, 02/01/2025
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THỦY LỢI
SỐ 66 (06-2021)
Trang | Tên bài báo | Tác giả | Tóm tắt |
KHOA HỌC CÔNG NGHỆ | |||
2 | CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO KẾT QUẢ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KHU VỰC MIỀN NÚI PHÍA BẮC GIAI ĐOẠN 2021-2025
| Nguyễn Tiếp Tân Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam Nguyễn Hồng Trường Trung tâm tư vấn PIM
| Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng được hoàn thiện. Tuy nhiên, kết quả xây dựng NTM có sự chênh lệch nhiều giữa các vùng, miền trong cả nước. Trong đó, thấp nhất là vùng Miền núi phía Bắc (đạt 34,3%), các tiêu chí khó thực hiện nhất là tiêu chí về Tổ chức sản xuất/Thu nhập và Môi trường- an toàn thực phẩm. Với tiếp cận “nguyên lý thùng gỗ”, thanh gỗ ngắn nhất là yếu điểm và cần tập trung vào cải thiện thanh gỗ ngắn nhất, bài báo đã đưa ra các giải pháp tập trung vào nâng cao kết quả thực hiện tiêu chí Tổ chức sản xuất/Thu nhập và Môi trường-an toàn thực phẩm, là những tiêu chí có tính quyết định cho thành công trong thực hiện NTM ở khu vực này trong giai đoạn tiếp theo (2021-2025) Từ khóa: Xây dựng nông thôn mới, tiêu chí xã nông thôn mới, vùng Miền núi phía Bắc |
14 | GIẢI PHÁP KÈ BẢO VỆ BỜ SÔNG, KÊNH ỨNG DỤNG | Trần Văn Thái, Nguyễn Hải Hà, Thái Quốc Hiền, Nguyễn Duy Ngọc, Dương Công Mạnh Viện Thủy Công
| Việc nghiên cứu quy hoạch khu dân cư làng chài ven biển một cách khoa học với cơ sở hạ tầng thuận tiện, ổn định là hết sức cần thiết và cấp bách trước các khu vực nguy cơ mất an toàn cao ven bờ biển. Để xây dựng được khu dân cư làng chài ven biển đạt chuẩn nông thôn mới bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, bên cạnh nghiên cứu quy hoạch không gian thì việc nghiên cứu áp dụng giải pháp kết cấu mới cho kè bờ sông, kênh trong khu dân cư là rất quan trọng. Với đặc điểm địa chất nền đất yếu như ở Cà Mau, các giải pháp kè hiện nay có thể đáp ứng các yêu cầu về chịu lực, song giá thành còn cao khi áp dụng vào các khu dân cư làng chài ven biển. Bài báo trình bày quá trình nghiên cứu và phát triển giải pháp kè cừ xiên sử dụng cừ bê tông cốt sợi gia cường cốt thành polyme với tiêu chí nhẹ - bền - rẻ - đẹp nhằm ứng dụng vào bảo vệ bờ sông kênh trong khu dân cư làng chài. Áp dụng giải pháp này có thể bảo vệ mái bờ sông,bờ kênh giảm giá thành xây dựng phù hợp với nguồn lực địa phương.Từ khóa: Giải pháp kè bờ sông; nền đất yếu, khu dân cư làng chài |
20 | MỘT SỐ MÔ HÌNH THỰC TIỄN QUẢN LÝ HIỆU QUẢ | Đặng Minh Tuyến, Nguyễn Lê Dũng, Bùi Duy Chí, Đinh Vũ ThùyTrung tâm tư vấn PIM – Viện KHTLVN | Trong xây dựng nông thôn mới, các địa phương luôn ưu tiên dành nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng (CSHT), nhưng chưa chú trọng đầu tư cho giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả công trình sau khi đầu tư. CSHT ở nông thôn rất đa dạng, mỗi loại hình có yêu cầu về kỹ thuật và hình thức quản lý khác nhau. Vì vậy, vấn để quản lý, sử dụng hiệu quả và phù hợp cho từng loại hình công trình sau đầu tư đang là nhu cầu cấp thiết hiện nay. Bài viết này sẽ giới thiệu một số bài học kinh nghiệm từ kết quả xây dựng thí điểm một số mô hình quản lý hiệu quả, bền vững CSHT nông thôn tại vùng ĐBSH và ĐBSCL. Từ khóa: Nông thôn mới, cơ sở hạ tầng ở nông thôn, hiệu quả, bên vững, Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng. |
