TextBody
Huy chương 2

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 57 năm 2019

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THỦY LỢI
SỐ 57
(12/2019)

Trang

Tên bài báo

Tác giả

Tóm tắt

I

Khoa học Công nghệ

 

 

2

GIẢI PHÁP CHUYỂN NƯỚC LƯU VỰC PHỤC VỤ CHỐNG THIÊN TAI,  HẠN HÁN KHU VỰC THÀNH PHỐ KON TUM, TỈNH KON TUM

 

Nguyễn Vũ Việt, Vũ Đức Sửu, Phạm Thị Hoài,

Bùi Mạnh Bằng, Trần Thị Nhung, Trần Thiết Hùng

Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam

 

Các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên cần ứng dụng các giải pháp khôi phục dung tích các hồ chứa nước hiện có và giải pháp công nghệ chuyển nước giữa các hồ chứa để tăng lưu trữ nguồn nước. Việc kết nối các hệ thống công trình thủy lợi là giải pháp cần thiết để điều hòa nguồn nước  phục vụ phát triển các ngành kinh tế và đời sống của người dân. Trong đó có giải pháp chuyển nước lưu vực phục vụ chống thiên tai hạn hán khu vực thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Đó là chuyển nước từ công trình thủy điện Plei Krông có nguồn nước phong phú vào mùa lũ kết nối, lưu giữ  sang  lưu vực khác có điều kiện địa hình xây dựng hồ chứa lưu giữ  được nhiều nước nhưng nguồn sinh thủy tại chỗ lại kém phong phú, đó là hồ Đăk Sa Men và hồ Đăk Năng thông với hồ PLei Weh. Giải pháp này được thực hiện bằng đường hầm chuyển nước và công nghệ bơm cột nước cao + đường ống áp lực nhằm tăng nguồn nước. Sau khi thực hiện sẽ làm tăng lượng nước lưu giữ của Hồ Đăk Sa Men từ 1,35 triệu m3 lên 32,2 triệu m3. Tiếp đó, hồ Đăk Sa Men còn trung chuyển thêm 3,717 triệu m3  từ nguồn nước mùa lũ hồ thủy điện PLei Krông vào hồ Đăk Năng để chống hạn hán hàng năm cho 1.214,59 ha khu vực thành phố Kon Tum và cấp nước sinh hoạt hiện tại trên 160.000 dân và dự kiến đến năm 2025 là 204.000 dân. Tổng nguồn nước kết nối, lưu giữ ở 3 hồ nêu trên là 50,327 triệu m3 sẽ đảm bảo đủ nước cho diện tích cây trồng nông nghiệp, bố trí theo quy hoạch đến năm 2025 gồm: 1500 ha lúa vụ Đông Xuân, 900 ha lúa vụ mùa, 5.234 ha ngô và rau màu, 1.500 ha mía, 1000 ha cà phê

Từ khóa: Chuyển nước lưu vực, hạn hán TP Kon Tum

17

TÍNH TOÁN ĐÁNH GIÁ LẠI TẦN SUẤT LŨ HỒ DẦU TIẾNG SO VỚI THIẾT KẾ VÀ CÓ XÉT ĐẾN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Đinh Công Sản, Nguyễn Tuấn Long

Trung tâm nghiên cứu chỉnh trị sông và Phòng chống thiên tai -

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Trong quá trình khai thác vận hành hồ Dầu Tiếng, có rất nhiều nghiên cứu tính toán lũ, dự báo lũ về hồ và đề xuất các giải pháp điều tiết hồ hợp lý, nhằm giảm thiểu lưu lượng lũ xả về hạ du, để giảm thiểu ngập lụt cho vùng hạ du, đặc biệt là khu vực thành phố Hồ Chí Minh.

Bài báo tổng hợp kết quả đánh giá lại tần suất lũ của hồ Dầu Tiếng có xét đến Biến đổi khí hậuphục vụ cho bài toán điều tiết lũ. Đây là kết quả của đề tài KHCN cấp nhà nước KC08.07/16-20 “Nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nước, đảm bảo an toàn công trình đầu mối và hạ du hồ Dầu Tiếng trong điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan”.

