, 26/12/2024
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THỦY LỢI TT Tên bài báo Tác giả Tóm tắt I Khoa học công nghệ T2 Phân tích ảnh hưởng của biến động giá vật tư, nguyên nhiên liệu, tiền lương đến quản lý khai thác công trình thủy lợi - kiến nghị một số chính sách và giải pháp khắc phụ TS. Đặng Ngọc Hạnh Mức thu thuỷ lợi phí (TLP) được quy định bằng tiền và cố định trong một giai đoạn nhất định mà không cập nhật đến biến động giá nhân công, điện, vật liệu... khiến nguồn thu không đủ bù chi đã ảnh hưởng đến hoạt động quản lý khai thác công trình thủy lợi. Qua nghiên cứu thống kê sự tăng giá của nhân công, điện năng, vật liệu… tại một số đơn vị khai thác công trình thủy lợi [1] cho thấy giá trị thực tế của TLP đã bị giảm đi khá lớn, cụ thể: giai đoạn thực hiện nghị định 143 (từ 2003 đến 2007) giá trị thực tế của TLP qua các năm 2004, 2005, 2006 và 2007 giảm đi tương ứng là 1,12%; 10,96%; 27,31%; và 30,41% so với năm 2003; tương tự như vậy, giai đoạn thực hiện nghị định 115 (từ 2009-2012), giá trị thực tế của TLP các năm 2010, 2011 và 2012 đã giảm đi tương ứng là 10,57%; 26,01%; và 43,03% so với năm 2009. T9 Kết qủa thí điểm chuyển giao kênh liên xã cho liên hiệp tổ chức dùng nước PGS.TS. Trần Chí Trung Bài báo này giới thiệu kết quả thí điểm chuyển giao kênh liên xã cho liên hiệp tổ chức dùng nước quản lý tại các hệ thống thủy lợi thuộc dự án VWRAP ở 3 tỉnh Bắc Giang, Hà Tĩnh và Quảng Nam. Các liên hiệp tổ chức dùng nước được thành lập là mô hình tổ chức hợp tác dùng nước hoạt động theo ranh giới khu tưới, không lệ thuộc vào ranh giới hành chính nhằm phát huy sự tham gia của người dân và tăng cường sự hợp tác giữa các tổ chức dùng nước ở các xã để quản lý tuyến kênh liên xã hiệu quả, bền vững. T15 Mô hình bơm hướng trục chìm Ns>1750 phục vụ cho giải pháp cấp nước bể hút vào mùa kiệt GS.TS. Lê Danh Liên, ThS. Kiều Tiến Mạnh, ThS. Nguyễn Ngọc Thắng Bài báo này giới thiệu nhu cầu thực tế đối với loại bơm hướng trục chìm tỷ tốc lớn, phương pháp lựa chọn thông số mô hình phù hợp với đặc tính của máy thực, tính toán và thiết kế mô hình theo phương pháp của các nhà bác học Vôzơnhexenski - Pêkin. Kết quả tính toán tổn thất và hiệu suất mô hình cho thấy, mô hình thiết kế mới đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật và cho hiệu suất tương ứng với mục tiêu đề ra. T21 Nghiên cứu xử lý nước thải công nghiệp đường bằng công nghệ sinh học kỵ khí UASB PGS.TS. Lều Thọ Bách, KS. Phạm Văn Định, ThS. Lê Hạnh Chi Bài báo đề cập đến một số kết quả nghiên cứu xử lý nước thải công nghiệp đường quy mô phòng thí nghiệm bằng công nghệ xử lý sinh học kỵ khí (Bể xử lý sinh học dòng chảy ngược qua lớp bùn kỵ khí - Up flow Anaerobic Sludge Blanket). Mô hình thí nghiệm bể UASB (dung tích 12,5l) đã được thiết lập để xử lý hỗn hợp nước thải đường nhân tạo có nồng độ cacbon hữu cơ cao (TOC). Mô hình được vận hành liên tục với thời gian 440 ngày trong điều kiện ổn định nhiệt độ tại 370C. Hiệu quả xử lý của bể UASB đạt 80~98% tương ứng với giới hạn về tải lượng hữu cơ là 16 g-TOC/l.ngđ. Lượng chất hữu cơ phân hủy tính theo TOC được chuyển hóa thành: khí sinh học với thành phần CO2 - 46%, CH4 - 49% và sinh khối - 5%. Hệ số tăng sinh khối bùn được tính bằng 0.094 g-VSS/g-TOC. Để đạt được hiệu quả xử lý cao, bể UASB cần được vận hành trong điều kiện: i) Tỷ lệ các chất dinh dưỡng trong nước thải C: N: P = 350: 10: 2; ii) pH 6.8~7.2; iii) Nồng độ axit béo (VFAs) nhỏ hơn 1000mg/l; iv) Thời gian lưu nước lớn hơn 12 giờ. T26 Mô hình thí điểm nâng cấp hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ nông thôn mới xã Nhân Bình, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam ThS. Đào Kim Lưu Quy hoạch, thiết kế hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng và đồng ruộng có tác động rất lớn đến điều tiết nước mặt ruộng, hiệu quả sử dụng nước và ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Tùy theo điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội và trình độ sản xuất của các khu