TextBody
Huy chương 2

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 75 năm 2022

THỂ LỆ VIẾT BÀI

Bài viết phải đảm bảo chưa công bố, đăng tải trên các Báo, Tạp chí, độ dài không quá 10 trang, được đánh máy vi tính theo phông Times New Roman, cỡ chữ 12, in trên khổ A4 kèm theo file hoặc gửi qua Email. Bài viết sử dụng tiếng Việt, kèm theo tóm tắt nội dung bằng tiếng Việt và tiếng Anh (không quá 200 từ). Công thức được viết theo Equation Editor và đánh số thứ tự về bên phải. Các bản vẽ phải đúng quy định vẽ kỹ thuật, kích thước không quá 15 x 20cm. Các bài có bản đồ từng vùng hoặc cả nước cần vẽ theo mẫu chính xác, đúng theo quy cách hiện hành, các bản vẽ, biểu bảng phải đánh số thứ tự.

Thứ tự sắp xếp bài báo:

- Tên bài báo

- Họ và tên tác giả, học hàm, học vị, cơ quan công tác

- Tóm tắt nội dung (bằng tiếng Việt).

- Tóm tắt nội dung (bằng tiếng Anh)

- Nội dung bài báo.

- Tài liệu tham khảo: đặt liền với bài và ghi thứ tự, số thứ tự được đặt trong [ ].

Trích dẫn tên đề tài công bố.

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THỦY LỢI
SỐ 75 (12-2022)

Trang

Tên bài báo

Tác giả

Tóm tắt

2

Một vài kết quả ban đầu đánh giá về tác động và hiệu quả của cụm công trình Tắc Thủ đối với bán đảo Cà Mau

Doãn Văn Huế, Lê Thị Vân Linh, Nguyễn Trọng Tuấn, Tô Duy Hoàn, Tiến Thị Xuân Ái
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Trần Đình Hòa
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Cụm công trình Tắc Thủ và các công trình thủy lợi ven biển An Biên - An Minh được xây dựng sẽ cùng với hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 và hệ thống Quản Lộ-Phụng Hiệp khép kín vùng từ ranh phía Nam sông Cái Lớn dọc theo ven biển Tây đến Sông Đốc và vòng lên Tắc Thủ sang kênh Cà Mau - Bạc Liêu kết nối với vùng Quản Lộ-Phụng Hiệp. Việc khép kín công trình sẽ giúp kiểm soát mặn và chủ động sản xuất đối với hệ thống canh tác tôm-lúa, kiểm soát triều cường, hỗ trợ tiêu úng, giảm ngập cho khu vực phía Nam sông Cái Lớn. Riêng cụm công trình Tắc Thủ đảm nhiệm diện tích khoảng 176.968ha thuộc tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và Bạc Liêu.

13

Đánh giá về hiệu quả của giải pháp giảm thiểu hiện tượng ô nhiễm bùn đen và xói lở ở bãi biển Quy Nhơn

Doãn Tiến Hà
Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Quốc gia về động lực học sông biển

Khoảng thời gian từ 6/2016 tại bãi biển phía Bắc của Quy Nhơn, sau khi có công trình lấn biển tại khu vực Mũi Tấn đã xuất hiện hiện tượng ô nhiễm bùn đen, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và hoạt động du lịch, tắm biển. Không những vậy, công trình này đã tác động gây xói lở đoạn bờ biển dài khoảng 300m (từ sát cuối bãi lấn biển về phía Nam), chỉ tính trong giai đoạn 2016-2019 bãi đã bị xói vào trung bình khoảng 12-15m, lớn nhất đạt khoảng 25m, khiến cho đoạn đường Xuân Diệu tại khu vực này bị đe dọa nghiêm trọng, đã xuất hiện tình trạng sụt lún và xô lệch hệ thống chân kè bờ. Chính vì vậy, năm 2017, UBND tỉnh Bình Định đã thực hiện một nhiệm vụ nghiên cứu nhằm tìm ra nguyên nhân xuất hiện bùn đen ở bãi biển Quy Nhơn, từ đó đề xuất giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm và chống xói lở cho đoạn bờ đang bị đe dọa. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra nguyên nhân và giải pháp đề xuất đã được ứng dụng vào thực tế (thi công năm 2019-2020). Bài báo sẽ tóm lược lại một số kết quả của nhiệm vụ nghiên cứu và đánh giá về hiệu quả của giải pháp kể từ khi đi vào hoạt động cho đến nay.

