TextBody
Huy chương 2

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 73 năm 2022

THỂ LỆ VIẾT BÀI

Bài viết phải đảm bảo chưa công bố, đăng tải trên các Báo, Tạp chí, độ dài không quá 10 trang, được đánh máy vi tính theo phông Times New Roman, cỡ chữ 12, in trên khổ A4 kèm theo file hoặc gửi qua Email. Bài viết sử dụng tiếng Việt, kèm theo tóm tắt nội dung bằng tiếng Việt và tiếng Anh (không quá 200 từ). Công thức được viết theo Equation Editor và đánh số thứ tự về bên phải. Các bản vẽ phải đúng quy định vẽ kỹ thuật, kích thước không quá 15 x 20cm. Các bài có bản đồ từng vùng hoặc cả nước cần vẽ theo mẫu chính xác, đúng theo quy cách hiện hành, các bản vẽ, biểu bảng phải đánh số thứ tự.

Thứ tự sắp xếp bài báo:

- Tên bài báo

- Họ và tên tác giả, học hàm, học vị, cơ quan công tác

- Tóm tắt nội dung (bằng tiếng Việt).

- Tóm tắt nội dung (bằng tiếng Anh)

- Nội dung bài báo.

- Tài liệu tham khảo: đặt liền với bài và ghi thứ tự, số thứ tự được đặt trong [ ].

Trích dẫn tên đề tài công bố.

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THỦY LỢI
SỐ 73 (08-2022)

Trang

Tên bài báo

Tác giả

Tóm tắt

2

Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Nguyễn Văn Tỉnh
Lê Hùng Nam

Tổng cục Thủy lợi

Đỗ Văn Thành
Viện Quy hoạch Thủy lợi

Quy hoạch thủy lợi và phòng, chống thiên tai thời kỳ 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch ngành quốc gia lần đầu được lập, phù hợp với chiến lược phát triển ngành liên quan, với cách tiếp cận mới, giải quyết các vấn đề có tính chất liên vùng, liên tỉnh, đồng bộ kết cấu hạ tầng, đã cụ thể hóa lộ trình, giải pháp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng tại Chiến lược phát triển Thủy lợi Việt Nam, Chiến lược quốc gia về phòng chống thiên tai, Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Giải pháp quy hoạch đề xuất cho giai đoạn trung hạn năm 2030, dài hạn đến năm 2050, như tích trữ, kết nối, điều hòa cân đối nguồn nước trên phạm vi quốc gia, cấp nước cho các vùng khó khăn, thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước; tiêu, thoát nước, phòng, chống lũ, ngập lụt, úng, chống ngập đô thị, phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do các loại hình thiên tai khác gây ra, phù hợp với đặc thù vùng, miền có tính đến tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai cực đoan, yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và các tác động từ bên ngoài lãnh thổ. Quy hoạch cũng là cơ sở, định hướng cho bước lập quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành thủy lợi, phòng chống thiên tai, quy hoạch vùng, tỉnh.

Từ khóa: Quy hoạch thủy lợi, phòng chống lũ, đê điều; tưới, cấp nước; tiêu, thoát nước, chống ngập; hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nước; biến đổi khí hậu.

8

Nghiên cứu phát triển một số kết cấu mới chống tràn cho đê sông và khả năng áp dụng tại Việt Nam

Nguyễn Tiếp Tân
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Nguyễn Chí Thanh
Trần Thị Nga
Vũ Lê Minh

