, 14/12/2024
Trang | Tên bài báo | Tác giả | Tóm tắt |
2 | Chính sách hỗ trợ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên vùng đất chuyển đổi từ lúa sang các cây trồng | Trần Văn Đạt | Việt Nam đang đứng trước các thách thức liên quan đến quản lý tài nguyên nước, đặc biệt ở vùng trong vùng đồng bằng sông Cửu Long nằm vùng hạ lưu sông Mê Công, chịu sự chi phối sử dụng nước quốc gia thượng nguồn, tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đồng thời, vùng cũng đứng trước thách thức nội tại trong quá trình phát triển nông nghiệp liên quan đến sử dụng tài nguyên nước. Nhiều hộ dân đã chuyển đổi diện tích trồng lúa sang các cây ăn trái và cây màu nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Các hộ áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước tưới tiêu nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất thông qua tăng năng suất cây trồng, cải thiện chất lượng và giảm các chi phí nước, năng lượng, phân bón và lao động. Tưới tiên tiến, tiết kiệm nước mang lại nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội và môi trường của khu vực. Nhiều nước trên thế giới triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước ở địa phương cần tập trung vào các nội dung như mức hỗ trợ phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương, định mức hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, quy mô diện tích hỗ trợ cho cá nhân và tổ chức, quy trình và thủ tục, và tuyên truyền nâng cao nhận thức. Từ khóa: chính sách, hỗ trợ, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, đồng bằng sông Cửu Long |
14 | Phân tích thực trạng và đề xuất giải pháp thực hiện phân cấp quản lý công trình thủy lợi
| Trần Chí Trung | Công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi là yếu tố then chốt quyết định hiệu quả công trình thuỷ lợi, trong đó phân cấp quản lý công trình thủy lợi là một trong những giải pháp quan trọng công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Thực hiện Luật Thủy lợi và các văn bản liên quan, hầu hết các tỉnh đã quy định phân cấp công trình lớn và vừa cho tổ chức cấp tỉnh quản lý và phân cấp công trình thủy lợi nhỏ cho các tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý. Tuy nhiên thực tế hiện nay một số địa phương thực hiện phân cấp công trình thủy lợi nhỏ cho tổ chức cấp tỉnh, cấp huyện quản lý. Trên cơ sở phân tích thực trạng phân cấp quản lý công trình thủy lợi ở các vùng miền, nghiên cứu này đề xuất các giải pháp thực hiện phân cấp quản lý để phát huy hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi là (i) Giải pháp phân cấp công trình thủy lợi nhỏ cho cấp huyện quản lý (ii) Quy mô thủy lợi nội đồng phù hợp cho các vùng miền và (iii) Xác định điểm phân chia dịch vụ thủy lợi. Từ khóa: Phân cấp quản lý công trình thủy lợi, thủy lợi cơ sở, thủy lợi nội đồng |
24 | Nghiên cứu ảnh hưởng của việc chuyển đổi rừng trồng sang rừng tự nhiên đến dòng chảy về các lưu vực sông, áp dụng cho lưu vực sông Cu Đê của thành phố Đà Nẵng | Hoàng Ngọc Tuấn | Trong những năm gần đây tình trạng khai thác rừng tự nhiên quá mức để lấy gỗ rồi sau đó trồng rừng trở lại bằng cây keo đang diễn ra khá phổ biến ở các địa phương. Việc làm này đã thay đổi chủ yếu mặt đệm tại các lưu vực sông theo chiều hướng bất lợi, thực tế chứng minh là đã làm gia tăng thêm lưu lượng đỉnh lũ cũng như suy giảm lưu lượng dòng chảy trong mùa kiệt; hậu quả là tình trạng ngập lụt và hạn hán ngày càng khốc liệt hơn. Vì vậy cần phải nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học về ảnh hưởng của nhân tố mặt đệm (bao gồm diện tích, chất lượng các loại rừng) tới dòng chảy về lưu vực để cho các cấp chính quyền có cơ sở điều chỉnh Quy hoạch trồng, khai thác, quản lý rừng một cách hiệu quả và bền vững là hết sức quan trọng. Bài báo này sẽ trình bày cụ thể các vấn đề đã nêu, trên cơ sở ứng dụng mô hình WEAP của Mỹ để mô phỏng quá trình dòng chảy đến cho lưu vực sông Cu Đê của Thành phố Đà Nẵng để chứng minh cho nhận định trên. Kết quả cho thấy khi chuyển đổi được 30% diện tích rừng trồng sang rừng tự nhiên thì dòng chảy mùa kiệt đã tăng trung bình từ 10,68 đến 12,53% Từ khóa: sông Cu Đê, WEAP, thảm phủ rừng. |
