TextBody
Huy chương 2

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 49 năm 2018

 

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THỦY LỢI
SỐ 49
(11/2018)

 

Trang

Tên bài báo

Tác giả

Tóm tắt

I

Khoa học Công nghệ

 

 

2

VIỆN KHOA HỌC THỦY LỢI MIỀN NAM 40 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (19/8/1978 - 19/8/2018)

 

PGS.TS Trần Bá Hoằng

Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

 

15

ĐÁNH GIÁ BIẾN ĐỘNG MỰC NƯỚC VÀ NGẬP LỤT VÙNG HẠ DU SÔNG SÀI GÒN DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA ĐÔ THỊ HÓA, XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH CHỐNG NGẬP VÀ XẢ LŨ CÁC HỒ CHỨA NƯỚC THƯỢNG LƯU

Nguyễn Phú Quỳnh, Đỗ Đắc Hải, Đỗ Hồng Lam, Trần Văn Trương

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Ngập lụt vùng hạ du sông Sài Gòn – Đồng Nai bị tác động bởi 3 nguyên nhân chính: mưa, lũ, triều. Vấn đề trở nên trầm trọng hơn do hệ thống thoát nước không đủ công suất, cao độ mặt đất thấp, sự sụt lún, quy hoạch không gian, chính sách và các quy định không phù hợp, thiếu nhận thức và sự tham gia của cộng đồng. Bằng công cụ mô hình toán số, nhóm tác giả xin trân trọng gửi đến quí bạn đọc kết quả tính toán thủy lực qua đó đánh giá biến động mực nước và ngập lụt vùng hạ du sông Sài Gòn dưới tác động của đô thị hóa, xây dựng công trình chống ngập và xả lũ các hồ chứa nước thượng lưu trong từng nhóm kịch bản cụ thể. Từ kết quả nghiên cứu sẽ cho thấy căn nguyên của ngập úng, qua đó đưa ra các giải pháp chống ngập, hạn chế rủi ro do ngập úng một cách phù hợp.

27

ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA ĐÔ THỊ HÓA, XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH CHỐNG NGẬP ĐẾN XÂM NHẬP MẶN VÙNG HẠ DU SÔNG ĐỒNG NAI - SÀI GÒN

Đỗ Đắc Hải

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

 

Chế độ thủy lực và xâm nhập mặn mùa kiệt vùng hạ du sông Đồng Nai – Sài Gòn  (ĐN-SG) chịu tác động chi phối chính bởi dòng triều từ biển Đông qua các cửa Soài Rạp và Lòng Tàu. Hiện nay, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh trên toàn bộ vùng hạ du kết hợp với việc xây dựng các công trình kiểm soát triều cho khu vực nội ô Tp. Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng tới chế độ thủy lực, lũ, chất lượng nước vùng hạ du trong đó có vấn đề xâm nhập mặn. Trong nội dung bài báo này tác giả  đã đưa ra các kết quả nghiên cứu ban đầu để đánh giá tác động của đô thị hóa, xây dựng công trình chống ngập đến xâm nhập mặn vùng hạ du sông ĐN-SG.

Từ khóa: Sông Đồng Nai - Sài Gòn, hạ du sông Đồng Nai – Sài Gòn, xâm nhập mặn, nồng độ mặn, chiều dài xâm nhập mặn, đô thị hóa, công trình kiểm soát triều.

36

ĐÁNH GIÁ SỰ THAY ĐỔI SỨC TẢI LŨ TRÊN SÔNG SÀI GÒN

 Đinh Công Sản, Nguyễn Bình Dương

Trung tâm nghiên cứu chỉnh trị sông và Phòng chống thiên tai –

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Bài báo tổng hợp kết quả đánh giá khả năng tải lũ của sông Sài Gòn của đề tài KHCN cấp nhà nước KC08.07/16-20 “Nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nước, đảm bảo an toàn công trình đầu mối và hạ du hồ Dầu Tiếng trong điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan” sử dụng một số kết quả nghiên cứu trước đây, tài liệu khảo sát địa hình và kết quả tính từ mô hình toán (MIKE11).

