TextBody
Huy chương 2

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 61 năm 2020

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THỦY LỢI
SỐ 61
(8/2020)

Trang

Tên bài báo

Tác giả

Tóm tắt

I

Khoa học công nghệ

 

 

2

Định hướng hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái vùng đồng bằng sông cửu long

Nguyễn Văn Tỉnh

Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

 

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có kiện tự nhiên, nguồn nước đặc trưng, hình thành 03 tiểu vùng sinh thái ngọt, lợ và mặn, đang là trọng điểm sản xuất nông nghiệp, giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước ta. Những năm gần đây, hạn hán, xâm nhập mặn và lũ, ngập lụt, úng tại khu vực có những thay đổi đáng kể về quy luật và mức độ. Các nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này gồm biến đổi khí hậu - nước biển dâng, phát triển thượng nguồn và phát triển nội tại của vùng. Để phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, các hệ thống công trình thủy lợi trong khu vực đã được đầu tư xây dựng từ nhiều năm nay, đóng góp quan trọng trong việc kiểm soát ngập lũ, xâm nhập mặn,... Trước tác động bất lợi đang phải đối mặt, các hệ thống thủy lợi đang dần không đáp ứng kịp yêu cầu phát triển sản xuất và dân sinh, nhất là trong yêu cầu phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái theo Nghị quyết của Chính phủ số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Bài viết phân tích cụ thể tồn tại và thách thức, định hướng một số giải pháp chính, gồm cả giải pháp công trình và phi công trình để hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái vùng ĐBSCL.

Từ khóa: Đồng bằng sông Cửu Long, Hiện đại hóa thủy lợi, Phát triển nông nghiệp bền vững.

10

Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cấp nước sạch nông thôn vùng miền núi phía bắc trong điều kiện biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới

Lương Văn Anh

Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Miền núi phía Bắc nước ta có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, đặc biệt là ninh nguồn nước, với đặc điểm địa hình chủ yếu là đồi núi, độ dốc cao, là vùng có hơn 10 triệu dân sinh sống phần lớn là nông thôn, là vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và điều kiện kinh tế xã hội một số khu vực khó khăn nên cấp nước sinh hoạt nông thôn ở một số vùng sâu, vùng xa thật sự cần thiết để đảm bảo an sinh xã hội. Cùng với những nỗ lực không ngừng của các cấp, các ngành và người dân nông thôn đã thúc đẩy những thay đổi tích cực về mặt cấu trúc và số người tiếp cận được với nước sạch nông thôn tại vùng Miền núi phía bắc được tăng lên. Tuy nhiên vẫn còn những thách thức trong lĩnh vực cấp nước tại vùng như: khả năng tiếp cận được với nước an toàn và công trình cấp nước tập trung tại khu vực nông thôn vùng sâu vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống còn thấp và kém nhiều so với khu vực đồng bằng, khu vực thành thị; cần có những nỗ lực cụ thể để những người nghèo nhất có thể tiếp cận được với nước sạch, số lượng công trình hoạt động kém hiệu quả vẫn còn cao, chất lượng nước ở nhiều công trình cấp nước chưa ổn định, công tác quản lý vận hành công trình cấp nước tập trung ở một số khu vực còn hạn chế; an toàn, an ninh nguồn nước do thiên tai (hạn hán, thiếu nước, lũ quét, sạc lở đất, ô nhiễm môi trường).

Để tiếp tục duy trì kết quả đạt được, phát triển hơn nữa và khắc phục những thách thức nêu trên thì cần rà soát, đánh giá về vai trò của các thành phần kinh tế trong toàn xã hội đối với phát triển lĩnh vực cấp nước sinh hoạt nông thôn hiện nay để đạt được kết quả về chính sách công và nhằm hỗ trợ tạo nên những cải thiện rộng hơn trong lĩnh vực nước sạch nông thôn phù hợp với đặc thù của vùng miền núi phía Bắc.

Từ khóa: Cấp nước sinh hoạt, miền núi phía Bắcnguồn nước, hạn hán, thiếu nước, thiên tai.

16

Ảnh hưởng của độ mịn xỉ lò cao đến cường độ của bê tông chất kết dính kiềm hoạt hóa

Nguyễn Thanh Bằng, Nguyễn Tiến Trung

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Đinh Hoàng Quân

Trường Đại học Thủy lợi

Trong thành phần của bê tông chất kết dính (CKD) kiềm hoạt hóa (KHH), xỉ lò cao nghiềm mịn là một thành phần chất kết dính quan trọng tạo ra cường độ ban đầu của bê tông đồng thời kích hoạt phản ứng trùng ngưng của tro bay với chất hoạt hóa trong điều kiện nhiệt độ thường. Do vậy phẩm chất của xỉ lò cao (thành phần hóa học, độ nghiền mịn) có ảnh rất lớn đến các tính chất bê tông. Trong bài báo này, thông qua phân tích lý thuyết và kết quả thí nghiệm, làm rõ mức độ ảnh hưởng của độ mịn của xỉ lò cao đến tính chất quan trọng là cường độ chịu nén và cường độ chịu kéo khi uốn của bê tông.

