TextBody
Huy chương 2

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 74 năm 2022

THỂ LỆ VIẾT BÀI

Bài viết phải đảm bảo chưa công bố, đăng tải trên các Báo, Tạp chí, độ dài không quá 10 trang, được đánh máy vi tính theo phông Times New Roman, cỡ chữ 12, in trên khổ A4 kèm theo file hoặc gửi qua Email. Bài viết sử dụng tiếng Việt, kèm theo tóm tắt nội dung bằng tiếng Việt và tiếng Anh (không quá 200 từ). Công thức được viết theo Equation Editor và đánh số thứ tự về bên phải. Các bản vẽ phải đúng quy định vẽ kỹ thuật, kích thước không quá 15 x 20cm. Các bài có bản đồ từng vùng hoặc cả nước cần vẽ theo mẫu chính xác, đúng theo quy cách hiện hành, các bản vẽ, biểu bảng phải đánh số thứ tự.

Thứ tự sắp xếp bài báo:

- Tên bài báo

- Họ và tên tác giả, học hàm, học vị, cơ quan công tác

- Tóm tắt nội dung (bằng tiếng Việt).

- Tóm tắt nội dung (bằng tiếng Anh)

- Nội dung bài báo.

- Tài liệu tham khảo: đặt liền với bài và ghi thứ tự, số thứ tự được đặt trong [ ].

Trích dẫn tên đề tài công bố.

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THỦY LỢI
SỐ 74 (10-2022)

Trang

Tên bài báo

Tác giả

Tóm tắt

2

Tính thích nghi của các hệ thống canh tác với điều kiện tự nhiên ở vùng ven biển tây đồng bằng sông Cửu Long

Doãn Văn Huế, Tiến Thị Xuân Ái, Lê Thị Vân Linh
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Tô Văn Thanh
Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi miền Nam

 

Biến đổi khí hậu (BĐKH) được Liên hợp quốc xác định là một thách thức đặc biệt lớn đối với nhân loại trong thế kỷ XXI. Thống kê về số liệu thiệt hại về kinh tế do BĐKH gây ra trung bình mỗi năm lên tới khoảng 125 tỷ USD, ước tính đến năm 2030 sẽ là 600 tỷ USD. Thiệt hại do BĐKH ở Việt Nam ước tính chiếm 1,0 - 1,5% so với tổng GDP cả nước; đặc biệt tần suất và cường độ diễn biến của thiên tai (lũ lụt, bão, mưa, hạn hán, nắng nóng, rét đậm - rét hại, mặn và nước biển dâng) tăng tính dị thường theo hướng cực đoan nên rất khó dự báo và ứng phó dẫn đến mức thiệt hại tăng đáng kể.

Đối mặt với những thách thức của BĐKH và dựa trên định hướng phát triển bền vững ĐBSCL theo Nghị quyết 120/NQ-CP thì việc nghiên cứu tính thích nghi của mô hình sản xuất nông nghiệp đang và sẽ triển khai phù hợp với điều kiện tự nhiên trong điều kiện BĐKH ở vùng ven biển Tây ĐBSCL góp phần cải thiện sinh kế của người dân

14

Phân tích cấu trúc chứa nước dựa trên kết quả đo địa vật lý tại các đảo lớn thuộc quần đảo Nam Du, tỉnh Kiên Giang

Vũ Ngọc Bình, Đỗ Thế Quynh
Viện Thủy công

Kết quả đo sâu điện tại các đảo Hòn Lớn, Hòn Ngang và Hòn Mấu thuộc quần đảo Nam Du – tỉnh Kiên Giang được thực hiện bằng phương pháp đo sâu ảnh điện 2D. Từ kết quả nghiên cứu chúng tôi đã xác định được các vị trí hố khoan thăm dò địa chất thủy văn tại các tuyến đo trên các đảo. Kết quả phân tích số liệu cũng xác định được các đới có khả năng chứa nước là L1, L3, L4, L5 trên đảo Hòn Lớn; N1, N3 trên đảo Hòn Ngang và M1, M2, M3 trên đảo Hòn Mấu và các đới nhiễm mặn trên các đảo.

Từ khóa: Đo sâu điện, điện trở suất, phân tích số liệu, đới chứa nước, đới nhiễm mặn.