So sánh mực nước và lưu lượng xả lũ tương ứng dọc theo sông Sài Gòn cho thấy khả năng tải dòng chảy của sông Sài Gòn gia tăng vùng thượng lưu và giảm đi ở vùng hạ du. Cụ thể là tại mặt cắt ngang trạm Dầu Tiếng, với mực nước lũ đạt 6,0 m, lưu lượng tải năm 1984 chỉ đạt 650 m3/s, năm 2005 đạt 1.300 m3/s và đến năm 2017 đạt tới 2.200 m3/s, tức là tăng tới 47 m3/năm, tương đương với khoảng 7.2% năm. Dọc theo sông Sài Gòn khả năng tải dọc sông Sài Gòn gia tăng từ Km 0 (chân đập) về đến Km 100. Ngược lại, khả năng tải dọc sông Sài Gòn giảm đi từ khoảng Km100 về hạ du.

Nguyên nhân của việc gia tăng sức tải trên sông Sài Gòn ở đoạn thượng lưu chủ yếu là do thay đổi về địa hình. Lòng dẫn sông sẽ có xu thế bị xói sâu hơn do tác động của xói sau công trình, hoặc có thể là do khai thác cát làm cho mặt cắt bị hạ thấp ở đoạn sông thượng lưu đến Km100. Ngược lại, ở đoạn sông từ Km100 về hạ du, đáy sông có xu thế bồi lên và thêm vào đó, có thể là do sông bị lấn chiếm (đô thị hóa), hoặc do đắp đê bao dẫn đến thu hẹp mặt cắt ướt, làm sức tải giảm đi.

45

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ AN TOÀN HỆ THỐNG CÔNG TRÌNH KÈ Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Doãn Văn Huế, Tô Văn Thanh

 Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Nguyễn Hữu Bảo

Trường Đại học Thủy lợi

Những sự cố, hư hỏng công trình kè bờ sông liên quan đến sự biến đổi dòng chảy, xói lởlòng dẫn, gia tải quá mức, thiết kế an toàn tổng thể chưa đúng,... đã xảy ra thường xuyên hơn trong thời gian gần đây, đặc biệt là ở khu vực ĐBSCL đòi hỏi cần có những nghiên cứu đầy đủ hơn về đánh giá mức độ an toàn công trìnhkè để phục vụ cho việc cải tạo, nâng cấp và thiết kế xây dựng mới.Bài viết này trình bày một số vấn đề về an toàn công trình kè ở ĐBSCL làm cơ sở nghiên cứu xác định độ tin cậy an toàn công trình kè theo phương pháp thiết kế ngẫu nhiên

53

KẾT QUẢ TÍNH SÓNG, NƯỚC DÂNG DO BÃO
VÙNG VEN BIỂN ĐÔNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

 

Lê Thanh Chương, Nguyễn Duy Khang, Lê Mạnh Hùng

Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam

Việc tính toán mô phỏng chế độ sóng, nước dâng do bão gây ra ở vùng ven biển Đông nhằm có kế hoạch, giải pháp chủ động trong ứng phó ngăn ngừa thiệt hại có thể xảy ra là hết sức quan trọng và cần thiết. Bài báo này trình bày kết quả tính toán sóng, nước dâng do bão bằng phương pháp mô hình toán, gồm kết hợp các mô hình họ Mike (mô hình 1D - Mike 11, mô hình 2D - MIKE21/3 Coupled). Các thông số bão sử dụng để tính toán được giả định từ cơn bão Linda (năm 1997), quỹ đạo bão có dịch chuyển sao cho khả năng gây ảnh hưởng (nước dâng, sóng) lớn nhất cho vùng ven biển Đông các tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau.

Từ khóa: Mô hình toán 1D/2D, chiều cao sóng, nước dâng do bão, quỹ đạo bão.

