TextBody
Huy chương 2

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 63 năm 2020

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THỦY LỢI
SỐ 63
(12/2020)

Trang

Tên bài báo

Tác giả

Tóm tắt

I

KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

 

 

2

Công trình cống Xẻo Rô - một loại kết cấu công trình mới ở đồng bằng sông Cửu Long

Trần Đình Hoà

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một vùng châu thổ trẻ ở hạ nguồn sông Mê Công có địa hình thấp, bằng phẳng, nguồn nước dồi dào, bờ biển dài hơn 700km với chế độ bán nhật triều biển Đông và Nhật triều biển Tây. Nhiệm vụ của các hệ thống Thủy lợi đối với vùng ĐBSCL là phải kiểm soát được nguồn nước, đồng thời phải đảm bảo yêu cầu giao thông thủy một cách thuận lợi. Vì vậy, hầu hết các công trình thủy lợi được xây dựng trên các kênh và sông lớn hoặc trên các tuyến giao thông thủy quan trọng đều phải bố trí hệ thống cống và âu thuyền riêng biệt. Cống Xẻo Rô, thuộc hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé là công trình đầu tiên ở ĐBSCL đã tích hợp bố trí kết cấu công trình vừa kiểm soát nguồn nước vừa đảm bảo yêu cầu thông thuyền khi cần thiết. Bài viết giới thiệu những phân tích, đánh giá và nghiên cứu đề xuất, lựa chọn giải pháp công trình tích hợp này.

Từ khóa: Cống vùng triều, âu thuyền, kiểm soát nguồn nước, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé.

8

Nghiên cứu, lựa chọn giải pháp phù hợp xử lý nước thải, bảo vệ và cải thiện chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi An Kim Hải, thành phố Hải Phòng

Nguyễn Tùng Phong­, Nguyễn Quang Vinh, Hà Hải Dương,

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Trần Văn Tuyền

Viện Quy hoạch Thủy lợi

Quản lý chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi (CTTL) hiện nay đang là một vấn đề rất được quan tâm của các cấp, các ngành và các địa phương. Nhiều hệ CTTL đồng thời đóng vai trò là nguồn tiêu nước mặt và tiếp nhận nước thải chưa được xử lý từ các khu dân cư, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, khu vực chăn nuôi… dẫn tới nguồn nước trong hệ thống bị ô nhiễm, không đảm bảo phục vụ sản xuất và cấp nước thô cho mục đích sinh hoạt. Hệ thống CTTL An Kim Hải bắt đầu từ huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương tới trung tâm TP. Hải Phòng thực hiện đồng thời việc cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp (SXNN) và cung cấp nguồn nước thô, phục vụ cấp nước sinh hoạt cho gần 80% nhu cầu nước sinh hoạt Thành phố Hải Phòng cũng đang bị ảnh hưởng rất lớn của các nguồn nước thải ô nhiễm. Bài báo này trình bày nghiên cứu, triển khai mô hình thí điểm xử lý nước thải cho khu dân cư thôn Nam, xã Tân Tiến trong khu vực CTTL An Kim Hải bằng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật phù hợp, kết hợp với việc xây dựng mô hình tổ chức, quản lý vận hành đồng bộ sẽ góp phần phát huy hiệu quả, xử lý ô nhiễm và đảm bảo tính bền vững mô hình. Bên cạnh đó, mô hình thí điểm còn là cơ sở khoa học nhằm áp dụng và phổ biến nhân rộng trong việc xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng nguồn nước trong hệ thống CTTL An Kim Hải cũng như các hệ thống CTTL khác trên cả nước. 

Từ khóa: Hệ thống công trình thủy lợi An Kim Hải; Nước thải; Ô nhiễm; Mô hình thí điểm.

