TextBody
Huy chương 2

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 56 năm 2019

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THỦY LỢI
SỐ 56
(10/2019)

Trang

Tên bài báo

Tác giả

Tóm tắt

I

Khoa học Công nghệ

 

 

2

XÁC ĐỊNH  PHẠM VI VÀ VAI TRÒ CÁC KHU VỰC TRÊN BÃI SÔNG TRONG KHÔNG GIAN THOÁT LŨ TRÊN SÔNG

Nguyễn Ngọc Quỳnh, Bùi Huy Hiếu,

 Nguyễn Ngọc Đẳng

Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Động lực học sông biển

Nguyễn Thanh Tùng

Tổng cục Phòng chống Thiên tai

Việc lập và triển khai quy hoạch lũ chi tiết trên các tuyến sông thường gặp khó khăn trong quản lý sử dụng các bãi sông, nguyên nhân là do chưa thống nhất về cách hiểu cũng như cách thức thực hiện cụ thể một số vấn đề trong các quy định về quản lý sử dụng bãi sông trong quyết định 257/QĐ-TTg của Chính phủ.

Từ thực tế quản lý bãi sông tại các địa phương, kinh nghiệm  trong nước và tham khảo  quy định quản lý, sử dụng bãi sông của nước  ngoài, nội dung trong bài báo đề xuất các quy định chi tiết nhằm cụ thể hóa và làm rõ hơn về nhận thức, cách hiểu và đặc biệt là xác định phạm vi, vai trò các khu vực trên bãi sông trong không gian thoát lũ được quy định trong quyết định 257.

9

QUY HOẠCH PHÒNG CHỐNG LŨ VÀ QUY HOẠCH ĐÊ ĐIỀU TỈNH BẮC NINH ĐẢM BẢO AN TOÀN PHÒNG, CHỐNG LŨ VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI ĐẾN NĂM 2030 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Hồ Việt Cường

Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Động lực học sông biển

Nằm ở hạ du lưu vực sông Hồng - Thái Bình, tỉnh Bắc Ninh có các con sông lớn chảy qua là sông Đuống, sông Thái Bình và sông Cầu do đó luôn chịu tác động đồng thời của dòng chảy lũ của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã chịu ảnh hưởng của nhiều trận mưa, lũ lớn gây thiệt hại và nguy hiểm đến an toàn tính mạng, tài sản và nhân dân. Vì vậy công tác phòng, chống lũ và đảm bảo an toàn đê điều luôn được coi là nhiệm vụ cấp thiết hàng đầu, ưu tiên thực hiện hàng năm, từng thời kỳ. Để phù hợp với Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều lưu vực sông Hồng - Thái Bình đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định 257/QĐ-TTg ngày 18/12/2016, thì việc lập quy hoạch phòng chống lũ chi tiết và quy hoạch đê điều trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đảm bảo phòng, chống lũ và phát triển kinh tế xã hội là hết sức cần thiết. Bài viết trình bày tóm tắt các kết quả nghiên cứu, thiết kế lập “Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam thực hiện.

Từ khóa: quy hoạch đê điều, phòng chống lũ, phát triển kinh tế xã hội, sông Hồng – Thái Bình, tỉnh Bắc Ninh.

18

NGHIÊN CỨU XÁC ĐỊNH NHỮNG THAY ĐỔI BỔ SUNG VỀ CHI PHÍ ĐẦU TƯ CHO CÁC CỐNG DƯỚI ĐÊ VÙNG TRIỀU Ở MIỀN BẮC VÀ MIỀN TRUNG THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Đinh Xuân Trọng, Đỗ Hoài Nam, Dương Quốc Huy, Đỗ Thị Thùy Dung

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Với trên 2.500 cống dưới đê vùng triều các loại đang vận hành, khai thác đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai ở khu vực miền Bắc và miền Trung. Tuy nhiên, sự xuống cấp và tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đã làm suy giảm hiệu quả của các công trình này. Bài viết trình bày kết quả đánh giá hiện trạng, phân tích các tác động của BĐKH đến cống dưới đê vùng triều và đề xuất cách tính toán sự gia tăng của các yếu tố khí hậu theo các kịch bản BĐKH; đưa ra các giải pháp phù hợp cho các cống dưới đê vùng triều thích ứng với BĐKH; trên cơ sở đó, lựa chọn, tính toán thiết kế và xác định, phân tích sự biến động về chi phí đầu tư cho một số cống dưới đê điển hình cho vùng nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu là cơ sở để các cấp, các ngành tham khảo khi quyết định đầu tư.

