TextBody
Huy chương 2

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 13 năm 2013

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THỦY LỢI
SỐ 13 (03/2013)

TT

Tên bài báo

Tác giả

Tóm tắt

I

Khoa học công nghệ

 

 

1

Kết quả tính toán thủy triều, sóng và vận chuyển bùn cát ven bờ từ cửa Lấp đến cửa Lộc An, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bằng mô hình toán

PGS.TS. Trương Văn Bốn, ThS. Vũ Văn Ngọc, ThS. Doãn Tiến Hà

Là một trong 30 tỉnh ven biển của cả nước, Bà Rịa - Vũng Tàu được đánh giá có tiềm năng rất lớn để phát triển công nghiệp và du lịch. Tuy nhiên, dải ven bờ từ cửa Lấp đến cửa Lộc An đã và đang bị xói lở nghiêm trọng. Trong những năm qua, địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp khắc phục, trong đó ứng dụng công nghệ Stabiplage chống xói ở cửa phía Nam cửa Lộc An (huyện Đất Đỏ) đã cho kết quả khả thi. Ứng dụng các mô hình toán để tìm hiểu nguyên nhân và cơ chế gây xói lở nhằm tìm hiểu rõ quy luật vận chuyển bùn cát và xói lở ven bờ từ cửa Lộc An đến cửa Lấp là rất cần thiết. Mô hình toán mô phỏng trường động lực ven bờ từ cửa Lộc An đến cửa Lấp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được kiểm chứng qua các số liệu đo đạc về mực nước, sóng, dòng chảy với thời gian 7 ngày. Sự thay đổi địa hình được tính toán và so sánh với các số liệu lịch sử. Kết quả của mô hình là cơ sở khoa học để đề xuất các giải pháp đảm bảo ổn định bãi biển từ cửa Lộc An đến cửa Lấp lâu dài.

2

Kinh nghiệm thiết kế, thi công nâng cấp đê dự án Thượng Mỹ Trung tỉnh Quảng Bình

TS. Phùng Vĩnh An, ThS. Nguyễn Thị Thu Nga

Bài báo giới thiệu kinh nghiệm khi thiết kế, thi công nâng cấp các tuyến đê thuộc dự án Thượng Mỹ Trung. Đây là một dự án có diện tích hơn 4188 ha, phức tạp về đặc điểm tự nhiên và đặc điểm xã hội do trải dài trên địa giới hành chính của 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Vùng dự án là vùng trũng nhất nằm ở trung tâm của lưu vực sông Nhật Lệ - Kiến Giang, rốn trũng là phá Hạc Hải vì vậy địa chất nền là đất yếu, cộng thêm với sự phức tạp của đặc điểm địa hình, thủy văn, dòng chảy làm cho công tác thiết kế, thi công đê gặp rất nhiều khó khăn. Trong khuôn khổ bài báo này giới thiệu một số kinh nghiệm thiết kế, thi công trên tuyến đê có chiều dài lớn. Trong đó, có loại đê đắp mới hoàn toàn, có loại đê được nâng cấp với đặc điểm đê thấp, mặt cắt nhỏ cho phép lũ tràn qua và được đắp bằng đất tại chỗ trong nhiều năm.

3

Đánh giá bước đầu về hiệu quả thực tế của một số hệ thống mỏ hàn biển điển hình ở Việt Nam

ThS. Nguyễn thành Trung, ThS. Lữ Ngọc Lâm

Mỏ hàn biển (MHB) là loại công trình bảo vệ bờ biển được sử dụng rãi ở nước ngoài. Ở Việt Nam mỏ hàn biển đã được ứng dụng trong việc bảo vệ bờ biển ở một số địa phương với quy mô và phạm vi hạn chế. Bài báo đã tổng hợp các kết quả điều tra về hiệu quả thực tế của một số hệ thống MHB điển hình, đánh giá các tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục trong thiết kế để có thể ứng dụng rộng rãi loại công trình này ở Việt Nam

4

Nghiên cứu thực nghiệm xả lũ thi công qua đập đá đổ đang thi công công trình thủy điện Tuyên Quang

ThS. Trần Vũ, ThS. Giang Thư, TS. Dương Đức Tiến

Dẫn dòng thi công là công tác hết sức quan trọng trong xây dựng các công trình thuỷ lợi thủy điện. Xác định được biện pháp dẫn dòng thi công hợp lý là đảm bảo cho công tác thi công công trình đúng tiến độ, an toàn và giảm giá thành xây dựng.Với những công trình thuỷ lợi, thuỷ điện lớn nếu theo các sơ đồ dẫn dòng thông thường thì qui mô các công trình dẫn dòng rất lớn, tốn nhiều kinh phí. Do đó, lựa chọn sơ đồ xả lũ thi công kết hợp qua cống và đá đổ đang thi công giảm đáng kể kinh phí xây dựng công trình dẫn dòng và công trình chính. Bài viết nêu tóm tắt kết quả nghiên cứu thực nghiệm xả lũ thi công qua đập đá đổ đang thi công công trình thuỷ điện Tuyên Quang.