17

Nghiên cứu tác động của phát triển hạ tầng, dân cư  đến thoát lũ, ổn định lòng dẫn đoạn sông Hồng qua Hà Nội và định hướng giải pháp chỉnh trị  

 

Nguyễn Ngọc Quỳnh, Bùi Huy Hiếu, Nguyễn Ngọc Đẳng,

Nguyễn Mạnh Linh, Nguyễn Hồng Quang

Phòng TNTĐ Quốc Gia về động lực học sông biển

Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu tác động của việc phát triển các khu dân cư, hạ tầng mới đến khả năng thoát lũ  qua đó đề xuất các giải pháp công trình chỉnh trị, đảm bảo yêu cầu phòng lũ trên sông Hồng đoạn qua thủ đô Hà Nội. Hiệu quả của các giải pháp công trình chỉnh trị được đánh giá về mặt định lượng sẽ làm căn cứ cho việc quy hoạch chi tiết hệ thống công trình chỉnh trị sông trên đoạn sông Hồng qua Hà Nội nói riêng và được áp dụng trên toàn hệ thống sông Hồng nói chung.

 

27

Nghiên cứu ứng dụng WEBGIS trong nâng cao năng lực quản lý khai thác công trình thủy lợi và phòng chống thiên tai tại tỉnh Thái Bình

Nguyễn Lê Dũng, Bùi Duy Chí

Trung tâm tư vấn PIM

Đặng Tuấn Phong

Phân hiệu 2 - Đại học Thủy lợi

 

 

Ngày nay, công nghệ WebGIS đã trở nên phổ biến; nhiều ngành, lĩnh vực đã và đang áp dụng WebGIS như giao thông, du lịch… Trong lĩnh vực thủy lợi, WebGIS đã bắt đầu được triển khai ở một số nơi, bước đầu mang lại hiệu quả. Bài viết này trình bày nghiên cứu của nhóm tác giả về công nghệ WebGIS, đánh giá tiềm năng của công nghệ, và một số kết quả thực tiễn trong ứng dụng WebGIS cho công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai tại tỉnh Thái Bình

Từ khóa: WebGIS, GIS, Hiện đại hóa quản lý thủy lợi và phòng chống thiên tai, Thái Bình

36

Một số tính chất của bê tông có cốt trấu

 

Khương Văn Huân 

Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn

Nguyễn Phú Quỳnh, Nguyễn Trung An, Nguyễn Văn Trung 

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Bài báo trình bày một số kết quả nghiên cứu thực nghiệm về bê tông có sử dụng trấu để sản xuất cấu kiện bảo vệ bờ. Bê tông có trấu làm giảm đáng kể cường độ nếu hỗn hợp bê tông có độ sụt. Bê tông có trấu có thể nâng cao độ thấm nước. Nên sử dụng bê tông có trấu ở dạng bán khô

Từ khóa: bê tông sử dụng trấu, cường độ, độ sụt, tính thấm, bán khô

41

Nghiên cứu lập kế hoạch sử dụng nước cho các hồ chứa trên địa bàn thành phố đà nẵng theo thời gian thực để chủ động cấp nước cho sản xuất trong điều kiện thời tiết cực đoan

Hoàng Ngọc Tuấn, Đặng Thị Nga

Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên

Kế hoạch sử dụng nước hàng năm của các hồ chứa thường được đơn vị quản lý xây dựng dựa trên diện tích, loại cây trồng, thời gian sinh trưởng,... dự kiến của cả năm, dựa vào định mức tưới đã được quy định và kinh nghiệm qua nhiều năm vận hành, trong quá trình vận hành cũng có sự điều chỉnh. Cách làm này đang bộc lộ một số điểm chưa phù hợp dẫn tới tình trạng kế hoạch lập ra khó sát với thực tế, gây thất thoát, lãng phí nước. Để lập được Kế hoạch sử dụng nước chủ động cần thiết phải dự báo được chính xác dòng chảy đến hồ chứa (lưu lượng, mực nước) trong toàn năm và toàn vụ; cần phải tính toán được nhu cầu nước phục vụ sản xuất (nông nghiệp, dân sinh); từ đó tiến hành cân bằng cung-cầu để đề xuất một bản kế hoạch sử dụng nước theo năm, vụ phù hợp với thực tế nhất. Trong bài báo này, chúng tôi đề xuất giải pháp và công nghệ để lập kế hoạch sử dụng nước theo thời gian thực: Đầu năm lập bản kế hoạch sử dụng nước cho toàn năm dựa trên số liệu dự báo khí tượng; căn cứ vào số liệu thực đo mưa, mực nước hồ chứa để điều chỉnh kế hoạch sử dụng nước phù hợp cho từng hồ. Kết quả nghiên cứu cũng đã xây dựng 01 phần mềm hỗ trợ lập kế hoạch sử dụng nước, bao gồm các module tính toán dòng chảy đến, nhu cầu nước, cân bằng nước. Việc thay đổi mực nước, mưa cũng sẽ được tự động tích hợp trong phần mềm, từ đó tự động điều chỉnh kế hoạch sử dụng nước phù hợp cho hồ chứa.