23

Nghiên cứu đề xuất, lựa chọn giải pháp công nghệ tiêu giảm sóng mới hiệu quả và phù hợp đối với vùng

ven biển Nam Định

Doãn Tiến Hà
Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực học sông biển

Để bảo vệ bờ, chống xói lở cũng như nâng cao an toàn cho đê biển hiện trạng, tại Nam Định đã sử dụng các giải pháp công trình giảm sóng, gây bồi, phổ biến nhất là sử dụng hệ thống mỏ hàn biển (MHB), đê giảm sóng (ĐGS), hoặc kết hợp chúng để tạo thành hệ thống ngăn cát giảm sóng (NCGS). Nghiên cứu này nhằm xem xét, đánh giá và đưa ra được những luận cứ khoa học, đồng thời dựa trên những điều kiện thực tiễn (điều kiện tự nhiên, tính khả thi, hiệu quả kinh tế,…) để có thể lựa chọn được giải pháp phù hợp, hiệu quả nhất đối với khu vực nghiên cứu.

Từ khóa: Đê biển, Mỏ hàn biển, Đê giảm sóng, Ngăn cát giảm sóng

35

Nghiên cứu tính toán ngập lụt và tiêu thoát lũ hạ du hồ Kẻ Gỗ tỉnh Hà Tĩnh

Trần Ngọc Bích, Nguyễn Thị Thu Huyền, Nguyễn Thanh Hùng, Vũ Đình Cương
Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc Gia về động lực học sông biển

Nguyễn Đức Chính
Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 4

Hồ Kẻ Gỗ là công trình thủy lợi lớn nhất hiện nay tại Hà Tĩnh, diện tích lưu vực đến vị trí đầu mối khoảng 223km2, có nhiệm vụ chính là cung cấp nước tưới, nước sinh hoạt và công nghiệp. Nguyên nhân gây ra ngập lụt vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ bao gồm thủy triều, mưa lớn, bão lũ. Vấn đề ngập lụt trở nên nghiêm trọng hơn do hệ thống công trình trong tiêu thoát lũ lưu vực chưa hoàn thiện và đáp ứng được khả năng tiêu thoát một cách nhanh chóng và kịp thời. Bài báo sử dụng mô hình MIKE FLOOD để mô phỏng dòng chảy lũ và ngập lũ hạ du hồ Kẻ Gỗ trên cơ sở đó đánh giá hiện trạng ngập lụt trong lưu vực. Bài viết này tập trung vào thực trạng lũ lụt vùng hạ du hồ chứa Kẻ Gỗ qua đó đưa ra các giải pháp chống ngập, hạn chế rủi ro do ngập úng một cách phù hợp.

Từ khóa: Ngập lụt, tiêu thoát lũ, hạ du hồ Kẻ Gỗ

45

Nghiên cứu đánh giá nguy cơ xói lở vùng ven biển Sóc Trăng và đề xuất giải pháp công trình giảm thiểu bằng mô hình toán

Lê Thanh Chương, Nguyễn Bình Dương
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Từ những năm 2010 đến nay, địa bàn tỉnh Sóc Trăng có tổng cộng 3 khu vực xảy ra xói lở bờ biển ở cấp độ nguy hiểm với tổng chiều dài gần 20 km. Các đoạn này tập trung vào vùng ven bờ các xã Vĩnh Hải và Vĩnh Tân-Lai Hoa. Trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu giải pháp hợp lý và công nghệ thích hợp phòng chống xói lở, ổn định bờ biển đoạn từ Sóc Trăng đến Mũi Cà Mau”, nhóm nghiên cứu đã nỗ lực làm rõ và đánh giá nguy cơ các đoạn đang bị sạt lở và đề xuất giải pháp công trình phù hợp dựa trên cơ sở công tác mô phỏng bằng mô hình toán.

56

Tiềm năng định hướng phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang và vùng phụ cận trong bối cảnh thay đổi  của thượng nguồn sông Mê Kông và biến đổi khí hậu

Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Văn Hoạt, Đào Việt Hưng,
Phạm Ngọc Hải, Phạm Văn Giáp, Dương Thị Thùy Dung

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Nguyễn Trọng Uyên
Phân viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp

 

Tỉnh An Giang và vùng phụ cận thuộc vùng thượng của đồng bằng sông Cửu Long, có tiềm năng và lợi thế nông nghiệp nổi bật như đất phù sa màu mỡ được bồi hàng năm chiếm tỉ lệ lớn, nguồn nước ngọt dồi dào hơn các tỉnh khác ở đồng bằng, nhưng cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề hơn bởi các yếu tố bất lợi do tác động của biến đổi khí hậu và sự thay đổi thượng nguồn sông Mê Công. Trong bối cảnh thay đổi như đề cập và yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội đặt ra, bài viết giới thiệu kết quả nghiên cứu phân tích, đánh giá tiềm năng và định hướng phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp trên địa bàn tỉnh An Giang và vùng phụ cận.

