TextBody
Huy chương 2

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 60 năm 2020

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THỦY LỢI
SỐ 60
(6/2020)
 

Trang

Tên bài báo

Tác giả

Tóm tắt

I

Khoa học công nghệ

 

 

2

Hơn 40 năm xây dựng thủy lợi cải tạo chua phèn, kiểm soát lũ và thành quả đạt được của tỉnh An Giang

 

Lê Mạnh Hùng

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Lương Huy Khanh

Chi cục Thủy lợi An Giang

Sau ngày thống nhất đất nước 1975, An Giang một vùng đất đầy tiềm năng nhưng khó phát triển, bởi lẽ hàng năm khoảng 70% diện tích tự nhiên của tỉnh An Giang bị ngập chìm trong lũ, với độ sâu ngập phổ biến từ 1,0 tới hơn 3,0 m, kéo dài từ 2,5-5 tháng. Vùng Tứ Giác Long Xuyên (TGLX) thuộc địa phận tỉnh An Giang là vùng hoang sơ, đồng năn, cỏ lác, nhiễm phèn nặng không thể canh tác. Vào thời gian đó tổng sản lượng lương thực quy thóc toàn tỉnh chỉ đạt trên dưới 400 nghìn tấn/năm. Đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, Trung ương thường xuyên phải cứu trợ. Nhưng sau hơn 40 năm, với quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, dồn sức xây dựng thủy lợi cải tạo chua phèn, kiểm soát lũ… đã tạo nền tảng cho sản xuất nông nghiệp chủ động hơn (lúa, màu, cây ăn trái, thuỷ sản nước ngọt...), ngành nghề phát triển đa dạng, giao thông nông  thôn thông thoáng hơn, môi trường sống, mức sống của người dân được cải thiện.

Tuy vậy, do điều kiện khách quan và chủ quan thay đổi, nhất là hiện tượng biến đổi khí hậu …đòi hỏi chúng ta phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung cho hệ thống thủy lợi hiện có phát huy hiệu quả cao hơn trong tương lai.

Từ khóa: An Giang, Cải tạo chua phèn TGLX, đê bao ngăn lũ tháng 8, đê bao kiểm soát lũ cả năm

10

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho 20 ha măng tây, xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận

 

Lê Xuân Quang

Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường

Tưới nhỏ giọt và kỹ thuật tưới tối ưu đối với vùng đất cát đặc biệt là vùng khan hiếm nước. Cây măng tây được trồng trên đất cát vùng ven biển huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận phù hợp với kỹ thuật tưới nhỏ giọt; ống nhỏ giọt chạy dọc hàng cây măng tây, lưu lượng nhỏ giọt mỗi vòi 2l/h là phù hợp, khoảng cách các vòi nhỏ giọt 30cm. Mức tưới mỗi lần nhỏ khoảng 50 m3/ha-lần; Bài báo giới thiệu kết quả nghiên cứu ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho 20 ha măng tây xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, đây là một phần của dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất rau an toàn tập trung xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận do Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường chủ trì thiết kế.

Từ khóa: Tưới nhỏ giọt, cây măng tây

16

Bài học xử lý sự cố cát chảy hố móng sâu bằng cọc xi măng đất

 

Vũ Bá Thao

Viện Thủy công

Phạm Văn Minh

Ban Quản lý Trung ương các Dự án Thủy lợi

 

Hình thức chống đỡ hố móng sâu được sử dụng khá phổ biến là tường cọc nhồi vì tiến độ thi công nhanh và chi phí thấp hơn tường ba rét. Tuy vậy, trong thiết kế và thi công tường cọc khoan nhồi không đảm bảo kín khít giữa các cọc sẽ bị dòng thấm cuốn trôi đất ngoài vào trong hố móng gây lún sụt, nứt công trình lân cận, làm chuyển vị tường hố móng. Bài báo giới thiệu kết quả phân tích xử lý sự cố cho một công trình hố móng sử dụng hình thức tường cọc khoan nhồi, nền đất yếu, mực nước ngầm cao, không có màng chống thấm. Giải pháp xử lý là khoan phụt tạo cọc xi măng đất tại phần tiếp giáp các cọc khoan nhồi để chống thấm và gia cố phần đất yếu phía trong hố móng để chống đẩy trồi. Trong bài toán phân tích chuyển vị và nội lực của tường móng có xét đến ảnh hưởng của áp lực đất bị động theo nguyên lý lò xo chịu nén không chịu kéo thông qua phần mềm FRWS7.2 và Midas NX. Kết quả tính toán thiết kế và thi công cho thấy, giải pháp đề xuất xử lý triệt để thấm và đẩy trồi, đảm bảo an toàn thi công hố móng và công trình lân cận. Kiến nghị các hố móng trong đô thị chống đỡ bằng tường cọc khoan nhồi phải đưa hạng mục chống thấm cho tường từ ngay giai đoạn thiết kế để đảm bảo an toàn cho bản thân hố móng và công trình lân cận.