Từ khóa: Cống dưới đê, vùng triều, giải pháp thích ứng, biến đổi khí hậu, chi phí đầu tư

28

ĐÁNH GIÁ SẢN PHẨM MƯA DỰ BÁO TỔ HỢP TỪ CÁC MÔ HÌNH DỰ BÁO MƯA SỐ TRỊ TOÀN CẦU: ỨNG DỤNG CHO
LƯU VỰC SÔNG KONE

 

Đỗ Anh Đức

Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo

Nguyễn Thị Thu Hà, Ngô Lê An

Trường Đại học Thuỷ lợi

 

Tóm tắt: Sản phẩm mưa dự báo tổ hợp từ các mô hình số trị đã được sử dụng rộng rãi trong tác nghiệp dự báo lũ tại các trung tâm dự báo trên thế giới. Nghiên cứu này tập trung đánh giá chất lượng sản phẩm mưa dự báo tổ hợp thời đoạn 6h và thời gian dự báo lên tới 10 ngày của mô hình dự báo thời tiết số trị toàn cầu (NWP) với độ phân giải 0,5ox0,5o đền từ 4 trung tâm khác nhau gồm trung tâm dự báo thời tiết hạn vừa của châu âu (ECMWF), Cơ quan khí tượng Nhật bản (JMA), Cơ quan khí tượng Hàn Quốc (KMA), và Trung tâm quốc gia về dự báo môi trường (NCEP). Đánh giá được tiến hành cho lưu vực sông Kone trong thời gian mùa lũ các năm từ 2014 đến 2018 sử dụng các chỉ số đánh giá dự báo tất định và chỉ số đánh giá dự báo xác suất. Kết quả đánh giá cho thấy các sản phầm mưa tổ hợp này có tiềm năng cao để cung cấp các giá trị dự báo xác suất, đặc biệt với thời gian dự báo lên tới 48h. Trong bốn mô hình số trị xem xét ở trên, mô hình ECMWF đều nhất quán cho kết quả dự báo mưa tốt nhất và mô hình NCEP cho ra kỹ năng dự báo mưa kém nhất theo các chỉ tiêu kiểm định dự báo tất định và xác suất được xem xét trong bài báo. Những kết quả đánh giá trong bài báo có ý nghĩa quan trọng khi xem xét sử dụng sản phẩm mưa dự báo tổ hợp của các mô hình số trị để kéo dài thời gian dự báo dòng chảy hỗ trợ kiểm soát lũ và vận hành hồ chứa theo thời gian thực.

Từ khoá: mưa dự báo tổ hợp, mô hình dự báo thời tiết số trị, NWP, lưu vực sông Kone,…

38

DỰ BÁO MƯA TRÊN LƯU VỰC HỒ DẦU TIẾNG TỪ TÀI LIỆU DỰ BÁO THỜI TIẾT TOÀN CẦU PHỤC VỤ DỰ BÁO DÒNG CHẢY LŨ ĐẾN VÀ ĐIỀU TIẾT HỒ TRONG MÙA LŨ

Đinh Công Sản, Lưu Ngọc Thanh

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

 Nguyễn Văn Lanh

Công ty TNHH Một Thành Viên Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa

 