54

Tổng hợp một số vấn đề trong thực tế thiết kế bơm hướng trục Ns cao

Trương Việt Anh

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

 Đỗ Hồng Vinh

Viện Bơm và Thiết bị thủy lợi

Các bơm hướng trục ns cao thường có số vòng quay đặc trưng ns>1000 v/ph. Hầu hết các nước tư bản ít quan tâm nghiên cứu đến bơm ns cao. Các gam bơm thông dụng của Liên Xô cũ trước đây cũng chỉ có ns trong khoảng từ 500 v/ph đến 900v/ph. Ở Việt Nam, việc nghiên cứu bơm ns cao trong những năm gần đây đã đạt được một số kết quả nhất định. Hầu hết các bơm ns cao này đều tham khảo một số thông số và đặc tính của bơm OP6 với ns=900 v/ph của Liên Xô cũ. Qua phân tích ảnh hưởng của các thông số chính đến đặc tính bơm hướng trục ns cao, tác giả bài báo đã tổng hợp các vấn đề cần lưu ý trong thực tế thiết kế, đồng thời  nêu bật các kết quả nghiên cứu bơm ns cao đã đạt được ở nước ta trong những năm gần đây.

Từ khóa: bơm hướng trục, ns cao, đường kính cánh, , L/T.

62

Xây dựng bộ tiêu chí và bước đầu đánh giá hiệu quả mô hình kè sinh thái kết hợp trồng cây chống sạt lở, bảo vệ bờ sông Ba, tỉnh Gia Lai

Lê Văn Tuất, Nguyễn Nguyên Hằng

Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Sông Ba giữ một vai trò quan trọng trong đời sống và văn hóa, xã hội của các cư dân bản địa tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, hiện nay, dưới tác động của biến đổi khí hậu, các hoạt động của con người dẫn đến hiện tượng sạt lở bờ sông Ba với nhiều vị trí sạt lở nguy hiểm. Chính vì vậy việc đề xuất và triển khai các giải pháp chống xói mòn, sạt lở tại khu vực nghiên cứu là việc làm cần thiết. Nghiên cứu đã đưa ra bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả mô hình gồm 6 tiêu chí là: (1) Tỷ lệ sống của cây trồng. (2) Khả năng sinh trưởng, phát triển, tái sinh của cây trồng. (3) Độ ổn định bờ. (4) Cảnh quan môi trường. (5) Hiệu quả kinh tế, môi trường của mô hình. Áp dụng bộ tiêu chí, hiệu quả mô hình đối với mô hình kè sinh thái tại buôn NuB, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định như cây trồng đã sống và sinh trưởng, phát triển, có hiệu quả về ổn định bờ, cảnh quan và ước tính giá trị về mặt kinh tế, môi trường của mô hình đạt 9.177.739 đồng/năm.

Từ khóa: Kè sinh thái, bộ tiêu chí, hiệu quả mô hình, sông Ba, tỉnh Gia Lai.

