TextBody
Huy chương 2

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 72 năm 2022

THỂ LỆ VIẾT BÀI

Bài viết phải đảm bảo chưa công bố, đăng tải trên các Báo, Tạp chí, độ dài không quá 10 trang, được đánh máy vi tính theo phông Times New Roman, cỡ chữ 12, in trên khổ A4 kèm theo file hoặc gửi qua Email. Bài viết sử dụng tiếng Việt, kèm theo tóm tắt nội dung bằng tiếng Việt và tiếng Anh (không quá 200 từ). Công thức được viết theo Equation Editor và đánh số thứ tự về bên phải. Các bản vẽ phải đúng quy định vẽ kỹ thuật, kích thước không quá 15 x 20cm. Các bài có bản đồ từng vùng hoặc cả nước cần vẽ theo mẫu chính xác, đúng theo quy cách hiện hành, các bản vẽ, biểu bảng phải đánh số thứ tự.

Thứ tự sắp xếp bài báo:

- Tên bài báo

- Họ và tên tác giả, học hàm, học vị, cơ quan công tác

- Tóm tắt nội dung (bằng tiếng Việt).

- Tóm tắt nội dung (bằng tiếng Anh)

- Nội dung bài báo.

- Tài liệu tham khảo: đặt liền với bài và ghi thứ tự, số thứ tự được đặt trong [ ].

Trích dẫn tên đề tài công bố.

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THỦY LỢI
SỐ 72 (06-2022)

Trang

Tên bài báo

Tác giả

Tóm tắt

2

Xử lý khẩn cấp hạn chế sạt lở bờ tả sông Tiền thuộc xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp

 

Đinh Quốc Phong,
Lê Quản Quân,
Lê Mạnh Hùng

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Sạt lở, bồi lắng bờ sông đã và đang diễn ra rất khốc liệt, gây bức xúc rất nhiều cho các địa phương, mất an sinh xã hội, mất sự ổn định và phát triển, thậm chí đe dọa đến các thành phố lớn. Sạt lở bờ tả sông Tiền thuộc xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, là một điểm nóng, buộc chính quyền địa phương phải chỉ đạo thực hiện phương án xử lý khẩn cấp tình trạng sạt lở bờ sông trước mùa mưa bão năm 2022. Qua nghiên cứu phương án đóng hệ dàn cọc sát bờ nhằm giảm nhỏ vận tốc dòng chảy tác dụng trực tiếp vào bờ gây sạt lở. Đây là phương án tạm thời xử lý khẩn cấp. Về lâu dài cần tiến hành chỉnh trị toàn đoạn sông, trong đó cần tính toán và tìm giải pháp ổn định tỷ lệ phân lưu giữa các lạch hiện đang có sự tranh chấp và đổi ngôi thứ trên đoạn sông. Đây chính là nội dung của bài báo được công bố.

Từ khóa: Sạt lở bờ sông, công trình bảo vệ bờ, mỏ hàn cọc, đồng bằng sông Cửu Long

10

Nghiên cứu lựa chọn qui mô công trình xử lý nước thải sinh hoạt chi phí thấp

Dương Quốc Huy,
Tô Việt Thắng,
Vũ Hải Nam,
Vũ Thị Thủy

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Cùng với sự sự gia tăng dân số, sự phát triển của kinh tế xã hội thì nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng dẫn đến việc hàng ngày lượng nước thải sinh hoạt sinh ra càng lớn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nếu không có giải pháp xử lý trước khi đổ vào nguồn tiếp nhận. Hiện đã có nhiều giải pháp công nghệ được áp dụng để xử lý ô nhiễm nước thải sinh hoạt bao gồm: xử lý sinh học trong điều kiện tự nhiên rẻ tiền nhưng cần nhiều diện tích (ao hồ, đầm lầy…), xử lý cưỡng bức đắt tiền nhưng chiếm ít diện tích xây dựng (Aerotank, MBR, JOHKASOU…), và các công nghệ kết hợp các quá trình xử lý sinh học (kị khí, hiếu khí) tự nhiên hoặc bán tự nhiên nhằm hạn chế các nhược điểm và tận dụng các ưu điểm của hai giải pháp công nghệ trên. Bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu lựa chọn qui mô cũng như các thông số cơ bản của các hạng mục sử dụng giải pháp xử lý sinh học kị khí và hiếu khí phù hợp trong xử lý nước thải sinh hoạt.