28 | NGHIÊN CỨU ĐẶC TÍNH THỦY LỰC KHU VỰC CÔNG TRÌNH MỎ HÀN TRONG ĐOẠN CỬA SÔNG CÓ DÒNG CHẢY THUẬN NGHỊCH | Tô Vĩnh Cường Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực học sông biển
| Công trình mỏ hàn (MH-mỏ hàn) không chỉ được sử dụng để bảo vệ bờ mà còn được ứng dụng hiệu quả để duy trì giao thông hàng hải. Khi công trình mỏ hàn được xây dựng trong vùng cửa sông ảnh hưởng triều thì tương tác giữa công trình và dòng chảy rất phức tạp do dòng chảy có 2 hướng thuận nghịch. Mục đích bài báo, làm rõ cấu trúc dòng chảy thuận nghịch xung quanh mỏ hàn đơn, được thiết lập trên máng triều số bằng phần mềm FLOW-3D. Máng triều số này, có thể mô phỏng đồng thời quá trình theo thời gian của mực nước, vận tốc cho kết quả đáng tin cậy. Trong bài báo, cấu trúc dòng chảy tại các thời điểm khác nhau trong một chu kỳ triều được phân tích và các ảnh hưởng vận tốc dòng chảy và phân bố ứng suất tiếp đáy đã được nghiên cứu một cách có hệ thống. Đánh giá các dữ liệu cho thấy, các biến đổi vận tốc và mực nước triều vùng phụ cận mỏ hàn đơn, có sự khác biệt đáng kể so với biến đổi các yếu tố nêu trên trong điều kiện dòng chảy đơn hướng. Kết quả nghiên cứu bước đầu mô tả được chi tiết cấu trúc dòng chảy thuận nghịch khu vực lân cận công trình mỏ hàn vùng cửa sông. Từ khóa: Mỏ hàn đơn, lòng dẫn, dòng triều có hướng thuận nghịch, máng số, FLOW-3D. |
38 | PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH BỒI LẮNG BÙN CÁT HỒ DẦU TIẾNG
| Lê Xuân Quang, Nguyễn Xuân Lâm Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường Lương Hữu Dũng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu | Hồ Dầu Tiếng là một trong 4 hồ chứa quan trọng đặc biệt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý. Hồ được xây dựng từ năm 1981, hồ có dung tích thiết kế 1,58 tỷ m3; dung tích chết là 470 triệu m3. Nhiệm vụ chính của hồ là cấp nước tưới và nước sinh hoạt cho 5 tỉnh, thành gồm: Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An và TP Hồ Chí Minh. Lượng cát được khai thác trong hồ hàng năm khoảng 674.200 m3. Việc khai thác cát ít nhiều cũng đã ảnh hưởng đến hoạt động quản lý khai thác và an toàn hồ chứa, vì vậy nghiên cứu xác định bồi lắng bùn cát hồ Dầu tiếng có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao. Hiện nay trên thế giới có nhiều phương pháp xác định bồi lắng bùn cát của các hồ chứa. Bài viết này tác giả giới thiệu về phương pháp xác định bồi lắng bùn cát cho hồ Dầu Tiếng.Từ khóa: Bồi lắng hồ chứa, phương pháp xác định, hồ Dầu Tiếng. |
50 | ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, NƯỚC BIỂN DÂNG ĐẾN XÂM NHẬP MẶN VÙNG HẠ LƯU SÔNG ĐỒNG NAI-SÀI GÒN VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ | Nguyễn Thế Biên, Lương Văn Khanh, Huỳnh Duy Tân Viện Kỹ thuật Biển Phạm Thế Vinh, Đặng Luân Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam | Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng (NBD) tình trạng xâm nhập mặn (XNM) ở TPHCM diễn ra gay gắt và có xu thế ngày càng bất thường hơn, đặc biệt do ảnh hưởng của hiện tượng El-NiNo mùa mưa đến trễ nhưng kết thúc sớm với tổng lượng mưa các năm 2015, 2019 là rất thấp nên mặn xâm nhập sâu vào nội đồng gây nhiều thiệt hại cho kinh tế-xã hội (KT-XH). Mặc dù thành phố đã xây dựng nhiều hệ thống công trình thủy lợi (CTTL) và triển khai nhiều giải pháp ứng phó với XNM tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu do việc đo đạc tính toán dự báo mặn chưa đồng bộ và còn nhiều bất cập, vì vậy trong bài báo này trình bày việc đánh giá tác động của BĐKH, NBD đối với XNM trên hệ thống sông Đồng Nai – Sài Gòn (SĐN-SG) và đề xuất giải pháp ứng phó hiệu quả hơn những thiệt hại do XNM gây nên. |