5

Đập thời vụ di động - Một giải pháp nâng cấp hệ thống thủy nông nội đồng phục vụ phát triển nông thôn mới ở Kiên Giang

ThS. Nguyễn Đình Vượng, ThS. Trần Minh Tuấn, ThS. Nguyễn Văn Lân, KS. Nguyễn Lê Huấn

Hiện nay, việc xây dựng các đập tạm bằng đất (thường gọi là đập thời vụ) cho các vùng sản xuất ven biển tỉnh Kiên Giang còn nhiều hạn chế và bất cập. Quá trình đắp và phá đập thường xuyên hàng năm gây lãng phí tiền bạc và công sức của người dân, hơn thế nữa sau một thời ngắn làm việc phải phá bỏ đập gây bồi lắng kênh mương và nhiều khu vực xây dựng đập thời vụ không còn đất để đắp đập. Bài báo này đề xuất một giải pháp kết cấu đập thời vụ di động bằng thép thay thế đập thời vụ bằng đất nhằm góp phần nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thủy nông nội đồng phục vụ phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản kết hợp xây dựng nông thôn mới ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng.

6

Ứng dụng mô hình CEDAS để tính toán, dự báo diễn biến đường bờ biển khu vực Sầm Sơn - Thanh Hóa

ThS. Doãn Tiến Hà, KS. Mạc Văn Dân

Bãi biển Sầm Sơn - Thanh Hóa là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tại khu vực này xảy ra hiện tượng xói lở bờ-bãi biển hết sức phức tạp, nhất là đoạn bờ biển từ phía cửa Hới kéo dài tới bãi C (xã Quảng Cư). Xuất phát từ thực tế kể trên, việc nghiên cứu tính toán quá trình diễn biến đường bờ dưới tác động của các yếu tố động lực, đặc biệt là sóng biển, nhằm dự báo quá trình biến động đường bờ biển này là một việc làm rất có ý nghĩa thực tiễn. Mô hình toán là một trong những công cụ rất hữu ích để mô phỏng các quá trình trên. Trong bài báo này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng một số mô đun chuyên dụng trong bộ phần mềm CEDAS phục vụ tính toán diễn biến bờ biển theo các giai đoạn khác nhau để tính toán, phân tích xu thế biến động bờ biển tại đây. Kết quả tính toán, dự báo sẽ cho bức tranh tổng thể về diễn biến đường bờ trong tương lai, từ đó đề ra các biện pháp nhằm chỉnh trị, ổn định tuyến bờ biển cần quan tâm.

7

Đánh giá ảnh hưởng tiêu thoát lũ tỉnh Quảng Ngãi khi xây dựng tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

ThS. Nguyễn Mạnh Linh, ThS. Đỗ Anh Đức, ThS. Nguyễn Ngọc Bách

Bài báo này trình bày kết quả đánh giá tác động của dự án tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến khả năng tiêu thoát lũ từ thượng nguồn, đồng thời đề xuất một số phương án tính toán nhằm giảm thiểu các tác động bất lợi nêu trên. Các kết quả tính toán có đủ độ tin cậy để có thể đưa vào xem xét trong quá trình thực hiện dự án.

8

Nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long - Những tồn tại và thách thức ảnh hưởng đến phát triển bền vững nghề nuôi

TS. Trịnh Thị Long, ThS. Dương Công Chinh

Nuôi tôm ở Việt Nam nói chung và Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng đã và đang phát triển mạnh trong những năm gần đây và trở thành nghành kinh tế quan trọng, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hàng triệu người dân ven biển và nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho đất nước. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm ở ĐBSCL đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Bài báo trình bày tổng quan về các hình thức nuôi tôm ở ĐBSCL hiện nay, tác động của chúng đến môi trường, đồng thời nêu lên những tồn tại, thách thức cơ bản ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững nghề nuôi, đó là: vấn đề qui hoạch, cấp thoát nước, xử lý chất thải, nước thải, suy thoái môi trường, vấn đề dịch bệnh và vấn đề cơ chế chính sách.

