TextBody
Huy chương 2

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 69 năm 2021

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THỦY LỢI
SỐ 69 (12-2021)

Trang

Tên bài báo

Tác giả

Tóm tắt

2

Đê cọc rỗng mặt cắt hình móng ngựa - Giải pháp công nghệ mới trong bảo vệ bờ biển

 

Phạm Đức Hưng,
Trần Đình Hòa,
Nguyễn Ngọc Nam

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, đã tác động rất lớn đến đời sống và sản xuất. Vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển đã và đang diễn ra rất phức tạp, có xu thế gia tăng, tại các khu vực ven sông, ven biển, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Sạt lở đã uy hiếp nghiêm trọng đến tính mạng của nhân dân, gây thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng lớn đến phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Có nhiều giải pháp, công nghệ đã được nghiên cứu để giải quyết vấn đề sạt lở. Trong đó, giải pháp công trình giảm sóng xa bờ đã được nghiên cứu, ứng dụng khá nhiều (đê giảm sóng bằng vật liệu tràm, tre, rọ đá, túi Geotube, đê hai hàng cọc ly tâm, cấu kiện phá sóng busdaco, đê trụ rỗng...). Trên cơ sở phân tích, đánh giá các giải pháp đã có, bài báo đề xuất một giải pháp kết cấu tiêu sóng mới “Đê cọc rỗng mặt cắt hình móng ngựa” giảm sóng, gây bồi bảo vệ bờ biển. Đây là một giải pháp có hình thức bố trí kết cấu phù hợp cho việc bảo vệ bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long, lần đầu được nghiên cứu ở Việt Nam.

Từ khóa: Bảo vệ bờ, đê cọc rỗng, hiệu quả giảm sóng, lỗ rỗng

8

Đánh giá tác động phân bổ chi phí quản lý vận hành tối ưu đến hiệu quả quản lý tưới vùng đồng bằng sông Hồng

Đinh Văn Đạo,
Trần Văn Đạt,
Đoàn Thế Lợi

Viện Kinh tế và Quản lý Thủy lợi

Nguyễn Tùng Phong
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Tôn Nữ Hải Âu
Trường Đại học Huế

Đổi mới chính sách quản lý tưới nhằm giảm dần sức ép tài chính của nhà nước, nâng cao vai trò tự chủ, cải thiện hiệu quả quản lý tưới và chất lượng cung cấp dịch vụ tưới hiện nay mới chỉ dựa trên các chỉ số hiệu quả kỹ thuật có sẵn nên chưa phát huy hết tác động của nó. Nghiên cứu này sẽ đánh giá hiệu quả quản lý vận hành hệ thống thủy lợi dựa trên yếu tố chi phí quản lý vận hành của 8 trên 11 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng bằng sử dụng mô hình màng bao dữ liệu (DEA) theo hướng chú trọng đầu vào với các giả thiết hiệu quả không đổi (CRS) và thay đổi (VRS) theo quy mô. Các dữ liệu của yếu tố đầu vào là 8 nhóm chi phí quản lý vận hành, duy tu công trình và đầu ra là diện tích quy đổi sang tưới lúa ba năm 2014-2016. Các kết quả nghiên cứu đã xác định chỉ số hiệu quả tối ưu của vùng theo mô hình CRS và VRS lần lượt là 0,86 và 0,98 và mức độ sử dụng lãng phí nguồn lực chi phí tài chính chung còn cao, lần lượt 14% và 2%. Dựa vào kết quả tính toán lượng dư thừa chi phí đầu vào theo hai giải thiết CRS và VRS, nghiên cứu xác định được hiệu quả và cơ cấu chi phí đầu vào hiệu quả tối ưu trong đó tỷ lệ chi phí nhân công chiếm cao nhất lần lượt là 48,97 và 47,70. Áp dụng cơ cấu chi phí đầu vào hiệu quả tối ưu sẽ tác động nâng cao đáng kể hiệu quả quản lý vận hành công trình thủy lợi theo đơn vị chi phí lần lượt là 149,15% và 105,08%. Đây là cơ sở tin cậy đề xuất chính sách hỗ trợ thủy lợi phí và khuyến khích hợp tác công tư trong quản lý tưới.