63

HẠ THẤP LÒNG DẪN VÀ NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA NÓ ĐẾN HỆ THỐNG SÔNG CỬU LONG

Nguyễn Nghĩa Hùng, Lê Quản Quân

Viện khoa học Thủy lợi miền Nam

Nguyễn Công Thành

Đại học Khoa học Tự nhiên, Hồ Chí Minh

Trước những nhận định về việc hạ thấp lòng dẫn có tác động đến hạ thấp mực nước sông sẽ ảnh hưởng đến chế độ thủy động lực, hình thái sông Cửu Long. Nghiên cứu này góp phần làm sáng tỏ hơn nhận định đó, đồng thời cho thấy việc khai thác cát quá mức, xây đập thượng nguồn, sẽ có những tác động lớn đến quá trình ổn định và phát triển của đồng bằng sông Cửu Long. Từ hai cách tiếp cận: (1) phân tích tài liệu thu thập đáy địa hình, (2) phân tích thu thập mực nước sông; kết quả nghiên cứu cho thấy hạ thấp lòng dẫn ngày càng rõ rệt với tốc độ trung bình lên tới 3m/ năm (Sa Đéc trong giai đoạn 3 năm gần nhất 2014-2017), mực nước chân triều giảm thấp từ -3÷-10mm/năm tùy theo từng khu vực, trong khi đó biên độ thủy triều tăng lên mạnh +9-+10mm/ năm. Từ kết quả này cho thấy, nếu cộng thêm cả sụt lún đất và nước biển dâng, chế độ thủy động lực của vùng ĐBSCL đang thay đổi và chịu ảnh hưởng mạnh hơn của động lực biển. Điều này sẽ dẫn tới xu hướng ngập lụt do triều, tăng dòng chảy trong sông kênh, xâm nhập mặn vào sâu nội đồng, và hạn chế dần khả năng tưới tự chảy cho các vùng cao và tiêu tự chảy cho các vùng trũng.

Từ khóa: hạ thấp lòng dẫn, hạ thấp mực nước, thủy triều, đồng bằng sông Cửu Long

71

NGHIÊN CỨU QUÁ TRÌNH VẬN CHUYỂN BÙN CÁT VÙNG CỬA SÔNG VEN BIỂN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG SỬ DỤNG
MÔ HÌNH TOÁN 3 CHIỀU DELFT 3D

 

Lê Xuân Tú

Viện khoa học Thủy lợi miền Nam

 

Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu quá trình vận chuyển bùn cát khu vực cửa sông ven biển đồng bằng sông Cửu Long sử dụng mô hình toán 3 chiều Delft 3D. Kết quả mô phỏng cho thấy lượng bùn cát đổ ra biển chủ yếu trong mùa lũ trên 90% và bồi lắng tại trước cửa sông. Bùn cát vận chuyển dọc bờ chiếm ưu thế trong mùa gió Đông Bắc đặc biệt là Tháng 11,12 và Tháng 1.

Từ khóa:Vận chuyển bùn cát, cửa sông, ven biển, đồng bằng sông Cửu Long

 

83

PHÂN TÍCH ẢNH HƯỞNG CỦA ĐỘ MẶN, SÓNG GIÓ ĐẾN QUÁ TRÌNH VẬN CHUYỂN BÙN CÁT KHU VỰC CỬA SÔNG VEN BIỂN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

 

Lê Xuân Tú, Trần Bá Hoằng, Lê Thanh Chương

Viện khoa học Thủy lợi miền Nam

Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố độ mặn, sóng gió đến quá trình vận chuyển bùn cát khu vực cửa sông ven biển đồng bằng sông Cửu Long sử dụng mô hình toán 3 chiều Delft 3D. Kết quả mô phỏng cho thấy với khu vực cửa sông độ mặn đóng vai trò quan trọng trong quá trình bồi lắng và đẩy bùn cát ra biển. Ngoài khu vực ven bờ thì sóng là yếu tố chính chi phối quá trình vận chuyển bùn cát. Kết quả cho thấy lượng bùn cát lơ lửng vận chuyển về phía Tây Nam chiếm ưu thế so với hướng vận chuyển lên phía Đông Bắc. 