Từ khóa: Hố móng sâu, Cọc đất ximăng, Tường cọc khoan nhồi, Cát chảy, Thấm hố móng.

25

Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hỗ trợ kinh phí sử dụng dịch vụ công ích thủy lợi 

 

Đoàn Doãn Tuấn, Trần Việt Dũng

Trung tâm PIM

Hàng năm chính phủ hỗ trợ khoảng 7.000 tỷ đồng thay cho người sử dụng dịch vụ tưới tiêu trả cho các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi. Kết quả đánh giá phân tích thực trạng cấp phát thủy lợi phí (TLP) cho thấy khoảng 80% các địa phương thực hiện giao kế hoạch, chưa có địa phương nào thực hiện theo phương thức đấu thầu. Việc xác nhận, nghiệm thu thanh toán sản phẩm dịch vụ chủ yếu dựa vào diện tích tưới tiêu mà chưa có chỉ tiêu về chất lượng dịch vụ, thiếu sự tham gia giám sát, xác nhận của hộ hoặc đại diện hộ sử dụng dịch vụ. Tại nhiều địa phương, một phần lớn kinh phí cấp bù (70-80%) được huyện giữ lại để chi cho sửa chữa mà không cấp trực tiếp cho các tổ chức thủy lợi cơ sở (TLCS).

Để nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như việc sử dụng hiệu quả kinh phí hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi, cần xây dựng và đưa tiêu chí về chất lượng dịch vụ vào hợp đồng cung cấp dịch vụ và đảm bảo sự tham gia của cộng đồng thôn/xóm trong quá xác nhận, đánh giá khối lượng và chất lượng dịch vụ.

Từ khóa: thủy lợi phí, thủy lợi cơ sở, chất lượng dịch vụ

33

Ứng dụng mô hình toán lựa chọn phương án bố trí mặt bằng hợp lý công trình đê chắn sóng cảng khách Hạ Long

 

Nguyễn Kiên Quyết

Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải

Nguyễn Quang Đức Anh

Đại học Thủy Lợi

 

Nội dung bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu tính toán lan truyền sóng phục vụ đánh giá hiệu quả kỹ thuật của các phương án bố trí mặt bằng Đê chắn sóng (ĐCS) bằng mô hình toán MIKE 21SW, nhằm lựa chọn phương án phù hợp với điều kiện khai thác tĩnh lặng trong bể cảng khi tầu thuyền neo đậu.

Từ khóa: Đê chắn sóng, cảng khách Hạ Long, bố trí mặt bằng ĐCS.

42

Hiện trạng cấp nước vùng miền núi phía Bắc và các
tiêu chí lựa chọn địa điểm xây dựng bảo đảm tính bền vững

Nguyễn Hồng Trường, Phạm Văn Ban, Hoàng Thị Hà

Trung tâm Tư vấn PIM

Đỗ Ngọc Ánh

Viện Thuỷ điện và Năng lượng tái tạo

Tỷ lệ được dùng nước hợp vệ sinh vùng miền núi phía Bắc đến nay đạt 79,7% dân số. Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, các mô hình cấp ở đây có hiệu quả bền vững không cao, tỷ lệ công trình hoạt động kém hiệu quả của vùng lớn hơn trung bình cả nước. Lựa chọn được chính xác các địa điểm đầu tư xây dựng có vai trò quyết định lớn đến tính bền vững của công trình. Bài báo giới thiệu các kết quả đánh giá về hiện trạng của các mô hình nước sạch và vệ sinh nông thôn đã xây dựng trong thời gian qua; chỉ ra các nguyên nhân tồn tại; nhu cầu phát triển các công trình cấp nước trong tương lai, từ đó xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn địa điểm xây dựng, sàng lọc ban đầu để lựa chọn một địa điểm đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung hội tụ đầy đủ và hài hòa các yếu tố bền vững về các mặt văn hóa - xã hội, kinh tế - tài chính và công nghệ kỹ thuật - môi trường.