16

Nghiên cứu đề xuất các giải pháp quản lý nguồn thải thuộc diện không phải cấp phép xả vào công trình thủy lợi vùng đồng bằng sông Hồng

Vũ Thị Thanh Hương,
Phạm Thị Phương Thảo,
Vũ Quốc Chính

Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường

Nước thải thuộc diện không phải cấp phép xả thải vào CTTL tại 3 huyện điều tra chiếm trung bình 87,24% bao gồm nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, cơ sở SXKD nhỏ lẻ, làng nghề, NTTS… Gần 100% nguồn thải này chưa được thu gom, xử lý, công tác quản lý còn nhiều bất cập. Nội dung bài viết là kết quả khảo sát về hiện trạng công tác quản lý nguồn thải thuộc diện không phải cấp phép xả thải xả vào CTTL tại 3 huyện vùng ĐBSH: huyện Khoái Châu (Hưng Yên), Bình Lục (Hà Nam), Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) và đề xuất một số giải pháp quản lý nguồn thải khi xả vào CTTL. Để quản lý nguồn thải khi xả vào CTTL cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Xây dựng các văn bản pháp quy, phân giao chức năng, nhiệm vụ, nâng cao năng lực quản lý nguồn thải đối với các đơn vị khai thác CTTL. Nâng cao nhận thức của cộng đồng và chủ nguồn thải về xả nước thải vào CTTL. Một số giải pháp kỹ thuật được đề xuất như: giải pháp tăng nguồn cấp nước cho CTTL để tăng cường khả năng tự làm sạch nguồn nước, xử lý nước thải bằng công nghệ Nano, chế phẩm sinh học, xử lý bằng thực vật, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải ven kênh và kiểm soát tổng tải lượng chất thải xả vào CTTL.

Từ khóa: Giải pháp quản lý, Nguồn thải thuộc diện không phải cấp phép xả thải, Công trình thủy lợi, Đồng bằng sông Hồng

26

Sụt lún mặt đất tại khu vực phía tây thành phố Hà Nội, nguyên nhân và giải pháp xử lý

Vũ Ngọc Bình,
Vương Xuân Huynh

Viện Thủy công

 Nguyễn Văn Bình
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường

Kết quả nghiên cứu về cấu trúc địa chất, đặc điểm và cơ chế hình thành các hố sụt tại khu vực phía tây Hà Nội đã xác định được nguyên nhân gây sụt lún bề mặt đất. Bài báo cũng phân tích nguyên nhân gây sụt lún tại xã Quảng Bị huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội từ đó đưa ra giải pháp xử lý nhằm ổn định hố sụt và an toàn cho các hộ dân xung quanh,  khuyến nghị cho công tác khảo sát địa chất và khoan khai thác nước dưới đất trong vùng karst.

Từ khóa: Cấu trúc địa chất, sụt lún mặt đất, hang karst, nước ngầm, giải pháp xử lý.

32

Giải pháp thành lập liên hiệp tổ chức thủy lợi cơ sở

Nguyễn Xuân Thịnh,
Trần Chí Trung

Trung tâm tư vấn PIM

Thành lập liên hiệp tổ chức thủy lợi cơ sở để nhận chuyển giao quản lý, khai thác chệ thống dẫn, chuyển nước đấu nối với hệ thống thủy lợi nội đồng đã được thực hiện thí điểm ở Việt Nam hơn 20 năm qua và đã được cụ thể hóa trong Luật Thủy lợi. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc thực thi còn nhiều vướng mắc do các quy định của pháp luật hiện hành chưa đủ chi tiết để thực hiện. Vì vậy, trên cơ sở đánh giá các quy định hiện hành và thực trạng các liên hiệp tổ chức thủy lợi cơ sở hiện có, trong khuôn khổ bài viết này các tác giả sẽ đề xuất một số giải pháp hoàn thiện cơ chế chính sách, quy trình thành lập liên hiệp tổ chức thủy lợi cơ sở, góp phần thúc đẩy phát triển quản lý tưới có sự tham gia (PIM) và chuyển giao quản lý tưới (IMT) ở Việt Nam.