Từ khóa: Độ mặn, sóng gió, vận chuyển bùn cát, cửa sông, ven biển, đồng bằng sông Cửu Long

95

NGHIÊN CỨU HIỆU QUẢ GIẢM SÓNG CỦA ĐÊ KẾT CẤU RỖNG TRÊN MÔ HÌNH MÁNG SÓNG

 

Thiều Quang Tuấn

 Trường Đại học Thủy Lợi

Đinh Công Sản, Lê Xuân Tú, Đỗ Văn Dương

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu xây dựng công thức đánh giá khả năng khả năng triết giảm sóng của đê giảm sóng kết cấu rỗng và phân tích sự biến đổi hình dạng phổ sóng trước và sau công trình tại khu vực nước nông của rừng ngập mặn dựa trên thí nghiệm mô hình vật lý 2D trong máng sóng.

Từ khóa: Đê giảm sóng kết cấu rỗng, hệ số truyền sóng, sóng phản xạ, mô hình vật lý 2D

103

CỐNG TỰ ĐỘNG VÙNG TRIỀU ĐBSCL THEO YÊU CẦU NGHỊ QUYẾT 120 CỦA CHÍNH PHỦ, TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ BIẾN ĐỔI KHI HẬU

 

Nguyễn Thanh Hải, Tăng Đức Thắng

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Vũ Viết Hưng

Cục Quản lý Xây dựng Công trình (B2) Bộ Nông nghiệp và PTNT

Bài viết giới thiệu tổng quan cống tự động vùng triều Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm 2000 trở về trước, và giới thiệu kết quả nghiên cứu bước đầu cho cống vùng triều theo yêu cầu Nghị quyết 120 của Chính phủ, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và biến đổi khí hậu.

Từ khóa: Công trình thủy lợi, cống tự động, chế độ thủy lực, vùng ĐBSCL.

 

110

NGHIÊN CỨU ĐỘNG THÁI ẨM CỦA ĐẤT TRONG KỸ THUẬT TƯỚI NHỎ GIỌT PHỤC VỤ TƯỚI TIẾT KIỆM NƯỚC HỢP LÝ CHO
CÂY TRỒNG CẠN VÙNG KHAN HIẾM NƯỚC (VÙNG KHÔ HẠN)

 

Trần Thái Hùng, Võ Khắc Trí, Lê Sâm

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

 

Trong quá trình thực nghiệm xác định chế độ tưới hợp lý trong kỹ thuật tưới nhỏ giọt cho cây nho lấy lá tại vùng khan hiếm nước tỉnh Bình Thuận, tác giả đã khảo nghiệm động thái ẩm của đất tại đồng thời 2 vị trí: (1) Đất tự nhiên (không trồng cây) và (2) Đất trồng cây nho lấy lá trong 3 mùa vụ với 3 chu kỳ tưới: 2 ngày (CK2), 3 ngày (CK3), và 4 ngày (CK4). Bài viết này trình bày kết quả thực nghiệm tại khu vực đất tự nhiên. Kết quả quan trắc cho thấy: cuối chu kỳ tưới, độ ẩm đất CK2 vẫn lớn hơn độ ẩm tối thiểu thích hợp cho cây (θp), độ ẩm đất CK3 (các tầng phía trên) và đặc biệt là CK4 có độ ẩm giảm xuống thấp hơn giá trị độ ẩm θp, đôi khi nằm sát giá trị độ ẩm cây héo (θwp). Sự giảm độ ẩm vào ban ngày lớn hơn buổi tối và đêm, buổi chiều giảm nhiều hơn buổi sáng. Hao hụt độ ẩm thời đoạn 9÷15g có giá trị lớn nhất, kế đến là từ 15÷21g, 3÷9g và thấp nhất là từ 21÷3g sáng hôm sau. Thiết lập hệ phương trình hồi quy truyến tính giữa đường đặc trưng ẩm và độ ẩm các tầng đất với kết quả kiểm định đều đảm bảo yêu cầu và phù hợp. Do vậy, từ kết quả thí nghiệm này có thể sử dụng hệ phương trình hồi quy xác định chế độ tưới tiết kiệm nước hợp lý theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển cho cây trồng cạn vùng khan hiếm nước (vùng khô hạn) Nam Trung Bộ.

Từ khóa: Cây trồng cạn, chu kỳ tưới, động thái ẩm của đất, hồi quy, tưới nhỏ giọt.