Nghiên cứu sử dụngliệt tài liệu mưa thực đo trong 40 năm (1977-2016), dùng mô hình NAM để tính toán dòng chảy lũ và thống kê các tần suất lũ. Khi xét đến BĐKH, lượng mưa trong mùa lũ có xu thế gia tăng từ 38,6 đến 56,1% (ngưỡng phân vị 90%) ở các trạm khí tượng trong lưu vực ứng với kịch bản phát thải cao (RPC8.5). Kết quả so sánh cho thấy ứng với kịch bản RCP4.5, lưu lượng đỉnh lũ ở các tần suất hiếm, ứng với chu kỳ lặp lại từ 100 năm đến 10.000 năm (từ 1% đến 0,01%) gia tăng tương ứng từ khoảng 11 đến 15% và ở kịch bản RCP8.5 từ 20 đến 24%. Tuy nhiên, so sánh với giai đoạn thiết kế hồ Dầu Tiếngở tất cả các tần suất lũ hiếm, lưu lượng đỉnh lũđều giảmtrung bình khoảng 30% và 10% khi chưa và có xét đến BĐKH ở kịch bản RCP8.5. Từ đó cho thấy việc giải quyết vấn đề liên quan đến lũ ở hồ Dầu Tiếng “giảm căng thẳng” hơn nhiều.Chẳng hạn, lưu lượng lũ xả thừa qua tràn và mức độ ngây ngập lụt cho vùng hạ du (trong đó có thành phố Hồ Chí Minh) do xả lũ gây ra sẽ giảm hơn nhiều so với tính toán trước đây.

Từ khóa: hồ Dầu Tiếng, tần suất lũ, biến đổi khí hậu, gia tăng lượng mưa mùa lũ, giảm thiểu ngập lụt, hạ du sông Sài Gòn – Đồng Nai

27

NGHIÊN CỨU ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG TRO BAY, XỈ LÒ CAO CỦA CÁC NHÀ MÁY NHIỆT ĐIỆN VÀ LUYỆN KIM Ở VIỆT NAM

 

Nguyễn Thanh Bằng, Nguyễn Tiến Trung
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Đinh Hoàng Quân

Trường Đại học Thủy lợi

Bài viết đề cập đến các nghiên cứu đánh giá chất lượng tro bay và xỉ lò cao của các nhà máy nhiệt điện và luyện kim ở Việt Nam. Tro bay và xỉ lò cao là hai loại vật liệu sử dụng để chế tạo bê tông chất kết dính kiềm hoạt hóa không sử dụng chất kết dính xi măng. Tiềm năng sử dụng tro bay và xỉ lò cao của các nhà máy nhiệt điện và luyện kim ở Việt Nam làm chất kết dính kiềm hoạt hóa cho bê tông geopolyme là rất lớn. Nó góp phần giảm thiểu được ô nhiễm môi trường do các phế thải này gây ra, mặt khác cũng đem lại nhiều hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật bởi vì bê tông geopolymer có nhiều tính năng vượt trội so với bê tông thông thường, đó là khả năng chịu được môi trường ăn mòn như nước lợ, nước biển, nên rất phù hợp với các công trình ven biển và hải đảo.

Từ khóa: Tro bay, xỉ lò cao, nhà máy nhiệt điện, luyện kim

39

NGHIÊN CỨU SỬ DỤNG XỈ ĐÁY NHÀ MÁY NHIỆT ĐIỆN THUỘC NHÀ MÁY ALUMIN NHÂN CƠ ĐẮK NÔNG LÀM ĐƯỜNG BÊ TÔNG XI MĂNG

Vũ Bá Thao, Phạm Văn Minh, Phan Việt Dũng

Viện Thủy công

Nhu cầu cứng hóa mặt đường giao thông nông thôn (GTNT) tỉnh Đắk Nông rất lớn do mặt đường đất chiếm khoảng 28% so với toàn bộ các loại đường giao thông. Tận dụng xỉ đáy nhà máy nhiệt điện địa phương thay thế vật liệu truyền thống trong xây dựng đường GTNT, đảm bảo độ bền, giảm giá thành, giảm tác hại môi trường và phát triển mạng lưới đường GTNT là nhu cầu cấp thiết tại tỉnh Đắk Nông; đồng thời cũng là xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn hiện nay. Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu và công trình thí điểm sử dụng xỉ đáy Nhà máy Nhiệt điện thuộc Nhà máy Alumin Nhân Cơ Đắk Nông làm đường bê tông xi măng. Kết quả thí nghiệm cường độ nén, kéo và mô đun đàn hồi của mẫu đúc và mẫu khoan bê tông mặt đường sau thi công cho thấy bê tông sử dụng xỉ đáy đảm bảo yêu cầu kỹ thuật làm kết cấu đường GTNT.

Từ khóa: Đường giao thông nông thôn, xỉ đáy, bê tông xỉ đáy, kinh tế tuần hoàn.

