TextBody
Huy chương 2

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 67 năm 2021

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THỦY LỢI
SỐ 67 (08-2021)

 

Trang

Tên bài báo

Tác giả

Tóm tắt

2

Thư ngỏ gửi các Nhà khoa học đang công tác trong các Viện, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Chuyên ngành thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Đồng chí Lê Minh Hoan
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

 

 

KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

6

Ứng dụng đê giảm sóng kết cấu rỗng TC1, TC2  bảo vệ bờ biển vùng đồng bằng sông cửu long

 

Lê Xuân Tú
Lê Thanh Chương
Trần Bá Hoằng
Lê Mạnh Hùng
Lê Thị Hiền

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

 

Bài báo giới thiệu giải pháp bảo vệ bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long, Đê giảm sóng kết cấu rỗng – một công nghệ mới với nhiều ưu điểm đã được nghiên cứu và ứng dụng thử nghiệm bảo vệ hơn 3 km bờ biển khu vực Cồn Cống và Tân Thành tỉnh Tiền Giang. Công trình bước đầu mang lại hiệu quả khả quan trong việc giảm sóng, gây bồi, tạo bãi, khôi phục rừng ngập mặn và có triển vọng ứng dụng rộng rãi.

Từ khóa: Đê giảm sóng kết cấu rỗng, hiệu quả giảm sóng, bồi lắng, rừng ngập mặn, Bờ biển đồng bằng sông Cửu Long.

13

Quy hoạch cơ sở hạ tầng sản xuất và cảnh quan cánh đồng lúa phục vụ phát triển văn hóa gắn với du lịch Kim Liên huyện Nam Đàn

Đoàn Doãn Tuấn
Trần Việt Dũng

Trung tâm Tư vấn PIM

Lê Quỳnh Chi
Dương Quỳnh Nga

Trường Đại học Xây dựng

Xã Kim Liên là xã có tiềm năng lớn phát triển du lịch nông nghiệp nằm trên tuyến thăm quan di tích lịch sử, văn hóa với các điểm du lịch nổi tiếng làng Sen (quê nội Bác Hồ), làng Hoàng Trù (quê ngoại Bác Hồ), núi Chung. Để phát triển sản xuất nông nghiệp đồng thời thúc đẩy các loại hình hoạt động du lịch trên cánh đồng lúa, cần thực hiện quy hoạch, bố trí cảnh quan đồng ruộng cánh đồng lúa đa năng đa mục tiêu, đồng thời nâng cấp cơ sở hạ tầng thủy lợi theo tiêu chí thửa ruộng nào cũng có đường giao thông tiếp cận, tiếp xúc kênh tưới, kênh tiêu. Đường nội đồng đa chức năng vừa phục vụ sản xuất vừa phục vụ hoạt động du lịch đồng thời khai thác các đặc trưng cảnh quan nông nghiệp để tao nên thương hiệu khu vực. Tuyến đường nội đồng phục vụ du lịch được lựa chọn là tuyến có kết nối khu dân cư – cơ sở sản xuất – cơ sở văn hóa du lịch phục vụ du lịch và canh tác. Thiết kế tuyến phục vụ hoạt động canh tác và đi xe đạp, xe điện, không phục vụ giao thông ô tô đi qua. Tổ chức cảnh quan hai bên đường để tạo tính thẩm mỹ và cung cấp tiện ích cho khách du lịch.

Từ khóa: cơ sở hạ tầng, cảnh quan đồng ruộng, văn hóa, du lịch

22

Nghiên cứu tính toán nguy cơ lũ quét trên lưu vực Trạm Tấu - tỉnh Yên Bái

Lê Văn Thìn
Đào Anh Tuấn
Nguyễn Đăng Giáp

Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực học sông biển

Tính toán khả năng xảy ra lũ quét sẽ giúp chính quyền địa phương và người dân nhận biết được mức độ nguy cơ và đưa ra biện pháp phòng tránh thích hợp. Bài viết này trình bày phương pháp và kết quả tính toán nguy cơ lũ quét trên lưu vực sông suối nhỏ dựa trên lượng mưa và điều kiện tự nhiên của lưu vực Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái.

