TextBody
Huy chương 2

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 65 năm 2021

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THỦY LỢI
SỐ 65
(04/2021)

Trang

Tên bài báo

Tác giả

Tóm tắt

I

KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

 

 

2

Phân bố dòng chảy mùa khô về châu thổ Mê Công giai đoạn 2013-2019

Tăng Đức Thắng, Phạm Văn Giáp

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Mặc dù đã có một số nghiên cứu đánh giá dòng chảy mùa khô về châu thổ Mê Công, tuy vậy việc tính toán mang tính tổng quát cho các điều kiện dòng chảy khác nhau vẫn còn rất hạn chế. Nghiên cứu này đã làm rõ mối quan hệ dòng chảy tháng mùa khô và dòng chảy năm của về châu thổ Mê Công (tại Kratie, Campuchia), đã tính toán cụ thể dòng chảy theo từng tháng cho các nhóm năm điển hình rất ít, ít, vừa và nhiều nước. Kết quả phù hợp tốt với các quan trắc thực tế.

Việc phân tích các biến động dòng chảy chỉ ra được tính quy luật dòng chảy mùa khô theo thời gian về châu thổ và ĐBSCL theo các nhóm năm thủy văn điển hình, có thể ứng dụng cho nhiều mục tiêu khác nhau, nhất là quản lý nguồn nước mùa khô ở vùng ven biển.

Từ khóa: Trạm Kratie; Thay đổi dòng chảy; Dòng chảy mùa kiệt, Hồ chứa thượng lưu; Giai đoạn 1960-1990; 2013-2019.

8

Nghiên cứu đặc tính phản xạ của kết cấu tiêu sóng đặt tại đỉnh đê biển trên mô hình vật lý

Phan Đình Tuấn

Viện khoa học thủy lợi Việt Nam

Cấu kiện tiêu sóng đỉnh hình trụ rỗng đặt tại đỉnh đê được đề xuất nghiên cứu ứng dụng cho các mặt cắt đê biển ở những vùng khan hiếm đất đắp đê hoặc đê trên trên nền đất yếu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Kết cấu có dạng ¼ hình tròn, rỗng, trọng lượng nhẹ, bề mặt có đục lỗ để hấp thụ năng lượng sóng đến, giảm năng lượng sóng phản xạ và sóng tràn. Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu đặc tính phản xạ sóng của kết cấu tiêu sóng đỉnh bằng mô hình vật lý. Kết quả cho thấy hệ số phản xạ sóng Kr giảm khi độ sâu nước tăng lên và tỷ lệ diện tích lỗ rỗng trên bề mặt cấu kiện tăng lên. Với độ rỗng bề mặt cấu kiện là 10%, hệ số phản xạ sóng lớn nhất là 0,63 trong khi hệ số phản xạ nhỏ nhất đạt được là 0,37 khi độ rỗng bề mặt cấu kiện là 20% với tất cả các kịch bản thông số sóng được thí nghiệm.

Từ khóa: Cấu kiện tiêu sóng đỉnh, hiệu quả giảm sóng, hệ số phản xạ

16

Sử dụng mô hình số để đánh giá hoạt tính của Pozzolan tự nhiên trong quá trình gia cố đất

 

Nguyễn Hữu Năm

Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo

Pozzolan tự nhiên là một trong những nguyên liệu thô thường xuyên được sử dụng trong quá trình ổn định đất. Bài báo sử dụng mô hình nhiệt động lực học để đánh giá hoạt động pozzolan của pozzolan tự nhiên. Dựa trên thành phần khoáng vật của hai loại pozzolan tự nhiên: một của Daknong-Việt Nam và một ở Bigadiç-Thổ Nhĩ Kỳ, mô hình nhiệt động lực học có thể mô phỏng thành phần hóa học của dung dịch lỗ rỗng, lượng kết tủa khoáng. Từ mô phỏng này, có thể tính được số lượng canxi silicat ngậm nước C-S-H và canxi silicat silicat ngậm nước C-A-S-H. Các trường hợp thiết kế hỗn hợp khác nhau: đất / pozzolan / vôi được thiết lập. Trong tất cả các trường hợp, việc so sánh số lượng C-S-H và C-A-S-H giữa hai pozzolan tự nhiên được thực hiện để đánh giá hoạt động pozzolanic của từng pozzolan tự nhiên. Mô hình nhiệt động lực học dường như được coi là một công cụ để đánh giá hoạt động pozzolan của pozzolan tự nhiên.