123

KIỂM KÊ VÀ DỰ BÁO NGUỒN NƯỚC TRÊN LƯU VỰC SÔNG LŨY - SÔNG LA NGÀ VÀ PHỤ CẬN PHỤC VỤ SẢN XUẤTNÔNG NGHIỆP
VÀ ỨNG PHÓ VỚI HẠN HÁN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

 

Nguyễn Đình Vượng, Trần Minh Tuấn, Huỳnh Ngọc Tuyên, Lê Văn Thịnh
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Bài này trình bày kết quả nghiên cứu bước đầu về kiểm kê và dự báo nguồn nước trên lưu vực sông điển hình phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng phó với hạn hán, đi sâu nghiên cứu về dự báo nguồn nước phục vụ chỉ đạo điều hành cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2017 - 2018 trên lưu vực sông Lũy, sông La Ngà thuộc tỉnh Bình Thuận. Kết quả đã kiểm kê thực trạng nguồn nước trên hệ thống công trình thủy lợi, dự báo nguồn nước, dòng chảy đến các hồ, đập thủy lợi các tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018, xây dựng kế hoạch sử dụng nước cho sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện nguồn nước và khả năng cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2017 - 2018 tỉnh Bình Thuận phục vụ chỉ đạo, điều hành phòng chống hạn hán.  

Từ khóa:Dự báo nguồn nước, cân bằng nước, hạn hán, lưu vực sông.

134

ĐỀ XUẤT CÔNG CỤ QUẢN LÝ NGUỒN NƯỚC PHỤC VỤ HỖ TRỢ RA QUYẾT ĐỊNH CHO CẤP NƯỚC SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
NHẰM ỨNG PHÓ VỚI HẠN HÁN VÙNG NAM TRUNG BỘ

 

Lê Sâm, Nguyễn Đình Vượng
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Hà Hải Dương

Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường

 

Nam Trung Bộ là vùng có lượng mưa hàng năm phân bố không đều theo không gian và thời gian, chính vì vậy gần như năm nào cũng thường xuyên xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng về mùa khô. Trong 3 năm gần đây 2014 - 2016, do hiện tượng El-Nino hoạt động mạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến vùng Nam Trung Bộ, lượng mưa thiếu hụt nghiêm trọng, nhiệt độ tăng cao đã gây ra tình trạng hạn hán, thiếu nước gây thiệt hại lớn cho sản xuất và đời sống người dân. Hạn hán kéo dài cùng với nguồn nước tích trữ tại các hệ thống thủy lợi không đáp ứng được việc tưới để sản xuất, nhiều diện tích đất trồng lúa phải dừng sản xuất; nhiều diện tích cây trồng khác bị thiếu nước tưới vào thời điểm giữa và cuối vụ. Bài báo này sẽ trình bày một số công cụ nhằm quản lý nguồn nước phục vụ hỗ trợ ra quyết định cấp nước cho sản xuất nông nghiệp góp phần chủ động phòng chống hạn cho vùng Nam Trung Bộ. Các công cụ được tập trung chủ yếu dựa trên dữ liệu viễn thám nhằm tính toán và giám sát nguồn nước phục vụ lập kế hoạch sản xuất nông nghiệp cũng như chủ động ứng phó với hạn hán tại khu vực.

Từ khóa: Hạn hán, công cụ quản lý nguồn nước, hỗ trợ ra quyết định, sản xuất nông nghiệp, Nam Trung Bộ

143

PHÂN LOẠI CÁC MẠCH LỘ VÀ ĐỀ XUẤT MÔ HÌNH THU GOM KHAI THÁC NGUỒN NƯỚC MẠCH LỘ VÙNG KHAN HIẾM NƯỚC KHU VỰC TÂY NGUYÊN

Phạm Thế Vinh, Nguyễn Đăng Luân, Trần Thị Thu Hương

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Bài báo này trình bày về hiện trạng các mạch lộ và phân loại các mạch lộ vùng khan hiếm nước ở khu vực Tây Nguyên. Trên cơ sở phân loại các mạch lộ, những mô hình đã được áp dụng và kết hợp với các công nghệ thu gom nước dưới dất, đề xuất các dạng mô hình thu gom khai thác bền vững nguồn nước mạch lộ phục vụ cho đồng bào dân tộc thuộc các vùng cao, vùng khan hiếm nước trên địa bàn Tây Nguyên.