Từ khóa: ô nhiễm bùn đen, giải pháp công trình, kè bờ biển

20

Phân tích các nguyên nhân chính ảnh hưởng đến xói lở sông, kênh chính tỉnh Hậu Giang

Trương Thị Nhàn, Đỗ Hoài Nam,
Nguyễn Văn Điển, Phan Thị Hà Tuyên

Viện Kỹ thuật Biển

 

Hậu Giang là tỉnh có hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt thuộc khu vực nội địa của Đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở hạ lưu sông Hậu. Việc nghiên cứu các tác động ảnh hưởng đến xói bồi sông kênh chính có ý nghĩa rất lớn trong công tác phòng tránh thiên tai. Các nguyên nhân chính gây ra hiện tượng sạt lở sông kênh rạch trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trong những năm qua bao gồm các nguyên nhân khách quan do tác động của tự nhiên, chủ quan do tác động của con người và chú ý đến nguyên nhân do BĐKH toàn cầu. Nhóm nghiên cứu đã tính toán xác định bằng công cụ mô hình toán, công thức thực nghiệm kết hợp các kết quả khảo sát tài liệu cơ bản về địa hình, địa chất, thủy văn bùn cát và để tổng hợp các nguyên nhân cơ chế xói bồi tại khu vực nghiên cứu.

Từ khóa: Xói lở, dòng chảy, sóng tàu thuyền, Hậu Giang

29

Giải pháp, công nghệ khai thác các mô hình cấp nước tại vùng núi cao, vùng khan hiếm nước

Nguyễn Mạnh Trường, Đinh Anh Tuấn, Đỗ Thế Quynh
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Vũ Thị Hồng Nghĩa
Bộ Khoa học và Công nghệ

Bài báo giới thiệu tổng quan về giải pháp, công nghệ khai thác của các dạng mô hình cấp nước sinh hoạt (bao gồm cả khai thác nước mặt và khai thác nước ngầm) hiện đang sử dụng ở vùng núi cao, vùng khan hiếm nước. Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học quan trọng để đề xuất được các giải pháp kỹ thuật nâng cao hiệu quả của các mô hình cấp nước tại vùng núi cao, vùng khan hiếm nước của Việt Nam.

39

Tính toán  xác định bồi lắng bùn cát hồ Dầu Tiếng bằng phương pháp kết hợp mô hình SWAT, MIKE 11 VÀ 21

Lê Thế Hiếu
Trung tâm quốc gia Nước sạch và vệ sinh Môi trường Nông thôn

Lê Xuân Quang, Nguyễn Xuân Lâm
Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường

Lương Hữu Dũng
Viện Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu

Thái Thị Tú
Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Quốc gia về động lực học sông biển

Hồ Dầu Tiếng là một trong 4 hồ chứa quan trọng đặc biệt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý. Hồ được xây dựng từ năm 1981, hồ có dung tích thiết kế 1,58 tỷ m3; dung tích chết là 470 triệu m3. Nhiệm vụ chính của hồ là cấp nước tưới và nước sinh hoạt cho 5 tỉnh, thành gồm: Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An và TP Hồ Chí Minh. Lượng cát được khai thác trong hồ hàng năm khoảng 674.200 m3. Việc khai thác cát ít nhiều cũng đã ảnh hưởng đến hoạt động quản lý khai thác và an toàn hồ chứa, vì vậy nghiên cứu xác định bồi lắng bùn cát hồ Dầu tiếng có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao. Bài viết này tác giả giới thiệu về kết quả xác định bồi lắng bùn cát cho hồ Dầu Tiếng sử dụng một phương pháp kết hợp các mô hình SWAT, MIKE11 và MIKE21.

