TextBody
Huy chương 2

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 59 năm 2020

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THỦY LỢI
SỐ 59
(4/2020)

Trang

tên bài báo

Tác giả

Tóm tắt

I

Khoa học công nghệ

 

 

2

Đánh giá khả năng thoát lũ của sông Hồng khi nạo vét, hạ thấp cao độ các bãi sông

Nguyễn Ngọc Đẳng, Nguyễn Ngọc Quỳnh, Nguyễn Mạnh Linh

Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Động lực học sông biển

Lê Xuân Thắng

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội

 

Nhằm tăng khả năng thoát lũ của sông Hồng, giải pháp nạo vét, hạ thấp cao độ các bãi sông đã được đề xuất. Tuy nhiên, cơ sở lý luận và thực tiễn để chứng minh cũng như đánh giá hiệu quả của giải pháp trên vẫn chưa rõ ràng. Nội dung bài báo này kế thừa một số kết quả nghiên cứu trước đây nhưng có cập nhật các thông số mới về đặc trưng hình học, hình thái lòng dẫn của đoạn sông đại diện trê sông Hồng, từ đó đưa ra kết quả nghiên cứu đầy đủ hơn để đánh giá hiệu quả cũng như giới hạn của giải pháp nạo vét, hạ thấp cao độ các bãi sông đối với việc cải thiện khả năng thoát lũ trên sông Hồng.

Từ khoá: khả năng thoát lũ; đặc trưng hình thái

10

Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng mô hình quản lý, vận hành hệ thống tưới nước tự động

Nguyễn Quốc Hiệp, Lê Văn Lập

Trung tâm Công nghệ phần mềm Thủy lợi

 

Trung tâm Công nghệ phần mềm Thủy lợi (Trung tâm) đã kế thừa kết quả nghiên cứu từ các đề tài, dự án cấp Nhà nước, cấp Bộ về công nghệ thông tin, thiết bị tự động hóa do Trung tâm chủ trì thực hiện để tích hợp và phát triển thành mô hình quản lý, vận hành hệ thống tưới nước tự động nhằm tăng cường năng lực quản lý, vận hành công trình thủy lợi, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu tổn thất nước và khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Hệ thống này được Trung tâm liên tục nâng cấp, cập nhật các công nghệ mới tiên tiến trên thế giới và xây dựng các chức năng nhằm đáp ứng các yêu cầu của cơ quan quản lý cấp Trung ương và địa phương trên phạm vi cả nước.

Từ khóa: Hệ thống tưới tự động, SCADA, GIS

16

Mô phỏng quá trình thủy hóa xi măng có sử dụng tro bay, muội silic bằng công cụ số VCCTL

Trần Văn Quân

Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải

Nguyễn Hữu Năm

Viện Thuỷ điện và Năng lượng tái tạo

Công cụ số Virtual Cement and Concrete Testing Laboratory viết tắt là (VCCTL) là phần mềm được phát triển bởi Viện tiêu chuẩn và công nghệ Hoa Kỳ vào năm 2001. Hiện nay công cụ này vẫn được tiếp tục hoàn thiện bởi Viện tiêu chuẩn công nghệ Hoa Kỳ, hệ thống các trường đại học và các công ty sản xuất xi măng. Mục tiêu của việc phát triển công cụ số VCCTL là dự đoán các tính chất của bê tông tươi cũng như bê tông đông kết dựa vào các điều kiện trộn bê tông, điều kiện bảo dưỡng mẫu. VCCTL  giúp xác định thiết kế tối ưu của hỗn hợp bê tông, giảm số lượng mẫu không hiệu quả cần tiến hành trong phòng thí nghiệm, từ đó tiết kiệm được thời gian và chi phí cho xây dựng công trình. Thông qua việc mô phỏng quá trình thủy hóa của ba loại cấp phối hồ xi măng : 100% xi măng, 20% tro bay + 80% xi măng và 20% muội silic + 80% xi măng, bài báo sẽ giới thiệu về công cụ số VCCTL cũng như các thông số đầu vào cần thiết để có thể mô phỏng quá trình thủy hóa của bê tông xi măng để từ đó có thể dự đoán một số tính chất cơ học của bê tông.