Tóm tắt: Một trong những nguyên nhân gây ra lũ lụt ở vùng hạ du hồ Dầu Tiếng là việc xả lũ trong mùa mưa để đảm bảo an toàn hồ chứa. Sau gần 40 năm khai thác vận hành hồ Dầu Tiếng, có rất nhiều nghiên cứu tính toán lũ, dự báo lũ về hồ và đề xuất các giải pháp điều tiết hồ hợp lý, nhằm giảm thiểu lưu lượng lũ xả về hạ du, để giảm thiểu ngập lụt cho vùng hạ du, đặc biệt là khu vực thành phố Hồ Chí Minh. Bài báo tổng hợp kết quả đánh giá khả năng dự báo mưa từ các mô hình trên thế giới của đề tài KC08.07/16-20 “Nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nước, đảm bảo an toàn công trình đầu mối và hạ du hồ Dầu Tiếng trong điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan”. Nghiên cứu này rà soát các mô hình dự báo khí tượng đã được ứng dụng trên thế giới và ứng dụng cho việc dự báo mưa ở lưu vực hồ Dầu Tiếng. Kết quả từ nghiên cứu áp dụng dự báo mưa cho đợt áp thấp nhiệt đới tháng 11/2018 và so sánh với số liệu quan trắc mưa trong lưu vực bước đầu cho thấy mô hình ECMWF (Trung tâm châu Âu dự báo thời tiết trung hạn) có khả năng dự báo tốt lượng mưa trung bình ngày và thời gian dự báo 3 đến 4 ngày trước khi xảy ra áp thấp nhiệt đới. Kết quả bước đầu cho phép dự báo dòng chảy đến hồ và phục vụ cho việc điều tiết lũ một cách hiệu quả, giảm thiểu ngập lụt ở hạ du hồ Dầu Tiếng.

47

ĐÁNH GIÁ DIỄN BIẾN HẠN HÁN VÀ PHÂN CẤP ĐỘ YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN HẠN THỦY VĂN Ở VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG - THÁI BÌNH

Hồ Việt Cường

Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Động lực học sông biển

Trần Văn Trà, Nguyễn Huy Phương

Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu

Tóm tắt: Đồng bằng sông Hồng có diện tích 14.784 km2, chiếm khoảng 4,5% diện tích của cả nước. Đây là vùng có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế của Việt Nam với thủ đô Hà Nội và cũng là vùng sản xuất, canh tác nông nghiệp lớn thứ 2 của đất nước. Trong vùng hiện có nhiều hệ thống công trình thủy lợi đã được xây dựng tương đối hoàn thiện, song cũng không hoàn toàn miễn nhiễm với ảnh hưởng của hạn hán. Liên tiếp trong những năm gần đây, vùng đồng bằng sông Hồng - Thái Bình chịu tác động nặng nề của những trận hạn lớn, xảy ra trên diện rộng, liên tục và kéo dài từ năm 2003-2011 gây ra những tác động tiêu cực ảnh hưởng lớn đến đến đời sống, kinh tế xã hội và môi trường. Hạn hán được phân loại gồm hạn khí tượng, hạn thủy văn, hạn nông nghiệp và hạn kinh tế xã hội, trong nghiên cứu này chỉ xem xét đến vấn đề hạn thủy văn. Có nhiều yếu tố tác động đến hạn thủy văn trong đó có những yếu tố chính và yếu tố phụ vì vậy việc xác định và phân cấp mức độ tác động của các yếu tố đến hạn thủy văn là cần thiết. Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu và đề xuất các tiêu chí đánh giá mức độ tác động của các yếu tố đến hạn thủy văn ở vùng hạ du sông Hồng – Thái Bình thông qua hai chỉ số chính là chỉ số thiếu hụt dòng chảy Kth và chỉ số cấp nước mặt SWSI. Từ các kết quả đánh giá biến động về các chỉ số hạn theo không gian và thời gian, kết hợp với việc phân tích xác định các nguyên nhân điển hình gây ra hiện tượng hạn hán, đã thành lập bảng phân cấp độ các yếu tố tác động, ảnh hưởng đến diễn biến hạn hán ở khu vực này.

Từ khóa: hạn thủy văn, chỉ số Kth, chỉ số SWSI, đồng bằng sông Hồng – Thái Bình, lượng mưa, bốc hơi, nhiệt độ, dòng chảy.

58

HIỆU QUẢ CỦA MÔ HÌNH ĐỒNG QUẢN LÝ RỪNG NGẬP MẶN
VÀ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN CHO VÙNG VEN BIỂN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

 

Trần Chí Trung, Đinh Vũ Thùy

Trung tâm Tư vấn Thủy nông có sự tham gia của người dân (CPIM)

Tóm tắt: Dưới tác động của BĐKH xói lở bờ biển và suy thoái rừng ngập mặn đã gây nên thiệt hại rất lớn về kinh tế, xã hội và môi trường. Rừng ngập mặn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo chức năng phòng hộ, phòng chống sạt lở, xói mòn đất, xói mòn bờ biển, bảo vệ đê biển, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ cuộc sống và sinh kế của cộng đồng dân cư ven biển. Quản lý và sử dụng rừng ngập mặn bền vững được xem là một trong nhiều giải pháp có tính bền vững. Bài báo này phân tích hiệu quả mô hình đồng quản lý rừng và tài nguyên thiên nhiên ở ấp Âu Thọ B, tỉnh Sóc Trăng. Kết quả đánh giá cho thấy mô hình đồng quản lý rừng ngập mặn bảo vệ và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước ven biển đã cải thiện sinh kế vì lợi ích của dân cư gắn với bảo vệ khôi phục hiệu quả rừng ngập mặn.