Từ khóa: nước sạch và vệ sinh nông thôn, tiêu chí hiệu quả đầu tư, phát triển bền vững

54

Công trình phòng trị lũ bùn đá

 

Vũ Bá Thao

Viện Thủy Công

 

Lũ bùn đá là một dạng lũ quét kèm theo hàm lượng lớn chất rắn như: đất - đá - gỗ, thường xy ra ở các khe, suối cấp một thuộc khu vực miền núi. Khác với loại lũ nước trên sông, suối miền núi, lũ bùn đá có hàm lượng chất rắn lớn là tác nhân chính tạo nên sức tàn phá khủng khiếp đối với cơ sở hạ tầng, đất canh tác, người, động thực vật và tài sản. Do các hoạt động thiếu bền vững của con người như: làm đường, xây nhà, khai thác mỏ, chặt phá rừng cũng như sự thay đổi cực đoan của thời tiết và biến đổi khí hậu tạo nên mưa lớn, mưa tập trung, lũ bùn đá xảy ra ở Việt Nam với tần suất và cường độ ngày càng tăng trong những năm gần đây. Nhằm phòng chống và giảm thiểu tác hại lũ bùn đá, nhiều giải pháp công trình đã được nghiên cứu áp dụng hiệu quả ở các nước phát triển trên thế giới, nhưng chưa từng được áp dụng tại nước ta. Bài báo này tổng quan các giải pháp công trình phòng chống và giảm thiểu thiên tai lũ bùn đá trên thế giới, làm cơ sở tham khảo, phân tích lựa chọn các giải pháp công trình áp dụng phù hợp với điều kiện thiên tai lũ bùn đá Việt Nam.

Từ khóa: Lũ bùn đá, Lũ quét, Giải pháp công trình, Đập chắn bùn đá

64

Đánh giá thực trạng cấp nước sinh hoạt nông thôn
 vùng Nam Trung Bộ

Phạm Văn Tùng, Hoàng Minh Quân

Viện Kỹ thuật Biển

 

Tính đến năm 2018, toàn vùng Nam Trung Bộ có 6.163.384 người nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, chiếm 94,22% tổng dân số nông thôn trong khu vực; trong đó số dân được sử dụng nước đạt QC02 là 3.515.361 người, chiếm 53,7%. Nguồn nước dưới đất hạn chế và phân bố không đều nên số công trình khai thác nước ngầm chỉ là 122 công trình, chiếm 8,75% tổng số công trình cấp nước tập trung. Các công trình cấp nước nhỏ, lẻ theo hình thức hộ gia đình chiếm tỉ lệ lớn, có đến 66,43% số dân nông thôn toàn khu vực sử dụng nước theo hình thức này. Kết quả nghiên cứu thực hiện nhằm đánh giá thực trạng cấp nước sinh hoạt nông thôn vùng Nam Trung Bộ và nhu cầu sử dụng nước hiện tại để có được cái nhìn tổng quát về vấn đề nước sạch, từ đó nâng cao khả nâng cấp nước sinh hoạt nông thôn cho vùng nghiên cứu.

Từ khóa: Nước sinh hoạt, Công trình cấp nước, Cấp nước tập trung.

75

Ứng dụng mô hình rừng cây ngẫu nhiên để dự đoán cường độ chịu nén của bê tông

 

Trần Văn Quân

Đại học Công nghệ Giao thông vận tải

Nguyễn Quang Hùng

Đại học Thủy lợi

 

Bê tông xi măng là vật liệu được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay trong các công trình xây dựng từ cơ sở hạ tầng đến các công trình dân dụng do khả năng chịu nén tốt và giá thành cạnh tranh. Việc tiến hành thí nghiệm xác định cường độ chịu nén của bê tông xi măng đòi hỏi chi phí cao và thời gian thực hiện lâu. Do vậy, việc ứng dụng mô hình rừng cây ngẫu nhiên là một nhánh của trí thông minh nhân tạo vào việc xác định cường độ chịu nén của bê tông xi măng là hết sức có ý nghĩa. Mô hình rừng cây ngẫu nhiên đã được áp dụng vào huấn luyện và kiểm chứng 1030 mẫu cường độ chịu nén của bê tông xi măng. Kết quả dự đoán của mô hình rừng cây ngẫu nhiên cho độ chính xác tương đối cao trong hai trường hợp huấn luyện và kiểm chứng với hệ số tương quan R lần lượt là 0.99 và 0.95. Do vậy, ứng dụng trí thông minh nhân tạo mà cụ thể là mô hình rừng cây ngẫu nhiên vào xác định cường độ chịu nén của bê tông xi măng có sử dụng nhiều loại phụ gia là hoàn toàn khả thi. Mô hình rừng cây ngẫu nhiên còn có thể xác định yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến cường độ chịu nén của bê tông xi măng lần lượt là xi măng và độ tuổi của bê tông xi măng, cùng với tro bay là yếu tố ít ảnh hưởng nhất đến cường độ chịu nén của bê tông xi măng.

