, 25/11/2024
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THỦY LỢI
SỐ 31 (02/2016)
TT | Tên bài báo | Tác giả | Tóm tắt |
I | Khoa học công nghệ | ||
1 | BÙN LỎNG TRÊN TUYẾN LUỒNG SOÀI RẠP VÀ GIẢI PHÁP XỬ LÝ | PGS. TS. Đinh Công Sản, KS Nguyễn Văn Hiệp PGS.TS Lê Mạnh Hùng TS. Lê Xuân Thuyên | Trong quá trình thực hiện đề tài “Nghiên cứu khoa học liên quan đến dự án về chỉnh trị luồng, đánh giá về sa bồi sau nạo vét”- thuộc dự án Nạo vét luồng soài Rạp (giai đoạn 2)”, do Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam (VKHTLMN) chủ trì, đã phát hiện sự xuất hiện bất thường của “bùn lỏng” trên tuyến luồng Soài Rạp sau khi đã nạo vét đến cao độ thiết kế, có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn vận tải thuỷ. Do đó, một nghiên cứu bổ sung được thực hiện nhằm giải quyết vấn đề này. VKHTLMN đã phối hợp với nhóm nghiên cứu của trường đại học Khoa học tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh, tiến hành lấy mẫu “bùn lỏng”, xác định khối lượng riêng của lớp bùn lỏng theo độ sâu, xác định nguyên nhân xuất hiện lớp bùn lỏng. Đồng thời, tham khảo các kết quả nguyên cứu và quy định về an toàn hàng hải liên quan đến khối lượng riêng của bùn lỏng của các tuyến luồng hàng hải trên thế giới, các tác giả đã đề nghị sử dụng tuyến luồng Soài Rạp trong điều kiện có lớp bùn lỏng nhằm giảm bớt chi phí nạo vét. |
2 | PHÂN TÍCHẢNH HƯỞNG CỦA CÁC HỒ ĐẬP THƯỢNG LƯU ĐẾN THAY ĐỔI THỦY VĂN DÒNG CHẢY MÙA KHÔ VỀ CHÂU THỔ MÊ CÔNG | Tô Quang Toản Tăng Đức Thắng | Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) có vai trò rất quan trọng với nền kinh tế nói chung và chiến lược an ninh lương thực của Việt Nam nói riêng, hiện đóng góp hơn 50% sản lượng lương thực và 90% sản lượng lúa gạo xuất khẩu. ĐBSCL nằm ở cuối nguồn sông Mê Công, vì vậy những thay đổi dòng chảy do phát triển ở thượng lưu có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững trên đồng bằng. Trên cơ sở phân tích chuỗi số liệu lịch sử dòng chảy về Châu thổ sông Mê Công từ 1924 đến 2015, các thay đổi về tổng lượng dòng chảy mùa khô và tác động điều tiết của các hồ chứa trên lưu vực trong những năm gần đây đã được làm rõ, góp phần hiểu rõ hơn về nguồn nước về đồng bằng và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nước trên đồng bằng. |
3 | NGHIÊN CỨU THÀNH PHẦN CẤP PHỐI VẬT LIỆU HỖN HỢP ASPHALT CHÈN TRONG ĐÁ HỘC SỬA CHỮA LỚP BẢO VỆ MÁI ĐÊ BIỂN HẢI THỊNH – HẢI HẬU – NAM ĐỊNH | TS. Nguyễn Thanh Bằng | Bài báo giới thiệu kết quả tính toán thành phần cấp phối vật liệu hỗn hợp asphalt chèn trong đá hộc để thi công thử nghiệm sửa chữa lớp bảo vệ mái đê phía biển thuộc đê biển Hải Thịnh – Hải Hậu – Nam Định. Qua các kết quả thí nghiệm trong phòng và tại hiện trường, các chỉ tiêu cơ lý của hỗn hợp asphalt lựa chọn như độ nhớt, độ phân tầng, độ bám dính đều đạt yêu cầu, đáp ứng điều kiện thi công tại hiện trường. |