Từ khóa: Công cụ số, VCCTL, bê tông, tro bay, muội silic, thủy hóa, xi măng

23

Tình hình hạ thấp mực nước trên hệ thống sông Hồng và các giải pháp để thích ứng

Lê Xuân Quang

Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường

Lê Viết Sơn

 Viện quy hoạch Thủy lợi

Bài báo đã tổng hợp các kết quả nghiên cứu về tình hình hạ thấp đáy sông Hồng và các giải pháp để thích ứng cho thấy việc xây dựng các hồ chứa thượng nguồn đã giữ lại lượng bùn cát đáng kể cộng với việc khai thác cát mất kiểm soát là các nguyên nhân gây nên việc hạ thấp đáy sông. Theo các số liệu nghiên cứu gần đây cho thấy trên sông Hồng tại mặt cắt Sơn Tây so sánh năm 2001 với 2009 đã hạ thấp 2,0 m, từ năm 2010 đến nay mỗi năm hạ thấp khoảng 14cm; từ năm 2000 đến 2013 các sông Đuống hạ thấp 3,27m, sông Thái Bình đoạn từ Phả Lại đến Vĩnh Lập hạ thấp hạ thấp 1,73m, sông Văn Úc hạ thấp 1,38m. Việc hạ thấp đáy sông đã có những tác động không nhỏ đến việc khai thác sử dụng nước trên hệ thống sông Hồng. Nghiên cứu cân bằng bùn cát và đề xuất các giải pháp ứng phó trong giai đoạn trước mắt nhằm khắc phục tình trạng hạ thấp đáy sông là rất cần thiết.

Từ khóa: Hạ thấp đáy sông, khai thác cát

34

Đánh giá đặc tính phân tầng mặn vùng cửa sông Hậu qua số liệu thực đo và công thức thực nghiệm

Đỗ Đắc Hải

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Đặc tính phân tầng mặn của một cửa sông phụ thuộc vào chế độ dòng chảy sông và dòng chảy thủy triều. Phân tích đặc tính phân tầng có thể dựa vào số liệu thực đo cùng với các công thức giải tích kinh nghiệm hoặc mô hình toán 3D hay 2DV. Trong nội dung bài báo này bước đầu xác định được đặc tính phân tầng mặn của cửa sông Hậu qua các số liệu thực đo mặn theo chiều sâu dòng chảy. Kết quả nghiên cứu ban đầu này hy vọng sẽ mở ra một hướng nghiên cứu mới về cơ chế phân tầng mặn cho các cửa sông ven biển ĐBSCL để phục vụ nhu cầu lấy nước ngọt (hớt ngọt) cho nông nghiệp hay nước sinh hoạt… hoặc lấy nước mặn lợ tầng đáy cho nuôi trồng thủy sản.

Từ khóa: Xâm nhập mặn, nồng độ mặn, phân tầng mặn, cửa sông Hậu, nhánh Định An, nhánh Trần Đề, triều lên (HWS), triều xuống (LWS).

46

Đánh giá, phát hiện sớm nguy cơ sự cố đê tả Lam K74+600 đến K75+600 tỉnh Nghệ An, trước mùa mưa lũ năm 2017

Phùng Vĩnh An, Trần Quốc Lĩnh

Viện Thủy Công

Nguyễn Cảnh Thái

Trường Đại học Thủy lợi

Bài báo trình bày kết qủa áp dụng phương pháp và tiêu chí phát hiện sớm nguy cơ sự cố công trình đê điều cho đê Tả Lam đoạn K 74+600 đến K 75+600 huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An trước mùa lũ 2017. Kết quả đánh giá cho thấy, đoạn đê nghiên cứu không có khả năng xảy ra sự cố. Điều này cũng phù hợp với thực tế diễn biến trong và sau mùa lũ bão 2017.

Từ khóa: Phát hiện sớm nguy cơ sự cố; hệ thống đê điều; Hệ thống tiêu chí; Điểm đánh giá an toàn.