Từ khóa: Trí tuệ nhân tạo (AI), rừng cây ngẫu nhiên (RF), bê tông, cường độ, dự đoán.

81

So sánh ảnh hưởng của độ ẩm và dung trọng đất đến
khả năng kháng xói và kháng xuyên của đất -
áp dụng cho đất bùn

 

Nguyễn Văn Nghĩa

Trường Đại học Thủy lợi

Nguyễn Thái Sơn

Trung tâm dạy nghề thanh niên thuộc Tỉnh đoàn Kiên Giang

Bài báo trình bày kết quả so sánh ảnh hưởng của dung trọng và độ ẩm đầm nén của đất đến khả năng kháng xói và kháng xuyên của đất bùn. Kết quả cho thấy, khả năng kháng xuyên và kháng xói của đất sẽ tăng khi dung trọng khô của đất tăng, ngược lại ảnh hưởng của độ ẩm đến hai thông số trên trái ngược nhau. Khi đất có dung trọng đầm nén nhỏ thì mức độ kháng xói và kháng xuyên sẽ giảm khi độ ẩm đầm nén của đất tăng, nhưng khi dung trọng đầm nén cao thì kết quả chỉ ra ngược nhau, trong khi mức độ kháng xuyên giảm khi độ ẩm tăng thì độ kháng xói lại tăng.

Từ khóa: Kháng xuyên, kháng xói , dung trọng khô, độ ẩm đầm nén, lực hút dính.

 

88

Đánh giá phân bố tổn thất qua các khối vùng của tổ máy thuận nghịch Bơm -Tuabin bằng mô phỏng số 3D

 

Nguyễn Thị Nhớ

Trường Đại học Thủy lợi

 

Nghiên cứu sử dụng phần mềm mô phỏng số ANSYS-Fluent để phân tích và đánh giá phân bố tổn thất trong các khối vùng của một tổ máy thuận nghịch bơm –tuabin trong hai chế độ bơm và tuabin. Bài toán ổn định 3 chiều (3D) trên mô hình rối k-ε được sử dụng. Tổ máy mô hình mô phỏng bao gồm các khối như buồng xoắn,lưới cánh hướng, bánh công tác, ống hút ra và khoảng trống giữa các khối. Kết quả mô phỏng cho thấy trong vận hành bơm, vùng bánh công tác chiếm 56,2%, tiếp sau là cánh hướng và ống hút với 18,56% và 12,87%, tổn thất rò rỉ lưu lượng chiếm tỷ lệ thấp nhất với 2,63%; trong vận hành tuabin, tỷ lệ tổn thất thủy lực của bánh công tác vẫn chiếm tỷ lệ nhiều nhất là 59,13%, sau đó là vùng buồng xoắn với 11,69%. Những kết quả này có ý nghĩa trong việc dự báo các đặc tính thủy lực của dòng chảy và hiệu chỉnh thiết kế máy.

Từ khóa: bơm - tuabin, bơm, tuabin, CFD, thủy điện tích năng.

99

Nghiên cứu đặc điểm đất bồi lắng hồ chứa vừa và nhỏ ở Hà Tĩnh

 

Nguyễn Đình Dũng

 Sở Nông Nghiệp & PTNT Hà Tĩnh

Nguyễn Công Thắng, Nguyễn Cảnh Thái, Nguyễn Thái Hoàng

Trường Đại học Thủy lợi

 

Đất bồi lắng hồ chứa nói chung và bồi lắng hồ chứa vừa và nhỏ ở Hà Tĩnh nói riêng sau thời gian đưa công trình vào khai thác sử dụng đã ảnh hưởng đến dung tích hữu ích của hồ làm giảm hiệu quả, giảm thời gian hoạt động và thay đổi chất lượng nước. Nếu coi hồ chứa là một nguồn tài nguyên thiên nhiên thì sự bồi lắng lòng hồ chính là yếu tố làm cho nguồn tài nguyên thiên nhiên này bị cạn kiệt. Nghiên cứu tận dụng đất bồi lắng lòng hồ làm vật liệu đắp mở rộng mặt đập để đảm bảo an toàn cho công trình theo tiêu chuẩn mới ngoài ý nghĩa thực tiễn về mặt khoa học còn mang lại hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội rất cao như: khôi phục lại thời gian khai thác, vận hành hồ, nâng dung tích hồ, sử dụng được vật liệu tại chỗ để đắp sẽ giảm giá thành và không gây ảnh hưởng đến môi trường xã hội.