Viện Thủy công

Chống tràn đỉnh đê sông do lũ là nhu cầu cấp thiết tại Việt Nam. Tuy nhiên các giải pháp phòng chống tràn đỉnh đê sông do lũ hiện nay có nhiều tồn tại như thời gian thi công chậm, yêu cầu các khu dự trữ vật liệu. Để khắc phục các tồn tại trên, nhóm nghiên cứu đã phát triển 03 kết cấu chống tràn mới: (1) kết cấu chống tràn dạng tường phai bằng xốp bọc composite, (2) kết cấu chống tràn dạng bản chống và (3) tường chống tràn lắp ghép bằng cấu kiện bê tông hộp rỗng.  Các loại kết cấu này được thiết kế chi tiết, tính toán mô hình số và thí nghiệm mô hình vật lý để tối ưu và chế tạo. Bài báo cũng đã phân tích các yếu tính mới và điều kiện áp dụng của từng loại giải pháp kết cấu, đánh giá hiệu quả so với các giải pháp truyền thống, từ đó cho thấy được tính khả thi của các giải pháp chống tràn di động trong việc giải quyết vấn đề chống tràn đê sông do lũ với điều kiện kỹ thuật, kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Từ khóa: lũ; tràn đỉnh; đê sông; xốp bọc composite; bản chống; bê tông hộp rỗng

18

Cơ sở khoa học đề xuất mặt cắt đê biển có kết cấu ¼ trụ rỗng trên đỉnh áp dụng đê biển đồng bằng sông Cửu Long

Phan Đình Tuấn
Trần Đình Hòa

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Từ kết quả số liệu đo đạc lưu lượng tràn trên thí nghiệm mô hình vật lý, tác giả đã đánh giá sóng tràn, sóng phản xạ qua 3 dạng mặt cắt đê biển (1) mặt cắt mái nghiêng (2) mặt cắt mái nghiêng kết hợp tường đỉnh (3) mặt cắt có kết cấu 1/4 hình trụ rỗng trên đỉnh (TSD) với cùng cao trình đỉnh. Qua đó đánh giá hiệu quả sóng tràn của mặt cắt đê biển có kết cấu 1/4 hình trụ rỗng trên đỉnh là tương đương mặt cắt đê mái nghiêng kết hợp tường đỉnh. Đồng thời, hệ số sóng phản xạ kr =0,37 ÷ 0,6 có giá trị tương đương với đê mái nghiêng kr = 0,37 ÷ 0,66 và tốt hơn đê mái nghiêng kết hợp tường đỉnh kr= 0,52 ÷ 0,71.

Từ khóa: Cấu kiện ¼ trụ rỗng; sóng tràn; sóng phản xạ; tỷ lệ lỗ rỗng; mô hình vật lý

25

Thí nghiệm về trao đổi trầm tích lơ lửng qua các đê giảm sóng kết cấu rỗng ở đồng bằng sông Cửu Long

Nguyễn Nguyệt Minh
Đỗ Văn Dương
Lê Duy Tú
Trần Thùy Linh

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Nguyễn Công Thành
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Tp Hồ Chí Minh

Bài báo này đánh giá khả năng trao đổi trầm tích lơ lửng của các công trình đê giảm sóng kết cấu rỗng đã được áp dụng ở vùng bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long. Ba kết cấu được đánh giá, bao gồm kết cấu xốp rỗng (Đê cọc ly tâm đổ đá hộc, CMD), đê giảm sóng thân rỗng đục lỗ hai mặt (TC1, DRT/VTC), và đê giảm sóng tường mái nghiêng hở chân (CWB45). Trong nghiên cứu này, mô hình FLOW3D được áp dụng để phân tích cấu trúc dòng chảy theo phương thẳng đứng ở vị trí phía trước và sau các dạng kết cấu. Mô hình vật lý trong các thí nghiệm máng sóng được sử dụng để đánh giá tác động của kết cấu đối với sự trao đổi trầm tích. Kết quả cho thấy, các kết cấu xốp rỗng, đê giảm sóng thân rỗng, tường nghiêng hở chân có khả năng trao đổi môi trường tốt. Đê giảm sóng thân rỗng đục lỗ (TC1 & DTR/VTC) có lợi thế khác biệt trong việc tích tụ trầm tích mịn phía sau công trình. Vì vậy, các loại đê giảm sóng kết cấu rỗng có khả năng trao đổi trầm tích mịn được khuyến khích áp dụng nhằm hỗ trợ bùn cát hạt mịn tích tụ phía sau đê giảm sóng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phục hồi rừng ngập mặn, tăng cường đa dạng sinh học và cải thiện hệ sinh thái ven biển.