73

Kết quả ứng dụng bê tông chất kết dính kiềm hoạt hóa sử dụng tro bay và xỉ lò cao tại công trình thử nghiệm

Nguyễn Thanh Bằng, Nguyễn Tiến Trung

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Đinh Hoàng Quân
 Trường Đại học Thủy lợi

Một trong những nội dung quan trọng của đề tài cấp Quốc gia KC08.21/16-20 “Nghiên cứu sử dụng kết hợp tro bay nhiệt điện và xỉ lò cao để chế tạo bê tông chất kết dính kiềm hoạt hóa (không sử dụng xi măng) dùng cho các công trình thủy lợi làm việc trong môi trường biển góp phần bảo vệ môi trường” là ứng dụng thử nghiệm bê tông chất kết dính kiềm hoạt hóa sử dụng tro bay và xỉ lò cao tại công trình thực tế để kiểm chứng chất lượng của loại bê tông này. Công trình thử nghiệm của đề tài được thực hiện tại một đoạn kè biển từ K25+320 đến K25+340 ở khu vực thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, Việt Nam. Bài báo trình bày một phần kết quả nghiên cứu thiết kế thành phần cấp phối bê tông, quy trình tổ chức thi công và đánh giá chất lượng ban đầu của bê tông chất kết dính kiềm hoạt hóa sử dụng tro bay và xỉ lò cao tại ứng dụng thực tế này.

Từ khóa: Bê tông, chất kết dính kiềm hoạt hóa, tro bay, xỉ lò cao, geopolymer, ứng dụng thực tế

84

Thực trạng quản lý cơ sở hạ tầng nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng và định hướng giải pháp

Nguyễn Lê Dũng, Đặng Minh Tuyến, Lê Văn Tú, Hà Thị Thu

Trung tâm tư vấn PIM

 

                             

Phát triển cơ sở hạ tầng và hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững luôn là hai yếu tố song hành, có vai trò trung tâm trong các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta qua các giai đoạn phát triển. Cơ sở hạ tầng (CSHT) nông thôn có vai trò quan trọng, là cơ sở và điều kiện để phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương. Trong xây dựng nông thôn mới, các địa phương luôn ưu tiên dành các nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ 6/2010 đến nay cả nước đã huy động trên 2,3 triệu tỷ đồng để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ xây dựng nông thôn mới. Các công trình cơ sở hạ tầng được xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp trong những năm qua đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng các công trình CSHT sau khi đầu tư một cách có hiệu quả, bền vững chưa được nhiều địa phương quan tâm. Vì vậy, vấn để quản lý, sử dụng một cách hiệu quả các công trình sau đầu tư đang là nhu cầu cấp thiết hiện nay. Dựa trên kết quả nghiên cứu tại vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), bài viết này sẽ phản ánh thực trạng và đề xuất các giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững CSHT ở nông thôn vùng ĐBSH.

Từ khóa: Nông thôn mới, cơ sở hạ tầng ở nông thôn, hiệu quả, bên vững, Đồng bằng sông Hồng.

94

Nghiên cứu phương thức phối hợp vận hành nâng cao hiệu quả khai thác nhà máy thủy điện bậc thang

Hoàng Công Tuấn, Phan Trần Hồng Long

Trường Đại học Thủy lợi

Tại Việt Nam, đến nay hầu hết các dự án thủy điện đã được khai thác. Nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cao. Nguồn nhiệt điện phát triển nhanh gây ảnh hưởng đến môi trường và an ninh năng lượng. Sự phát triển nóng của các nguồn điện mặt trời và điện gió làm cơ cấu nguồn điện thay đổi, với tỷ trọng thủy điện ngày càng giảm. Mặt khác, phụ tải điện thay đổi, không theo dự báo trước đây, mà theo hướng bất lợi cho thủy điện và việc huy động nguồn. Thị trường điện vận hành theo cơ chế cạnh tranh. Do đó, cần có giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác nguồn thủy điện. Bài báo đưa ra cơ sở khoa học và phương thức phối hợp vận hành nhằm nâng cao khả năng phát điện cho các nhà máy thủy điện bậc thang, góp phần giảm chi phí mua điện nguồn khác. Nghiên cứu được áp dụng tính toán cho hai nhà máy thủy điện bậc thang trên sông Sê San. Những kết quả thu được đã cho thấy tính hiệu quả của phương pháp đưa ra so với vận hành thực.