Từ khóa: Mô hình số, Hoạt động của pozzolan tự nhiên, Quá trình ổn định đất, Đăknông, Việt Nam.

22

Một số giải pháp hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất tôm - lúa vùng ven biển Tây đồng bằng sông Cửu Long

Doãn Văn Huế, Nguyễn Trọng Tuấn

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Tô Văn Thanh

Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa

Hệ thống thủy lợi nội đồng vùng ven biển Tây ĐBSCL chủ yếu phục vụ sản xuất mô hình tôm-lúa với hiện trạng chưa hoàn thiện và còn nhiều bất cập. Để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong điều kiện BĐKH và hạn mặn cực đoan đang diễn ra ngày càng bất lợi cho sản xuất cần nghiên cứu các giải pháp để cải tạo, nâng cấp và từng bước hiện đại hóa hệ thống thủy lợi nội đồng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường tự nhiên.

Từ khóa: Thủy lợi nội đồng, tôm lúa, hạn mặn cực đoan, biến đổi khí hậu.

30

Khả năng cấp nước của hồ Tonle Sap trong mùa khô

Tăng Đức Thắng, Phạm Văn Giáp

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Lưu vực Tonle Sap, với kho nước trung tâm là hồ Tonle Sap đóng vai trò rất quan trọng đối với hạ du hồ (Campuchia và Việt Nam) trong cả mùa mưa và mùa khô. Dù đã có các nghiên cứu về khả năng cấp nước cho hạ du hồ trong một số trường hợp, nhưng chưa có nghiên cứu nào về cấp nước của hồ trong trường hợp tổng quát. Nghiên cứu của chúng tôi đã giải quyết vấn đề này.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, dòng chảy từ hồ Tonle Sap ra sông Mê Công mùa khô có liên quan chặt chẽ đến dòng chảy năm lưu vực Mê Công (dòng chảy năm trạm Kratie). Kết quả tính toán dòng chảy theo các tháng mùa khô phù hợp tốt với số liệu quan trắc trong giai đoạn nghiên cứu 2013-2019, và đã chỉ ra rằng, hồ đóng vai trò quan trọng trong cấp nước cho hạ du của nó trong thời gian mùa khô. Với những năm vừa và rất ít nước hồ chỉ có tác dụng đáng kể từ tháng 12 đến tháng 2; các tháng 3, 4 dòng chảy không đáng kể, thậm chí còn có dòng chảy ngược từ sông Mê Công vào hồ.

Từ khóa: Lưu vực Tonle Sap, Hồ Tonle Sap (TLS), dòng chảy năm tại Kratie; hồ chứa thượng lưu (phía trên Kratie), mùa khô.

37

Ứng dụng mô hình nhiệt động lực học để thiết kế hỗn hợp đất gia cố

Nguyễn Hữu Năm

Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo

Mục đích tìm kiếm hỗn hợp thích hợp để thi công, thí nghiệm mẫu của từng thiết kế cấp phối của đất ổn định. Tuy nhiên để nâng cao độ chính xác của thí nghiệm thì số lượng mẫu phải tiến hành nhiều dẫn đến kết quả thí nghiệm có độ chính xác cao. Các cơ chế cơ bản còn chung chung nên chưa thực sự phân tích chi tiết cơ chế cải tạo của đất bazan. Cơ chế khoáng chưa xác định sẽ tham gia vào quá trình ổn định đất. Dựa trên mô hình nhiệt động lực học, bài báo tập trung giải thích chi tiết vai trò của từng thành phần khoáng trong đất đối với việc cải thiện các chỉ tiêu cơ học của đất ổn định. Cũng như cơ chế phản ứng của chất kết dính với các thành phần khoáng chất của đất. Kết quả của mô hình được so sánh tương đối với kết quả thí nghiệm để xác định tính đúng đắn của mô hình nhiệt động lực học cũng như kết quả của thí nghiệm, chứng minh tính khả thi của việc gia cố đất bazan bằng hỗn hợp pozzolan tự nhiên, tro bay và xi măng. Hàm lượng khoáng trong các thiết kế hỗn hợp khác nhau được dự đoán bằng mô hình nhiệt động lực học, từ đó dự đoán khả năng cơ học của từng thiết kế hỗn hợp.

Từ khóa: Mô hình nhiệt động lực học, đất gia cố, thiết kế hỗn hợp, pozzolan / vôi / xi măng.

