TextBody
Huy chương 2

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 46 năm 2018

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THỦY LỢI
SỐ 46
(08/2018)

Trang

Tên bài báo

Tác giả

Tóm tắt

I

Khoa học Công nghệ

 

 

2

KỶ NIỆM 73 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH THỦY LỢI VIỆT NAM (28/8/1945 -28/8/2018)

 

GS.TS Nguyễn Văn Tỉnh

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi

 

 

9

TÍNH TOÁN CHẾ ĐỘ NƯỚC HỢP LÝ CHO RỪNG TRÀM VƯỜN QUỐC GIA U MINH THƯỢNG 

 

Phạm Văn Tùng

Viện Kỹ thuật Biển

 

Tính toán xác định chế độ nước hợp lý trên cơ sở điều chỉnh lại phân khu quản lý nước cho rừng tràm ở VQG U Minh Thượng nhằm đáp ứng cho các yêu cầu cụ thể: (i) sinh trưởng của cây tràm; (ii) bảo tồn đa dạng sinh học; và (iii) phòng chống cháy rừng. Trên cơ sở đặc điểm tự nhiên của khu vực, đặc điểm sinh trưởng và phát triển của cây tràm, yêu cầu về sinh cảnh nhằm duy trì hệ sinh thái, bảo vệ lớp than bùn và phòng chống cháy rừng tác giả đã tính toán đề xuất được mực nước cần duy trì trong rừng ở các phân khu theo thời gian trong năm. Từ số liệu mưa 31 năm trạm Rạch Giá, tính toán đề xuất các thời điểm cần tích nước trong năm với năm mưa nhiều, năm mưa ít và năm mưa trung bình đáp ứng yêu cầu duy trì chế độ nước hợp lý cho VQG.

Từ khóa:Chế độ nước hợp lý, VQG U Minh Thượng, Rừng tràm.

24

NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG PHƯƠNG PHÁP TÍNH TOÁN HỆ SỐ TRUYỀN SÓNG QUA ĐÊ NGẦM DẠNG RỖNG BẰNG MÔ HÌNH VẬT LÝ

Nguyễn Anh Tiến,
Trịnh Công Dân,
Lại Phước Quý

Viện Kỹ thuật Biển

Thiều Quang Tuấn

Đại học Thủy lợi Hà Nội

 

Một chuỗi 140 kịch bản thí nghiệm đã được tiến hành trên mô hình vật lý (tỷ lệ 1/15) trong máng sóng thủy lực, lần lượt cho 04 kiểu hình đê giảm sóng ngầm dạng rỗng phi truyền thống. Từ kết quả thí nghiệm đã phân tích và đánh giá được các tham số chi phối chính đến hệ số truyền sóng Kt qua đê, đồng thời xây dựng được 1 công thức thực nghiệm tính toán hệ số Kt phản ảnh đầy đủ các tham số chi phối chính đến hiệu quả giảm sóng. Kết quả nghiên cứu cũng đã cho thấy rằng, không chỉ kích thước hình học của đê ngầm ảnh hưởng lên hệ số tiêu giảm sóng mà các đặc trưng sóng tới (Hs, Tp,), độ ngập đỉnh đê và ảnh hưởng của tương tác sóng với mái đê thông qua giá trị độ dốc sóng tại vị trí công trình (sm) cũng ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả giảm sóng của đê ngầm.

Từ khóa: Đê ngầm dạng rỗng, hệ số truyền sóng, mô hình vật lý, công thức thực nghiệm.

35

NGHIÊN CỨU, ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP TẠO KHU CƯ TRÚ CHO HỆ THỦY SINH VÙNG BIỂN VEN BỜ HÀ TIÊN

Lương Văn Thanh,
Lương Văn Khanh

Viện Kỹ thuật Biển

Việt Nam với đường bờ biển dài, khí hậu ấm áp quanh năm và dòng hải lưu đi sát bờ biển nên có tiềm năng khai thác tài nguyên biển rất lớn. Tuy nhiên trong những thập niên gần đây tình hình khai thác thủy hải sản bùng phát, tận diệt và không có thời gian cũng như không gian cho các đàn cá tái tạo, sinh sản tại các vùng biển ven bờ đã gây nên hiện tượng suy giảm đa dạng sinh học, phá hủy môi trường các vùng biển này cũng như làm mất nguồn thu nhập về nghề các của các vùng biển ven bờ phong phú của Hà Tiên nói riêng và của cả nước nói chung. Các tác giả đã  khảo sát đánh giá hiện trạng khai thác, môi trường và sản lượng đánh bắt vùng biển ven bờ Hà Tiên từ đó xác định được các nguyên nhân làm giảm sản lượng đánh bắt, giảm số lượng lòai cá vùng biển Hà Tiên. Bài báo đã bước đầu đề xuất một số giải pháp bảo vệ môi trường biển, tạo khu cư trú và sinh sản cho các lòai cá và từng bước tái tạo lại tính đa dạng sinh học cho vùng biển ven bờ của Hà Tiên.