Từ khóa: Giải pháp dự báo lũ, lũ quét, quan hệ mưa - mực nước, mưa tích luỹ.

29

Đánh giá hoạt động của hệ thống thu và xử lý nước thải sinh hoạt nhằm đề xuất phương án thu phí nước thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Phan Thị Nở
Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh

Lê Hùng Anh
Trường Đại học Công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh

Nguyễn Bá Cao
Viện Kỹ thuật Biển

Hiện nay, hệ thống cống thoát nước của thành phố không được đầu tư xây dựng một cách thỏa đáng về tiết diện cũng như về chiều dài, về mật độ và mang tính chắp vá do xây dựng qua nhiều thời kỳ. Về xử lý nước thải, mặc dù Chính phủ đã có quy hoạch về các nhà máy xử lý nước thải, tuy nhiên để xây dựng các nhà máy xử lý cũng như đầu tư hệ thống thoát nước đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Do đó, trong thời gian tới vấn đề đặt ra với chính quyền thành phố không những là kinh phí đầu tư hệ thống thoát nước và nhà máy xử lý nước thải mà còn là chi phí duy tu và vận hành nhà máy xử lý nước thải. Với nhu cầu phát triển bền vững hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, việc thu phí từ các dịch vụ nhà nước cung cấp là rất cần thiết. Đề tài sử dụng phương pháp thu thập thông tin, phương pháp điều tra khảo sát thực tế, phương pháp phân tích chi phí số liệu, phương pháp tổng hợp đánh giá, phương pháp khảo sát điều tra và phương pháp chuyên gia. Mục tiêu nghiên cứu là đề xuất lộ trình thu phí nước thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030. Kết quả nghiên cứu cho thấy nguồn thu phí bảo vệ môi trường chỉ đáp ứng khoảng 44-52% chi phí công tác duy tu hệ thống thoát nước và vận hành các trạm và nhà máy xử lý nước thải. Nghiên cứu đã xây dựng 3 kịch bản về phương án thu phí dịch vụ thoát nước và tiến hành khảo sát, từ đó đề xuất lộ trình thu phí dịch vụ thoát nước giai đoạn 2021 - 2030, nhằm giảm gánh nặng ngân sách của thành phố, đảm bảo kinh tế môi trường trong tương lai cũng như phù hợp nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.

Từ khoá: phí nước thải sinh hoạt, nước thải, duy tu.

37

Đánh giá triển khai chính sách phát triển thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước ở vùng đồng bằng sông Cửu Long khi chuyển đổi từ lúa sang cây ăn trái và cây màu

Nguyễn Tuấn Anh
Ngô Quý Phú
Doãn Quang Huy
Thiều Thị Mai Thủy
Vũ Thị Mai Hiên

Viện Kinh tế và Quản lý Thủy lợi

Vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm có điều kiện tự nhiên, khí hậu và tài nguyên để phát triển nông nghiệp dựa trên 3 trụ cột chính lúa gạo, trái cây và thủy sản. Theo định hướng phát triển nông nghiệp của vùng trong giai đoạn tới phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu đồng thời gia tăng giá trị từ sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập của người dân. Qua khảo sát 6 tỉnh nhiều hộ nông dân chuyển cơ cấu cây trồng từ lúa sang cây màu và cây ăn trái, dần hình hành các khu vực chuyển đổi tập trung. Khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng các giải pháp phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến tiết kiệm nước đã được áp dụng. Đặc biệt khi chuyển đổi sang cây ăn quả, nhiều hộ nông dân đã đầu tư hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để tưới. Hiện nay, có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Tuy nhiên, việc song hành nhiều chính sách hỗ trợ và chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới và các dự án trong khi các tỉnh chưa có kế hoạch phát triển thủy lợi nội đồng, thủy lợi nhỏ và tưới tiên tiến tiết kiệm nước nên gặp nhiều khó khăn. Trong bài báo này, các tác giả dựa trên thực trạng triển khai chính sách hỗ trợ từ đó đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ trong giai đoạn tới.