Từ khóa: Liên hiệp tổ chức thủy lợi cơ sở, quản lý tưới có sự tham gia, chuyển giao quản lý tưới.

41

Nghiên cứu mô hình vật lý  lựa chọn giải pháp tiêu năng hiệu quả cho đập dâng Bảy Yển trên sông Kôn - Hà thanh

Nguyễn Thanh Khởi,
Đặng Thị Hồng Huệ

           Phòng Thí nghiệm Trọng điểm quốc gia về động lực học sông biển
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Mực nước hạ lưu các công trình thủy lợi ảnh hưởng lớn đến chế độ thủy lực và tiêu năng hạ lưu khi công trình vận hành. Đối với các đập dâng có kết cấu tiêu năng đáy, mực nước hạ lưu thay đổi tác động rất lớn đến chế độ thủy lực, nối tiếp và tiêu năng hạ lưu, có thể uy hiếp an toàn về xói lở hạ lưu công trình và nguy hiểm hơn có thể đe dọa đến ổn định  của công trình.

Đập dâng Bảy Yển (An Nhơn, Bình Định) nằm ở hạ du sông Kôn trong quá trình vận hành vừa qua do mực nước sau công trình bị hạ thấp, dòng chảy bị thay đổi, gây ra tình trạng xói lở chân đập, sạt lở mái taluy, sân tiêu năng có hiện tượng bong tróc đến gần 40m2, hố xói sâu tới 1,2m, xói lở mái bờ vùng gia cố cầu Phụ Ngọc ở hạ lưu công trình.

Bài báo này, trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu trên mô hình vật lý về chế độ thủy lực nối tiếp dòng chảy do mực nước hạ lưu thay đổi và đề xuất giải pháp đảm bảo an toàn tiêu năng phòng xói cho đập dâng Bảy Yển trên sông Kôn - Hà Thanh, Bình Định.

Từ khóa: Đập dâng Bảy Yển, giải pháp tiêu năng, mực nước hạ thấp.

52

Nghiên cứu phân chia các vùng đặc trưng về điều kiện tự nhiên tác động đến giải pháp cấp nước biển phục vụ nuôi trổng thủy sản vùng ven biển Nam Trung Bộ

Hoàng Ngọc Tuấn
Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên

Nuôi trồng thủy sản (NTTS) hiện nay đang phát triển một cách mạnh mẽ do lợi ích kinh tế lớn mang lại. Trong NTTS thì nhiệm vụ quan trọng đặt ra là làm sao có được giải pháp cấp được nước biển một cách chủ động, an toàn và phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như quy mô sản xuất của khu vực. Để có thể giải quyết được vấn đề này thì chúng ta cần phải đi sâu nghiên cứu để phân tích các yếu tố đặc trưng về điều kiện tự nhiên chủ yếu như: Địa hình, địa chất, địa chất thủy văn, hình thái bờ biển, vận chuyển bùn cát, chế độ thủy triều, sóng, gió, bão... cũng như quy mô cấp nước tác động tới việc lựa chọn giải pháp cấp nước biển là hết sức cần thiết. Bài viết dưới đây sẽ đề cập các vấn đề nêu này.

Từ khóa:  Phân vùng đặc trưng, giải pháp cấp nước biển, nuôi trồng thủy sản, Nam Trung Bộ

62

Giải pháp vận hành thông minh hệ thống thủy lợi liên tỉnh tại vùng đồng bằng sông Cửu Long