Từ khóa:rạn nhân tạo, đa dạng sinh học, môi trường biển, tài nguyên biển

44

ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA TUYẾN KÈ HIỆN HỮU VÀ GIẢI PHÁP CÔNG TRÌNH ĐỀ XUẤT MỚI ĐỐI VỚI CHẾ ĐỘ THỦY-THẠCH ĐỘNG LỰC BIỂN VEN BỜ MŨI CÀ MAU NHẰM BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN VÙNG ĐẤT MŨI

 

Nguyễn Bá Cao,

Nguyễn Hữu Nhân

Viện Kỹ thuật Biển

Kể từ năm 2005, tốc độ xói bờ biển phía nam Mũi Cà Mau tăng mạnh. Vào năm 2012, trước tình thế khẩn cấp và chỉ dựa vào các kinh nghiệm thực tế, địa phương đã xây dựng tuyến kè dài khoảng 1.700 m để bảo vệ bờ khu du lịch Mũi Cà Mau và bước đầu đã phát huy tác dụng chống xói lở bờ biển khu vực bên trong tuyến kè. Bài báo bổ sung thêm các đánh giá và dự báo về tác động của nó lên chế độ thủy thạch động lực vùng biển Mũi Cà Mau bằng phương pháp mô hình toán. Kết quả mô phỏng và thực tế cho thấy tốc độ xói đáy tăng đột biến tại khu vực chân phía ngoài tuyến kè có thể là yếu tố gây ra bất ổn định cho nó. Tuyến kè gần như bít kín khu vực rừng ngập mặn nằm bên trong, suất đầu tư lớn, giá trị sử dụng cục bộ bảo vệ bờ ngắn hạn. Thông qua các phân tích về diễn biến đường bờ, chế độ thủy-thạch động lưc học biển ven bờ Mũi Cà Mau và địa hình bãi bồi Cà Mau, tác giả đề xuất tuyến đê biển để ngăn sóng, nắn dòng chảy, gây bồi tạo bãi, khôi phục và phát triển rừng ngặp mặn để bảo vệ Mũi Cà Mau, kết hợp với chiến lược phát triển công trình du lịch Mũi Cà Mau nhằm phát triển bền vững vùng đất-biển đặc biệt này của Việt Nam. Bài báo cũng cung cấp kết quả dự báo tác động của tuyến công trình chỉnh trị mới đề xuất bằng phương pháp mô hình toán và các phân tích về hiệu quả của công trình này.

Từ khóa:Bãi bồi Cà Mau, Mũi Cà Mau, Mô hình toán, Xói lở bờ biển, Thủy-Thạch động lực, Tác động tuyến kè, Tuyến đê biển.

57

KẾT QUẢ PHÂN TÍCH VÀ ĐÁNH GIÁ BỒI LẤP VÙNG CỬA KÊNH TẮT CỦA  TUYẾN LUỒNG VÀO SÔNG HẬU

 

Nguyễn Thế Biên,
Mai Đức Trần

Viện Kỹ thuật Biển

Sau khi thông tuyến luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu được khoảng 10 tháng thì vùng cửa của tuyến luồng (kênh Tắt) bị bồi lắng ngày càng nhiều gây rất nhiều khó khăn cho tàu bè ra vào các cảng trên sông Hậu. Bài báo này đã phân tích,  đánh giá, so sánh mức độ bồi lắng của các công trình nghiên cứu tại vùng cửa Định An, và vùng kênh Tắt, đồng thời tính toán lượng bùn cát bồi lắng dựa theo tài liệu đo đạc 73 mặt cắt ngang với tỷ lệ đứng 1/500 và tỉ lệ ngang 1/200 trong phạm vi 40 ha để xác định định lượng bồi lắng tại vùng cửa kênh Tắt.