48

Nghiên cứu xác định  yêu cầu mực nước, lưu lượng
phục vụ công tác quản lý và khai thác nguồn nước trên dòng chính sông Cả trong mùa cạn

Lương Ngọc Chung, Phạm Công Thành, Nguyễn Nguyên Hoàn,

Phan Tuấn Phong, Ngô Bá Thịnh, Lê Thị Tươi

Viện Quy hoạch Thủy lợi

Những năm gần đây, xu thế biến đổi lòng dẫn diễn ra ở hầu hết các sông lớn ở nước ta như sông Hồng, sông Mã, sông Cả... khiến cho việc quản lý và khai thác các hệ thống thủy lợi ven sông trong thời kỳ cấp nước (đặc biệt là các cống, trạm bơm) diễn ra rất căng thẳng. Mặc dù, các lưu vực sông đều đã có quy trình vận hành liên hồ chứa nhưng hiện mới chỉ có lưu vực sông Hồng có quy định về điểm kiểm soát về mực nước, lưu lượng tối thiểu làm cở sở để các nhà quản lý, các đơn vị khai thác xây dựng kế hoạch sản xuất và vận hành công trình. Các lưu vực sông khác như sông Cả vẫn chỉ mới quy định lưu lượng xả tối thiểu các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, chưa có nút kiểm soát ở hạ du. Nghiên cứu này sử dụng các phương pháp như điều tra thu thập, mô hình toán, tham vấn xác định các điểm kiểm soát, giá trị tối thiểu về lưu lượng và mực nước trong thời kỳ cấp nước căng thẳng là thời kỳ 4, thời kỳ 5 (từ 1/4 đến 19/7). Qua đó làm cơ sở phục vụ công tác quản lý và khai thác nguồn nước trên dòng chính sông Cả trong mùa cạn.

Từ khóa: Sông Cả, Mực nước, Lưu lượng, Cống Nam Đàn, Mike 11

55

Nghiên cứu ứng dụng mã nguồn mở xây dựng phần mềm quản lý và khai thác dữ liệu tài nguyên môi trường biển

Nguyễn Văn Hạnh, Võ Xuân Hùng

Trung tâm thông tin, dữ liệu biển và hải đảo Quốc gia

Bài báo trình bày về việc xây dựng phần mềm quản lý và khai thác dữ liệu tài nguyên môi trường biển, trong đó có phân tích các cơ sở lựa chọn môi trường ứng dụng, hệ điều hành, các phần mềm mã nguồn mở liên quan như trình biên dịch QGIS, Phần mềm gốc hệ thống thông tin địa lý Mapserver, Hệ quản trị cơ sở dữ liệu mã nguồn mở PostGIS,... Phần mềm đã được ứng dụng thử nghiệm tại Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia.

Từ khóa: CSDL, Quản lý CSDL, Phần mềm CSDL, database, managing database, database software

62

Nghiên cứu xác định lớp bùn loãng trên tuyến luồng bằng thiết bị đo sâu hồi âm đơn tia 2 tần số phục vụ bảo đảm an toàn hàng hải

Nguyễn Việt Hà

Trường đại học Mỏ - Địa chất

Các tuyến luồng giao thông đường thủy thường xuyên bị bồi lắng, lớp mới bồi lắng này phần lớn đều là lớp phù sa hạt mịn có nồng độ thấp (bùn loãng), lớp bùn loãng này thực chất vẫn có thể sử dụng để chạy tàu ở một mức độ nhất định. Việc tận dụng một phần lớp bùn loãng mới hình thành ở đáy luồng để giảm độ sâu dự trữ duới sống tàu, tăng lượng hàng chuyên chở hoặc tăng kích cỡ tàu ra vào luồng sẽ có ý nghĩa trong việc nâng cao hiệu quả khai thác luồng tàu[5,6]. Trong bài báo này, tác giả trình các kết quả nghiên cứu mới về thực nghiệm đo đạc và xử lý số liệu xác định lớp bùn loãng, đánh giá khả năng ứng dụng thực tế của thiết bị đo sâu hồi âm đơn tia 2 tần số để xác định lớp bùn loãng trên tuyến luồng phục vụ bảo đảm an toàn hàng hải.