Từ khóa: Đê giảm sóng kết cấu xốp rỗng, đê giảm sóng thân rỗng đục lỗ hai mặt, trao đổi trầm tích lơ lửng, thí nghiệm vật lý, máng sóng, đồng bằng sông Cửu Long

34

Thiết kế cấp phối hỗn hợp SILICA-SOL - xi măng để xử lý khẩn cấp sự cố thấm nền cát công trình thủy lợi

 

Nguyễn Văn Chính
Nguyễn Quang Bình,
Nguyễn Thanh Tuấn
Nguyễn Thị Mai Phương

Viện Thủy Công - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Trong bài báo này, tác giả đã thiết kế thành phần cấp phối Silica-Sol – Xi măng đổ vào Cát vàng để nghiên cứu khả năng chống thấm khẩn cấp và điều kiện làm việc lâu dài của màng chống thấm nền cát công trình thủy lợi. Kết quả thí nghiệm trong phòng cho thấy khi tỷ lệ Silicate-Xi măng (S/C) đạt 40% - 60%, tỷ lệ nước - Xi măng (W/C) lấy trong khoảng 50% - 70%, tỷ lệ hỗn hợp Silica-Sol- Xi măng (S-S-C) so với Cát khuyến cáo dùng trong khoảng 30% - 50% sẽ đảm bảo về điều kiện thi công và hiệu quả chống thấm khẩn cấp khi dùng giải pháp KPHC. Kết quả nghiên cứu của bài báo sẽ góp phần quan trọng củng cố cơ sở lý luận cho giải pháp KPHC để triển khai áp dụng rộng rãi trong thời gian tới.

Từ khóa: Chống thấm khẩn cấp, Khoan phụt hóa chất, Cấp phối Silica-Sol – Xi măng, Chống thấm công trình thủy lợi

44

Cơ sở lý luận và thực tiễn về huy động nguồn lực xã hội để chủ động phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu phục vụ xây dựng nông thôn mới

Trần Văn Đạt
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Nguyễn Đức Quang
Tổng cục Phòng, Chống Thiên tai – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Tiêu chí về phòng chống thiên tai đã được đề xuất, sau đó được ban hành cùng với hướng dẫn thực hiện tiêu chí, đã áp dụng trong xây dựng nông thôn. Qua thực tế triển khai ở các địa phương cho thấy, một số nơi đã thực hiện rất tốt các hoạt động phòng chống thiên tai (PCTT), góp phần đảm bảo an toàn cho người dân và các hệ thống sản xuất và hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn. Tuy nhiên, ở nhiều nơi khác, do chưa tổ chức huy động hoặc sắp xếp được nguồn lực hợp lý nên việc triển khai công tác PCTT chưa đáp ứng được yêu cầu và tình hình thiên tai ở địa phương. Trong khuôn khổ bài báo này, tác giả tập trung thảo luận cơ sở lý luận và thực tiễn về huy động nguồn lực xã hội để triển khai các hoạt động PCTT và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) với hy vọng góp phần nâng cao hiệu quả huy động các nguồn lực xã hội để hiện thực hóa tiêu chí (tiêu chí 3.2) trong xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện nay.

Từ khóa: Biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, huy động nguồn xã hội

56

Đánh giá sự triết giảm sóng ven bờ cho loại đê  tái sử dụng lốp xe ô tô làm vật liệu chắn sóng

 

Nguyễn Phú Quỳnh
Đỗ Đắc Hải
Trần Văn Trương

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Vũ Hoàng Hoa
Trường Đại học Thủy lợi

Trong những năm gần đây, tình hình xói lở, xâm thực bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL có xu hướng ngày càng tăng. Hiện tại, đã có nhiều giải pháp công trình được thực thi nhằm hạn chế xói lở, xâm thực bờ biển, một số giải pháp đã từng bước phát huy hiệu quả giảm sóng, gây bồi tạo bãi. Nghiên cứu này nhóm tác giả đề xuất giải pháp tái sử dụng lốp xe cũ làm vật chắn sóng. Bài báo trình bày hiệu quả giảm sóng ven bờ của dạng công trình này dựa trên một nghiên cứu cụ thể tại bờ biển Thạnh Phú thuộc tỉnh Bến Tre.