72

ĐÁNH GIÁ TIỀM NĂNG KHAI THÁC NGUỒN NƯỚC MẶT ĐẢO PHÚ QUỐC PHỤC VỤ CẤP NƯỚC SINH HOẠT

Lương Văn Thanh,
Phạm Văn Tùng,
Nguyễn Thị Phương Thảo

Viện Kỹ thuật Biển

 

Hiện nay, nguồn nước ngọt phục vụ cho các nhu cầu trên đảo Phú Quốc chủ yếu từ nước mưa và các giếng khoan tự phát. Lượng mưa trung bình hàng năm ở Phú Quốc rất lớn, gần 3000mm/năm nhưng phân bố không đều giữa mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa mạng lưới sông rạch phong phú, nước ngọt dồi dào, ngược lại vào mùa khô nhiều con sông trở nên cạn kiệt và tình trạng khan hiếm nước thường xuyên xảy ra. Nguồn nước ngầm trên đảo trữ lượng rất hạn chế và quan trọng cho phát triển lâu dài nên cần phải được bảo vệ và cấp phép nghiêm ngặt. Các tác giả đã đánh giá hiện trạng khai thác nguồn nước mặt trên đảo, tính toán thủy văn, cân bằng nước theo định hướng quy hoạch phát triển kinh tế đến năm 2020 để từ đó đề xuất các phương án khai thác hiệu quả nguồn nước mặt phục vụ cấp nước sinh hoạt và phát triển kinh tế tổng hợp cho huyện đảo Phú Quốc.

Từ khóa:Đảo Phú Quốc, nước mặt, lượng mưa năm, chất lượng nước mặt,  sử dụng nước

81

CƠ SỞ KHOA HỌC XÂY DỰNG PHƯƠNG PHÁP TÍNH TOÁN HỆ SỐ TRUYỀN SÓNG QUA ĐÊ NGẦM CỌC PHỨC HỢP

Nguyễn Anh Tiến,
Trịnh Công Dân

Viện Kỹ thuật Biển

Thiều Quang Tuấn

Đại học Thủy lợi Hà Nội

Tô Văn Thanh

Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam

Bài báo giới thiệu đê ngầm cọc phức hợp có kết cấu mới phi truyền thống, lắp ghép linh hoạt bằng các cấu kiện bê tông đúc sẵn định hình để giảm sóng chống xói lở bảo vệ bờ biển. Cơ sở khoa học là ứng dụng lý thuyết sóng biên độ nhỏ thiết lập các phương trình cân bằng năng lượng của sóng ngẫu nhiên truyền vuông góc với bờ qua đê ngầm rỗng (trường hợp không cọc và có hệ cọc) kết hợp đồng thời với các số liệu đo đạc thực nghiệm trên mô hình vật lý trong máng sóng thủy lực xây dựng công thức bán thực nghiệm tính toán truyền sóng qua đê ngầm cọc phức hợp. Công thức dạng tổng quát phản ảnh đầy đủ các ảnh hưởng đến quá trình tiêu hao năng lượng sóng truyền qua đê ngầm rỗng trường hợp không có hệ cọc và có hệ cọc.

Từ khóa: Đê ngầm cọc phức hợp, đê ngầm phức hợp, hệ số truyền sóng, công thức bán thực nghiệm, độc quyền sáng chế

88

THÀNH PHẦN LOÀI VÀ ĐA DẠNG QUẦN XÃ THỰC VẬT PHÙ DU ĐẢO NAM YẾT - QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA, KHÁNH HÒA

Huỳnh Vũ Ngọc Quý, Lương Văn Thanh,
Đỗ Thị Bích Lộc

Viện Kỹ thuật Biển

Kết quả nghiên cứu quần xã Thực vật phù du khu vực đảo Nam Yết qua các đợt khảo sát năm 2013 - 2014 đã ghi nhận tổng số 301 loài tảo thuộc 100 chi, 61 họ, 38 bộ, 8 lớp, 4 ngành. Trong đó, tảo Giáp có 152 loài, tảo Silic 142 loài, tảo Lam 6 loài và tảo Vàng ánh 1 loài. Cấu trúc thành phần loài Thực vật phù du khu vực đảo Nam Yết không sai khác nhiều so với thành phần loài Thực vật phù du đã biết trong vùng biển Trung và Nam Việt Nam. Đã bổ sung thêm 132 loài cho khu hệ Thực vật phù du thuộc Quần đảo Trường Sa nói chung và khu bảo tồn đảo Nam Yết nói riêng, chủ yếu tập trung vào ngành tảo Silic và tảo Giáp; trong đó, phát hiện 33 loài mới cho quần xã Thực vật phù du biển Việt Nam. Kết quả tính toán chỉ số đa dạng (H’) và giá trị tính đa dạng (Dv), mức độ đa dạng của quần xã TVPD đảo Nam Yết có giá trị thấp (trung bình và kém).