9

Biến động cửa Ba Lạt, cửa Hà Lan trong thời kỳ cận đại và ảnh hưởng của chúng tới diễn biến bồi tụ xói lở khu vực Hải Hậu - Nam Định

PGS.TSKH. Vũ Cao Minh, PGS.TS. Nguyễn Khắc Nghãi, KS. Nguyễn Huy Thịnh

Kết quả phân tích dựa trên cách tiếp cận địa chất - lịch sử cho thấy, trong quá khứ, sông Sò từng là phân lưu lớn của sông Hồng chảy ra biển. Lượng phù sa của sông đã bồi tích lên vùng đất rộng của 2 huyện Giao Thủy và Hải Hậu tỉnh Nam Định. Vai trò cung cấp phù sa của sông Sò giảm mạnh khi dòng chính sông Hồng chuyển qua cửa Ba Lạt. Hiện tượng mở rộng đột biến cửa Ba Lạt được xác định xảy ra vào cuối thế kỷ 18. Hiện tượng này làm thay đổi chế độ bồi tụ - xói lở khu vực biển Hải Hậu, chuyển chúng từ chế độ bồi tích sông biển sang chế độ chịu tác động của biển-sóng là chủ yếu. Hiện tượng xói lở bờ biển Hải Hậu bắt đầu từ khi sông Sò ngưng hoạt động. Xói lở có xu hướng lan truyền về phía Nam, và tiến tới tạo lập một dạng đường bờ ổn định, có thể gần tương tự như đường bờ cổ trên đoạn Ngô Đồng-Quất Lâm.

10

Tổng kết sự cố vỡ đập thủy lợi ở Việt Nam trong những năm gần đây, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm

ThS. Cẩm Thị Lan Hương

Cả nước hiện có 6.648 hồ chứa các loại, trong đó phần lớn là các hồ chứa nhỏ, đã trải qua 30 ÷ 40 năm khai thác sử dụng, nhiều hồ chứa đã xuống cấp. Biến đổi khí hậu làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan gây biến đổi chế độ dòng chảy đe dọa đến an toàn của các hồ chứa nước. Trong những năm qua, Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương đã quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn các hồ chứa. Tuy nhiên, do số lượng hồ chứa quá lớn nên đến nay nhiều hồ chứa còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, đặc biệt đã xảy sự cố vỡ đập ở một số hồ chứa nhỏ. Trong bài viết này, tác giả thống kê, đánh giá nguyên nhân dẫn đến sự cố vỡ đập, hồ chứa thủy lợi từ năm 2007 đến nay, tổng kết bài học kinh nghiệm và kiến nghị biện pháp khắc phục.

11

Kết quả nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến dòng chảy lưu vực sông Ba

TS. Huỳnh Thị Lan Hương

Bài báo này trình bày các kết quả đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến dòng chảy trên lưu vực sông Ba. Tính toán được thực hiện theo 3 kịch bản phát thải là: cao A2, trung bình B2 và thấp B1. Kết quả tính toán cho thấy dòng chảy ở thượng lưu sông Ba ít biến đổi hơn so với hạ lưu. Dòng chảy năm và dòng chảy mùa cạn có xu thế giảm, trong khi đó dòng chảy mùa lũ có xu thế tăng. Tuy nhiên, mức tăng dòng chảy lũ chỉ xảy ra trong các tháng giữa mùa lũ (X, XI). Trong các tháng còn lại, dòng chảy đều có xu thế giảm. Tháng XI có lưu lượng nước tăng nhiều nhất (13,89%) và tháng VI có lưu lượng nước giảm nhiều nhất (41,96%).

II

Chuyển giao công nghệ

 

 

1

Kết quả nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị làm phẳng hố móng đập xà lan

TS. Trần Văn Thái, ThS. Lê Đình Hưng, KSCC. Nguyễn Trọng Dần, PGS.TS. Võ Sỹ Huỳnh, GS.TS. Lê Danh Liên

Đập xà lan di động là công nghệ xây dựng công trình ngăn sông được nghiên cứu ứng dụng rất hiệu quả trong thực tế sản xuất. Tuy nhiên, việc thi công tạo hố móng của đập xà lan vẫn thực hiện bằng phương pháp thủ công nên chất lượng công nghệ chưa cao. Trong khuôn khổ đề tài khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu các giải pháp công nghệ và thiết bị xử lý nền móng dưới nước đập xà lan”, lần đầu tiên ở Việt Nam, các nhà khoa học Viện thủy Công, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã chế tạo thành công thiết bị làm phẳng hố móng đập xà lan di động. Bài báo này giới thiệu về cấu tạo, nguyên lý hoạt động của thiết bị đó.

III

Thông tin KHCN và hoạt động

  

PHIẾU ĐẶT MUA TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THỦY LỢI