TextBody
Huy chương 2

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 17 năm 2013

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THỦY LỢI
SỐ 17 (09/2013)

TT

Tên bài báo

Tác giả

Tóm tắt

I

Khoa học công nghệ

 

 

1

Viện Kỹ thuật Biển - 5 năm xây dựng và phát triển

PGS.TS. Hoàng Văn Huân

 

2

Đánh giá tác động của tuyến kè tạo bãi ven biển Tây tỉnh Cà Mau

TS. Nguyễn Hữu Nhân

Trước tình hình sạt lở bờ biển và đai rừng ngập mặn gia tăng, đe dọa đê biển, tài sản và môi trường ven biển, tỉnh Cà Mau cho thử nghiệm ứng dụng kết cấu mới gọi là “kè tạo bãi” để đối phó khẩn cấp. Bài viết trình bày một vài đánh giá tác động của tuyến kè thử nghiệm này bằng mô hình tích hợp thủy động lực học và phổ sóng trên vùng nước nông ven bờ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, kè tạo bãi rất hiệu quả đối với quá trình tạo bãi, dập tắt các dòng xoáy Rip và tác động của sóng, chặn được hiện tượng sạt lở và tàn phá đai rừng ngập mặn cho vùng biển nằm bên trong tuyến kè. Mặt khác, nó có thể dẫn đến xói sâu tại chân dọc tuyến kè, hình thành lạch ngầm chia cắt địa hình đáy biển trong tuyến và ngoài tuyến, cũng như phần biển phía Bắc điểm cuối tuyến kè, dẫn đến nguy cơ không ổn định cho tuyến kè. Do đó, cần quan trắc và đánh giá diễn biến địa hình trước khi áp dụng đại trà công nghệ này.

3

Đánh giá tính bền vững đới bờ huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định trong điều kiện biến đổi khí hậu

ThS. Võ Thanh Tinh, TS. Chế Đình Lý, PGS.TS. Lương Văn Thanh

 Các tác giả đã dựa trên điều kiện địa hình, địa mạo và thủy hải văn khu vực đới bờ huyện Phù Mỹ để xây dựng bộ chỉ thị với 5 chủ đề, 38 tiêu chí và 5 bậc bền vững phục vụ công tác đánh giá tính bền vững vùng đới bờ có tính tới tác động của biến đổi khí hậu. Trong nghiên cứu áp dụng phương pháp phân tích tiến trình cấp bậc (AHP) để thiết lập, tập hợp trọng số cho từng chủ đề và từng chỉ thị. Sau khi tính toán kết quả đánh giá cho từng chỉ thị theo hàm thành viên, sẽ có được kết quả đánh giá tổng thể cho toàn bộ đới bờ. Từ đó cho thấy mức độ bền vững của đới bờ huyện Phù Mỹ ở mức trung bình.

4

Ứng dụng phần mềm HYDROGIS và MIKE 21/3FM để phân tích, đánh giá môi trường nước sông Cái, TP. Nha Trang

ThS. Phan Mạnh Hùng, TS. Nguyễn Hữu Nhân, PGS.TS. Lương Văn Thanh

Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu phân tích dự báo diễn biến và đánh giá khả năng lan truyền các chất ô nhiễm trong môi trường nước sông Cái (Nha Trang). Tác giả đã sử dụng phần mềm HydroGis và Mike 21FM để mô phỏng chất lượng môi trường nước trong điều kiện hiện trạng cũng như dự báo diễn biến môi trường nước trong tương lai. Chất lượng môi trường nước tại vùng nghiên cứu tiếp tục suy giảm đáng báo động bởi các nguồn thải, vì các thông số chỉ thị ô nhiễm (BOD5, TSS, tổng N, tổng P) đều tăng qua từng thời kỳ, mặc dù mức tăng khác nhau nhưng trung bình từ 15% đến 35% qua từng giai đoạn 5 năm. Kết quả của bài báo là cơ sở tham khảo cho các nhà quản lý có thể đưa ra những biện pháp khả thi cho công tác kiểm tra, giám sát và lựa chọn các công trình xử lý nhằm giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm và cải thiện môi trường nước sông Cái hiện tại cũng như trong tương lai.