Từ khóa: ABR, AF, HGF, kỵ khí, hiếu khí

17

Nghiên cứu ảnh hưởng của việc xây dựng kè chống sạt lở khu du lịch sinh thái Nam Ô theo phương án quy hoạch tới khả năng thoát lũ của sông Cu Đê, thành phố Đà Nẵng

 

Hoàng Ngọc Tuấn
Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên

 

Sông Cu đê  là con sông lớn thứ 2 của Thành phố Đà Nẵng có cửa ra đổ vào Vịnh Đà Nẵng. Theo quy hoạch khu du lịch sinh thái Nam Ô tiếp giáp với sông Cu Đê ở bờ phải cần phải xây dựng 1 tuyến kè để bảo vệ. Tuy nhiên trong giai đoạn quy hoạch mới chỉ xác định vị trí tuyến ở mức sơ bộ nên cần phải nghiên cứu tính toán kiểm chứng phương án bố trí tuyến kè quy hoạch có còn phù hợp với thực tế không để từ đó điều chỉnh một cách hợp lý. Nghiên cứu đã chỉ ra vị trí tuyến kè theo phương án Quy hoạch đã lấn chiếm ra lòng sông Cu Đê dẫn tới khả năng thoát lũ với tần suất lũ 10% theo phương án quy hoạch đã làm gia tăng mực nước từ 0,43÷0,59 m và với tần suất lũ 5% thì tăng từ 0,43÷0,64m so với trường hợp hiện trạng.

Từ khóa:  Khu du lịch Nam Ô, cửa sông Cu đê, Đà Nẵng.

29

Diễn biến mực nước trạm đầu nguồn vùng đồng bằng sông Cửu Long và ảnh hưởng của biến động xây dựng các công trình thủy điện ở lưu vực sông Mê Công

Nguyễn Thanh Hải,
Nguyễn Văn Hoạt,
Đào Việt Hưng,
Phạm Ngọc Hải,
Phạm Văn Giáp,
Dương Thị Thùy Dung

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nằm ở hạ lưu vùng châu thổ sông Mê Công, luôn chịu tác động sâu sắc nhất trước những biến động do khai thác tài nguyên nước của các quốc gia trong lưu vực sông Mê Công. Bài viết giới thiệu nội dung phân tích, đánh giá biến động xây dựng khai thác các công trình thủy điện trên lưu vực sông Mê Công và diễn biến mực nước trong mùa khô tại trạm đầu nguồn vùng ĐBSCL.

Từ khóa: Lưu vực sông Mê Công, biến động xây dựng công trình thủy điện, diễn biến mực nước, vùng ĐBSCL

40

Dự báo lũ bằng phương pháp chi tiết hóa động lực kết hợp với mô hình thủy văn vật lý thực áp dụng cho lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn

Trịnh Quang Toàn,
Đỗ Hoài Nam,
Nguyễn Thị Thu Thảo,
Trần Phương Anh

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Lê Xuân Dũng
Công ty CP tư vấn xây dựng Thủy lợi Hà Tây

Vũ Thị Minh Huệ
Trường Đại học Thủy lợi

Trong nghiên cứu này, phương pháp dự báo lũ sớm từ 1, 2, 3 ngày đã được áp dụng qua phương pháp chi tiết hóa động lực kết hợp với mô hình thủy văn, với nguồn số liệu đầu vào được lấy từ hai mô hình dự báo thời tiết số trị (NWP) toàn cầu GFS và GSM. Nguồn dữ liệu khí tượng sau đó được chi tiết hóa xuống độ phân giải 6km sử dụng mô hình WRF. Kết quả đã được hiệu chỉnh và kiểm định với bộ dữ liệu mưa thực đo VnGP và dữ liệu mưa quan trắc từ Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam. Sau khi được chi tiết hóa, dữ liệu dự báo khí tượng (bao gồm mưa, gió, nhiệt độ, độ ẩm, bức xạ, v.v) sử dụng làm dữ liệu đầu vào cho mô hình WEHY. Qua kết quả nghiên cứu, có thể thấy dự báo lũ bằng phương pháp chi tiết hóa động lực kết hợp mô hình khí tượng với mô hình thủy văn có thể cho kết quả khả quan. Và có thể tiếp tục cải thiện bằng các phương pháp đồng hóa dữ liệu nhằm nâng cao độ chính xác các kết quả dự báo