33 | Ảnh hưởng của đê giảm sóng đến chế độ thủy động lực
| Lê Xuân Tú Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam | Bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu mô phỏng mô hình toán MIKE21-FM đánh giá hiệu quả giảm sóng và dòng chảy của đê giảm sóng xa bờ. Kết quả phân tích cho thấy đê giảm sóng đã làm suy giảm sóng và dòng chảy khu vực sau đê lên tới trên 50% tạo điều kiện thuận lợi để gây bồi tạo bãi và khôi phục rừng ngập mặn. Từ khóa: Đê giảm sóng, hiệu quả giảm sóng, dòng chảy, mô hình toán MIKE21-FM. |
43 | Nghiên cứu ứng dụng cửa van tự động điều tiết nước | Thái Quốc Hiền | Cửa van cánh cửa tự động thủy lực đóng mở hoàn toàn tự động trên nguyên lý cân bằng lực trước và sau cửa van. Với những công trình gạn triều tiêu úng, ngăn mặn xâm nhập vào trong nội đồng thì cửa van tự động là một giải pháp kỹ thuật ưu việt. Tuy nhiên đặc điểm của loại cửa van này là khi đặt chế độ tự động thì cửa van không thể điều tiết và khống chế được mực nước thượng lưu, nước sẽ tự động tiêu thoát cho đến khi cân bằng với mực nước hạ lưu. Nghiên cứu kết cấu công trình kết hợp cửa van tự động để khai thác tính năng kỹ thuật của cửa tự động về khả năng tự động tiêu nước nhưng vẫn kiểm soát được mực nước thượng lưu cho các công trình điều tiết vùng triều giữ ngọt ở một mực nước nhất định là rất cần thiết và đem lại hiểu quả cao cho công tác quản lý vận hành. Đập ngăn mặn giữ ngọt Trà Bồng (Quảng Ngãi) được áp dụng giải pháp kết hợp giữa kết cấu tràn tự do với cửa van tự động nhằm ngăn triều, giữ ngọt và tự động tiêu thoát nước, giữ ổn định mực nước thượng lưu mà không cần vận hành cưỡng bức cửa van để tiêu thoát nước kịp thời khi triều xuống đem lại hiệu quả cao về kinh tế và khai thác vận hành công trình. Từ khóa: Cửa van cánh cửa tự động, xâm nhập mặn, tự động tiêu nước. |
48 | Ứng dụng viễn thám và GIS đánh giá biến động đường bờ khu vực cù lao Phú Đa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre | Lê Văn Tuấn | Sự phát triển của công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS) đã đóng góp đáng kể vào các nghiên cứu môi trường nói chung và sự dịch chuyển bờ sông, bờ biển nói riêng. Trong bài báo này, đường bờ cù lao Phú Đa (cồn Phú Đa và Phú Bình) trên sông Cổ Chiên (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), một khu vực đang có hiện tượng sạt lở diễn ra nghiêm trọng trong thời gian gần đây, đã được trích xuất theo phương pháp của Alesheikh dựa trên ảnh Landsat đa thời gian giai đoạn 1990 - 2020. Đồng thời, mức độ biến động bờ sông ở cù lao Phú Đa được tính toán bằng cách sử dụng hệ thống phân tích đường bờ kỹ thuật số (DSAS), một công cụ mở rộng của GIS. Kết quả cho thấy quá trình xói lở và bồi tụ luân phiên diễn ra trong thời kỳ 1990 − 2020 và xói lở đầu cồn chiếm ưu thế. Trong vòng 30 năm từ năm 1990 - 2020 tại khu vực cù lao Phú Đa diện tích xói lở đạt khoảng 125,46 ha, phạm vi xói lở nhỏ nhất là 10 m xuất hiện ở hai bên và đuôi cồn, biến động bờ sông tại điểm lớn nhất đạt tới 723,83 m tại đầu cồn phía Nam. Biến động bờ sông theo hướng bất lợi là một trong các nguyên nhân chính gây nên hiện tượng sạt lở diễn ra nghiêm trọng trong thời gian vừa qua. Từ khóa: Cù lao Phú Đa, công cụ DSAS, biến động đường bờ, GIS |