5

Đề xuất ứng dụng một số công nghệ mới vật liệu mới trong các công trình bảo vệ bờ biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long

ThS. Lê Văn Tuấn

Xói lở bờ biển đang diễn ra tại nhiều khu vực ven biển Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong tương lai, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu – nước biển dâng và lượng bùn cát suy giảm ở khu vực cửa sông ven biển do xây dựng các hồ chứa thượng nguồn, mức độ xói lở ngày càng mở rộng và diễn biến khó lường. Do đó đầu tư xây dựng, sửa chữa các công trình kè biển chống xói lở là cần thiết. Để hỗ trợ cho việc lựa chọn kết cấu công trình, bài viết tập trung giới thiệu một số loại vật liệu mới – công nghệ mới (VLM-CNM) phù hợp với kè biển khu vực ven biển ĐBSCL, trong đó tập trung giới thiệu một số dạng kết cấu, phân tích ưu - nhược điểm, điều kiện áp dụng và trình tự thi công.

6

Tác động của chế độ thủy động lực vùng ven bờ ảnh hưởng đến diễn biến xói bồi bờ biển Trà Vinh

TS. Nguyễn Hữu Nhân, ThS. Phan Mạnh Hùng, PGS.TS. Hoàng Văn Huân, CN. Quách Đình HÙng, ThS. Đỗ Thị Hồng Thư

Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu, phân tích đánh giá tác động của chế độ thủy  động lực vùng ven bờ ảnh hưởng đến diễn biến xói bồi bờ biển tỉnh Trà Vinh bằng một số phần mềm như MIKE21/3FM, ARCGIS. Qua tính toán, khu vực ấp Bầu xã Hiệp Thạnh, khu vực Ba Động, Cồn Trứng ở Trường Long Hoà đang diễn biến sạt lở rất phức tạp. Kết quả trên làm cơ sở để đưa ra những biện pháp khả thi cho công tác quản lý, quy hoạch, kiểm tra, giám sát và lựa chọn các công trình chỉnh trị hợp lý, hiệu quả phục vụ phát triển bền vững khu vực nghiên cứu..

7

Giải pháp chỉnh trị tổng thể ổn định bờ biển tỉnh Trà Vinh

ThS. Nguyễn Báo Cao, PGS.TS. Hoàng Văn Huân, ThS. Hoàng Đức Cường, KS. Vũ Văn Kính, KS. Nguyễn Thị Thạch Thảo

Bờ biển tỉnh Trà Vinh nằm kẹp giữa hai cửa sông lớn của hệ thống sông Cửu Long, có chiều dài khoảng 65 km,đã và đang diễn ra bồi xói rất mạnh trong những năm gần đây. Một số khu vực bị xói lở rất nghiêm trọng nhưng bên cạnh đó cũng có khu vực được bồi lên cao do sự vận chuyển bùn cát dọc theo bờ biển. Bài báo đã phân tích rõ nguyên nhân, cơ chế bồi xói và đưa ra những giải pháp chỉnh trị bờ biển dựa trên cơ sở dữ liệu khảo sát, tính toán, mô hình mô phỏng dòng chảy, sóng và vận chuyển bùn cát kết hợp với các kịch bản và công nghệ khác nhau nhằm lựa chọn ra giải pháp chỉnh trị tổng thể để ổn định bờ biển Trà Vinh phục vụ phát triển kinh tế xã hội hiện tại và tương lai.

8

Giải pháp công trình giảm thiểu ngập lụt khu vực nội thành thành phố Nha Trang

ThS. Phan Mạnh Hùng, TS. Nguyễn Hữu Nhân, ThS. Đỗ Thị Hồng Thư

Thành phố Nha Trang là một điểm đến du lịch hàng đầu của cả nước. Tuy nhiên trong thời gian qua, tình trạng ngập lụt khá thường xuyên xảy ra làm ảnh hưởng không nhỏ không chỉ đến cuộc sống người dân mà còn tác động mạnh đến ngành công nghiệp không khói này. Đặc biệt là sau trận mưa lũ cuối năm 2010 với thiệt hại nặng nề thì những giải pháp đúng đắn cho việc giảm thiểu ngập lụt càng hết sức nhất thiết và cần triển khai nhanh chóng. Bài báo sẽ trình bày một số giải pháp hữu hiệu chống ngập lụt cho Tp Nha Trang với đặc trưng là một đô thị ven biển có lượng mưa gần 1800 mm/năm, có sông lớn đi qua cũng như bị tác động một phần nhỏ bởi triều. Các giải pháp được đưa ra sẽ giúp cho các cơ quan ban ngành có liên quan trong công tác quản lý, quy hoạch đô thị phòng chống ngập lụt.