50

Sử dụng bè cá như kè mỏ hàn đảo chiều dòng chảy để phòng chống xói lở trên hệ thống sông Cửu Long

Nguyễn Nghĩa Hùng,
Lê Quản Quân,
Đinh Quốc Phong

Viện khoa học Thủy lợi miền Nam

Vấn đề sạt lở bờ sông trên hệ thống sông Cửu Long hiện đang là vấn đề bức xúc trong xã hội, gây mất ổn định an sinh cho người dân sống ven sông, đồng thời cũng là bài toán kinh tế, kỹ thuật không đơn giản. Nội dung bài báo giới thiệu cách làm mới, sử dụng hệ thống bè nuôi cá (hay lồng cá) hiện đang được khai thác khá nhiều ở trên sông Cửu Long làm kết cấu nổi giảm dòng chảy tác động vào bờ, qua đó giảm thiểu được sạt lở bờ sông. Áp dụng thành công giải pháp này vừa giảm được sạt lở, vừa tạo ra công ăn việc làm và kinh tế cho vùng, kết cấu thân thiện môi trường và chi phí không nhiều, có thể sử dụng nguồn kinh phí nhà nước và nhân dân cùng làm. Kết quả tính toán cho thấy, lồng bè có thể giảm vận tốc ép sát bờ và đẩy dòng chủ lưu ra xa bờ. Kích thước bè được lựa chọn dựa trên sự kết hợp giữa kinh nghiệm người nuôi cá (về độ oxi hòa tan, dòng chảy thích nghi, điều kiện sản xuất) và sự ổn định trong chỉnh trị sông, tuy nhiên không nên chọn hệ số cản nước quá lớn sẽ tác dụng đến xói đầu khu vực bè cá và thay đổi cấu trúc dòng chảy toàn khu vực.

Từ khóa: Sạt lở bờ sông, Công trình bảo vệ bờ, Bè cá, Đồng bằng sông Cửu Long.

57

Ảnh hưởng của các dạng kết cấu đê giảm sóng đến tương tác sóng, công trình đã ứng dụng ở bờ biển đồng bằng sông Cửu Long

Nguyễn Nguyệt Minh,
Lê Duy Tú,
Trương Ngọc Đạt,
Lê Xuân Tú,
Trần Thùy Linh

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Bùi Huy Bình
Ban Quản lý Trung ương các Dự án Thủy lợi

Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu về tương tác sóng và công trình đối với các loại đê giảm sóng khác nhau đã được ứng dụng ở bờ biển ĐBSCL bằng mô hình vật lý trên máng sóng. Kết quả đã làm rõ ảnh hưởng của các dạng kết cấu đến quá trình truyền sóng, sóng phản xạ và tiêu tán sóng đồng thời phân tích sự khác biệt về đặc tính sóng sau công trình khi truyền qua đê giảm sóng kết cấu xốp rỗng và dạng đê thân rỗng và đục lỗ hai mặt.  

Từ khóa: Đê giảm sóng kết cấu rỗng, đê giảm sóng thân rỗng đục lỗ hai mặt, hệ số truyền sóng, hệ số sóng phản xạ, hệ số tiêu tán sóng, thí nghiệm vật lý, máng sóng.