Từ khóa: Đất bồi lắng lòng hồ, thành phần hạt, an toàn đập

106

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dự đoán sức chống cắt của đất sau biến dạng

 

Nguyễn Quang Hùng

Đại học Thủy lợi

Trần Văn Quân

Đại học Công nghệ Giao thông vận tải

Sau khi bị biến dạng do các tác động như như xói mòn, sạt lở, đất sẽ thay đổi đáng kể sức chống cắt. Do vậy công tác dự báo suy giảm cường độ chống cắt của các lớp đất này từ đó giúp dự đoán được khả năng tái diễn xạt lở mất ổn định với các lớp đất bị biến dạng này là một công tác hết sức cần thiết. Trong bài báo này sẽ ứng dụng trí thông minh nhân tạo mà cụ thể là thuật toán rừng ngẫu nhiên (RF) để dự báo sức chống cắt còn lại của đất sau biến dạng. Để thực hiện việc mô phỏng, 131 dữ liệu thí nghiệm đã được thu thập từ công bố quốc tế. Bộ dữ liệu bao gồm bốn biến đầu vào là giới hạn chảy LL, chỉ số dẻo PI, độ lệch biểu đồ phân loại Casagrande ∆PI, hàm lượng sét CF. Việc đánh giá các mô hình được thực hiện và so sánh trên tập dữ liệu huấn luyện (70% dữ liệu) và tập dữ liệu kiểm chứng (30% dữ liệu còn lại) bằng các tiêu chí là hệ số tương quan Pearson ® và sai số RMSE. Kết quả của nghiên cứu cho thấy mô hình rừng ngẫu nhiên khả thi trong việc xác định sức chống cắt còn lại của đất sau biến dạng của đất với hệ số tương quan cho mô hình huấn luyện là 0.97 và kiểm chứng là 0.78. Đồng thời, mô hình rừng cây ngẫu nhiên có thể chỉ ra tầm quan trọng của từng tính chất của đất đến sức chống cắt còn lại của đất biến dạng, lần lượt theo thứ tự là Giới hạn chảy > Độ lệch biểu đồ phân loại Casagrande ∆PI > Hàm lượng sét > Chỉ số dẻo.

Từ khóa: Trí tuệ nhân tạo (AI), rừng ngẫu nhiên (RF), sức chống cắt, góc ma sát, sạt lở

113

Nghiên cứu các chỉ số nhận biết nước từ ảnh sentinel-2 trên nền Google Earth Engine: áp dụng cho thành phố sa đéc, tỉnh Đồng Tháp

Phạm Văn Chiến

Trường Đại học Thủy lợi

 

Bài báo này trình bày các kết quả nghiên cứu ba chỉ số NDWI, MNDWI và WNDWI cho nhận biết, phân biệt và giải đoán pixel có nước và không nước từ ảnh Sentinel-2 trong thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp trên nền Google Earth Engine. Bộ lọc thông cao trước tiên được áp dụng để đồng nhất độ phân giải theo không gian cho dải băng hồng ngoại sóng ngắn (SWIR) từ 20 về 10 m trong vùng nghiên cứu. Các diện tích nước và không phải nước trong miền quan tâm sau đó được số hóa trực tiếp từ Google Earth sử dụng công cụ GIS để tạo bộ dữ liệu tham chiếu. Tiếp theo, phân tích độ nhạy của giá trị ngưỡng và hệ số trọng số được thực hiện khi sử dụng chỉ số WNDWI, kết quả thể hiện rằng giá trị -0.11 và 0.50 được xác định tương ứng cho giá trị ngưỡng và hệ số trọng số. Sai số tổng thể, hệ số kappa, sai số EC và EO lần lượt tương ứng là 0,98, 0,85, 0,015 và 0,006. Trong số ba chỉ số đã chọn, chỉ số WNDWI và MNDWI phù hợp nhất để phát hiện các vùng nước trong khu vực nghiên cứu, với sai số tổng thể > 0,98 và hệ số kappa > 0,84. Cuối cùng, khả năng và hiệu quả của việc ứng dụng GEE  cho việc giải đoán ảnh  cũng được thảo luận.

Từ khóa: Google Earth Engine, WNDWI, MNDWI, NDWI, Sentinel-2