Từ khóa:mạch lộ, mô hình, bến nước, thu gom, dân tộc, vùng cao, khan hiếm nước.

 

152

XÁC ĐỊNH MÔ ĐUN BIẾN DẠNG DỠ TẢI VÀ THAM SỐ MŨ (m) CỦA ĐẤT YẾU TP. HCM TRONG MÔ HÌNH HARDENING SOIL

Ngô Đức Trung

Trường Đại học Văn Hiến

Võ Phán

Trường Đại học Bách khoa Tp. HCM

Trần Thị Thanh

Viện Khoa học Thuỷ lợi Miền Nam

Bài báo này xác định mô đun biến dạng và sự phụ thuộc của mô đun biến dạng vào trạng thái ứng suất của đất yếu khu vực Tp. HCM. Các thông số được xác định là các tham số độ cứng: mô đun cát tuyến E50 và mô đun dỡ tải Eur trong các thí nghiệm ba trục thoát nước. Thí nghiệm nén ba trục được thực hiện cho lớp bùn sét ở độ sâu 4-6 m và 12-14 m, lớp sét yếu trong phạm vi 18-20 m và 24-26 m theo điều kiện thoát nước có dỡ tài và gia tải lại.

Từ khoá: hố đào sâu, mô đun biến dạng, ứng suất, mô hình nền, lộ trình ứng suất;

163

GIỚI THIỆU PHẦN MỀM WCANAL INTRODUCTION TO WCANAL SOFTWARE

 

Trần Tống

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Chương trình Wcanal chạy tốt trên môi trường Win7 (Ultimate 32bit hoặc 64bit) và cho giao diện trực quan. Chương trình Wcanal hỗ trợ vẽ và tính toán thiết kế kênh, như:

Vẽ mặt cắt ngang, cắt dọc địa địa hình;

Vẽ mặt cắt ngang, cắt dọc thiết kế và hoàn công cho kênh mương, đê, đập;

Tính toán khối lượng đào, đắp, nạo vét, bóc phong hóa trong thiết kế kênh;

 Tính khối lượng đào đắp thi công và khối lượng hoàn công các bộ phận tương ứng đã thiết kế;

Cập nhật số liệu khảo sát địa hình, thông số thiết kế từ tập tin Microsoft Excel (*.xls);

Sửa đổi số liệu địa hình hoặc các thông số kênh thiết kế trực tiếp trên màn hình;

Thực hiện in bản vẽ khổ A4 hoặc A3. Có thể xuất bản vẽ ra file *.bdf ;

Chương trình Wcanal có thể xuất bản vẽ ra file *dwg Autocad.

Từ khóa:Phần mềm thiết kế kênh Wcanal

169

BIẾN ĐỘNG NGUỒN NƯỚC MÙA LŨ HÀNG NĂM DO ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC HỒ ĐẬP THƯỢNG LƯU VÀ DIẾN BIẾN LŨ NĂM 2018
Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Tô Quang Toản, Trần Minh Tuấn

Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam

Đồng bằng Sông Cửu Long bị ảnh hưởng lũ hàng năm từ thượng nguồn sông Mê Công, với diện tích ngập lũ dao động từ 1-2 triệu ha, mực nước lũ lớn nhất hàng năm tại trạm đầu nguồn Tân Châu dao động trong khoảng 2,4-5,1m. Lũ lớn (>4,5m) thường gây ra nhiều thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng, thiệt hại người và tài sản. Bên cạnh các tác hại do lũ gây ra, lũ cùng đem lại nhiều lợi ích cho đồng bằng: bồi đắp phù sa, nguồn lợi thủy sản, cải tạo môi trường đất và nước. Các vụ canh tác chính trên đồng bằng, vụ Đông Xuân và Hè Thu đều né tránh thời kì lũ cao để giảm thiệt hại và khai thác các lợi ích mà lũ đem lại. Phát triển thủy điện ở thượng lưu đã và sẽ làm thay đổi diễn biến ngập lũ trên đồng bằng. Nghiên cứu đã phân tích chỉ ra các thay đổi lũ hàng năm trên đồng bằng theo các kịch bản phát triển thủy điện ở thượng lưu từ giả thiết trong thời gian tới có thể lặp lại chuỗi khí tượng thủy văn tương tự như trong quá khứ từ 1924 đến 2014 đồng thời chỉ ra qui luật đó ứng với lũ 2018.