63 | XÁC ĐỊNH ẢNH HƯỞNG CỦA CHIỀU RỘNG ĐỈNH ĐẾN HIỆU QUẢ GIẢM SÓNG CỦA ĐÊ GIẢM SÓNG CỌC LY TÂM - ĐÁ ĐỔ TRONG MÁNG SÓNG | Đỗ Văn Dương, Nguyễn Nguyệt Minh, Lê Duy Tú, Lê Xuân Tú, Đinh Công Sản, Trần Thùy Linh Viện khoa học Thủy lợi miền Nam | Một trong những giải pháp công trình chống xói lở, bảo vệ bờ biển, tạo điều kiện khôi phục rừng ngập mặn phía sau công trình có hiệu quả cao và được áp dụng khá phổ biến ở vùng biển Tây của ĐBSCL là đê giảm sóng bằng hai hàng cọc ly tâm đổ đá hộc ở giữa. Nhằm xác định kích thước mặt cắt ngang của đê chắn sóng phù hợp với các yêu cầu về giảm sóng khác nhau, bài báo này giới thiệu kết quả nghiên cứu trong máng sóng ảnh hưởng chiều rộng đỉnh đê đến hiệu quả giảm sóng của công trình, cung cấp cơ sở khoa học cho thiết kế đê giảm sóng cọc ly tâm đá đổ. Từ khóa: Đê giảm sóng hai hàng cọc ly tâm đá đổ, hệ số truyền sóng, hệ số tiêu tán năng lượng, sóng phản xạ, năng lượng sóng, mô hình vật lý. |
73 | XÂY DỰNG BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ TÍNH HIỆU QUẢ, BỀN VỮNG CƠ SỞ HẠ TẦNG NÔNG THÔN VIỆT NAM | Đặng Minh Tuyến Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam | Phát triển kết cấu cơ sở hạ tầng đồng bộ và hướng tới đạt được phát triển bền vững luôn là hai yếu tố song hành, có vai trò quan trọng thúc đẩy việc đạt được mục tiêu phát triển đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nằm trong chiến lược chung đó, việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn bền vững có ý nghĩa then để xây dựng thành công nông thôn mới, làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn. Bộ tiêu chí đánh giá tính hiệu quả, bền vững (HQBV) cơ sở hạ tầng (CSHT) nông thôn là tập hợp các chỉ tiêu đa chiều, đa chỉ tiêu nhằm theo dõi quá trình phát triển, khai thác, sử dụng và bảo trì CSHT hướng tới bền vững. Các tiêu chí đánh giá HQBV là công cụ giúp cho các cơ quan chức năng, các thành phần tham gia xây dựng, sử dụng quản lý CSHT nông thôn ra quyết định tốt hơn, hành động có hiệu quả hơn bằng việc đơn giản hóa, minh bạch hóa và tổng hợp hóa các chỉ tiêu phát triển CSHT nông thôn. Việc đánh giá đúng thực trạng, giúp tăng cường hiệu quả đầu tư phát triển, quản lý sử dụng, giúp cho việc cảnh báo sớm, ngăn ngừa các hậu quả kinh tế, xã hội và môi trường có thể có của CSHT nông thôn. Từ khóa: Hiệu quả bền vững; Cơ sở hạ tầng nông thôn; Tiêu chí đánh giá; Nông thôn mới. |
83 | MÔ PHỎNG DỮ LIỆU DÒNG CHẢY BẰNG MÔ HÌNH CHI TIẾT HÓA ĐỘNG LỰC KẾT HỢP VỚI THUẬT TOÁN HỌC MÁY: ÁP DỤNG CHO LƯU VỰC SÔNG SÀI GÒN - ĐỒNG NAI | Trịnh Quang Toàn Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình Nguyễn Thị Ngọc Nhẫn Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Động lực học sông biển | Trong nghiên cứu khí tượng thủy văn, độ tin cậy của dữ liệu là vấn đề cơ bản, có vai trò quyết định đến các phân tích đánh giá thực trạng. Nghiên cứu này giới thiệu phương pháp mô phỏng thủy văn bằng mô hình thủy văn WEHY kết hợp với kỹ thuật chi tiết hóa kết hợp giữa