Từ khóa: Thủy điện; Điều tiết dài hạn; Hệ thống điện, Thị trường điện

103

Nghiên cứu ảnh hưởng của một số loại phụ gia đến cường độ kháng nén một trục đất bồi lắng lòng hồ chứa ở Hà Tĩnh

Nguyễn Đình Dũng

Ban QLDA Đầu tư xây dựng Công trình NN&PTNT Hà Tĩnh

Nguyễn Công Thắng, Nguyễn Cảnh Thái, Nguyễn Thái Hoàng

Trường Đại học Thủy lợi

 

Đất bồi lắng lòng hồ có đặc điểm chung là ở điều kiện bình thường đất thường xuyên nằm trong nước. Thành phần, cấu tạo của đất bồi lắng là do xói mòn bề mặt của lưu vực, xói lở mái đất lòng hồ. Việc nạo vét đất bồi lắng tại các hồ chứa bị bồi lắng nhiều cũng như tại các hồ chứa đã đưa vào khai thác sử dụng nhiều năm là cần thiết để tăng dung tích và thời gian vận hành khai thác hồ. Tuy nhiên do đất bồi lắng lòng hồ có hàm lượng ngậm nước cao, đất bùn, mềm yếu nên vấn đề vận chuyển, đổ thải, đảm bảo môi trường, kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn.

Kết quả khảo sát tại 13 hồ chứa vừa và nhỏ điển hình trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cho thấy đất bồi lắng lòng hồ thuộc loại đất bụi nặng pha cát, lẫn sỏi sạn, có tính dẻo, nếu được kết hợp với loại phụ gia phù hợp sẽ tạo ra được vật liệu mới có tính chất cơ lý đảm bảo an toàn về thấm, ổn định để ứng dụng thi công sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn đập theo TCVN 2816:2018. Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của 3 loại phụ gia phổ biến là: tro bay, puzzolan và xi măng với các hàm lượng khác nhau đến cường độ kháng nén một trục nở hông tự do của đất bồi lắng lòng hồ chứa, từ đó phân tích lựa chọn ra loại phu gia và hàm lượng phụ gia phù hợp.

Từ khóa: Đất bồi lắng lòng hồ, phụ gia, cường độ kháng nén nở hông tự do, an toàn đập.

110

Các nhân tố ảnh hưởng thu hút nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân ứng phó với biến đổi khí hậu

Phạm Thu Hương

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Khu vực tư nhân vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là nguồn lực quan trọng thúc đẩy hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu. Bài viết nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng tích cực và có vai trò quan trọng đến việc thu hút nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, 5 nhân tố ảnh hưởng tích cực và có vai trò quan trọng nhất đến thu hút nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu là: 1) Cam kết của Đảng và Chính phủ; 2) Có một đơn vị chuyên ngành để hỗ trợ khu vực tư nhân tham gia dự án ứng phó với biến đổi khí hậu; 3) Có một cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về ứng phó với biến đổi khí hậu; 4) Năng lực tài chính ở cấp Trung ương và cấp tỉnh được đảm bảo đầy đủ; và 5) Có hệ thống pháp lý đảm bảo tính thống nhất.

Keywords: Mobilizing resources, Financial resources, Climate change, Private sector.