67

Xây dựng mô hình dự báo mưa số trị cho lưu vực sông Vu Gia Thu Bồn

Đỗ Hoài Nam,
Trịnh Quang Toàn

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Trịnh Tuấn Long
Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội

Các mô hình dự báo lũ truyền thống thường dựa vào thông tin về lượng mưa, lưu lượng, mực nước được đo đạc tại các vị trí quan trắc hay được mô phỏng bởi mô hình theo thời gian thực. Phương pháp này cho hạn dự báo phụ thuộc vào kích thước của lưu vực và tương đối ngắn đối với các lưu vực nhỏ và dốc. Trong khi đó, dự báo lũ dựa vào lượng mưa được dự báo bởi các mô hình dự báo thời tiết số trị (NWP) ngày càng cho thấy mức độ chính xác với hạn dự báo dài. Do đó, việc ứng dụng mô hình NWP vào dự báo lũ là một giải pháp triển vọng, giúp cải thiện hạn dự báo. Trong nghiên cứu này, mô hình dự báo thời tiết (WRF) sẽ được áp dụng nhằm chi tiết hóa số liệu dự báo mưa toàn cầu từ mô hình GSM của Nhật Bản và đưa ra dự báo từ 1-3 ngày trước khi các trận lũ xảy ra. Kết quả nghiên cứu cho thấy mô hình WRF thiết lập cho lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn đưa ra những dự báo rất sát với dữ liệu quan trắc.

Từ khóa: Dự báo mưa, lũ; chi tiết hóa động lực; Vu Gia-Thu Bồn.

74

Nghiên cứu xác định nguyên nhân chính gây sạt lở đất và đề xuất giải pháp đảm bảo an toàn cho khu vực trường THPT Nội trú  và thôn Aring của huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam

Hoàng Ngọc Tuấn
Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên

Năm 2020 có thể nói là một năm xảy ra nhiều thiên tai bất thường nhất trên khu vực miền Trung trong đó lũ quét và sạt lở đất miền núi đã gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho vùng miền núi tỉnh Quảng Nam trong đó có Trường THPT Võ Chí Công thuộc xã Axan huyện Tây Giang. Sạt lở đã gây hoang mang, lo lắng cho nhà trường và chính quyền về sự an toàn của trường học. Vì vậy cần phải xác định được nguyên nhân chính gây sạt lở cũng như đề xuất giải pháp đảm bảo an toàn cho trường học mới được xây dựng cũng như khu dân cư xung quanh là rất cần thiết và cáp bách. Bài báo này sẽ giới thiệu cụ thể các nội dung trên.

Từ khóa: Sạt lở đất, Trường Nội trú Võ Chí Công, Tây giang, Quảng Nam

84

Ứng dụng mô hình Mike Basin tính toán cân bằng nước trên lưu vực sông Srêpôk hiện tại, 2030, 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu

 

Nguyễn Minh Việt
Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo

 

Sông Srêpôk là một trong 4 con sông lớn ở Tây Nguyên, cung cấp nước tưới cho khoảng 66 nghìn hecta đất canh tác. Hơn nữa, nó là nguồn cung cấp nước chính cho sinh hoạt và hỗ trợ cho sự phát triển công nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Gần đây, với sự xuất hiện của một số hồ thủy điện lớn ở thượng nguồn như thủy điện Buôn Tua Srah, thủy điện Buôn Kuôp, thủy điện Srêpôk 3,…đã ảnh hưởng không nhỏ đến dòng chảy hạ lưu. Để kiểm soát việc sử dụng nước hiệu quả, việc cân bằng nguồn nước là hết sức quan trọng. Tác giả đã thiết lập một tập hợp các thông số mô hình Mike Basin phù hợp với lưu vực sông Srêpôk và áp dụng nó để kiểm soát cân bằng nước đến năm 2030, 2050 dưới tác động của biến đổi khí hậu. Kết quả sẽ là cơ sở dữ liệu để đề xuất các giải pháp khoa học và công nghệ về hiệu quả và tính bền vững trong kiểm soát và khai thác tài nguyên nước mặt ở Tây Nguyên