Từ khóa: Sản xuất nông nghiệp, tỉnh An Giang và vùng phụ cận, vùng ĐBSCL.

68

Nghiên cứu đánh giá hiệu quả giảm sóng gây bồi của các cụm công trình trọng điểm tại các bãi biển Hải Hậu, Nam Định

Doãn Tiến Hà, Vũ Công Hữu
Phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực học sông biển

Dương Thanh Quỳnh
Trường đại học Xây dựng Hà Nội

 

Huyện ven biển Hải Hậu tỉnh Nam Định đã bị tác động mạnh bởi quá trình biển xâm thực. Trước tình hình đó, các công trình ngăn cát giảm sóng đã được xây dựng nhằm bảo vệ bãi biển. Các công trình này có dạng kè mỏ hàn và kè mỏ hàn dạng chữ T. Nghiên cứu này sử dụng phương pháp mô hình toán để đánh giá hiệu quả của các cụm công trình kè mỏ hàn chữ T tại khu vực ven biển Hải Hậu. Các kết quả cho thấy nguyên nhân gây ra tính hiệu quả thấp của cụm công trình trong việc gây bồi bãi biển.

77

Nghiên cứu ứng dụng giải đoán ảnh viễn thám trong xây dựng bản đồ thiệt hại ngập lụt thành phố Cần Thơ

Vũ Thị Minh Huệ
Trường Đại học Thủy lợi

Phan Mạnh Hưng
Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc

Đinh Thị Hải Yến
Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc

Nguyễn Thị Minh Tâm
Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

Ngày nay công nghệ viễn thám và GIS được ứng dụng rộng khắp trong nhiều lĩnh vực trên thế giới. Với khả năng phân tích và hiển thị thông tin, công nghệ viễn thám và GIS được ứng dụng trong tài nguyên nước để Lập bản đồ phân bố tài nguyên nước, Bản đồ phân bố mạng lưới thủy văn: Đánh giá định lượng lượng mưa, bão, lũ lụt và hạn hán; Bản đồ các vùng đất thấp, vùng trũng bị ngập lụt, phân vùng khí hậu, … Nghiên cứu này ứng dụng công nghệ giải đoán ảnh Sentinel-1 và phương pháp lượng hóa mức độ tổn thất do lũ lụt trong xây dựng bản đồ phân bố không gian thiệt hại lũ lụt cho trận lũ ngày 09/10/2018 tại Thành phố Cần Thơ. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, các huyện nằm ngoài đê sông không được bảo vệ nên thường xuyên bị ngập lụt với diện tích lớn, nhiều nơi có độ sâu ngập trên 1,5 m. Khu vực trong đê tuy diện tích ngập trên 88% nhưng phổ biến ở mức ngập dưới 0,5 m. Trận lũ đã khiến Cần Thơ thiệt hại gần 26,5 tỷ đồng xét trên 06 nhóm sử dụng đất gồm: Nuôi trồng thủy sản, Cây hoa màu, Lúa hai vụ, Cây ăn quả, Phi nông nghiệp và Lúa ba vụ. Kết quả nghiên cứu là thông tin hữu ích giúp địa phương xây dựng phương án ứng phó, tăng cường khả năng thích ứng và giảm thiểu thiệt hại ngập lụt.

Từ khóa: Viễn thám; Sentinel-1; Rủi ro; Thiệt hại; Bản đồ ngập lụt; Bản đồ rủi ro thiệt hại ngập lụt.