vực khác nhau, hệ thống hạ tầng cần có những nghiên cứu, tính toán cụ thể. Bài báo tóm tắt kêt quả nội dung nghiên cứu thuộc đề tài “Nghiên cứu giải pháp nâng cấp và hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi phục vụ phát triển nông thôn mới vùng Đồng bằng sông Hồng”, trong đó đề cập đến những tồn tại và đề xuất các giải pháp quy hoạch, thiết kế hệ thống hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, quy mô đồng ruộng cho khu vực điển hình thuộc vùng đồng bằng sông Hồng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới. T33 Nghiên cứu tính toán xâm nhập mặn trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn có xét tới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong, ThS. Tô Việt Thắng, ThS. Nguyễn Văn Đại Xâm nhập mặn là một trong những thách thức lớn cho các tỉnh miền Trung Việt Nam, đặc biệt nó có xu hướng trầm trọng hơn dưới tác động của biến đổi khí hậu. Bài viết giới thiệu kết quả nghiên cứu đánh giá và dự báo tình hình xâm nhập mặn trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn sử dụng mô hình MIKE 11. Nghiên cứu sử dụng bộ số liệu năm 1999, 2003 và số liệu dự báo theo kịch bản biến đổi khí hậu B2 do bộ Tài Nguyên và Môi trường xây dựng để tính toán mô phỏng xâm nhập mặn theo 03 kịch bản thời kỳ 1980-1999, 2020-2039 và 2040-2059. Kết quả nghiên cứu cho thấy khoảng cách xâm nhập mặn vào trong sông lớn nhất ứng với độ mặn 4‰ tại sông Vu Gia và Thu Bồn là 23km và 19km. Đối với thời kỳ 2020-2039 và 2040-2059, khoảng cách xâm nhập mặn lớn nhất có sự thay đổi đáng kể so với thời kỳ nền 1980-1999. Sự thay đổi này được dự báo lớn nhất trên sông Trường Giang với khoảng cách tăng trên 3km. T41 Kết quả nghiên cứu thực trạng và các giải pháp quản lý môi trường trong chăn nuôi hộ gia đình và trang trại nhỏ ở một số tỉnh miền Bắc PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương, ThS. Vũ Quốc Chính, ThS. Nguyễn Thị Hà Châu, CN. Lê Văn Cư Kết quả điều tra hiện trạng quản lý môi trường trong chăn nuôi tại 6 tỉnh Thái Nguyên, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương và Hà Nam cho thấy, chăn nuôi hộ gia đình chiếm 91,6%, trang trại chiếm 8,3%, chăn nuôi tập trung công nghiệp chỉ có 0,001%; Tỷ lệ chất thải chăn nuôi được xử lý ước tính đối với phân gia súc là 52%, nước thải gia súc 61,1%, phân gia cầm khoảng 23,3%. Một số tồn tại trong quản lý môi trường chăn nuôi ở các tỉnh điều tra như: Chưa có các qui chế, biện pháp chế tài để huy động và bắt buộc người chăn nuôi thực hiện. Nhận thức của người dân về trách nhiệm trong bảo vệ môi trường chăn nuôi còn hạn chế. Việc sử dụng chế phẩm vi sinh để khử mùi hôi, xử lý chất thải chăn nuôi làm phân bón nông nghiệp chưa được chú trọng…Trên cơ sở kết quả đánh giá những tồn tại về quản lý môi trường trong chăn nuôi, bài viết cũng đề xuất một số biện pháp huy động cộng đồng quản lý môi trường trong chăn nuôi hộ gia đình và trang trại nhỏ ở khu vực miền Bắc như: (i) Giải pháp về chính sách; (ii) tổ chức quản lý môi trường trong chăn nuôi; (iii) Giải pháp công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi; (iv) Giải pháp truyền thông để nâng cao nhận thức của người chăn nuôi T48 Cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển bền vững thủy lợi nội đồng đồng bằng sông Cửu Long - bài học kinh nghiệm từ tỉnh An Giang PGS.TS. Đoàn Đoãn Tuấn và nnc Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích canh tác nông nghiệp chiếm khoảng 25% của cả nước, nhưng đóng góp 54% sản lượng lúa và xấp xỉ 60% sản lượng thủy sản. Để có được nguồn lợi này phụ thuộc một phần vào hệ thống công trình thủy lợi nội đồng. Tuy nhiên, hiện nay các công trình thủy lợi nội đồng còn rất manh mún với hàng vạn cống, bọng, máy bơm dầu. Nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống xã hội vùng ĐBSCL, nhiều văn bản pháp lý của trung ương và địa phương đã được ban hành, nhấn mạnh việc đầu tư thay thế trạm bơm dầu, xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng để phục vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp theo chủ trương tăng cường xã hội hóa về đầu tư và quản lý khai thác hệ thống thủy lợi nội đồng. Với số liệu điều tra năm 2011-2012, bài báo này phân tích thực trạng đầu tư của nhà nước, tư nhân, nông dân vào xây dựng, quản lý khai thác (QLKT) hệ thống thủy lợi nội đồng tại tỉnh An Giang, một tỉnh sản xuất nông nghiệp trọng điểm vùng ĐBSCL, trên cơ sở đó đưa ra một số khuyến nghị về cơ chế khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế vào phát triển bền vững công trình thủy lợi nội đồng vùng ĐBSCL. T54 Kết quả nghiên cứu đặc tính địa chất công trình của đất bùn sét pha chứa hữu cơ phân bố ở Kiên Giang thuộc dự án Ô Môn - Xà No, đánh giá khả năng cải tạo chúng bằng xi măng kết hợp với vôi nhằm tăng cường độ đất gia cố PGS.TS. Nguyễn Quốc Dũng, ThS. Vũ Ngọc Bình, KS. Nguyễn Văn Hòa, PGS.TS. Đỗ Minh Toàn Kết quả thí nghiệm các chỉ tiêu về thành phần hóa học, thành phần khoáng vật, hàm lượng muối và hàm lượng hữu cơ có trong đất tại các cống Ông Bồi, Kênh Ranh, Bảy Miễn, Bờ Tre, Chín Hường và Ông Ký thuộc dự án Ô Môn – Xà No tỉnh Kiên Giang cho thấy đây là loại đất than bùn hóa và đất bị nhiễm chua phèn mạnh. Kết quả nghiên cứu cải tạo đất bằng xi măng (X) với các hàm lượng khác nhau kết hợp với vôi (V) trong phòng thí nghiệm cho thấy: Cường độ kháng nén một trục không hạn chế nở hông (qu kG/cm2) tăng lên khi hàm lượng xi măng tăng và thời gian bảo dưỡng tăng. Hàm lượng xi măng 400kg/m3 được trộn với lượng vôi khác nhau cho thấy hiệu quả của đất gia cố tăng từ 16.9 đến 43% khi nén xác định qu ở 56 và 91 ngày tuổi, lượng phụ gia vôi thích hợp là V=(2¸4%)X. T61 Nghiên cứu, mô phỏng sự ảnh hưởng của địa hình và các công trình chỉnh trị trên bãi tại một số cửa sông, ven biển tỉnh Nam Định đến cơ chế lan truyền và suy giảm chiều cao sóng ThS. Doãn Tiến Hà Bờ biển Nam Định đoạn cửa Ba Lạt đến cửa Lạch Giang trong nhiều năm qua luôn diễn ra hiện tượng xói và xâm thực bãi dẫn đến sạt lở bờ, đê biển. Một trong những nguyên nhân chính là sóng biển. Do đó, nghiên cứu quá trình lan truyền sóng dưới ảnh hưởng của địa hình khu vực và các công trình chỉnh trị bố trí trên bãi có ý nghĩa thực tiễn cao. Bài báo trình bày kết quả ứng dụng mô hình toán để mô phỏng, đánh giá cơ chế lan truyền sóng trong điều kiện địa hình bãi tự nhiên và hiệu quả làm suy giảm sóng của các công trình chỉnh trị tại khu vực. Mô hình đã được kiểm định với số liệu sóng đo đạc tại hiện trường, các kết quả kiểm định cho thấy có thể ứng dụng mô hình để tính toán thực tế với độ tin cậy đảm bảo. T69 Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý khai thác công trình thủy lợi PGS.TS. Đoàn Thế Lợi, ThS. Nguyễn Tuấn Anh, CN. Hoàng Thị Thùy Linh Nguồn nhân lực và phát triển nguồn nhân lực là nhân tố rất quan trọng quyết định sự phát triển của đất nước, sự sống còn của mọi tổ chức, doanh nghiệp. Trong nền kinh tế tri thức, chất lượng nguồn nhân lực quyết định sự hưng thịnh của mọi quốc gia. Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vừa mang tính thời sự, vừa mang tính chiến lược xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước. T79 Giải pháp nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn mới vùng ven biển đồng bằng sông Hồng GS. Nguyễn Tuấn Anh, ThS. NCS. Hà Hải Dương, ThS. NCS. Dương Xuân Lâm Việc nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống thủy lợi là hết sức cần thiết do sau khi nâng cấp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm thời gian, chi phí làm việc cũng như nâng cao năng suất sản lượng cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bài báo này trình bày một giải pháp nâng cấp hệ thống thủy lợi theo tiêu chuẩn thiết kế nông thôn mới cho hệ thống nội đồng cũng như sử dụng vật liệu mới cho hệ thống đầu mối đề xuất áp dụng tại xã Giao Lạc, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. II Thông tin KHCN & Hoạt động T86 Giải pháp giữ ẩm và chống xói mòn trên đất dốc-kinh nghiệm của Thai Lan PGS.TS. Nguyễn Quốc Dũng
SỐ 18 (10/2013)