56

Tràn sự cố trên đập đất sử dụng cấu kiện bê tông có liên kết - một giải pháp đảm bảo an toàn cho các đập vừa và nhỏ ở Việt Nam

Đinh Xuân Trọng, Vũ Bá Thao

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Phạm Thị Hương

Trường Đại học Thủy lợi

Lũ tràn đỉnh đập là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự cố đối với đập đất. Một giải pháp ứng phó với loại sự cố này đã được ứng dụng thành công trên thế giới là sử dụng toàn bộ hay một phần chiều dài đỉnh đập như một tràn sự cố để chủ động cho phép nước tràn qua đỉnh đập khi công trình xả lũ hiện có của hồ chứa không hoạt động bình thường hoặc xảy ra lũ vượt tần suất. Vấn đề đặt ra là lựa chọn loại vật liệu có thể bảo vệ bề mặt đập chống lại sự xói mòn trong quá trình dòng chảy tràn. Bài viết trình bày cơ sở khoa học, khả năng áp dụng, một số vấn đề chính trong tính toán thiết kế cũng như kết quả ứng dụng thử nghiệm giải pháp tràn sự cố sử dụng cấu kiện bê tông đúc sẵn có khớp nối (Articulated Concrete Blocks - ACB) đảm bảo an toàn cho các hồ đập vừa và nhỏ ở Việt Nam.

Từ khóa: Đập đất, lũ tràn đỉnh đập, tràn sự cố, cấu kiện bê tông có liên kết

65

Kết quả nghiên cứu xây dựng định mức lao động trong quản lý, vận hành hệ thống công trình thủy lợi cho các tổ chức thủy lợi cơ sở tỉnh Đắk Lắk

Trương Công Tuân

Viện Kinh tế và Quản lý thủy lợi

Định mức lao động (ĐMLĐ) là một trong số các định mức kinh tế kỹ thuật (KTKT) quan trọng trong công tác quản lý, khai thác (QLKT) và bảo vệ công trình thuỷ lợi (CTTL). Định mức lao động là cơ sở để các đơn vị bố trí sử dụng lao động một cách hợp lý và là căn cứ để các cấp quản lý lập kế hoạch và nghiệm thu các nhiệm vụ công ích được giao. Theo Luật Thủy lợi và các văn bản hướng dẫn thì việc xây dựng định mức là thực sự cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay, trên cả nước mới chỉ có 1 số tỉnh tổ chức xây dựng định mức cho các tổ chức thủy lợi cơ sở (TLCS), trong đó có ĐMLĐ. Trong bài báo này, nhóm tác giả trình bày cách tiếp cận, phương pháp và kết quả nghiên cứu xây dựng định mức lao động cho công tác QLKT CTTL do các tổ chức TLCS trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk quản lý, từ đó rút ra những kinh nghiệm cho việc triển khai thực hiện công tác này trên thực tiễn. Kết quả nghiên cứu là bài học cho việc phát triển và áp dụng công cụ định mức trong công tác quản lý nhằm nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi của các tổ chức thủy lợi cơ sở.

72

Giải pháp thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vùng chuyển đổi sản xuất lúa-tôm ven biển Tây, đồng bằng sông Cửu Long

Đoàn Doãn Tuấn, Trần Việt Dũng

Trung tâm Tư vấn PIM

Tác động của hạn hán, xâm nhập mặn đang làm thay đổi tập quán canh tác người dân vùng đồng bằng sông cửu Long (ĐBSCL) nói chung và vùng ven biển Tây nói riêng. Tác động đã biến thách thức thành cơ hội trong sản xuất nông nghiệp của vùng, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ canh tác 2 lúa kém hiệu quả sang canh tác tôm-lúa có hiệu quả kinh tế cao. Tôm nuôi trong ruộng lúa sử dụng chủ yếu thức ăn tự nhiên, chi phí thức ăn thấp, ít dịch bệnh, tôm nuôi thương phẩm có chất lượng, môi trường sinh thái được bảo vệ do lúa sử dụng các sản phẩm thải từ nuôi tôm. Tuy nhiên, phát triển hệ thống tôm-lúa đang đứng trước các thách thức, do hệ thống hạ tầng thủy lợi-giao thông chưa đáp ứng việc kiểm soát hạn-mặn và điều kiện để máy móc nông nghiệp hoạt động, liên kết sản xuất chưa đủ lớn để tạo thành vùng nguyên liệu lớn, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm khó tiếp cận các nguồn ưu đãi của Nhà nước để mở rộng quy mô và xây dựng mối liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chặt chẽ.