47

CHẾ ĐỘ VẬN CHUYỂN BÙN CÁT VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG TRONG KỊCH BẢN PHÁT TRIỂN THƯỢNG NGUỒN

Trần Bá Hoằng, Nguyễn Bình Dương, Nguyễn Công Phong

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu chế độ thủy động lực và vận chuyển bùn cát vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong kịch bản phát triển thượng nguồn bất lợi nhất (khi trên dòng chính hạ lưu sông Mekong hoàn thiện 11 đập thủy điện). Đây là một nội dung nghiên cứu trong bài toán tổng thể xác định nguyên nhân xói lở, bồi tụ dải ven biển Đồng bằng sông Cửu Long. Với cách tiếp cận các mô hình toán SWAT, Telemac2D và MIKE21 Coupled FM có tỉ lệ chi tiết khác nhau được sử dụng để mô phỏng chế độ thủy động lực, vận chuyển bùn cát, và diễn biến hình thái trong một năm khí hậu (từ 4/2014 - 5/2015) trong điều kiện hiện tại và kịch bản phát triển thượng nguồn. Ở đây, sẽ trình bày chi tiết các kết quả của mô hình Telemac 2D toàn đồng bằng. Đây là một nghiên cứu mới so với các nghiên cứu khác thường sử dụng mô hình 1D toàn đồng bằng để tính toán chế độ thủy động lực và vận chuyển bùn cát ĐBSCL. Kết quả tính toán phân tích chế độ thủy thạch động lực học mô hình 2D toàn đồng bằng là đầu vào quan trọng cho mô hình 2D ven biển.

Keywords: Chế độ thủy động lực, mô hình Telemac 2D, kịch bản phát triển thượng nguồn, vận chuyển bùn cát, ven biển ĐBSCL.

58

GIẢI PHÁP VÀ CÔNG NGHỆ THU, LỌC NƯỚC BIỂN SẠCH XA BỜ PHỤC VỤ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN QUY MÔ TẬP TRUNG VÙNG VEN BIỂN NAM TRUNG BỘ,  ÁP DỤNG THÍ ĐIỂM TẠI TỈNH NINH THUẬN

 

Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Ngọc Vinh

Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên

Hiện nay chất lượng  nước biển ven bờ cả nước mặt và nước ngầm khu vực Nam Trung Bộ đang bị suy giảm nghiệm trọng so với trước đây do các hoạt động công nghiệp, du lịch, nuôi trồng thủy sản phát triển nóng gây nên. Để có thể phát triển ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS)  một cách bền vững, nhất là các vùng có quy mô tập trung thì yêu cầu cần đặt ra đầu tiên là phải có nguồn nước biển sạch, ổn định đảm bảo cả lưu lượng và chất lượng. Để giải quyết được vấn đề đó thì cần phải có các giải pháp lấy nước biển hợp lý, như lấy nước biển xa bờ để không bị các nguồn xả thải tác động đến.

Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu kết quả nghiên cứu chính của giải pháp thu, lọc nước biển sạch xa bờ phục vụ NTTS quy mô tập trung cũng như ứng dụng cho một công trình cụ thể tại tỉnh Ninh Thuận.

Từ khóa: Trạm bơm nước biển, Nuôi trồng thủy sản, Nam Trung Bộ, cấp nước biển sạch

71

ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ MÔ HÌNH TƯỚI NƯỚC TIẾT KIỆM VÀ KIẾN NGHỊ PHƯƠNG PHÁP TƯỚI PHÙ HỢP CHO CÂY MĂNG TÂY XANH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

 

Nguyễn Đình Vượng

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Quảng Đức Thạch

Trung tâm Thông tin Ứng dụng tiến bộ KH&CN Ninh Thuận

Măng tây xanh là cây trồng có giá trị kinh tế cao và được xem là cây nông nghiệp chủ lực của tỉnh Ninh Thuận. Với điều kiện khí hậu ít mưa và nhiều nắng tại Ninh Thuận, việc tìm kiếm biện pháp tưới nước tiết kiệm cho loại cây trồng này là một trong những vấn đề rất được quan tâm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Bài báo này đánh giá hiệu quả của các mô hình tưới tiết kiệm nước khác nhau và kiến nghị phương pháp tưới phù hợp cho cây măng tây xanh trồng trên vùng đất cát ven biển. Mô hình thực nghiệm được triển khai tại xã An Hải, huyện Ninh Phước bao gồm tưới phun mưa, tưới bằng ống phun tia và tưới nhỏ giọt nhằm so sánh để đánh giá hiệu quả của từng biện pháp tưới cho cây măng tây xanh. Kết quả cho thấy, tưới nhỏ giọt phù hợp nhất với cây măng tây trên nền đất cát, tiết kiệm nước khoảng 34,2 - 40,5% lượng nước tưới và tăng năng suất từ 25,6 - 40,3% so với kỹ thuật tưới phun mưa và tưới ống phun tia mà người dân đang áp dụng tại khu vực nghiên cứu. Đây là cơ sở khoa học và bằng chứng để đề xuất nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm nước (tưới nhỏ giọt) cho cây măng tây xanh, thích ứng với điều kiện khô hạn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Từ khóa: Măng tây xanh, tưới tiết kiệm nước, tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, đất cát ven biển.