Từ khóa: độ mịn, xỉ lò cao, tro bay, bê tông kiềm hoạt hóa.

24

Đề xuất khung nghiên cứu hoàn thiện thể chế, chính sách giảm thiểu rủi ro lũ quét và sạt lở đất đá

Trần Văn Đạt

Viện Kinh tế và Quản lý Thủy lợi

Thiên tai ngày càng có xu hướng cực đoan, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và các hệ sinh thái trên phạm vi toàn cầu. Mặc dù vậy, nghiên cứu về thể chế, chính sách giảm nhẹ rủi ro của các thảm họa trên thế giới hiện chưa được công bố nhiều. Để góp phần hỗ trợ triển khai các nghiên cứu thuộc lĩnh vực này trong tương lai, trong bài báo, tác giả đề xuất và thảo luận về khung nghiên cứu của một đề tài trên cơ sở phân tích các kết quả nghiên cứu đã được công bố, hệ thống văn bản chính sách hiện hành và hoạt động phòng, chống thiên tai thực tế ở một số địa phương của Việt Nam. Trong đó, bộ công cụ đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp về thể chế, chính sách bao gồm hơn 70 tiêu chí liên quan đến khả năng can thiệp vào các tác nhân ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý rủi ro lũ quét và sạt lở đất đá.

Khung nghiên cứu này có thể áp dụng chung trong lĩnh vực quản lý rủi ro thiên tai. Tuy nhiên, do việc xác lập và lượng hóa giá trị cũng như đánh giá mức độ khả dụng của từng tiêu chí là khá phức tạp nên khi áp khung nghiên cứu này trong các đề tài cần tiến hành cập nhật và kiểm định bộ tiêu chí để thiết lập được công cụ phân tích thể chế, chính sách phù hợp.

Từ khóa: khung nghiên cứu, thể chế, chính sách, rủi ro thiên tai, lũ quét, sạt lở đất đá

36

Thực trạng cấp nước sinh hoạt nông thôn vùng đồng bằng sông cửu long và đề xuất giải pháp khai thác

Phạm Văn Tùng, Hà Thị Xuyến

Viện Kỹ thuật Biển

Nước sạch phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang là vấn đề bức xúc được Nhà nước quan tâm đặt lên hàng đầu, đặc biệt là trong mùa hạn – mặn. Hiện nay tỷ lệ hộ dân nông thôn trong vùng được cấp nước hợp vệ sinh là 86,56% (cao hơn năm 2012 đạt 75,85% và năm 2015 đạt 85%). Một bộ phận 13,44% người dân nông thôn thiếu nước, chủ yếu là những hộ dân sống rải rác theo cụm nhỏ. Kết quả nghiên cứu đã đưa ra giải pháp khai thác nguồn nước mặt khoa học, hợp lý trong mùa hạn – mặn để cấp nước sinh hoạt cho những cụm dân cư sống phân tán trên cơ sở xem xét tổng quan từ điều kiện tự nhiên, thực trạng nguồn nước, môi trường nước, tập quán,… để có khả năng ứng dụng cao.

Từ khóa: Nước sinh hoạt, Công trình cấp nước, Cấp nước tập trung.

47

Nghiên cứu giải pháp kết nối hệ thống cấp nước và đề xuất hệ thống cấp nước tập trung phục vụ cấp nước sinh hoạt vùng hạn, mặn ven biển đồng bằng sông cửu long

Hà Hải Dương

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thường xuất hiện vào các năm có cực đoan về khí hậu, thời tiết như năm 1977-1978, 1997-1998, 2015-2016 và năm 2019-2020. Trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long trong nhiều năm qua cũng như những tháng đầu năm 2020, có thể thấy rằng biến đổi khí hậu và tác động của phát triển các công trình thượng nguồn sẽ dẫn đến hạn và xâm nhập mặn còn tiếp diễn và tình trạng thiếu nước sinh hoạt sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Việc thiếu nước sinh hoạt sẽ gây khó khăn cho người dân và ảnh hưởng tới an sinh xã hội. Bài báo này trình bày cơ sở và đề xuất giải pháp kết đối đường ống và xây dựng hệ thống cấp nước tập trung phục vụ sinh hoạt và  chủ động ứng phó với hạn hán và xâm nhập măn vùng đồng Bằng sông Cửu Long. Việc kết nối này hình thành nên hệ thống cấp nước tập trung cấp nước chính cho vùng hạn mặn và thể hiện thực hiện theo luật Thủy Lợi và luật Tài nguyên nước, đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đáng và Chính phủ, chính quyền các cấp tới an sinh xã hội cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. 