Từ khóa: bùn loãng, đo sâu hồi âm, hai tần số, an toàn hàng hải…

70

Tác động đến môi trường và xã hội của các dự án thủy điện ở Việt Nam

 

Đỗ Văn Chính

 Trường Đại học Thủy lợi

Phát triển thủy điện ở Việt Nam trong hơn hai thập kỷ qua đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế của đất nước nhưng việc đầu tư xây dựng thủy điện cũng là nguyên nhân chính gây ra các tác động ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống sinh kế của hàng triệu người dân do vấn đề di dân tái định cư, gây biến đổi cảnh quan nguồn nước, tác động tiêu cực tới tài nguyên rừng, thủy sản, hệ sinh thái và đa dạng sinh học thượng lưu và hạ lưu các con đập. Bài báo sẽ trình bày các tác động đến các vấn đề về môi trường và xã hội của các dự án thủy điện ở Việt Nam.

Từ khóa: Thủy điện, tác động của thủy điện, môi trường và xã hội

77

Đánh giá hiệu quả vận hành của hệ thống kiểm soát triều cho thành phố Hồ Chí Minh

 

Đặng Đồng Nguyên, Lê Thị Hòa Bình

Đại học Thủy lợi phân hiệu Bình Dương

Là trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh cũng là một trong những siêu đô thị ven biển đối mặt với nguy cơ ngập lụt cao nhất cả nước. Để đánh giá khả năng làm việc của hệ thống cống kiểm soát triều của Tp. HCM, phân tích tần suất và mô hình thủy lực đã được áp dụng trong nghiên cứu này. Kết quả cho thấy khi hầu hết các thời điểm trong quá trình mưa và triều tương ứng với tần xuất 1%, hệ thống kiểm soát thủy triều hoạt động khá hiệu quả. Tuy nhiên, khi đỉnh mưa và triều xảy ra cùng một lúc, khả năng bảo vệ Tp.HCM của hệ thống cống kiểm soát triều là không đáng kể.

Từ khóa: Ngập lụt, Tần suất thiết kế, Kiểm soát triều, Tp. HCM, Mưa thiết kế

84

Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp cấp nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng ven biển Bắc Trung Bộ

Lương Ngọc Chung, Nguyễn Văn Tuấn,

 Phạm Công Thành, Nguyễn Nguyên Hoàn, Lê Thị Mai

Viện Quy hoạch Thủy lợi

 

Vùng Bắc Trung Bộ với lợi thế bờ biển dài hơn 670 km đã có những chuyển biến đột phá về kinh tế- xã hội những năm gần đây. Sự hình thành với tốc độ khá nhanh của các trung tâm đô thị, khu du lịch nghỉ mát, hệ thống cảng biển, khu công nghiệp - thương mại dịch vụ tại vùng ven biển đang trở thành áp lực không nhỏ cho vấn đề giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất cho khu vực này khi nguồn nước ngầm không là vô tận, còn nước mặt lại đang bị xâm mặn nặng nề. Nghiên cứu này phân tích thực trạng khai thác và sử dụng nguồn nước vùng ven biển Bắc Trung Bộ, tính toán nhu cầu dùng nước trong khu vực giai đoạn hiện tại và tương lai theo xu thế phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương.Từ đó đánh giá khả năng nguồn nước nội tại so với nhu cầu và đề xuất các giải pháp cấp nước bền vững nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội trong khu vực.

Từ khóa: vùng cát ven biển, Bắc Trung Bộ, cân bằng nước, cấp nước

92

Thực trạng quản lý cơ sở hạ tầng nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long và định hướng giải pháp

 

Nguyễn Lê Dũng, Đặng Minh Tuyến, Hà Thị Thu

Trung tâm tư vấn PIM

 

Phát triển cơ sở hạ tầng và hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững luôn là hai yếu tố song hành, có vai trò trung tâm trong các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta qua các giai đoạn phát triển.  Cơ sở hạ tầng (CSHT) nông thôn có vai trò quan trọng, là cơ sở và điều kiện để phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương. Trong xây dựng nông thôn mới, các địa phương luôn ưu tiên dành các nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng các công trình CSHT sau khi đầu tư một cách có hiệu quả, bền vững chưa được nhiều địa phương quan tâm. Vì vậy, vấn để quản lý, sử dụng một cách hiệu quả các công trình sau đầu tư đang là nhu cầu cấp thiết hiện nay. Dựa trên kết quả nghiên cứu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), bài viết này sẽ phản ánh thực trạng và đề xuất các giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững CSHT ở nông thôn vùng ĐBSCL.

Từ khóa: Nông thôn mới, cơ sở hạ tầng ở nông thôn, hiệu quả, bên vững, Đồng bằng sông Cửu Long