Từ khoá: ĐBSCL; Diễn biến lũ; Nguồn nước; Chuyển đổi mùa vụ; Sử dụng đất.

177

NGHIÊN CỨU SỰ LAN TRUYỀN CÁC NGUỒN NƯỚC MANG MẦM BỆNH TRONG  CÁC HỆ THỐNG THỦY LỢI PHỤC VỤ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

 
 

Tăng Đức Thắng, Nguyễn Đình Vượng, Vũ Quang Trung,

Phạm Văn Giáp, Nguyễn Đức Phong, Nguyễn Thanh Hải

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Lan truyền bệnh thủy sản theo dòng chảy là một trong những vấn đề lớn nhất đối với các vùng nuôi trồng thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long. Cho đến nay vẫn chưa có phương pháp và công cụ nào nghiên cứu về vấn đề này. Từ cuối những năm 1990’s, sự ra đời của “lý thuyết sự lan truyền các nguồn nước trong hệ thống” (Nguyễn Ân Niên và Tăng Đức Thắng), với ưu điểm chính là đánh giá được sự lan truyền các nguồn nước theo dòng chảy thông qua xác định nồng độ thể tích của nó, đã đưa lý thuyết đến nhiều ứng dụng thực tế. Gần đây, lý thuyết này đã được ứng dụng để tính toán sự lan truyền các mầm bệnh thủy sản thông qua tính toán nồng độ thể tích của khối nước mang mầm bệnh thủy sản. Bài báo này sẽ trình bày những điểm cơ bản nhất của ứng dụng này và tính toán cho vùng Bán đảo Cà Mau. Kết quả tính toán đã cho thấy tiềm năng lớn của bài toán này trong việc giải quyết lan truyền các bệnh lây lan theo đường nước, mở ra nhiều ứng dụng cho quản lý phòng ngừa lây lan bệnh thủy sản.

Từ khóa: Bệnh thủy sản, mầm bệnh, lý thuyết lan truyền các nguồn nước.

186

XÂY DỰNG MÔ HÌNH TOÁN PHỤC VỤ CHO VIỆC DỰ BÁO CHẤT LƯỢNG NƯỚC VÙNG BÁN ĐẢO CÀ MAU

Tăng Đức Thắng, Vũ Quang Trung, Phạm Văn Giáp,
Nguyễn Thanh Hải, Tô Quang Toản và Nguyễn Văn Hoạt

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Trong những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản mặn lợ  đang được phát triển mạnh trên cả nước, nhất là vùng Bán đảo Cà Mau (BĐCM) (ĐBSCL). Trong khi đó, công tác quản lý chất lượng nước vẫn còn chưa theo kịp với nhu cầu phát triển, nhất là vấn đề dự báo chất lượng nước phục vụ cho nuôi trồng thủy còn nhiều tồn tại; trong đó công cụ tính toán dự báo được coi là một trong những tồn tại lớn nhất. Bài báo này sẽ giới thiệu vấn đề xây dựng mô hình chất lượng nước cho vùng BĐCM phục vụ cho công tác đánh giá chế độc chất lượng nước, dự báo lan truyền ô nhiễm theo dòng chảy. Mô hình được thiết lập dựa trên phần mềm MIKE11 với một số chỉ tiêu chất lượng nước cơ bản được xem xét, đã được cân chỉnh và cho thấy có khả năng mô phỏng đạt yêu cầu của một số ứng dụng thực tế vùng nghiên cứu.

Từ khóa: Bán đảo Cà Mau, mô hình chất lượng nước, xâm nhập mặn, DO, BOD.