81

GIẢI PHÁP QUẢN LÝ HIỆU QUẢ HỆ THỐNG ĐÊ BIỂN

VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Đinh Vũ Thùy, Trần Chí Trung

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Lương Kiều Oanh                                                 

Công ty Cổ phần đầu tư xây   dựng công trình 135      

Dưới tác động của BĐKH, xói lở bờ biển và các hoạt động khai thác vùng ven biển dẫn đến xu thế mất rừng ngập mặn đã uy hiếp mạnh đến hệ thống đê điều ở vùng ĐBSCL. Xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách, mô hình tổ chức quản lý đê điều hiệu quả là một giải pháp có tính bền vững. Dựa trên kết quả điều tra, phát hiện các bất cập về quản lý đê biển hiện nay, bài báo này giới thiệu các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống đê biển cho vùng ĐBSCL. Các giải pháp được đề xuất là thành lập, kiện toàn tổ chức chuyên trách quản lý đê điều, tổ chức quản lý đê nhân dân và một số cơ chê, công cụ chính sách quản lý đê điều phù hợp cho vùng ĐBSCL.

Từ khóa: Quản lý, bảo vệ đê điều, lực lượng chuyên trách quản lý đê điều, quản lý đê nhân dân

89

ÂU THUYỀN KẾT HỢP KHOANG XẢ CÂN BẰNG NƯỚC TRONG VẬN HÀNH CÁC CÔNG TRÌNH DÂNG NƯỚC XÂY DỰNG THEO CÔNG NGHỆ ĐẬP TRỤ ĐỠ

Thái Quốc Hiền, Ngô Thế Hưng, Bùi Cao Cường

Viện Thủy Công

Đập trụ đỡ là công nghệ được áp dụng ngày càng phổ biến. Nhiều sông lớn của miền trung Việt Nam hiện nay đã bắt buộc phải xây dựng công trình để ngăn mặn kết hợp giữ ngọt và dâng nước. Đập trụ đỡ là một công nghệ xây dựng ưu việt không chỉ về kết cấu mà còn đảm bảo khả năng tiêu thoát lũ trong quá trình xây dựng.

Để xây dựng đập dâng nước trên sông thì một vấn đề rất quan trọng là tiêu năng cho công trình khi vận hành cửa van. Trong quá trình giữ nước, mực nước thượng lưu luôn cao hơn rất nhiều so với hạ lưu do vậy nếu mở cửa van trong những trường hợp này sẽ gây xói lở hạ lưu vì gia cố chống xói cho công trình vẫn chỉ cần kết cấu đơn giản như rọ đá hoặc tấm bê tông lắp ghép. Trong những công trình có âu thuyền thì giải pháp thiết kế âu thuyền kết hợp cửa cân bằng nước thượng hạ lưu đập vừa đảm bảo an toàn vừa tiết kiệm được vốn đầu tư.

Kết quả nghiên cứu kết cấu âu thuyền dạng này đã được áp dụng trong thiết kế đập dâng hạ lưu sông Dinh tỉnh Ninh Thuận để hạ mực nước thượng lưu từ +2.50 xuống cân bằng với mực nước hạ lưu trong thời gian đủ để vận hành mở cửa an toàn cho các cửa van chính của công trình.

Từ khóa: Đập dâng, âu thuyền, đập trụ đỡ, đập hạ lưu sông Dinh, cống xả nước.