Từ khóa: Rừng ngập mặn, quản lý rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng, đồng quản lý

67

ĐÁNH GIÁ RỦI RO KHÍ HẬU ĐỐI VỚI CƠ SỞ HẠ TẦNG:

ÁP DỤNG CHO HỆ THỐNG CỐNG CÁI LỚN - CÁI BÉ Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

 

Nguyễn Đức Công Hiệp, Lê Viết Minh, Đỗ Đức Dũng, Nguyễn Trung Nam

 Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam (SIWRP)

 Nguyễn Thị Minh Ngọc, Benjamin Hodick, Katharina Lotzen 

 Cơ quan hợp tác phát triển Đức (GIZ)

Trần Minh Điền

Ban Quản lý Đầu Tư và Xây dựng Thủy lợi 10

Nguyễn Thị Liên

Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ

Tóm tắt: Trong những thập kỷ gần đây, Việt Nam đã đầu tư hàng triệu đô la vào cơ sở hạ tầng (CSHT) dài hạn, đặc biệt là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, nguy cơ thiệt hại đầu tư do các hiện tượng thời tiết cực đoan và các thảm họa khởi phát chậm như nước biển dâng đòi hỏi các nhà ra quyết định phải đảm bảo khả năng phục hồi cho các CSHT đang và sẽ được đầu tư. Trong bối cảnh này, đánh giá rủi ro khí hậu cho CSHT được xem là một công cụ hiệu quả để xác định rõ các mức độ nhu cầu thích ứng của CSHT, đồng thời làm cơ sở kỹ thuật cho phát triển các chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Những đánh giá như vậy được kỳ vọng sẽ hỗ trợ xây dựng các giải pháp cho đầu tư CSHT chống chịu khí hậu, đặc biệt là khi nhiều CSHT mới được triển khai nhưng thiếu kiến thức về tổn thương của CSHT. Trong nghiên cứu này, phương pháp PIEVC đánh giá rủi ro khí hậu cho CSHT theo từng bước (phương pháp PIEVC) được áp dụng cho hệ thống cống Cái Lớn - Cái Bé trong giai đoạn thiết kế cơ bản. Phương pháp PIEVC được phát triển bởi Hiệp hội Kỹ sư Canada từ năm 2008. Các ma trận rủi ro từ đánh giá PIEVC đã đưa ra một bức tranh về các rủi ro tiềm ẩn đối với hệ thống cống Cái Lớn - Cái Bé dưới tác động của các yếu tố khí hậu và thủy văn trong cả điều kiện lịch sử và dự báo tương lai. Thông qua đánh giá này, một số khuyến nghị chính đã được đề xuất để hỗ trợ các nhà ra quyết định trong các giai đoạn thiết kế chi tiết, thiết kế bản vẽ thi công, vận hành và bảo trì của hệ thống cống Cái Lớn - Cái Bé. Nghiên cứu cũng cho thấy tiềm năng lớn trong việc áp dụng rộng rãi PIEVC để đánh giá rủi ro khí hậu cho CSHT hiện hữu và đang trong quy hoạch ở Việt Nam để xây dựng trong tương lai, đặc biệt ở ĐBSCL, nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng của nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan do BĐKH.