4 | BỔ SUNG NHÂN TẠO NƯỚC DƯỚI ĐẤT TỪ NGUỒN NƯỚC XẢ THỪA CỦA HỒ CHỨA VỪA VÀ NHỎ KHU VỰC TÂY NGUYÊN | TS.Đặng Hoàng Thanh, KS.Nguyễn Huy Vượng | Bài báo đề xuất giải pháp tăng cường trữ lượng nước dưới đất bằng các công trình bổ sung nhân tạo. Nguồn bổ cập sử dụng lượng nước trên mực nước dâng bình thường của các hồ chứa vừa và nhỏ trên địa bàn Tây Nguyên. Kết quả tính toán tại hồ chứa Ea Kring cho thấy, tầng chứa nước trong đất đá bazan lỗ hổng – khe nứt có thể tiếp nhận từ 168,3 – 219 m3/ngày/giếng. |
5 | NGHIÊN CỨU ĐIỂN HÌNH VỀ MÔ HÌNH ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP TỰ CHỦ TÀI CHÍNH TRONG QUẢN LÝ CÔNG TRÌNH NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN TỈNH TRÀ VINH | TS. Đặng Ngọc Hạnh | Trà Vinh là một trong những tỉnh điển hình về phát triển mô hình tổ chức quản lý khai thác hiệu quả và bền vững các công trình nước sạch nông thôn sau đầu tư xây dựng. Hiện nay, mô hình Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Trà Vinh là đơn vị sự nghiệp tự chủ về tài chính có doanh thu từ dịch vụ cấp nước năm 2012, 2013 và 2014 lần lượt là 26,12, 35,23 và 41,20 tỷ đồng. Hiện tại, đơn vị này cấp nước cho trên 70.000 hộ dân nông thôn, trích khấu hao hàng năm từ 6-7 tỷ đồng. Đó là những con số đáng kể mà hiện nay ít có địa phương nào thực hiện được. Từ nghiên cứu điển hình này, tác giả kiến nghị một số giải pháp về chính sách nhằm nâng cao hiệu quả khai thác công trình nước sạch nông thôn trong những năm tới. |
6 | NGHIÊN CỨU BÊ TÔNG CỐT SỢI THỦY TINH ĐỂ SỬ DỤNG TRONG CÔNG TRÌNH THỦY LỢI VEN BIỂN | TS. Nguyễn Thành Công PGS.TS. Hoàng Phó Uyên | Các kết cấu bê tông cốt thép các công trình xây dựng thủy lợi vùng ven biển khi làm việc, ngoài những tác động của tải trọng, tác động cơ học của sóng biển, hiện tượng bị bào mòn do quá trình khô ẩm thay đổi liên tục, còn tiềm ẩn một nguy cơ bị phá hủy nhanh chóng của quá trình ăn mòn cốt thép. Khi cốt thép bị ngấm nước biển sẽ bị ăn mòn bởi Ion Cl- làm nở thể tích, gây phá hủy bê tông. Bài báo này giới thiệu một số kết quả nghiên cứu sử dụng cốt sợi thủy tinh trong bê tông phục vụ cho các công trình xây dựng thủy lợi vùng ven biển (đê chắn sóng) thay thế cốt thép nhằm làm tăng tuổi thọ công trình tránh hiện tượng bị phá hủy do ăn mòn cốt thép. |
7 | NGHIÊN CỨU ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP ỔN ĐỊNH CỬA LA GI, SÔNG DINH, TỈNH BÌNH THUẬN | ThS. Nguyễn Đức Vượng, PGS.TS Lê Mạnh Hùng, KS. Nguyễn Thị Phượng | Trong bài báo này, nhóm tác giả nêu tóm tắt kết quả tổng hợp, phân tích và nghiên cứu về diễn biến xói lở và bồi tụ khu vực cửa La Gi – sông Dinh, tỉnh Bình Thuận. Trên cơ sở đó đề xuất giải pháp để ổn định cửa sông ven biển và bờ biển khu vực cửa La Gi - sông Dinh, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội của khu vực. |