Từ khóa: Thực vật phù du, Đảo Nam Yết, Quần đảo Trường Sa, chỉ số đa dạng, giá trị tính đa dạng

100

GIẢI PHÁP KỸ THUẬT LẤY NƯỚC BIỂN PHỤC VỤ NUÔI TÔM CÔNG NGHIỆP TẠI HUYỆN KIÊN LƯƠNG TỈNH KIÊN GIANG

Lương Văn Khanh,
Hà Thị Xuyến,
Nguyễn Hoàng Phong

Viện Kỹ thuật Biển

 

Do phát triển mạnh nuôi thủy sản nước lợ, người dân đã đào ao nuôi tôm không theo quy hoạch, làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, xâm phạm đai rừng phòng hộ dẫn đến một ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) không bền vững tỉnh Kiên Giang, đặc biệt là ngành nuôi tôm công nghiệp (CN). Các vấn đề vừa nêu hiện đang là những vấn đề cấp bách cần được quan tâm giải quyết. Ý tưởng lấy nước biển trực tiếp bằng đường ống phục vụ nuôi tôm CN, thay thế giải pháp cấp nước truyền thống được xem là chìa khóa quan trọng giúp giải quyết các vấn đề cấp bách của ngành NTTS và tỉnh Kiên Giang hiện nay. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc xây dựng đường ống không những hiệu quả về mặt kinh tế, đảm bảo nguồn nước cấp ổn định phục vụ NTTS mà còn rất hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường.

Từ khóa: nuôi tôm, ô nhiễm nguồn nước, thủy lợi phục vụ NTTS, hệ thống cấp nước, Kiên Lương, Kiên Giang.

108

VẤN ĐỀ XÓI LỞ, BỒI TỤ VÀ DIỄN BIẾN LÒNG DẪN SÔNG TIỀN KHU VỰC HUYỆN HỒNG NGỰ VÀ ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP ỔN ĐỊNH

Trương Thị Nhàn,
Nguyễn Văn Điển

Viện Kỹ thuật Biển

 

Sông Tiền đoạn qua huyện Hồng Ngự là khu vực có diễn biến lòng sông biến động lớn trên hệ thống sông Tiền, sông Hậu. Việc đánh giá diễn biến lòng dẫn qua các giai đoạn phát triển có ý nghĩa rất lớn trong công tác phòng tránh thiên tai và đề xuất các giải pháp công trình có hiệu quả và tác dụng lâu dài, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, không gây tác động tiêu cực đến môi trường, không gây xói lở đến khu vực lân cận.

120

ĐÁNH GIÁ CHẾ ĐỘ THỦY ĐỘNG LỰC TƯƠNG PHẢN GIỮA HAI ĐỚI BIỂN VEN BỜ BAO QUANH MŨI CÀ MAU

Nguyễn Bá Cao,
Nguyễn Hữu Nhân

Viện Kỹ thuật Biển

Mũi Cà Mau và đới biển ven bờ bao quanh nó hình thành và tồn tại trên nền bãi bồi tụ của phù sa sông Mekong - là mảnh gép độc đáo vươn mạnh ra biển Tây Nam làm thành bán đảo Cà Mau và biến châu thổ sông Mekong có dạng bất đối xứng trục ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nguyên nhân là do sự tương phản sâu sắc của chế độ thủy động lực vùng biển phía tây và đông bán đảo Cà Mau. Bài viết này sẽ cung cấp các đánh giá về chế độ thủy động lực và sóng biển tương phản trên vùng biển ven bờ bao quanh mũi Cà Mau và lân cận dựa vào kết quả mô phỏng trên mô hình MIKE 21/3 Couple Model FM đã được cân chỉnh và kiểm định cẩn thận nhằm bổ sung thêm các thông tin và cơ sở dữ liệu rất cần thiết để quy hoạch, khai thác và bảo vệ hiệu quả hơn vùng lãnh thổ này. Đới biển ven bờ quanh mũi Cà Mau có chế độ thủy động lực phức tạp, biến động mạnh theo không gian và thời gian do khối nước phải vận động quanh cấu trúc lớn, lồi mạnh ra phía biển với bãi bồi ngầm rộng mênh mông và đáy biển dốc đứng tại đường chân châu thổ ngầm. Cường suất các yếu tố thủy động lực biển ven bờ đông mạnh gấp đôi biển ven bờ tây. Có sự tương phản sâu sắc theo mùa, theo tiết: trong mùa khô kiệt, biển ven bờ đông Mũi Cà Mau rất sôi động, nhưng biển ven bờ tây lại khá yên tĩnh, và ngược lại vào mùa mưa lũ. Đặc biệt, có sự suy giảm đột ngột tốc độ khi dòng chảy từ biển Đông vòng qua Mũi Cà Mau đổ vào biển Tây - cơ chế chính hình thành và phát triển bãi bồi phía bắc Mũi Cà Mau - bãi bồi Cà Mau.

Từ khóa: thủy động lực, biển ven bờ, Mũi Cà Mau, bãi bồi Cà Mau, Đồng bằng sông Cửu Long, MIKE 21/3.