Từ khóa: đánh giá rủi ro khí hậu, PIEVC, ĐBSCL, cống Cái Lớn - Cái Bé, thích ứng BĐKH, cơ sở hạ tầng, quản lý rủi ro khí hậu

79

GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY LIÊN KẾT SẢN XUẤT, TIÊU THỤ SẢN PHẨM VÙNG CHUYỂN ĐỔI SẢN XUẤT LÚA-TÔM VEN BIỂN TÂY,  ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG  

Đoàn Doãn Tuấn, Trần Việt Dũng

Trung tâm Tư vấn PIM

 

Tóm tắt: Tác động của hạn hán, xâm nhập mặn đang làm thay đổi tập quán canh tác người dân vùng đồng bằng sông cửu Long (ĐBSCL) nói chung và vùng ven biển Tây nói riêng. Tác động đã biến thách thức thành cơ hội trong sản xuất nông nghiệp của vùng, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ canh tác 2 lúa kém hiệu quả sang canh tác tôm-lúa có hiệu quả kinh tế cao. Tôm nuôi trong ruộng lúa sử dụng chủ yếu thức ăn tự nhiên, chi phí thức ăn thấp, ít dịch bệnh, tôm nuôi thương phẩm có chất lượng, môi trường sinh thái được bảo vệ do lúa sử dụng các sản phẩm thải từ nuôi tôm. Tuy nhiên, phát triển hệ thống tôm-lúa đang đứng trước các thách thức, do hệ thống hạ tầng thủy lợi-giao thông chưa đáp ứng việc kiểm soát hạn-mặn và điều kiện để máy móc nông nghiệp hoạt động, liên kết sản xuất chưa đủ lớn để tạo thành vùng nguyên liệu lớn, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm khó tiếp cận các nguồn ưu đãi của Nhà nước để mở rộng quy mô và xây dựng mối liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chặt chẽ.          

Để hỗ trợ sản xuất, tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thu sản phẩm giữa nông hộ với nông hộ, giữa hộ sản xuất với doanh nghiệp, cần có chính sách khuyến khích việc hoàn thiện hệ thống giao thông nội đồng tạo điều kiện máy nông nghiệp hoạt động, đầu tư hạ tầng thủy lợi vừa đảm bảo chủ động cấp thóat nước phục vụ sản xuất tôm-lúa, đồng thời khuyến khích nông dân liên kết sản xuất trên quy mô lớn, song song với triển khai triệt để chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay, vốn hỗ trợ, thực hiện được quy trình sản xuất do doanh nghiệp đề ra, ứng vật tư, phân bón, hỗ trợ cho bà con nông dân yên tâm sản xuất 

Từ khóa: Hạn mặn, Hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng, liên kết sản xuất, tiêu thụ sán phẩm, mô hình sản xuất tôm-lúa, chính sách hỗ trợ

89

XÂY DỰNG TIẾN ĐỘ THI CÔNG CÔNG TRÌNH THỦY LỢI THEO LÝ THUYẾT ĐỘ TIN CẬY

 

Nguyễn Hữu Huế

 Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng - Đại học Thủy lợi

Nguyễn Văn Sơn

 Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng - Đại học Thủy lợi

Tóm tắt: Chậm tiến độ thi công trong công trình thủy lợi không còn xa lạ mà đã trở nên phổ biến trong thời gian qua. Các yếu tố rủi ro gây chậm tiến độ và mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố đến việc chậm tiến độ công trình thủy lợi đã được tác giả phân tích và đánh giá. Qua kết quả nghiên cứu đã cho thấy việc lập tiến độ thi công theo phương pháp tất định hiện nay không phù hợp với thực tế thi công. Vì vậy, phương pháp lập tiến độ thi công có xét đến các nhân tố rủi ro là cần thiết. Nghiên cứu này đưa ra phương pháp lập và đánh giá tiến độ thi công công trình thủy lợi theo lý thuyết độ tin cậy bằng việc mô phỏng Monte-Carlo dựa trên các phân phối thời gian thi công đã được tác giả nghiên cứu trước đây.

Keyword: Tiến độ thi công, độ tin cậy, rủi ro

99

PHÂN VÙNG ĐỊA MẠO, ĐỘNG LỰC HỌC HÌNH THÁI VEN BỜ  VÀ KHẢ NĂNG XUẤT HIỆN BÙN LOÃNG TẠI LUỒNG TÀU BIỂN VIỆT NAM

Nguyễn Anh Tuấn

Cục Hàng hải Việt Nam

 