8 | NGHIÊN CỨU ỔN ĐỊNH BỜ SÔNG VÙNG CHỊU ẢNH HƯỞNG TRIỀU | PGS. TS. Huỳnh Thanh Sơn | Bài báo trình bày việc ứng dụng phần mềm BSTEM (Bank Stability and Toe Erosion Model) để tính ổn định bờ sông trong vùng chịu ảnh hưởng triều. Hệ số ổn định bờ sông trong BSTEM được xác định dựa trên phương pháp cân bằng giới hạn. Việc đo đạc cột nước đo áp trong bờ sông Hậu tại Bình Đức (Long Xuyên) ở Đồng bằng sông Cửu Long được thực hiện qua hai đợt đo vào giữa mùa mưa và đầu mùa khô. Kết quả tính với BSTEM được so sánh với kết quả nhận được từ phần mềm SLOPE, cho thấy BSTEM cho kết quả tương đương nhưng đơn giản hơn và là phần mềm phi thương mại. |
9 | BÀN VỀ MỘT SỐ CƠ CHẾ TRONG CẤP NƯỚC SINH HOẠT VÙNG MIỀN NÚI PHÍA BẮC TRONG GIAI ĐOẠN MỚI | TS. Đặng Ngọc Hạnh | Sau gần 20 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Chương trình MTQG) đã đạt được một số thành tựu quan trọng. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết năm 2013 cả nước có 82,5% tỷ lệ dân số sử dụng nước hợp vệ sinh (đạt 100% kế hoạch) [1]. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tính bền vững của thành quả đó trong giai đoạn mới khi cuối năm 2015 sẽ không còn riêng Chương trình MTQG, đặc biệt là đối với nhân dân các tỉnh miền núi phía Bắc? Bài viết đánh giá một số thành tựu, hạn chế và đề xuất mô hình cấp nước sinh hoạt nông thôn các tỉnh miền núi phía Bắc thông qua các cán bộ phòng nông nghiệp huyện hiện có nhằm triển khai các mô hình và cơ chế hỗ trợ tự đầu tư công trình cấp nước nhỏ lẻ quy mô hộ và nhóm hộ. |
10 | NGHIÊN CỨU VÀ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ CỦA CÁC GIẢI PHÁP CÔNG TRÌNH NHẰM LÀM GIẢM ĐỘ ĐỤC CHO CÁC BÃI TẮM BIỂN ĐỒ SƠN TRÊN MÔ HÌNH VẬT LÝ TRONG BỂ SÓNG TRIỀU KẾT HỢP | ThS. Hồ Việt Cường,ThS. Đào Văn Khương TS. Nguyễn Thanh Bằng, KS. Trần Đình Bắc | Trong thực tế mô hình vật lý đã được sử dụng như một công cụ rất hiệu quả trong nghiên cứu khoa học, nó cho phép mô phỏng các quá trình động lực học của dòng sông hoặc khu vực cửa sông ven biển một cách trực quan và sát với thực tế. Do đó phương pháp nghiên cứu trên mô hình vật lý luôn rất được quan tâm và mang lại những lợi ích không nhỏ trong các kết quả nghiên cứu khoa học, , thông qua việc thí nghiệm mô hình giúp cải tiến các thông số thiết kế cho công trình, rút ngắn thời gian thi công công trình, tiết kiệm kinh phí cho những hạng mục công trình không hiệu quả,… Bài báo trình bày một số kết quả thí nghiệm mô hình vật lý trong bể sóng triều kết hợp để nghiên cứu về chế độ thủy động lực, , các quá trình khuếch tán lan truyền độ đục ở vùng ven biển Đồ Sơn – Hải Phòng và đánh giá hiệu quả của các giải pháp công trình trong việc làm giảm độ đục khu vực bãi tắm biển Đồ Sơn. Từ đó kiến nghị và đề xuất giải pháp phù hợp, có hiệu quả cao nhất giúp cải thiện chất lượng nước cho các bãi tắm ở khu vực này |