9

Nghiên cứu về biến dạng cắt của vật liệu đá trong thân đập phòng chống lũ và xói mòn dạng khung nhỏ

TS. Đặng Quốc Dũng, GS.TS. Yoshiharu Ishikawa

Đập phòng chống lũ và xói mòn dạng khung nhỏ có cấu kiện đá hộc đổ vào bên trong thân còn được gọi là đập rọ đá. Độ ổn định của loại đập này phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau trong đó có biến dạng cắt dưới tác động của áp lực đất. Đây là một yếu tố quan trọng phải được xét đến trong tính toán ổn định cũng như trong thiết kế. Để kiểm tra lực kháng cắt và mặt trượt của vật liệu đá đổ vào do biến dạng cắt, tiến hành thí nghiệm mô hình. Dựa trên những kết quả thí nghiệm sẽ phát triển công thức tính toán lực kháng cắt.

10

Ảnh hưởng của các hoạt động kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre đến biến đổi lòng dẫn sông Ba Lai

PGS.TS. Nguyễn Thế Biên

Sau khi cống đập Ba Lai vận hành năm 2002, quá trình biến đổi lòng dẫn sông Ba Lai diễn ra rất nhanh chóng do tác động của các hoạt động kinh tế xã hội. Vùng đầu nguồn đã bị bồi lấp hoàn toàn, vùng hồ nước ngọt và cửa sông cũng đang bị bồi lấp rất nhanh. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn thì trong tương lai không xa, cửa sông Ba Lai sẽ bị bồi lấp hoàn toàn.

11

Đề xuất một số giải pháp kết cấu kè bảo vệ bờ biển phù hợp cho khu vực xói lở trọng điểm bờ biển tỉnh Trà Vinh

ThS. Lê Văn Tuấn, PGS.TS. Hoàng Văn Huân, KS. Trương Tuấn Anh, KS. Trương Công Trình

Trên cơ sở kết quả báo cáo điều tra hiện trạng xói lở, chế độ thủy động lực biển, nguyên nhân và giải pháp quy hoạch chỉnh trị tổng thể bờ biển tỉnh Trà Vinh thuộc đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp khoa học và công nghệ dự báo, phòng chống biển lấn đoạn bờ biển tỉnh Trà Vinh và vùng phụ cận” kết hợp với kinh nghiệm tư vấn, nghiên cứu về công trình kè biển khu vực Nam Bộ, bài viết đề xuất một số giải pháp kết cấu công trình kè biển có thể ngăn chặn hiệu quả hiện tượng biển lấn tại các khu vực xói lở trọng điểm bờ biển tỉnh Trà Vinh và các khu vực có điều kiện tương tự.

12

Ứng dụng mô hình toán đánh giá tác động của khai thác cát đến diễn biến hình thái sông Tiền đoạn Tân Châu - Hồng Ngự

PGS.TS. Lê Mạnh Hùng, PGS.TS. Đinh Công Sản, TS. Nguyễn Duy Khang, KS. Lê Xuân Tú

Bài báo trình bày kết quả về đánh giá tác động của các trường hợp khai thác cát đến chế độ thủy động lực và diễn biến hình thái sông Tiền đoạn Tân Châu - Hồng Ngự bằng mô hình toán Mike 21C.

II

Chuyển giao công nghệ

  

1

Mảng bê tông liên kết gài tự chèn ba chiều lắp ghép dùng cho các công trình kè bảo vệ bờ sông, bờ biển

ThS. Nguyễn Anh Tiến

Bài báo này đề cập đến giải pháp mảng bê tông liên kết gài tự chèn ba chiều lắp ghép bằng các cấu kiện bê tông đúc sẵn  dùng cho các công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình kè bảo vệ bờ sông, bờ biển, các công trình xây dựng trên nền đất yếu. Khác biệt ở chỗ, liên kết mảng tự chèn ba chiều, ngàm như một khóa mềm khống chế chuyển dịch khối  cấu kiện.

PHIẾU ĐẶT MUA TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THỦY LỢI