94

NGHIÊN CỨU ĐÁNH GIÁ DÒNG CHẢY MÙA CẠN TRÊN LƯU VỰC SÔNG VU GIA - THU BỒN DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Vũ Thị Thuỷ

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Ngô Lê An, Nguyễn Thanh Thuỷ

 Trường Đại học Thuỷ lợi

 

Tài nguyên nước là một trong những đối tượng chịu tác động trực tiếp và mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH). Mưa lớn có xu thế xảy ra thường xuyên hơn vào mùa mưa, lượng mưa giảm vào các tháng mùa khô. Những sự thay đổi này làm cho sự phân bổ nước giữa mùa lũ và mùa cạn ngày càng chênh lệch, dòng chảy cực trị xuất hiện với cường suất và tần suất nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, sự suy giảm dòng chảy vào mùa cạn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cấp nước và chất lượng nước lưu vực. Vì vậy, việc lượng hóa ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến dòng chảy mùa cạn là rất cần thiết trong quản lý tài nguyên nước lưu vực. Nghiên cứu đã thực hiện đánh giá thay đổi dòng chảy năm và dòng chảy cực tiểu cho lưu vực sông Vu Gia Thu Bồn ứng với kết quả mô phỏng của 11 mô hình khí hậu vùng cho kịch bản phát thải thấp RCP 4.5 và kịch bản phát thải cao RCP 8.5. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng mặc dùng dòng chảy năm có xu hướng tăng, dòng chảy mùa cạn lại có xu thế giảm mạnh. Tổng lượng dòng chảy mùa cạn giảm 30% tại trạm Nông Sơn và giảm 10% tại trạm Thành Mỹ. Dòng chảy ngày nhỏ nhất trung bình giảm 54% tại trạm Nông Sơn và giảm 55% tại trạm Thành Mỹ.  

Từ khoá: Biến đổi khí hậu, Vu Gia – Thu Bồn, dòng chảy, mùa cạn

103

NGHIÊN CỨU ẢNH HƯỞNG CÁC YẾU TỐ ĐẾN QUÁ TRÌNH

TRUYỀN SÓNG CỦA ĐÊ GIẢM SÓNG KẾT CẤU RỖNG TRÊN

MÔ HÌNH MÁNG SÓNG

 

Lê Xuân Tú, Đỗ Văn Dương

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

 

Kết quả nghiên cứu đưa ra ảnh hưởng của các yếu tố như độ rỗng bề mặt, chiều cao lưu không đỉnh đê, độ dốc sóng tới quá trình truyền sóng của đê giảm sóng kết cấu rỗng thông qua các hệ số truyền sóng, hệ số tiêu tán năng lượng và hệ số sóng phản xạ. Từ đó xây dựng tương quan của các yếu tố ảnh hưởng kể trên tới hệ số truyền sóng qua dạng đê giảm sóng kết cấu rỗng.

Từ khóa: Đê giảm sóng kết cấu rỗng, hệ số truyền sóng, hệ số tiêu tán năng lượng, sóng phản xạ, độ rỗng bề mặt, mô hình vật lý 2D

114

TĂNG CƯỜNG TƯỚI TIÊN TIẾN, TIẾT KIỆM NƯỚC Ở LƯU VỰC SÔNG HỒNG TRONG ĐIỀU KIỆN THỰC THI LUẬT THUỶ LỢI

Lê Văn Chính

Giảng viên Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Thuỷ lợi

 

Khu vực nông nghiệp được tưới là hộ sử dụng nước lớn nhất ở Việt Nam nói chung cũng như ở lưu vực sông Hồng nói riêng. Hiệu quả sử dụng nước từ công trình thuỷ lợi ngày càng được cải thiện trong bối cảnh nhu cầu dùng nước ngày càng cạnh tranh dưới áp lực phát triển kinh tế xã hội và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, tiếp cận quản lý cầu để nâng cao hiệu quả sử dụng nước còn tương đối hạn chế.

Nghiên cứu này tập trung về nội dung tưới tiên tiến, nước tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn ở Lưu vực sông Hồng. Kết quả nghiên cứu cho thấy diện tích một số cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã tăng khoảng 18 lần chỉ trong giai đoạn từ 2013-2017, đạt mục tiêu đề ra của ngành. Tuy nhiên, diện tích lúa áp dụng tưới tiết kiệm nước còn rất hạn chế với khoảng 7,6% diện tích đất canh tác lúa hai vụ và khó có khả năng đạt được mục tiêu của ngành đến năm 2020. Trên cơ sở khung thể chế của Luật Thuỷ lợi mới ban hành và thực trạng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng, một số các giải pháp chính được đề xuất theo tiếp cận quản lý cầu sử dụng nước gồm: ứng dụng công nghệ, cơ chế chính sách và quản lý vận hành công trình để tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng.

Từ khoá: tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, quản lý cầu, sử dụng nước, công trình thuỷ lợi.