11 | NGHIÊN CỨU DÒNG THẤM KHÔNG ỔN ĐỊNH TRONG BỜ SÔNG VÙNG CHỊU ẢNH HƯỞNG TRIỀU | PGS. TS. Huỳnh Thanh Sơn | Bài báo trình bày một mô hình toán cho dòng thấm trong bờ sông trong vùng chịu ảnh hưởng triều. Phương trình toán sau khi được tuyến tính hóa có dạng phương trình truyền nhiệt. Lời giải giải tích tìm được theo phương pháp phân ly biến số, còn lời giải số theo phương pháp sai phân hữu hạn với sơ đồ ẩn. Các lời giải này được so sánh với kết quả đo đạc thực tế tại Bình Đức (Long Xuyên) trên bờ sông Hậu. Lời giải giải tích có độ chính xác bị hạn chế do điều kiện biên là sự thay đổi mực nước sông dạng hình sin, trong khi trong thực tế mực nước sông theo dạng bán nhật triều không đều tại vị trí khảo sát. Trong khi đó, có sự phù hợp khá tốt giữa lời giải số và kết quả đo đạc do mực nước sông được nhập trực tiếp vào mô hình toán số. |
12 | KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG BẢN ĐỒ NGUY CƠ SẠT LỞ BỜ SÔNG SÊ SAN – THUỘC LÃNH THỔ VIỆT NAM | TS. Ngô Anh Quân | Trong những năm gần đây, hiện tượng sạt lở bờ trên hệ thống sông Sê San ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường. Hoạt động của các hồ chứa, nạn chặt phá rừng và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang làm cho các dòng sông sạt lở nhiều hơn. Việc nghiên cứu sạt lở, diễn biến lòng sông và ảnh hưởng của nó trở lên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nghiên cứu này đã tiến hành khảo sát điều tra thực địa các điểm sạt lở thường xuyên trên lưu vực sông Sê San từ đó đo đạc quan trắc các điểm sạt lở này, đồng thời, các công cụ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý cũng được áp dụng để phân tích nghiên cứu các hiện tượng diễn biến lòng sông. Chuỗi các ảnh vệ tinh Landsat TM, Landsat ETM+, SPOT được sử dụng để phân tích tính toán diễn biến hình thái sông từ năm 1973 đến nay, chuỗi ảnh sẽ được phân tích tìm ra diễn biến hình thái trong quá khứ, so sánh với các điểm hiện trạng sạt lở để tìm ra các đoạn sông diễn biến mạnh. Từ đó nghiên cứu đã xây dựng bản đồ hiện trạng sạt lở và bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở trên lưu vực sông Sê San thuộc lãnh thổ Việt Nam. |
II | Chuyển giao công nghệ | ||
13 | KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG SUY GIẢM ÔXY TẠI MỘT SỐ HỒ ĐẬP CỦA VIỆT NAM | Shinya Fukuju, Masataka Yamagishi, Takaya Yanobu Akihiko Nonaka Trần Đình Hòa, Trịnh Văn Hạnh Hoàng Thị Thu Hương | Hiện tượng suy giảm oxi tầng sâu trong các hồ đập thượng nguồn tại thành phố Huế đã gây ảnh hưởng đến rất lớn đến chất lượng nước đầu vào cho các nhà máy nước tại hạ lưu. Đây cũng là vấn đề nan giải cho rất nhiều các hồ chứa khác ở Việt Nam. Hiện tại, ở Việt Nam vấn đề này chưa được quan tâm giải quyết, xử lý, theo kết quả rà soát tài liệu về các hồ đập tại Việt Nam của nhóm nghiên cứu cho thấy số lượng đập có nguy cơ bị suy giảm ôxy không phải là ít. Bài báo này giới thiệu một cách tổng quan về kết quả quan trắc thực địa hiện tượng suy giảm ôxy tại một số hồ đập và phân tích, đánh giá nhu cầu xử lý hiện tượng này của các đập tại Việt Nam |