57 | Nghiên cứu xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở đất cho khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam
| Hoàng Ngọc Tuấn | Trong 10 năm trở lại đây thiên tai xảy ra thường xuyên và khốc liệt hơn cả về tần suất xuất hiện cũng như cường độ vượt quá khả năng dự báo trước đây của chúng ta, đặc biệt là thiên tai do lũ quét và sạt lở đất ở vùng miền núi; đây là thiên tai gây ra nhiều thảm hỏa chết người bất ngờ cũng như khó dự báo nhất. Để có thể chủ động hơn trong công tác phòng chống thiên tai cũng như quy hoạch bố trí dân cư, cơ sở hạ tầng một cách an toàn thì chúng ta cần phải nghiên cứu để có thể phân vùng được nguy cơ sạt lở đất là hết sức cần thiết và cấp bách. Trong khuôn khổ bài báo này, nhóm tác giả giới thiệu phương pháp xây dựng bản đồ nguy cơ sạt lở đất dựa trên tích hợp mô hình thứ bậc AHP và GIS với cơ sở dữ liệu là các điều kiện tự nhiên về địa hình, địa mạo, địa chất, địa chất thủy văn, khí tượng thủy văn, thảm phủ, … Kết quả đã xác định, phân vùng được các điểm có nguy cơ sạt lở đất cao ảnh hưởng trực tiếp đến dân cư. Đây là những thông tin rất quan trọng để chúng ta cung cấp cho chính quyền và người dân của Tỉnh Quảng Nam . Từ khóa: Sạt lở đất, bản đồ phân vùng sạt lở đất, Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, AHP, GIS |
66 | So sánh hiệu quả kinh tế của các hộ dân tham gia tổ chức kinh tế tập thể trên vùng đất chuyển đổi từ đất trồng lúa sang cây ăn quả ở vùng đồng bằng sông Cửu Long | Nguyễn Tuấn Anh Thái Việt Anh | Hiệu quả kinh tế của nông hộ được xác định từ hàm lợi nhuận biên ngẫu nhiên biên Cobb-Douglas dựa trên kết quả khảo sát 60 hộ dân thuộc 3 tỉnh Long An, Vĩnh Long và Hậu Giang của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả nghiên cứu cho thấy lợi nhuận của nhóm nông hộ tham gia cao gấp 1,156 lần so với các hộ không tham gia tổ chức kinh tế tập thể trên vùng đất đã chuyển đổi từ cây lúa sang cây ăn quả. Sự khác biệt này sẽ gia tăng khi phát triển tổ chức kinh tế tập thể, thu hút được các thành viên tham gia trong dài hạn. Tổ chức kinh tế tập thể mang lại nhiều lợi ích như nâng cao trình độ, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững. Đồng thời, giúp xây dựng thương hiệu tập thể sản xuất, liên kết với doanh nghiệp, tổ chức hợp tác kinh tế khác. Từ khóa: kinh tế nông hộ, tổ chức kinh tế tập thể, chuyển đổi đất lúa, đồng bằng sông Cửu Long. |
74 | Mô hình hóa mưa độ phân giải cao kết hợp giữa mô hình động lực khí tượng và phương pháp thống kê: áp dụng cho lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai | Trịnh Quang Toàn Đỗ Hoài Nam Nguyễn Kỳ Phùng Nguyễn Văn Thắng | Mô hình hóa các trận mưa lớn đóng một vai trò quan trọng trong quản lý tài nguyên nước. Trong nghiên cứu này, phương pháp kết hợp giữa chi tiết hóa động lực học và phương pháp hiệu chỉnh thống kê đã được áp dụng. Công nghệ chi tiết hóa đề xuất sử dụng đầu vào được cung cấp từ ba bộ dữ liệu toàn cầu khác nhau bao gồm ERA-Interim, ERA20C và CFSR. Dữ liệu toàn cầu này được chi tiết hóa bằng mô hình Nghiên cứu và Dự báo Thời tiết (WRF), sau đó sư dụng phương pháp thống kê nhằm nâng cao tính chính xác cũng như hiệu quả trong công việc chi tiết hóa mưa có độ phân giải cao (9km) trên lưu vực. Kết quả tính toán mô phỏng cả 03 ba bộ dữ liệu có độ tin cậy tốt và đạt các chỉ tiêu thống kê. Việc thiết lập được hệ thống tính toán khôi phục xu thế diễn biến của các điều kiện khí tượng, thủy văn trên toàn bộ lưu vực tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu đánh giá tổng quát được quá trình hình thành các trận mưa lũ trong quá khứ, từ đó giúp chủ động ứng phó với tình hình thiên tai mưa lũ trên lưu vực. Từ khóa: Mô hình nghiên cứu và dự báo thời tiết (WRF), hiệu chỉnh thống kê, dữ liệu toàn cầu (ERA-Interim, ERA20C và CFSR). |
