy nứt hư hỏng nặng. Bài báo này giới thiệu công nghệ túi địa kỹ thuật nhằm khắc phục những hạn chế của giải pháp bê tông hóa đường nông thôn và các phương thức ứng dụng trong điều kiện thực tế ở hệ thống giao thông nông thôn của Việt Nam.

III

Thông tin KHCN và hoạt động

 

 

1

Tình hình xâp nhập mặn trên các sông ven biển Đông bằng sông Hồng trong những năm gần đây

ThS. Phạm Quang Vũ, KS. Phí Thị Hằng

Tưới, tiêu ở khu vực ven biển đồng bằng sông Hồng mang tính chất thuỷ lợi vùng triều. Khi thuỷ triều lên thì tưới, thuỷ triều xuống thì tiêu, tưới tiêu tự chảy kết hợp với bơm tát. Mùa khô, lưu lượng và mực nước sông giảm, nước mặn lấn sâu vào nội địa, việc lấy nước phải qua các công trình đầu mối cách biển từ 20 đến 40 km, diện tích tưới tự chảy bị hạn chế. Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường đã được Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn giao nhiệm vụ giám sát mặn trên các sông vùng ven biển đồng bằng sông Hồng nhằm phục vụ dự báo cho công tác chỉ đạo vận hành các cống lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

2

Xói sâu lòng sông Hồng, nguyên nhân, hậu quả và giải pháp

 

Trong những năm gần đây, mực nước sông Hồng bị hạ thấp khiến cho về mùa cạn những làng chài phải “nghỉ hưu”, giao thông thủy bị ảnh hưởng, hàng trăm con tàu lớn nhỏ bị mắc kẹt giữa dòng, nông dân điêu đứng vì không có nước tưới, xâm nhập mặn vùng hạ lưu ảnh hưởng tới đời sông dân sinh, kinh tế. Sông Hồng đang có nguy cơ lùi về thời tiền văn hiến vì lòng sông đang bị xói sâu, nguy cơ sạt lở bờ sông uy hiếp thủ đô không còn xa vời. Vậy đâu là nguyên nhân? Hậu quả và giải pháp như thế nào? Phóng viên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi đã có cuộc trao đổi với GS.TS Vũ Tất Uyên, người được mệnh danh là nhà sông Hồng học về vấn đề này.

PHIẾU ĐẶT MUA TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THỦY LỢI