Từ khóa: Thủy lợi nội đồng, thủy lợi nhỏ, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, chính sách hỗ trợ, chuyển đổi đất lúa, đồng bằng sông Cửu Long.

49

Nghiên cứu áp dụng công cụ viễn thám và bộ chỉ số giám sát cây trồng - phân tích đánh giá thí điểm năng suất cho khu tưới thuộc tỉnh Ninh Thuận

Trần Đức Trinh
Vũ Thị Thủy
Nguyễn Hương Giang

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Lương Tuấn Trung
Viện Khoa học khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu

Lưu Anh Tuấn
Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận

Đặng Thanh Nam
Viện Hàng hải – Đại học Giao thông vận tải Tp. Hồ Chí Minh

Giám sát viễn thám ngày càng phổ biến với việc đưa vào các hệ thống cảm biến và vệ tinh độ phân giải cao ngày càng nhiều. Có rất nhiều nghiên cứu và ứng dụng đã tận dụng được công cụ ngày càng mạnh mẽ của các hệ thống thông tin vệ tinh để đưa ứng dụng vào trong các ngành môi trường, tài nguyên, khoa học trái đất. Việc xây dựng các công cụ giải đoán dựa trên phổ ảnh tương quan với quá trình sinh trưởng của cây trồng đã được ứng dụng trên rất nhiều loại cây trồng trên thế giới với mức độ thành công rất cao. Tuy nhiên việc xây dựng được các đánh giá dự báo về diễn biến cây trồng và năng suất mùa vụ còn phụ thuộc nhiều vào các điều kiện canh tác tại chỗ, như nguồn nước, chất đất, chăm sóc do đó các nghiên cứu đều cần phải có quá trình đánh giá cụ thể cho từng khu vực dựa trên các thông tin giám sát lịch sử. Nghiên cứu này xây dựng các công cụ giải đoán ảnh vệ tinh Sentinel để phân tách vùng trồng lúa, đánh giá chu kỳ sinh trưởng của lúa và giải thuật dự báo năng suất lúa với các biến động trong chu kỳ sinh trưởng. Các kết quả nghiên cứu cho thấy tương quan rất lớn của các giải thuật phân tích (với sai số dự báo năng suất nhỏ ở mức 3.3%) cho vùng tưới hồ Bà Râu - Ninh Thuận. Phương pháp phân tích và kết quả cho phép mở rộng kết quả nghiên cứu cho các vùng khác của Việt Nam và các loại cây trồng khác.

Từ khóa: Viễn thám; Giám sát cây trồng; Năng suất lúa; Cân bằng nước; Google Earth Engine

60

Công nghệ cửa van cao su bản mặt - thí nghiệm mô hình vật lý đánh giá khả năng vận hành và áp dụng tại Việt Nam