85

Giải pháp phát triển bền vững bờ biển vùng cửa sông Cửu Long: Nghiên cứu điển hình cho bờ biển Trà Vinh

Nguyễn Thị Phương Thảo
Trường đại học Tài nguyên và Môi trường Tp. Hồ Chí Minh

Trong những năm gần đây tình trạng xói lở đã trở nên phổ biến ở hầu hết các bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các giải pháp công trình cứng ven biển chưa đạt được hiệu quả bảo vệ bền vững. Ứng dụng vào vùng nghiên cứu điển hình là bờ biển xã Hiệp Thạnh, tỉnh Trà Vinh bài báo phân tích các yếu tố tác động đến sự xói lở ven biển bao gồm: Chế độ sóng – triều – dòng chảy; quá trình vận chuyển bùn cát dọc – ngang bờ; Cơ sở hạ tầng cứng ven biển. Các giải pháp công trình bảo vệ bờ được đề xuất là hệ thống mỏ hàn kết hợp đê giảm sóng chữ T, khoảng cách giữa hai đê lần lượt là 50, 80, 130m. Phần mềm mô hình toán Mike 21/3 FM được sử dụng để tính toán hiệu quả của các kịch bản công trình.

98

Đánh giá khả năng dự báo mặn trên sông Hàm Luông của thuật toán K-Nearest Neighbors

 

Phạm Ngọc Hoài, Phan Thị Thanh Huyền
Trường Đại học Thủ Dầu Một; Học viện Khoa học và Công nghệ -
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam,

Lê Nguyễn
Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm

Nguyễn Thu Hiền
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Trần Thành Thái
Viện Sinh học Nhiệt đới - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Lương Lê Lâm
Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh

Xâm nhập mặn là vấn đề rất đáng quan tâm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Để chủ động trong công tác quản lý nguồn nước ngọt và giảm thiểu tác động của xâm nhập mặn, dự báo chính xác độ mặn trên sông được xem là một trong những giải pháp hữu ích. Từ đây, mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá khả năng áp dụng phương pháp K-Nearest Neighbors (KNN), một thuật toán đơn giản và dễ áp dụng của học máy, trong dự báo độ mặn trên sông Hàm Luông, tỉnh Bến Tre. Dữ liệu độ mặn sử dụng trong nghiên cứu được thu thập theo tuần, từ năm 2012 đến 2020. Mỗi năm đo đạc trong 23 tuần mùa khô, từ tháng 1 đến tháng 6 (tổng cộng 207 tuần). Các chỉ số thống kê như Hệ số Nash - Sutcliffe efficiency (NSE), Lỗi trung bình bình phương gốc (Root Mean Squared Error, RMSE), và Sai số tuyệt đối trung bình (Mean Absolute Error, MAE), được sử dụng để đánh giá tính chính xác của mô hình dự báo. Kết quả cho thấy mô hình KNN dự báo độ mặn khá tốt với NSE = 0,960, RMSE = 0,842, MAE = 0,541 cho tập huấn luyện, NSE = 0,904, RMSE = 1,448, MAE = 0,914 cho tập kiểm tra. Mô hình KNN là một mô hình đơn giản, dễ thực thi nhưng cho kết quả dự báo khá chính xác, cho nên mô hình rất tiềm năng trong ứng dụng dự báo mặn ở sông Hàm Luông nói riêng và một số nhánh sông của sông Mê Kông nói chung.

Từ khóa: Biến đổi khí hậu, Đồng bằng sông Cửu Long, Trí thông minh nhân tạo, Xâm nhập mặn, K-Nearest Neighbors

107

Nghiên cứu ảnh hưởng của dung dịch kiềm hoạt hóa và nhiệt độ bảo dưỡng đến cường độ vữa Geopolymer

Nguyễn Quang Phú
Trường Đại học Thủy lợi

 

Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của nồng độ dung dịch kiềm NaOH tương ứng là 10M, 12M, 14M và 16M và tỷ lệ của dung dịch chất kích hoạt (NaOH và Na2SiO3) với tro bay (FA): DD/FA = 0,35; 0,40 và 0,45 đến cường độ của vữa geopolymer. Các mẫu vữa Geopolymer bảo dưỡng nhiệt ở các nhiệt độ khác nhau cũng được nghiên cứu. Thông qua các kết quả thí nghiệm lựa chọn được tỷ lệ tối ưu của DD/FA=0,4 đạt được cường độ nén của vữa GPM ở 28 ngày tuổi là lớn nhất, thỏa mãn các yêu cầu kỹ thuật của vữa GPM thiết kế.

Từ khóa: Vữa Geopolymer; dung dịch kiềm hoạt hóa; tro bay; nhiệt độ bảo dưỡng