Nguyễn Lê Dũng,
Bùi Duy Chí

Trung tâm tư vấn PIM

Đoàn Văn Bình
Đại học Quốc tế Việt Đức

Trịnh Thế Trường
Công ty TNHH MTV KTCTTL Bắc Hưng Hải

Hệ thống thủy lợi (HTTL) liên tỉnh có vai trò đặc biệt quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và dân sinh tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Các HTTL liên tỉnh phải phục vụ đa mục tiêu cho các nhu cầu dùng nước khác nhau (nông nghiệp, thủy sản, du lịch, môi trường, phòng chống thiên tai, úng ngập, xâm nhập mặn…). Ngày nay, hiện tượng tranh chấp nước giữa các địa phương sử dụng chung HTTL đang diễn ra ngày càng gay gắt. Để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn cực đoan đang diễn ra ngày càng bất lợi và khó lường, cần nghiên cứu giải pháp để vận hành một cách thông minh, linh hoạt các công trình trong HTTL nhằm nâng cao năng suất nước và bảo vệ môi trường sinh thái. Bài báo sẽ giới thiệu các giải pháp để vận hành một cách thông minh các HTTL liên tỉnh tại vùng ĐBSCL dựa trên nền tảng công nghệ Internet of Things (IoT).

Từ khóa: IoT, vận hành thông minh, hệ thống thủy lợi liên tỉnh, Đồng bằng sông Cửu Long

72

Động lực hải văn vùng nuôi trồng hải sản tỉnh Kiên Giang

Phan Mạnh Hùng,
Phạm Văn Tùng,
Hà Thị Xuyến,
Nguyễn Thị Hàn Ni,
Lượng Hữu Phú

Viện Kỹ thuật Biển

Kiên Giang là tỉnh có tiềm năng rất lớn về phát triển nghề nuôi biển bền vững ở nước ta và động lực hải văn là một trong những yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn khu vực nuôi biển phù hợp. Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu, phân tích đánh giá động lực hải văn vùng biển tỉnh Kiên Giang thông qua công cụ mô hình tính toán MIKE21/3FM. Từ kết quả nghiên cứu cho thấy ở khu vực nghiên cứu vùng biển Kiên Giang, sóng nhật triều đóng vai trò chính và chế độ thủy triều mang tính nhật triều không đều với dao động triều trung bình xấp xỉ 1m. Nhìn chung tốc độ dòng chảy ở vùng nghiên cứu là tương đối nhỏ, trung bình dao động 20-35cm/s, trừ một số vùng biển của An Thới và Gành Dầu. Khác với một số vùng biển khác ở Việt Nam, chế độ trường sóng yếu với độ cao sóng vào khoảng 0,3m-0,7m ở vùng biển Kiên Giang vào gió mùa Đông Bắc nhỏ hơn so với vào gió mùa Tây nam với độ cao sóng trung bình vào khoảng 0,5m-1,0m. Từ kết quả tính toán động lực hải văn, bài báo cũng đã đề xuất một số khu vực nuôi biển phù hợp có tiềm năng tại vùng biển Kiên Giang, trong đó hai khu vực có tiềm năng lớn là đảo Phú Quốc và quần đảo Nam Du.

Từ khóa: động lực hải văn, sóng triều, dòng chảy, năng lượng sóng, nuôi biển, Kiên Giang

81

Ổn định tổng thể của kè cọc ly tâm trên nền đất yếu

 

Phan Đình Tuấn,
Nguyễn Hải Hà,
Nguyễn Duy Ngọc

Viện Thủy Công

Kè cọc ly tâm giảm sóng bảo vệ bờ biển đồng bằng sông Cửu Long ngày càng ứng dụng rộng rãi, kết cấu gồm hai hàng cọc ly tâm đóng song song, liên kết bằng hệ khung dầm giằng bê tông cốt thép, ở giữa đổ đá hộc. Công trình thường đặt xa bờ, trên địa chất nền đất yếu. Dưới tác dụng của tải trọng bản thân, tải trọng sóng triều tác dụng đồng thời. Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu ổn định tổng thể của kè ly tâm dưới tác dụng tổng hợp tải trọng quy đổi gồm lực đứng, lực ngang và mô men.