Tóm tắt: Hiện tượng bùn loãng là hiện tượng khá phổ biến tại một số luồng hàng hải với một số đặc điểm nhất định về hình thái ven bờ. Theo kinh nghiệm, điều kiện tự nhiên để luồng tàu có khả năng xuất hiện bùn loãng gồm các luồng tàu nằm trong vùng biển đáy bùn, bùn cát mịn, yếu tố động lực chủ yếu là triều mạnh, dòng chảy sông lớn mang phù sa bùn cát mịn và thường có mật độ giao thông thủy cao. Dựa trên phân tích, phân vùng địa mạo, động lực học hình thái ven biển tại các khu vực cửa sông ven biển của Việt Nam kết hợp với kinh nghiệm, số liệu kiểm chứng thực tế trong quá trình khảo sát theo dõi diễn biến độ sâu các tuyến luồng hàng hải, bài báo tiến hành đánh giá về tương quan giữa các yếu tố trên và khả năng xuất hiện bùn loãng có thể tận dụng để nâng cao hiệu quả chạy tàu tại một số luồng hàng hải tại Việt Nam.

Từ khóa: Bùn loãng, Luồng hàng hải, hình thái ven biển.

108

PHÂN VÙNG KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT NHẰM ĐỊNH HƯỚNG CHO VIỆC QUẢN LÝ KHAI THÁC SỬ DỤNG BỀN VỮNG NGUỒN NƯỚC VÙNG BÁN ĐẢO CÀ MAU

 

Đổng Uyên Thanh

Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí (trường Đại học bách khoa TPHCM)

Nguyễn Ngọc Quỳnh, Ngô Đức Chân

Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Nam

Nguyễn Đăng Tính

 Cơ sờ 2 Trường Đại học Thủy lợi

Tóm tắt: Hệ thống nước dưới đất (NDĐ) vùng Bán đảo Cà Mau (BĐCM) có 6 tầng chứa nước chính (không kể tầng qh rất nghèo nước). Trong đó có 4 tầng chứa nước được khai thác sử dụng chính là tầng qp2-3, qp1, n22 và n21, hai tầng thứ yếu là tầng qp3 và tầng n13. Mặc dù các tầng chứa nước phân bố toàn vùng nhưng do diện phân bố nước nhạt/mặn đan xen trên mặt cắt rất phức tạp nên việc quản lý khai thác sử dụng và bảo vệ nguồn nước gặp nhiều khó khăn. Bài báo đã hệ thống hóa thông tin các tầng chứa thành Bản đồ phân vùng khai thác NDĐ tỷ lệ 1:200.000 để cung cấp những thông tin cần thiết cho công tác quản lý nguồn nước tại từng vùng kinh tế - xã hội (KT-XH).

Từ khóa: Bán đảo Cà Mau, Trữ lượng khai thác tiềm năng

118

NGHIÊN CỨU SÓNG TRÀN VÀ ÁP LỰC SÓNG
TÁC ĐỘNG LÊN TƯỜNG BIỂN CÓ MŨI HẮT SÓNG
BẰNG MÔ HÌNH MÁNG SÓNG SỐ

Lê Đức Dũng

Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo

Trần Thanh Tùng

Trung tâm Kỹ thuật Biển và Phát triển Cảng

Nguyễn Quang Chiến

Khoa Kỹ thuật Biển

Tóm tắt: Máng sóng số là công cụ rất hữu ích phục vụ nghiên cứu quá trình biến dạng sóng ở vùng ven bờ, tương tác sóng với công trình và thiết kế các công trình chắn sóng, bảo vệ bờ. Bài báo này trình bày các kết quả nghiên cứu sóng tràn và áp lực sóng tác động lên các dạng tường biển có mũi hắt sóng khác nhau và hiệu quả giảm sóng tràn và áp lực sóng tác động lên các loại tường biển này. Mô hình máng sóng số được kiểm định bằng bộ số liệu thí nghiệm sóng tràn và áp lực sóng trên mô hình vật lý máng sóng tại Trường Đại học Thủy lợi để đảm bảo độ tin cậy và tính chính xác của mô hình. Kết quả nghiên cứu cho thấy mô hình máng sóng số (MSS) đảm bảo độ chính xác và tin cậy cần thiết, thời gian tính toán nhanh và tiết kiệm kinh phí hơn so với phương pháp thí nghiệm trên mô hình vật lý.

Từ khoá: mô hình máng sóng số, sóng tràn, áp lực sóng, tường đỉnh.