động lực và thống kê (HD) nhằm cung cấp dữ liệu dòng chảy đáng tin cậy cho lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai. Dữ liệu khí tượng toàn cầu bao gồm ERA-Interim, ERA-20C và CFSR được sử dụng cho các điều kiện ban đầu và biên cảu mô hình chi tiết hóa động lực WRF. Số liệu chi tiết hóa động lực sẽ tiếp tục được chi tiết hóa bằng thuật toán học máy trong mô hình ANN nhằm nâng cao độ tin cậy của dữ liệu mô phỏng. Phương pháp kết hợp được kiểm định bằng việc so sánh giữa số liệu mô phỏng và số liệu thực đo thu tập từ các trạm trên lưu vực. Kết quả kiểm định cho thấy phương pháp đề xuất có độ tin cậy cao, và có thể tương tự áp dụng cho các lưu vực nghiên cứu khác nhau. Từ khóa: Mô hình nghiên cứu và dự báo thời tiết (WRF), Mô hình mạng nơ-ron nhân tạo (ANN), ERA-Interim, ERA20C, CFSR, mô hình thủy văn WEHY. |
92 | LỒNG GHÉP NỘI DUNG PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀO KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI HUYỆN HÀ TRUNG, TỈNH THANH HÓA | Nguyễn Văn Tỉnh Tổng cục Thủy lợi Lê Xuân Quang Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường Lê Viết Sơn Viện Quy hoạch Thủy lợi | Huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa là một huyện vùng trũng, hàng năm thiên tai, lũ lụt, hạn hán gây thiệt hại kinh tế không nhỏ cho bà con trên địa bàn huyện. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, trước những diễn biến thiên tai và thời tiết ngày càng bất thường và phức tạp, đồng thời quá trình phát triển kinh tế xã hội, công nghiệp hoá, đô thị hoá làm gia tăng các nguy cơ, hiểm hoạ do thiên tai gây ra, đe doạ đến tính mạng con người và gây tổn thất về kinh tế xã hội. Vì vậy, việc lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch các ngành, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của huyện là yêu cầu cấp thiết. Mục tiêu của việc lồng ghép này nhằm đảm bảo cho các mục tiêu kinh tế xã hội phát triển bền vững, giảm các tổn thương do rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu gây ra, góp phần thay đổi nhận thức và hành động trong việc lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các cấp hướng đến mục tiêu hài hoà giữa phát triển kinh tế xã hội với sự an toàn của cộng đồng trước thiên tai. Từ khóa: Lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, huyện Hà Trung. |
104 | ĐẶC ĐIỂM THỦY ĐỘNG LỰC HỌC VÀ TÁC DỤNG CỦA RỪNG NGẬP MẶN TRONG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG XÓI LỞ BỜ BIỂN VÀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU KHU VỰC ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG | Phan Khánh Linh, Trương Hồng Sơn Đại học Thủy lợi, Hà Nội | Trong những năm gần đây, vai trò và tầm ảnh hưởng của hệ sinh thái ven biển nói chung và hệ thống rừng ngập mặn nói riêng, đối với sự phát triển ổn định khu vực bờ biển đã được các nhà khoa học trong và ngoài nước nhận ra và ngày một quan tâm. Nhiều dự án nghiên cứu trong và ngoài nước đã và đang được triển khai với mục tiêu kép là đảm bảo sự tồn tại và phát triển của hệ thống rừng ngập mặn hiện đang có dấu hiệu bị suy thoái, qua đó giúp duy trì sự ổn định của khu vực bờ biển. Trong những nghiên cứu này, tác dụng làm suy giảm sóng, cũng như dòng chảy của rừng ngập mặn luôn được đề cập như một yếu tố trung tâm kết nối và quyết định khả năng phát triển của rừng và sự bồi lắng của