87

Khảo sát hiện trạng quản lý chất thải chăn nuôi lợn tại một số cơ sở/ trang trại chăn nuôi trên địa bàn
tỉnh Hải Dương

Phạm Chí Trung,
Trương Thị Lan Anh,
Nguyễn Linh Giang,
Phạm Thị Kim Oanh

Trung tâm Đào tạo và Hợp tác Quốc tế

Đào Văn Thông,
Bùi Thị Lan Hương

Viện Môi trường Nông nghiệp

Tiến hành khảo sát 120 cơ sở/trang trại chăn nuôi trên địa bàn 02 huyện Kim Thành và Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương; kết quả khảo sát cho thấy quy mô chăn nuôi nông hộ chiếm tỷ lệ cao (70,8%), nguồn thu nhập chính của các hộ tham gia khảo sát là từ chăn nuôi. Khảo sát về các biện pháp quản lý và xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn cho thấy biện pháp quản lý, xử lý chất thải rắn trong chăn nuôi lợn chính trên địa bàn khảo sát là sử dụng trực tiếp nguồn phân chưa xử lý bón cho cây trồng trong vườn nhà chiếm tỷ lệ 39,2%. Biện pháp quản lý, xử lý chất thải lỏng trong chăn nuôi lợn chính trên địa bàn khảo sát là trực tiếp đưa nguồn chất thải lỏng này xử lý bằng hầm biogas chiếm tỷ lệ là 72,5%.

Từ khóa: Chất thải chăn nuôi, khảo sát, quản lý chất thải chăn nuôi

93

Nghiên cứu ảnh hưởng của quản lý nước mặt ruộng đến phát thải khí N2O trên đất phù sa sông Hồng không được bồi hàng năm trồng lúa ở tỉnh Hưng Yên

Nguyễn Đăng Hà
Tổng cục Thủy lợi

Nghiên cứu ảnh hưởng của quản lý nước mặt ruộng đến phát thải khí N2O trên đất phù sa sông Hồng không được bồi hàng năm trồng lúa ở tỉnh Hưng Yên được nghiên cứu thực nghiệm trên quy mô 50,2 ha tại xã Phú Thịnh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên trong 3 năm (2015 ÷ 2017). Kết quả đã xác định được đất vùng nghiên cứu có tính khử mạnh (Eh < -100 mV), pH trung tính là môi trường thuận lợi cho sự hình thành và phát thải khí N2O, lớn nhất trong khoảng giá trị Eh từ -100 mv đến - 200 mV và pH 6 ÷ 8. Lượng phát thải khí N2O đối với từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa trên nền đất phù sa sông Hồng, trong đó giai đoạn sinh trưởng từ cấy đến kết thúc đẻ nhánh có lượng N2O phát thải lớn nhất. Lượng phát thải khí N2O của các chế độ tưới theo công thức tưới truyền thống, khô vừa và khô kiệt đều rất thấp, dao động trong khoảng 0,3 đến 0,4 ppm. Chế độ nước mặt ruộng nghiên cứu không ảnh hưởng đến lượng phát thải khí N2O.

Từ khóa: Khí N2O, tưới tiết kiệm nước cho lúa, giảm phát thải khí nhà kính.

106

Thách thức và giải pháp nâng cao chủ động phòng, chống thiên tai trong xây dựng NTM cấp xã trong điều kiện biến đổi khí hậu

Dương Đức Tiến
Nguyễn Hữu Huế

Trường Đại học Thủy lợi

Nguyễn Hữu Phúc
Chuyên gia

 

Từ những trận thiên tai lớn, dị thường diễn ra trên phạm vi toàn cầu những năm vừa qua, điển hình là năm 2019, 2020 đã cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa thiên tai và biến đổi khí hậu (BĐKH), và điều này ngày càng trở nên rõ nét. Thiên tai trong điều kiện BĐKH là hết sức khó lường và đáng sợ, đã vượt ra khỏi các quy luật tự nhiên trước đây khiến người dân chưa thích nghi được với quy luật mới. Thiên tai đã tác động mạnh, sâu rộng đến đời sống của người dân, làm đình trệ việc sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái.

Trong nội dung bài báo này, nhóm nghiên cứu sẽ nêu lên các thách thức và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao sự chủ động phòng, chống thiên tai trong xây dựng nông thôn mới (NTM) cấp xã trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Từ khóa: Thiên tai, biến đổi khí hậu, nông thôn mới, giải pháp chủ động PCTT