Từ khóa: Cấp nước sinh hoạt, cấp nước tập trung, đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán, kết nối đường ống nước, xâm nhập mặn.

57

Áp dụng phương pháp phân tích thứ bậc (ahp) trong lựa chọn phương án thiết kế các dự án thủy lợi

Nguyễn Hồng Trường

Trung tâm tư vấn PIM

Tiếp cận bền vững các dự án phát triển nông thôn, dự án thủy lợi, sự phát triển chỉ có thể bền vững nếu đảm bảo đ­ược đồng thời các mục tiêu về kinh tế, xã hội và môi trư­ờng. Tuy nhiên hiện nay trong giai đoạn lập dự án đầu tư, quá trình đánh giá lựa chọn phương án thiết kế chưa đảm bảo đầy đủ các mục tiêu bền vững. Bằng phương pháp phân tích theo thứ bậc (AHP) có thể xem xét nhiều tiêu chí và có thể kết hợp phân tích các yếu tố định tính lẫn định lượng, sẽ chọn ra được phương án thiết kế tốt nhất thỏa mãn các tiêu chí đặt ra. Dựa trên nguyên tắc so sánh cặp các tiêu chí, phương pháp AHP với 3 bước chính, đó là phân tích, đánh giá và tổng hợp. AHP trả lời các câu hỏi “Chúng ta nên chọn phương án nào?” hay “Phương án nào tốt nhất?”

Từ khóa: phương pháp phân tích thứ bậc, phát triển bền vững, lựa chọn phương án thiết kế

66

Sử dụng mô hình toán 3 chiều mô phỏng lan truyền mặn vùng cửa sông hậu

 

Đỗ Đắc Hải

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Đặc tính phân tầng nồng độ mặn của một cửa sông phụ thuộc vào chế độ dòng chảy sông và dòng chảy thủy triều. Do đó ở mỗi cửa sông khác nhau đặc tính phân tầng mặn sẽ khác nhau phụ thuộc vào các yếu tố địa hình, thủy văn (lưu lượng thượng nguồn, thủy triều ngoài biển, nhập lưu dòng chảy dọc sông…). Xâm nhập mặn tại một cửa sông được phân làm ba dạng chính: 1) xáo trộn hoàn toàn; 2) bán phân tầng và 3) phân tầng mạnh tạo hình dạng “nêm mặn”. Nội dung bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu, mô phỏng về đặc tính xâm nhập mặn tại vùng cửa sông Hậu bằng mô hình toán 3 chiều (3D)

Từ khóa: Mô hình 3 chiều (3D), xâm nhập mặn, nồng độ mặn, phân tầng mặn, nêm mặn cửa sông Hậu, nhánh Định An, nhánh Trần Đề, thời điểm nước ngưng khi đỉnh triều (HWS) và thời điểm nước ngưng khi chân triều (LWS).

80

Độ bền của đập bê tông dưới sự ăn mòn sun phát bên ngoài

Trần Văn Quân

Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải

 Nguyễn Hữu Năm

Viện Thuỷ điện và Năng lượng tái tạo

Ăn mòn sun phát bên ngoài ảnh hưởng tới độ bền và khả năng chịu lực của công trình bê tông, đặc biệt đối với công trình đập bê tông tiếp xúc thường xuyên với nguồn nước có chứa ion sun phát với nồng độ cao. Trong bài báo này một ví dụ cụ thể về ảnh hưởng của ăn mòn sun phát ngoài đối với đập bê tông  Mequinenza đã được nêu ra. Việc hình thành khoáng thaumasite có hại cho tính chất cơ học của bê tông. Mô phỏng quá trình ăn mòn sun phát ngoài đối với đập bê tông được tiến hành nhờ sự giúp đỡ của mô hình địa hóa học. Mô hình đã thành công trong việc khẳng định sự hình thành khoáng thaumasite ở lóp vỏ của bê tông cùng với tăng độ rỗng từ đó làm bong tróc lớp vỏ bê tông đã được quan sát trong công trình thực tế. Dựa trên kết quả này, mô hình giúp dự đoán được độ bền công trình theo thời gian.