117

Đánh giá tiềm năng khai thác các trạm bơm tưới

dọc sông Hồng để lấy nước vào hệ thống sông Nhuệ - Đáy nhằm cải thiện môi trường nước

Nguyễn Hữu Huế, Nguyễn Tiến Thái

Trường Đại học Thủy lợi

Trước tình hình mực nước sông Hồng ngày càng hạ thấp, kể từ năm 2010 trở lại đây thành phố Hà Nội đã triển khai lắp đặt nhiều trạm bơm dã chiến như: Phù Sa, Xuân Phú, Bá Giang; đồng thời nâng cấp, xây mới một số trạm bơm cố định như Đan Hoài, Hồng Vân để lấy nước phục vụ sản xuất. Đặc điểm làm việc của các trạm bơm tưới nói chung là hoạt động theo thời vụ. Thông thường trong vụ Đông Xuân sẽ tổ chức vận hành khoảng 04 - 05 đợt lấy nước từ thời điểm đổ ải đến tưới dưỡng. Sau mỗi thời đoạn lấy nước từ 05 - 07 ngày, trạm bơm sẽ dừng hoạt động và tiến hành bảo dưỡng định kỳ. Riêng các trạm bơm dã chiến sau mỗi mùa lấy nước thì phải tháo dỡ, đưa vào các nhà xưởng để bảo quản và cất giữ. Điều này cho thấy các trạm bơm hiện có chưa được khai thác hết tiềm năng để phục vụ cho các mục đích khác như mục đích bổ cập nguồn nước cho hệ thống sông Nhuệ - Đáy để cải thiện môi trường nước trong sông.

Trong nội dung bài báo này, nhóm nghiên cứu sẽ đề xuất các trạm bơm có tiềm năng khai thác sử dụng đa mục tiêu, phục vụ việc lấy nước thường xuyên vào hệ thống sông liên vùng để cải thiện chất lượng môi trường nước.

Từ khóa: sông Nhuệ - Đáy, trạm bơm Phù Sa, trạm bơm Bá Giang, trạm bơm Hồng Vân, tự làm sạch.

124

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám trong đánh giá rủi ro do lũ, ngập lụt cho các đô thị miền núi phía bắc

Hà Thanh Lân, Lê Viết Sơn, Đinh Xuân Hùng,

Vũ Quỳnh Đông, Trần Thanh Dung, Hoàng Tiến Thành

Viện Quy hoạch Thủy lợi

Vùng miền núi phía Bắc là nơi có diện tích lớn, địa hình hiểm trở, hay bị chia cắt, đặc biệt hay bị ảnh hưởng bởi những thảm họa thiên tai cực đoan như lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất. Những năm gần đây thường xuyên đối mặt với những hiện tượng thiên tai cực đoan, tác động không nhỏ đến đời sống xã hội. Trong đó lũ, ngập lụt là một hình thái thiên tai điển hình thường xuyên đe dọa cuộc sống của người dân và sự phát triển kinh tế xã hội trong vùng, gây ra nhiều thiệt hại về vật chất và tinh thần. Vì thế đánh giá rủi ro do lũ, ngập lụt là một công việc hết sức quan trọng và đang được nghiên cứu. Công nghệ viễn thám với nhiều ưu điểm đang là công cụ trong quản lý, giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai hiện nay. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng công nghệ viễn thám tính toán, đánh giá tính dễ bị tổn thương và đề xuất phân cấp để đánh giá mức độ phơi nhiễm, từ đó xây dựng bản đồ rủi ro do lũ, ngập lụt cho năm thành phố: Yên Bái, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn và Sơn La. Kết quả thu được giúp có cái nhìn tổng quan về mức độ rủi ro của năm thành phố, góp phần xây dựng được cơ sở dữ liệu giúp cho công tác đánh giá, giám sát và dự báo nguy cơ rủi ro do lũ, ngập lụt nói riêng và công tác quản lý, cảnh báo và phòng chống hiểm họa, thiên tai nói chung. Kết quả cho thấy mức độ rủi ro ở mức cao và rất cao hay xảy ra nhất ở thành phố Yên Bái, thành phố Cao Bằng có diện tích và tỉ lệ mức độ rủi ro cao và rất cao thấp nhất trong các thành phố.

Từ khóa: công nghệ viễn thám, phơi nhiễm, tổn thương, rủi ro, LULC, Sentinel-1, lũ, ngập lụt