95

Đánh giá ô nhiễm và sức tải môi trường khu vực vùng nuôi hải sản tỉnh Kiên Giang

Phan Mạnh Hùng,
Phạm Văn Tùng,
Lượng Hữu Phú,
Hà Thị Xuyến,
Nguyễn Thị Hàn Ni

Viện Kỹ thuật Biển
                                                       

Tải lượng ô nhiễm vào khu vực vùng biển Kiên Giang được tính toán dựa trên số liệu hiện trạng cũng như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng đến năm 2030. Bằng phương pháp đánh giá tải lượng thải từ các hoạt động, kết quả tính toán cho thấy, năm 2020 vùng biển Kiên Giang đã tiếp nhận 86852,67 tấn COD; 16232,736 tấn BOD; 105,794 tấn NO2-; 4311,699 tấn NH4+ và khoảng 1729,128 tấn PO4 từ các hoạt động dân cư, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, rửa trôi đất đổ vào. Đến năm 2030, lượng chất thải này sẽ tăng lên khoảng 1,1 - 1,2 lần, với các nguồn gây ô nhiễm chính là dân cư, chăn nuôi. Bên cạnh đó bản đồ rủi ro ô nhiễm vùng biển Kiên Giang đã được xây dựng trong nghiên cứu này. Ngoài ra, dựa vào kết quả tính toán sức tải môi trường, diện tích cũng như sản lượng nuôi ở các khu vực nuôi biển tiềm năng đã được đề xuất ở vùng biển Kiên Giang lần lượt là 23000 ha và 180000 tấn cho định hướng năm 2030, trong đó tập trung ở hai khu vực là đảo Phú Quốc và quần đảo Nam Du.

Từ khóa: Ô nhiễm, Sức tải môi trường, Nuôi biển, Kiên Giang.

105

Đánh giá hiệu quả thay thế của nhà máy thủy điện mở rộng

Hoàng Công Tuấn
Trường Đại học Thủy lợi

Để tích hợp nguồn điện năng lượng tái tạo với tỷ trọng ngày càng tăng thì việc phát triển các nhà máy thủy điện mở rộng hiện đang là một giải pháp hữu hiệu giúp hệ thống điện vận hành ổn định và an toàn. Đến nay vẫn chưa có cơ chế chính sách giá điện cho nhà máy thủy điện mở rộng. Bài báo đã đưa ra phương pháp luận để đánh giá hiệu quả thay thế khi mở rộng nhà máy thủy điện, là cơ sở giúp cho việc xây dựng cơ chế chính sách giá điện cho các nhà máy thủy điện mở rộng. Kết quả áp dụng tính toán cho hai giai đoạn 2020-2029 và 2030-2045 đã chọn được phương án nguồn điện thay thế hợp lý nhất khi tính toán đầu tư các dự án nhà máy thủy điện mở rộng nhằm mang lại hiệu quả trong thực thế vận hành.

Từ khóa: Thủy điện, Nhà máy thủy điện mở rộng, Giá điện, Hệ thống điện

113

Nghiên cứu sử dụng xi măng và phụ gia khoáng để cứng hóa đất bùn nạo vét tại tỉnh Cà Mau

 

Ngô Anh Quân
Viện Thủy công

Nguyễn Quang Phú
Trường Đại học Thủy lợi

Sử dụng hỗn hợp xi măng kết hợp với các phụ gia khoáng (tro bay và xỉ lò cao) để cứng hóa đất bùn nạo vét làm vật liệu thay thế cát là rất cần thiết tại những vùng xây dựng khan hiếm về nguồn cát tự nhiên. Trong nghiên cứu sử dụng các hỗn hợp gồm (xi măng + tro bay), (xi măng + xỉ lò cao) và (xi măng + xỉ lò cao + tro bay) để cứng hóa đất bùn ở các vùng nước khác nhau gồm nước lợ, nước ngọt và nước mặn tại tỉnh Cà Mau. Đất bùn cứng hóa đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật để thay thế cát trong san lấp mặt bằng. Kết quả thí nghiệm cho thấy sử dụng phương pháp cứng hóa đất bùn bằng hỗn hợp (xi măng + xỉ lò cao + tro bay) cho hệ số thấm của đất bùn cứng hóa rất thấp, Kt = 4.1×10-8 đến 5.5×10-8 m/s, cường độ của đất bùn cứng hóa tăng từ 12.2% đến 15.4% so với mẫu đất bùn cứng hóa bằng xi măng.

Từ khóa: Xi măng; xỉ lò cao hoạt tính; tro bay; đất bùn cứng hóa.