Từ khóa: Ăn mòn sun phát bên ngoài, Đập bê tông, Dự đoán độ bền, Thaumasite, Mô hình địa hóa học.

87

Nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá sự phù hợp của các dự án thủy điện với môi trường và áp dụng với các thủy điện trên dòng chính sông mã tỉnh thanh hóa

Mai Thị Hồng, Nguyễn Thị Mùi

Trường Đại học Hồng Đức

Lưu Văn Huyên

Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 1

Thủy điện là một trong những nguồn cung cấp điện chính tại Việt Nam. Bên cạnh việc góp phần quan trọng trong việc tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, thủy điện còn là nguồn năng lượng sạch, góp phần vào phát triển bền vững, và sử dụng nước đa mục tiêu. Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận, thủy điện cũng có nhiều bất lợi, ảnh hưởng xấu đến môi trường như: Làm giảm diện tích rừng đầu nguồn, mất đất sản xuất, thay đổi dòng chảy tự nhiên, làm cạn kiệt nguồn nước hạ du. Để có cơ sở sàng lọc các dự án thủy điện một cách đồng nhất, nhằm phát huy tối đa lợi ích từ thủy điện và giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường, thực tế đòi hỏi phải xây dựng những tiêu chí cụ thể về môi trường mà mỗi dự án thủy điện cần phải đạt được. Bài báo đề xuất xây dựng bộ tiêu chí, nhằm đánh giá sự phù hợp của các dự án thủy điện với môi trường, từ đó giúp cho việc xem xét lựa chọn các dự án khi quyết định đầu tư. Ngoài ra, bài báo cũng áp dụng bộ tiêu chí để đánh giá cho các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mã, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm giảm thiểu những hạn chế về mặt môi trường của các dự án thủy điện.

Từ khóa: Tiêu chí; Dự án thủy điện; Sông Mã; Thủy điện sông Mã.

97

Thực trạng sử dụng nguồn kinh phí thủy lợi phí cấp bù trực tiếp cho các tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý khai thác công trình thủy lợi nhỏ, nội đồng theo phân cấp

Đoàn Doãn Tuấn, Trần Việt Dũng

Trung tâm tư vấn PIM

 

Bài báo này, trên cơ sở phân tích kết quả điều tra, trình bày nguồn thu, bao gồm nguồn hỗ trợ kinh phí sử dụng dịch vụ công ích và nguồn thu phí nội đồng và mức chi QLVH của các tổ chức thủy lợi cơ sở. Tùy thuộc vào quy mô diện tích, kinh phí cấp bù có giá trị từ 180 tr.đồng đến 130 tr.đồng cho một tổ chức TLCS đối với vùng Miền núi và Tây Nguyên; từ 560 tr đến 300 tr đồng đối với vùng Đồng Bằng Sông Hồng và các tỉnh Duyên hải miền trung. Nguồn kinh phí này chủ yếu chi cho 2 khoản quản lý vận hành, từ 20-60%, và bảo trì công trình. Tại vùng Đông Nam bộ và một số tỉnh Vùng Nam Trung bộ, như Ninh Thuận, Bình Thuận, hầu hết các tổ chức thủy lợi cơ sở không quản lý công trình độc lập hoặc không quản lý công trình vượt quy mô cống đầu kênh nên không được hưởng thủy lợi phí cấp bù. Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long kinh phí cấp bù thủy lợi phí chuyển cho UBND các huyện thực hiện duy tu, nạo vét các công trình thủy lợi trong huyện có giá trị bình quân 17.124 tr. đ/huyện. Mức thu phí nội đồng tại các tổ chức thủy lợi cơ sở tại vùng đồng bằng sông Cửu long vào khoảng 800.000-1.500.000 đ/ha.vụ. Đối với các vùng còn lại trong cả nước dao động từ 200.000 đ/ha.vụ ở vùng miền núi đến 600.000 đ/ha.vụ vùng đồng bằng. Toàn bộ khoản thu thủy lợi phí nội đồng này được sử dụng cho công tác quản lý vận hành công trình thủy lợi nội đồng. Tỷ lệ thủy lợi phí nội đồng thu đạt xấp xỉ 100% đối với vùng trung và hạ du đồng bằng sông Hồng, vùng Đồng Băng Sông Cửu Long. Tại các vùng còn lại tỷ lệ thu đạt giao động 80-90%.