85 | Các dạng đường mặt nước trên kênh lăng trụ có lưu lượng tăng dần theo chiều dòng chảy | Hoàng Nam Bình Lê Văn Nghị | Các kênh dẫn có dạng lăng trụ tiếp nhận liên tục dòng chảy bên gia nhập dọc theo chiều dòng chính là những kênh dẫn có dòng biến lượng. Đó là những loại công trình như rãnh biên, máng thoát nước tràn ở bể bơi, kênh tiêu cắt dốc hay những hệ thống công trình thủy lợi có đường tràn ngang ở nơi xung yếu để bảo vệ bờ kênh, chống nước tràn bờ khi có sự cố hoặc những đoạn kênh cắt qua khe, rãnh tụ thủy. Đặc trưng thủy động lực học của dòng chảy trong đoạn kênh có dòng biến lượng rất phức tạp bởi lực tác động của dòng gia nhập vào dòng chính. Yếu tố thủy lực được quan tâm nghiên cứu nhiều nhất là đường mặt nước, bởi đây là thông số thủy lực quan trọng phục vụ công tác thiết kế. Bài báo trình bày kết quả phân tích các dạng đường mặt nước trên kênh lăng trụ có lưu lượng tăng dần theo chiều dòng chảy. Các dạng đường mặt nước được gọi tên cho từng trường hợp chảy êm - xiết; đường nước dâng - hạ tương ứng với các trường hợp đáy kênh dốc thoải, dốc lớn và nằm ngang. Ngoài ra, các chế độ nối tiếp từ đoạn kênh thông thường phía thượng lưu sang đoạn kênh có dòng biến lượng và từ đoạn kênh có dòng biến lượng sang đoạn kênh hạ lưu cũng được mô tả ứng với từng điều kiện cụ thể. Từ khoá: Dòng biến lượng, Kênh lăng trụ, Đường mặt nước. |
97 | Ứng dụng công nghệ viễn thám xây dựng, kiểm đếm nguồn nước cho các hồ chứa Việt Nam | Đinh Xuân Hùng | Việt Nam có khoảng 6695 hồ chứa trên lãnh thổ đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều tiết, cân bằng nước, góp phần trong quản lý tài nguyên nước và giám sát thiên tai. Tuy nhiên, đường đặc tính hồ chứa còn bị hạn chế khi nguồn dữ liệu đã cũ hoặc chưa có số liệu. Công nghệ viễn thám với ưu điểm dễ khai thác, độ bao phủ rộng đã được ứng dụng rộng rãi trên thế giới trong nhiều lĩnh vực, trong đó bao gồm cả quản lý tài nguyên nước. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám xây dựng đường đặc tính hồ chứa bằng ảnh radar Sentinel-1 kết hợp ảnh quang học Sentinel-2, Landsat 8 trong giai đoạn 2014 – 2019 cho các hồ miền Trung. Kết quả cho thấy công nghệ viễn thám khi so sánh đối với số liệu quan trắc thực tế có kết quả khả quan khi chỉ số Nash các đường quan hệ Z~F và Z~W của hồ Hà Thượng là 0.96 và 0.99; hồ Lanh Ra là 0.94 và 0.97; hồ Sông Trâu là 0.98 và 0.95. Kết quả nghiên cứu đã xây dựng phương pháp đánh giá nguồn nước thông qua xây dựng đường đặc tính hồ chứa, từ đó tạo tiền đề trong công tác kiểm đếm, giám sát nguồn nước cho các hồ chứa vừa và lớn cho các vùng khác trong tương lai. Phương pháp mở ra hướng ứng dụng công nghệ viễn thám trong đánh giá gián tiếp dòng chảy và đường bờ cho những nghiên cứu sau này. Từ khóa: Miền Trung, Việt Nam, viễn thám, hồ chứa, Sentinel-1, Sentinel-2, Landsat 8, ZFW, Google Earth Engine |
105 | Hợp đồng xây dựng và quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng ở Việt Nam | Đỗ Văn Chính Vũ Quý Phát | Hợp đồng xây dựng là văn bản pháp lý giữa bên giao thầu và bên nhận thầu nhằm xác lập sự thỏa thuận giữa 2 bên về quyền và nghĩa vụ khi tham gia hợp đồng. Trong hợp đồng xây dựng sẽ có những quy định cụ thể, loại hợp đồng áp dụng, chi tiết các nội dung công việc, sản phẩm, các yêu cầu về chi phí, chất lượng, thời gian bàn giao cũng như xử lý các vấn đề tranh chấp trong hợp đồng xây dựng. Bài báo sẽ trình bày về các loại hợp đồng xây dựng áp dụng hiện nay và quá trình quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng ở Việt Nam để các đơn vị liên quan quản lý hợp đồng có hiệu quả hơn. Từ khóa: Hợp đồng xây dựng, Quản lý hợp đồng xây dựng, nhân tố ảnh hưởng |