Từ khóa: Lốp ô tô cũ; giảm sóng, đê giảm sóng; đê nhô; đồng bằng sông Cửu Long; rừng ngập mặn

65

Phân tích thực trạng và đề xuất giải pháp tài chính bền vững cho các tổ chức thủy lợi cơ sở

Trần Chí Trung
Nguyễn Văn Kiên
Phạm Duy Anh Tuấn

Trung tâm Tư vấn quản lý thủy nông có sự tham gia của người dân - PIM

Một trong những chính sách mới về quản lý khai thác công trình thủy lợi theo Luật Thủy lợi (2017) là chính sách chuyển từ phí sang giá sản phẩm dịch vụ (SPDV) thủy lợi. Tuy nhiên do điều kiện công trình, năng lực quản lý công trình thủy lợi ở các vùng miền khác nhau, nên các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ tiền sử dụng SPDV công ích thủy lợi khác nhau. Trên cơ sở phân tích thực trạng tài chính của các tổ chức thủy lợi cơ sở ở các vùng miền, nghiên cứu này đề xuất các giải pháp tài chính bền vững cho các tổ chức thủy lợi cơ sở để quản lý, khai thác hiệu quả công trình thủy lợi là: (i) Giải pháp về phương thức, cơ chế hỗ trợ tiền sản phẩm DVTL; (ii) giải pháp sử dụng kinh phí hỗ trợ sản phẩm DVTL và (iii) giải pháp tăng cường năng lực cho các tổ chức thủy lợi cơ sở. 

Từ khóa: Sản phẩm dịch vụ thủy lợi, tổ chức thủy lợi cơ sở, tự chủ tài chính

75

Phân tích diễn biến nguồn nước vùng sản xuất tôm - lúa huyện An Biên và An Minh tỉnh Kiên Giang

 

Doãn Văn Huế
Lê Thị Vân Linh
Tiến Thị Xuân Ái
Tô Duy Hoàn
 
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Tô Văn Thanh
Công ty TNHH MTV KTTL Dầu Tiếng - Phước Hòa

Mô hình sản xuất tôm - lúa đang được mở rộng phát triển trên hầu hết địa bàn huyện An Biên và An Minh tỉnh Kiên Giang do mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với môi trường sinh thái. Tuy nhiên, hệ thống công trình thủy lợi trên vùng hiện nay chưa được đồng bộ do hạn chế kinh phí đầu tư nên chưa chủ động được nguồn nước phục vụ sản xuất, có thời điểm mặn lên quá cao ảnh hưởng đến vụ nuôi tôm, đầu vụ lúa gặp khó khăn nguồn nước rửa mặn, cuối vụ lúa bị mặn xâm nhập làm ảnh hưởng đến năng suất lúa. Vì vậy, việc nghiên cứu diễn biến nguồn nước trên vùng này sẽ giúp đề xuất được giải pháp quản lý nguồn nước đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của vùng.

85

Giải pháp hạ tầng thủy lợi kiểm soát ngập lũ, triều cường và cấp nước mùa khô trên địa bàn tỉnh An Giang và vùng phụ cận trong bối cảnh thay đổi của thượng nguồn sông mê công và biến đổi khí hậu

Nguyễn Thanh Hải
Tăng Đức Thắng
Nguyễn Văn Hoạt
Đào Việt Hưng

Phạm Ngọc Hải
Phạm Văn Giáp
Dương Thị Thùy Dung

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Trong bối cảnh thay đổi của thượng nguồn sông Mê Kông và biến đổi khí hậu, xây dựng và phát triển hạ tầng nói chung, hạ tầng thủy lợi nói riêng là rất cần thiết nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả cho các giải pháp khai thác và sử dụng nguồn nước hợp lý (nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản) để phát triển bền vững kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang và vùng phụ cận. Bài viết giới thiệu nội dung chính nghiên cứu đề xuất giải pháp hạ tầng thủy lợi kiểm soát lũ, triều cường và cấp nước mùa khô cho vùng nghiên cứu.