Từ khóa: thủy lợi phí, thủy lợi cơ sở

103

Nghiên cứu, đánh giá rủi ro lũ, ngập lụt theo các cấp độ mưa lớn và thượng nguồn cho thành phố yên bái và khu vực lân cận

Nguyễn Thị Bích Thủy, Lê Viết Sơn,

Trần Thị Mai Sứ, Nguyễn Đình Quân

Viện Quy hoạch Thủy lợi

Đánh giá rủi ro lũ, ngập lụt và phân tích kinh tế lũ cho khu vực có nguy cơ ngập lụt cao ở thành phố Yên Bái và khu vực lân cận (7 xã huyện Trấn Yên) có ý nghĩa khoa học và thực tiễn trong công tác lập Kế hoạch ứng phó, quản lý lũ lụt và hiệu quả đầu tư công trình phòng chống lũ. Kết hợp giữa mô hình thủy lực 2 chiều (MIKE FLOOD) và mô hình phân tích kinh tế lũ HEC-FDA cùng với sự hỗ trợ của công nghệ viễn thám và GIS để tính toán thiệt hại theo các cấp độ rủi ro (tần suất lũ- mực nước lũ trên sông) và thiệt hại bình quân hàng năm trên khu vực trước và sau khi đầu tư xây dựng hệ thống đê. Kết quả tính toán cho thấy thiệt hại trong giai đoạn hiện tại có thể từ 107 đến 12.787 x 103 USD tùy thuộc vào cấp độ rủi ro, trong tương lai đến 2050 tăng lên khoảng 1,3 lần. Hiệu quả khi đầu tư hệ thống đê có thể mang lại 550x 103USD hàng năm, là cơ sở khoa học cho các bên liên quan ra quyết định đầu tư.   

Từ khóa: Yên Bái, Thiệt hại lũ, HEC- FDA, MIKE FLOOD

110

Nghiên cứu dòng chảy trên tràn xả lũ có mố nhám gia cường bằng mô hình dòng chảy hai pha

Lê Thị Thu Hiền, Dương Hoài Đức, Đinh Hải Đăng

Trường Đại học Thủy lợi

Bài báo sử dụng mô hình thủy lực 3 chiều Flow 3D trong mô phỏng dòng chảy qua tràn, bể tiêu năng của tràn xả lũ Ngàn Trươi với hai phương án mố nhám gia cường trên dốc: nhám âm và nhám dương. Mô hình thủy động lực học Flow 3D dựa trên hệ phương trình Navier-Stokes là công cụ hữu hiệu trong mô phỏng các đặc tính thủy lực phức tạp của dòng chảy qua các công trình thủy lợi. Kết quả tính toán cao trình mực nước và vận tốc ứng với 2 cấp lưu lượng khác nhau được so sánh với số liệu thực nghiệm ứng với cả hai phương án tiêu năng trên dốc. Ngoài ra bài báo cũng chỉ ra sự cần thiết phải thêm mô hình trộn khí trong việc mô phỏng dòng chảy có xáo trộn lớn trên các công trình thủy lợi và lựa chọn phương án mố nhám hợp lý bằng mô hình toán

Từ khóa: Flow-3D, tràn xả lũ, bể tiêu năng, đặc tính thủy lực, mố nhám

119

Đánh giá thực trạng và giải pháp nghiên cứu về sạt lở đất ở việt nam giai đoạn 2010 - 2020

 

Đoàn Viết Long, Nguyễn Chí Công, Nguyễn Quang Bình

Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng

Nguyễn Tiến Cường

Trường Đại học Phenikaa

Việt Nam là quốc gia có địa hình đồi núi dốc và nằm trong vùng mưa nhiệt đới gió mùa, do đó sạt lở đất diễn ra khá phổ biến và được xếp vào loại thiên tai nguy hiểm. Các nghiên cứu về sạt lở đất đã được quan tâm thực hiện giúp ích trong công tác quản lý rủi ro, phòng chống thiên tai. Nghiên cứu này trình bày tổng quan các phương pháp đánh giá cấp độ sạt lở đất trên thế giới, từ đó đánh giá thực trạng nghiên cứu sạt lở đất ở Việt Nam trong giai đoạn từ 2010 đến 2020 và đề xuất những giải pháp nghiên cứu phù hợp tiếp theo. Kết quả chỉ ra rằng, phương pháp sử dụng phố biến trong đánh giá cấp độ sạt lở đất ở Việt Nam là đánh giá không gian bằng các mô hình xác suất thống kê. Bên cạch đó, những hạn chế về cơ sở dữ liệu của các yếu tố gây sạt lở vẫn chưa giải quyết triệt để. Những đề xuất nhằm cải thiện các hạn chế trên được thảo luận và định hướng cho các nghiên cứu tiếp theo.

Từ khóa: sạt lở đất, phương pháp đánh giá cấp độ sạt lở, yếu tố gây sạt lở, mô hình xác suất thống kê, vùng miền núi Việt Nam.