đường bờ. Tuy nhiên, có một thực tế là hiểu biết của chúng ta trong lĩnh vực này còn nhiều lỗ hổng, đặc biệt là về những điều kiện cần và đủ cho sự phát triển bền vững của một hệ sinh thái rừng ngập mặn, vai trò của rừng ngập mặn với sự ổn định của bờ biển, cũng như quá trình hấp thụ năng lượng sóng và dòng chảy trong rừng ngập mặn. Trong bài báo này, các tác giả muốn giới thiệu đến người đọc những khái niệm, nội dung và những luận điểm mới nổi bật trong giới khoa học liên quan đến những nội dung này, qua đó làm rõ hơn mối liên quan, ảnh hưởng của các quá trình thủy động lực học đối với sự tồn tại, phát phát triển của rừng ngập mặn. Vai trò của một hệ sinh thái rừng ngập mặn khỏe mạnh đối với sự ổn định đường bờ trước hiện tượng nước biển dâng, cũng như ảnh hưởng của con người đến sự suy thoái của rừng và sự xói lở của bờ biển cũng được thảo luận trong bài báo. Từ khóa: rừng ngập mặn, sóng, dòng chảy, bùn cát, xói lở đường bờ, tác động của con người. |
115 | NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG QUY HOẠCH THUỶ LỢI GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN NINH NGUỒN NƯỚC, CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU | Lê Viết Sơn Viện Quy hoạch Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh Tổng cục Thủy lợi Lê Xuân Quang Viện nước, Tưới tiêu và Môi trường | Quy hoạch thuỷ lợi là việc sắp xếp không gian, bố trí các công trình thuỷ lợi trên lưu vực sông hoặc vùng lãnh thổ để nhằm nâng cao các hiệu ích tích cực và giảm thiểu các tác động tiêu cực của nước. Công tác quy hoạch thuỷ lợi đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng đất nước, đặc biệt là trong hơn 60 năm qua. Hầu hết các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện lớn trên địa bàn cả nước đều là kết quả đề xuất từ các quy hoạch thuỷ lợi như hệ thống hồ chứa lớn Hoà Bình, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang, Lai Châu, Bản Chát,vv… ở miền Bắc, các hồ chứa thuỷ điện lớn ở miền Trung, hệ thống công trình thuỷ lợi vĩ đại ở đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, công tác quy hoạch thuỷ lợi hiện nay đối mặt với nhiều thách thức lớn như vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, vấn đề tác động ở thượng lưu xuyên biên giới, ô nhiễm nguồn nước, yêu cầu thuỷ lợi phục vụ đa mục tiêu nên yêu cầu cần phải có sự thay đổi. Các giải pháp bao gồm đổi mới về phương pháp luận lập quy hoạch thuỷ lợi, ứng dụng khoa học công nghệ trong lập quy hoạch, giải pháp về đào tạo và giải pháp về điều chỉnh, bổ sung nguồn nhân lực để phục vụ lập quy hoạch thuỷ lợi. Từ khóa: Quy hoạch thủy lợi, biến đổi khí hậu, chất lượng nước |
123 | ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ CÁC GIẢI PHÁP CÔNG TRÌNH CHỈNH TRỊ KHU VỰC HỢP LƯU SÔNG THAO - ĐÀ - LÔ - HỒNG TRÊN MÔ HÌNH TOÁN VÀ MÔ HÌNH VẬT LÝ | Nguyễn Quang Hùng Trường Đại học Thủy lợi Nguyễn Kiên Quyết Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải Nguyễn Đăng Giáp Phòng TNTĐ Quốc gia về động lực học sông biển | Nội dung bài báo đánh giá hiệu quả các giải pháp bố trí không gian công trình trị sông vùng hợp lưu Thao - Đà và Lô - Hồng trên mô hình toán và mô hình vật lý, kết quả ngiên cứu đã lựa chọn được giải pháp hợp lý chỉnh trị đoạn sông, phù hợp với điều kiện biên thủy lực và diễn biến lòng dẫn cũng như phục vụ khai thác tổng hợp đoạn sông. |