Từ khóa: Hạ tầng thủy lợi, tỉnh An Giang và vùng phụ cận, vùng ĐBSCL

97

Thực trạng triển khai hoạt động phòng, chống thiên tai trong xây dựng nông thôn mới và một số đề xuất về giải pháp huy động nguồn lực

Nguyễn Đức Quang
Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai

Lê Vũ Ngọc Kiên
Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn

Nguyễn Quỳnh Nga
Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính

Trước những tác động ngày càng khắc nghiệt của thiên tai và biến đổi khí hậu, phương châm 4 tại chỗ trong phòng, chống thiên tai (PCTT) đã trở thành nguyên tắc khoa học và phát huy được hiệu quả càng lớn khi được gắn liền với mọi hoạt động phát triển ở cấp xã, đặc biệt là góp phần đảm bảo các yếu tố an toàn trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Việc Chính phủ quyết định bổ sung nội dung tiêu chí về “Đáp ứng yêu cầu chủ động phòng chống thiên tại theo quy định tại chỗ” vào Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 (tiêu chí số 3.2) có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực PCTT tại cơ sở theo phương châm 4 tại chỗ. Tuy nhiên, để thực hiện tốt yêu cầu nhiệm vụ trên cần có nguồn lực rất lớn, không chỉ từ ngân sách nhà nước mà phải từ cả xã hội và cộng đồng người dân. Thực tế tại nhiều địa phương, nguồn lực cho công tác PCTT nói chung và an toàn PCTT trong xây dựng nông thôn mới còn nhiều hạn chế như lực lượng PCTT ít được tập huấn kỹ năng thường xuyên, trang thiết bị thô sơ, v.v. Bài báo đã tổng hợp và phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức của các mô hình thực tế, từ đó đề xuất những giải pháp thiết thực, phù hợp để huy động được tối đa các nguồn lực từ xã hội, đặc biệt là người dân, cộng đồng nhằm nâng cao hiệu quả PCTT nói chung và công tác an toàn PCTT trong xây dựng nông thôn mới nói riêng.

Từ khóa: Thiên tai, biến đổi khí hậu (BĐKH), phòng chống thiên tai (PCTT), xây dựng nông thôn mới (NTM), huy động nguồn lực xã hội

107

Ứng dụng phương pháp FUZZY AHP đo lường mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến sự sẵn sàng tham gia của tư nhân vào lĩnh vực cung cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Nam

 

Nguyễn Minh Tiến
Nguyễn Hữu Huế

Trường Đại học Thủy lợi

 

Hiện nay phương pháp phân tích thứ bậc AHP (Analytic Hierarchy Process) đã được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như khoa học tự nhiên, kinh tế, xã hội, y tế,… Đây được xem như một công cụ linh hoạt giúp xác định trọng số của các mục tiêu, hỗ trợ phân tích quyết định với nhiều tiêu chí. Tuy nhiên, do sự mơ hồ hay không chắc chắn của phương pháp nên kết quả đánh giá chưa đủ và chưa chính xác để đưa ra quyết định. Để khắc phục hạn chế của AHP có nhiều nghiên cứu đã đề xuất giải pháp kết hợp AHP với logic mờ (Fuzzy) để tạo thành phương pháp Fuzzy AHP (F-AHP) trong so sánh cặp. Phương pháp này cho phép mô tả chính xác hơn, giúp cho người ra quyết định tự tin hơn.

Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã sử dụng phương pháp F-AHP để xác định trọng số của 21 nhân tố ảnh hưởng đến sự sẵn sàng tham gia của tư nhân vào lĩnh vực cung cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Những nhân tố có trọng số càng cao thì mức độ ảnh hưởng càng lớn và ngược lại .

Từ khoá: Nước sạch nông thôn, FAHP, logic mờ, cấu trúc thứ bậc, hợp tác công tư.