Nguyễn Văn Thanh
Vũ Lê Minh
Trần Thị Nga
Vũ Văn Xiêm

Viện Thủy Công

Đập và hồ chứa là một loại hình công trình thuỷ lợi quan trọng ở nước ta. Hiện nay, có khoảng 5.500 hồ chứa đã được xây dựng và đưa vào sử dụng, với tổng dung tích trữ nước trên 35,8 tỷ m3. Do ảnh hưởng bất lợi của hiện tượng biến đổi khí hậu và những tác động khó kiểm soát từ phía thượng lưu, một yêu cầu cấp thiết hiện nay đó là phải nâng cấp các đập hiện có để tăng khả năng trữ nước và điều tiết lũ của hồ chứa. Do đó, có nhiều giải pháp đã được nghiên cứu và ứng dụng để nâng cao cột nước trữ. Bài báo này giới thiệu một giải pháp khả thi, đó là giải pháp áp dụng loại hình cửa van cao su bản mặt.  Bài báo trình bày nghiên cứu thí nghiệm mô hình của loại hình cửa van này nhằm đánh giá khả năng ứng dụng của nó trong điều kiện kinh tế và xã hội của Việt Nam. Đây là giải pháp đã được ứng dụng rộng rãi trên thế giới, đã chứng minh được tính hiệu quả của nó. Các ưu điểm của loại hình công trình này đó là có cấu tạo đơn giản, thời gian thi công nhanh, dễ quản lý và vận hành, đặc biệt rất hiệu quả trong việc tăng khả năng trữ nước của hồ chứa cũng như khả năng xả nước khi có yêu cầu.

Từ khóa: hồ chứa; nâng cấp đập; cửa van cao su bản mặt; thí nghiệm mô hình.

67

Độ bền của đập bê tông dưới sự ăn mòn sun-phát bên ngoài

Trần Văn Quân
Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải

Nguyễn Hữu Năm
Viện Thuỷ điện và Năng lượng tái tạo

Phạm Bá Tuấn Anh
Cục Sở hữu trí tuệ

Ăn mòn sun phát bên ngoài ảnh hưởng tới độ bền và khả năng chịu lực của công trình bê tông, đặc biệt đối với công trình đập bê tông tiếp xúc thường xuyên với nguồn nước có chứa ion sun phát với nồng độ cao. Trong bài báo này một ví dụ cụ thể về ảnh hưởng của ăn mòn sun phát ngoài đối với đập bê tông  Mequinenza đã được nêu ra. Việc hình thành khoáng thaumasite có hại cho tính chất cơ học của bê tông. Mô phỏng quá trình ăn mòn sun phát ngoài đối với đập bê tông được tiến hành nhờ sự giúp đỡ của mô hình địa hóa học. Mô hình đã thành công trong việc khẳng định sự hình thành khoáng thaumasite ở lóp vỏ của bê tông cùng với tăng độ rỗng từ đó làm bong tróc lớp vỏ bê tông đã được quan sát trong công trình thực tế. Dựa trên kết quả này, mô hình giúp dự đoán được độ bền công trình theo thời gian.

Từ khóa: Ăn mòn sun phát bên ngoài, Đập bê tông, Dự đoán độ bền, Thaumasite, Mô hình địa hóa học.

74

Kết cấu bê tông lắp ghép khối rỗng trong xây dựng công trình bảo vệ bờ biển Việt Nam

Phan Đình Tuấn
Viện Thủy Công

Dương Công Mạnh
Ban QLDA ĐTXD công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ

Kết cấu bê tông lắp ghép khối rỗng (KCR) là giải pháp mới trong thiết kế công trình bảo vệ bờ biển. Với hướng phát triển về hình dạng kết cấu và điều kiện áp dụng hiện nay, các cơ sở khoa học nghiên cứu và thiết kế ngày càng cần phải hoàn thiện và bổ sung. Trong bài báo này đã tổng quan lại kết quả nghiên cứu về các dạng KCR về sóng tràn, sóng truyền, sóng phản xạ và ổn định kết cấu. Kết quả bài báo là cơ sở để định hướng các nghiên cứu tiếp theo nhằm hoàn thiện phương pháp luận thiết kế cho kết cấu bê tông lắp ghép khối rỗng trong công trình bảo vệ bờ biển Việt Nam.