Để hỗ trợ sản xuất, tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thu sản phẩm giữa nông hộ với nông hộ, giữa hộ sản xuất với doanh nghiệp, cần có chính sách khuyến khích việc hoàn thiện hệ thống giao thông nội đồng tạo điều kiện máy nông nghiệp hoạt động, đầu tư hạ tầng thủy lợi vừa đảm bảo chủ động cấp thóat nước phục vụ sản xuất tôm-lúa, đồng thời khuyến khích nông dân liên kết sản xuất trên quy mô lớn, song song với triển khai triệt để chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay, vốn hỗ trợ, thực hiện được quy trình sản xuất do doanh nghiệp đề ra, ứng vật tư, phân bón, hỗ trợ cho bà con nông dân yên tâm sản xuất 

Từ khóa: Hạn mặn, Hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng, liên kết sản xuất, tiêu thụ sán phẩm, mô hình sản xuất tôm-lúa, chính sách hỗ trợ

81

Nghiên cứu ảnh hưởng của cấu kiện rỗng đến sự thay đổi thông số sóng trên mô hình máng sóng

Lê Thanh Chương, Lê Xuân Tú, Đỗ Văn Dương

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

 

Bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu so sánh khả năng triết giảm sóng, tiêu tán năng lượng của 2 dạng kết cấu đê giảm sóng khác nhau bằng mô hình vật lý. Để có được sự hiểu biết tốt hơn về tương tác sóng với dạng đê rỗng khác nhau. Kết cấu thứ nhất có cả hai mặt đều bố trí lỗ rỗng hở tạo điều kiện trao đổi môi trường trước và sau công trình. Kết cấu thứ hai  có mặt trước được bố trí lỗ rỗng nhằm hấp thụ sóng phản xạ và mặt sau kín không cho trao đổi môi trường trước và sau công trình. Trong quá trình tương tác với công trình, sóng bị tiêu tán nhiều hơn bởi kết cấu hai có mặt sau kín, tuy nhiên hệ số sóng phản xạ của kết cấu này lại khá lớn so với kết cấu thứ nhất.

Từ khóa: Đê giảm sóng kết cấu rỗng, hệ số truyền sóng, hệ số tiêu tán năng lượng, sóng phản xạ, mô hình vật lý 2D

89

Nghiên cứu phương pháp đánh giá và đề xuất giải pháp quản lý chất lượng công trình đê sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Nguyễn Thị Mùi, Mai Thị Hồng

Trường Đại học Hồng Đức

 Phạm Hồng Sơn

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN & PTNT Thanh Hóa

Công trình đê sông có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội, phòng chống thiên tai và đảm bảo quốc phòng an ninh, vì vậy việc đánh giá chất lượng công trình đê sông là rất cần thiết. Bài báo nghiên cứu xây dựng phương pháp đánh giá cho điểm đối với các rủi ro về tình trạng công trình đê, hậu quả sự cố công trình có xét đến các thông số công trình cố định và các thông số công trình biến đổi, từ đó xác định được chỉ số dùng để phân cấp rủi ro làm cơ sở xác định được cấp an toàn công trình. Áp dụng phương pháp đánh giá nghiên cứu để đánh giá đê hữu sông Chu (Đoạn từ Km38+700 đến Km39+300), thuộc xã Thiệu Tâm, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, kết quả đánh giá có giá trị điểm số P =270,25 có cấp an toàn công trình là 1, được xếp loại rủi ro rất cao, từ đó đề xuất giải pháp để đảm bảo an toàn cho công trình.

Từ khóa: đánh giá chất lượng đê, quản lý chất lượng đê, đê Thanh Hóa.

97

Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển bền vững điện mặt trời tại Việt Nam

Hoàng Công Tuấn

Trường Đại học Thủy lợi

 

Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện cao trong giai đoạn từ 2021-2025, nhất là năm 2023 dự báo thiếu hụt khoảng 12 tỷ kWh. Do đó, cần thiết phải phát triển các nguồn điện nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia. Việt Nam lại có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời. Trong hai năm vừa qua, đã có nhiều văn bản chính sách với những cơ chế ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển điện mặt trời. Tuy nhiên, sự phát triển rất nhanh, mang tính đột phá các dự án điện mặt trời vừa qua đã bộc lộ ra những khó khăn, bất cập và thách thức. Nội dung chính của bài báo đi sâu vào đánh giá thực trạng phát triển điện mặt trời, chỉ ra những tồn tại và thách thức, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm từng bước tháo gỡ và tạo điều kiện cho phát triển bền vững điện mặt trời tại Việt Nam.

Từ khóa: Năng lượng tái tạo, Năng lượng mặt trời, Điện mặt trời, Hệ thống điện

105

Phân tích, đề xuất biện pháp quản lý rủi ro gây chậm tiến độ thi công của công trình thủy lợi, thủy điện ở Việt Nam

Nguyễn Hữu Huế, Nguyễn Văn Sơn

Trường Đại học Thủy lợi

Công trình thủy lợi, thủy điện có nhiều đặc thù so với các loại công trình khác do chịu ảnh hưởng nhiều bởi điều kiện thời tiết, khí hậu, thủy văn…Nhiều công trình thủy lợi bị chậm tiến độ thi công ảnh hưởng đến chi phí, gây thiệt hại, lãng phí cho ngân sách đầu tư. Một cuộc khảo sát với số lượng mẫu là 310 mẫu đã được thu thập và phân tích nhằm đánh giá mức độ ảnh hưởng của các nhân tố rủi ro đến tiến độ thi công và đã được tác giả trình bày ở các bài báo có liên quan. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy có 6 nhóm nhân tố rủi ro gây chậm tiến độ thi công: (1) Nhóm nhân tố liên quan đến kỹ thuật, (2) nhóm nhân tố liên quan đến các tác động bất thường trên công trường, (3) nhóm nhân tố liên quan đến con người, (4) nhóm nhân tố liên quan đến quy trình, (5) nhóm nhân tố liên quan đến thiết kế, (6) nhóm nhân tố liên quan pháp lý. Dựa trên những nghiên cứu đó, bài viết nhằm đánh giá, xếp hạng các nhân tố rủi ro để đề xuất biện pháp quản lý rủi ro trong quản lý tiến độ thi công công trình thủy lợi, thủy điện ở Việt Nam.

Keyword:  tiến độ thi công, rủi ro

115

Nghiên cứu xác định diện tích ngập nước sử dụng ảnh Sentinel-1 trên nền Google Earth Engine: áp dụng cho tỉnh Đồng Tháp, đồng bằng sông Cửu Long

Phạm Văn Chiến

Trường Đại học Thuỷ lợi

Bài báo này trình báy các kết quả nghiên cứu thay đổi diện tích ngập nước theo không gian và thời gian cho Đồng Tháp, sử dụng 114 ảnh Sentinel-1 thu thập từ năm 2015 đến 2018. Quá trình giải đoán ảnh được thực hiện trên nền Google Earth Enginee thông qua chương trình viết bằng ngôn ngữ Java Script. Các kết quả thể hiện rằng (i) diện tích ngập thay đổi khá tương đồng với sự biến đổi mực nước, (ii) diện tích ngập lớn nhất thường xuất hiện vào tháng VII và VIII, với giá trị thay đổi từ 1584 đến 1892 km2 (tương ứng bằng khoảng 45.8 đến 54.7% diện tích của Đồng Tháp), trong khi giá trị nhỏ nhất xuất hiện vào IV và bằng từ 4.65 đến 6.18% diện tích của tỉnh, (iii) diện tích ngập có tương quan chặt chẽ với sự thay đổi mực nước tại Tân Châu, với hệ số tương quan là 0.75. Quá trình giải đoán mỗi ảnh Sentinel-1 cho vùng nghiên cứu nhỏ hơn 15 giây, do đó tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho xử lý tập ảnh đã chọn.

Từ khoá: Sentinel-1, Google Earth Engine, Diện tích ngập, Đồng Tháp