83

Nghiên cứu sử dụng đất bồi lắng lòng hồ kết hợp xi măng để nâng cấp sửa chữa đập đất hồ chứa nước lối đồng tỉnh Hà Tĩnh

 

Nguyễn Đình Dũng
Ban QLDA ĐTXD công trình Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Tĩnh

Hồ chứa nước Lối Đồng nằm trên địa bàn phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, phía Đông tỉnh Hà Tĩnh. Hồ được xây dựng năm 1970 với diện tích lưu vực F = 1,15 km2, chiều cao đập H = 10 m, chiều dài L = 825m, dung tích WBT = 0,6.106 m3. Qua hơn 50 năm đưa vào khai thác, hiện nay đập đất bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố trong mùa mưa, lũ cần được nâng cấp, sửa chữa kịp thời. Với thực trạng khan hiếm vật liệu đất đắp thỏa mãn các yêu cầu về kỹ thuật ở khu vực xây dựng đập việc tận dụng đất bồi lắng lòng hồ làm vật liệu sửa chữa, nâng cấp đập sẽ đem lại hiệu quả lớn về kinh tế cũng như xã hội.

Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của xi măng đến các tính chất cơ lý của đất bồi lắng hồ chứa nước Lối Đồng từ đó đề xuất tỷ lệ xi măng phù hợp dùng để xử lý đất bồi lắng. Đất bồi lắng sau khi xử lý bằng xi măng được ứng dụng để sửa chữa nâng cấp đập đất Hồ chứa nước Lối Đồng đáp ứng các yêu cầu theo TCVN 8216:2018.

Từ khóa: Đất bồi lắng lòng hồ, phụ gia, sức kháng cắt, hệ số thấm, an toàn đập.

91

Nghiên cứu phân phối điện năng bảo đảm nâng cao khả năng phát điện cho nhà máy thủy điện

Hoàng Công Tuấn
Trường Đại học Thủy lợi

Nội dung nghiên cứu trong bài báo là bước phát triển tiếp theo của các nghiên cứu trước. Bài báo này đưa ra cách tiếp cận mới trong tính toán phân phối điện năng bảo đảm làm cơ sở cho việc xây dựng biểu đồ điều phối và chọn phương thức vận hành phù hợp cho các NMTĐ nhằm nâng cao khả năng phát điện và đồng thời đáp ứng yêu cầu của hệ thống điện. Phương pháp nghiên cứu đã được áp dụng tính toán kiểm nghiệm cho nhà máy thủy điện Tuyên Quang. Kết quả thu được đã cho thấy tính hiệu quả của phương pháp đưa ra so với vận hành thực.

Từ khóa: Thủy điện; Hệ thống điện; Điều tiết dài hạn; Thủy điện Tuyên Quang.

100

Nghiên cứu phân bố nước dâng do sóng cho dải bờ biển cửa đại, hội an bằng mô hình XBEACH

Nguyễn Ngọc Thế
Trường Cao đẳng Công nghệ-Kinh tế và Thủy lợi miền Trung

 Trần Thanh Tùng
Nguyễn Trung Việt

 Trường Đại học Thủy lợi

Dương Công Điển
Viện Cơ học                              

Trong nghiên cứu khoa học về biển, các mô hình toán luôn đóng một vai trò quan trọng trong mô phỏng các quá trình tương tác sóng, dòng chảy và vận chuyển bùn cát. Nội dung bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu ứng dụng mô hình mã nguồn mở thủy động lực 2 chiều XBEACH có tích hợp kết quả tính toán sóng của mô hình SWAN để mô phỏng độ lớn nước dâng do sóng tại khu vực ven bờ biển Cửa Đại, Hội An. Kết quả mô phỏng cho thấy bức tranh tổng thể về phân bố độ lớn nước dâng do sóng dọc theo vùng ven bờ phía Bắc biển Cửa Đại, Hội An. Kết quả của nghiên cứu sẽ góp phần giải quyết các yêu cầu thực tiễn trong công tác phòng chống thiên tai, xây dựng công trình bảo vệ bờ biển cũng như trong quản lý, quy hoạch nhằm ổn định bờ và bãi biển Cửa Đại, Hội An để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Từ khóa: Mô hình XBEACH, mô hình SWAN, nước dâng do sóng, Cửa Đại, Hội An.