Từ khóa: Bồi lắng bùn cát hồ Dầu Tiếng, phương pháp kết hợp mô hình SWAT, MIKE11, MIKE21

48

Đánh giá ảnh hưởng của bão đến biến đổi địa hình đáy cửa Đà Diễn, tỉnh Phú Yên

Phạm Văn Chinh
Trung tâm Hải văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Nguyễn Tiến Đạt
Trung tâm Phát triển công nghệ cao, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam

Vũ Công Hữu
Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Quốc gia về động lực học sông biển

Bài báo trình bày các kết quả nghiên cứu, tính toán diễn biến bồi xói vùng biển ven bờ cửa sông Đà Diễn tỉnh Phú Yên do tác động của cơn bão điển hình. Bộ mô hình Mike21 gồm các mô đun sóng, dòng chảy và vận chuyển bùn cát được áp dụng trong mối liên kết động giữa các mô đun. Các kết quả nghiên cứu và tính toán cho thấy mức độ và xu thế bồi xói phù hợp với tình hình đang diễn ra và có ý nghĩa góp phần làm rõ nguyên nhân gây biến động hình thái cửa sông Đà Diễn trong ngắn hạn.

58

Phương pháp xác định các đặc trưng của dòng thấm trong nền cát dưới đáy cống qua đê có cọc bê tông cốt thép gia cố nền

Đinh Xuân Trọng
Viện Thủy công

Nguyễn Quốc Dũng
Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam

Phạm Ngọc Quý, Phạm Thị Hương
Trường Đại học Thủy Lợi

Trong thời gian qua đã xảy ra nhiều sự cố cống qua đê được xây dựng trên nền cát do thấm và phần lớn các sự cố đều xảy ra ở các cống có gia cố cọc bê tông cốt thép (BTCT). Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, khi nền cát được gia cố cọc, có sự tác động đáng kể đến dòng thấm dưới đáy cống. Điều này đặt ra sự cần thiết phải xét đến ảnh hưởng của cọc BTCT đóng trong nền cát khi tính toán thấm. Bài báo giới thiệu phương pháp tính toán cột nước thấm và gradient thấm cho cống qua đê trên nền cát vùng đồng bằng sông Hồng có gia cố cọc BTCT dựa trên các hệ số điều chỉnh rút ra từ kết quả thí nghiệm mô hình.   

Từ khóa: Cống qua đê, cột nước thấm, gradient thấm, nền cát, cọc bê tông cốt thép

66

Nghiên cứu ứng dụng mô hình sinh thái cây trồng DSSAT và dữ liệu viễn thám trong mô phỏng, đánh giá năng suất lúa theo các kịch bản cấp nước

Nguyễn Công Minh, Hà Thanh Lân, Hoàng Tiến Thành, Nguyễn Văn Tuấn, Đinh Xuân Hùng, Nguyễn Nguyên Hoàn
Viện Quy hoạch Thuỷ lợi

Trong những năm gần đây, tình trạng khô hạn, thiếu nước diễn ra với tần suất và quy mô ngày càng khốc liệt, gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, các hoạt động dân sinh kinh tế và sản xuất nông nghiệp. Tình trạng hạn hán, thiếu nước cũng xảy ra ngay cả trong phạm vi một số hệ thống thủy lợi, ví dụ như tại miền Trung các năm 2015-2016 và 2019-2020. Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu và thiết lập công cụ đánh giá ảnh hưởng của thiếu hụt nguồn nước tưới đến sản xuất và năng suất cây trồng. Bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu ứng dụng mô hình Decision Support System for Agrotechnology Transfer (DSSAT) trong đánh giá ảnh hưởng của thay đổi lượng nước tưới đến quá trình sinh trưởng và năng suất lúa, thực hiện tại hệ thống thuỷ lợi Nam Hưng Nghi, Nghệ An. Mô hình DSSAT được xây dựng dựa trên các dữ liệu nguồn mở, dữ liệu viễn thám và hiệu chỉnh kiểm định dựa trên số liệu thu thập thực tế về năng suất cây trồng. Sau khi hiệu chỉnh, kiểm định, mô hình DSSAT cho các kết quả mô phỏng, dự báo năng suất của cây lúa theo kịch bản thiếu nước, bao gồm việc giảm lượng nước tưới 20%, 30%, 50%, 60% cho từng giai đoạn hoặc trên cả quá trình sinh trưởng của cây lúa. Kết quả nghiên cứu cho thấy năng suất lúa có khả năng giảm mạnh nhất 1,7 tạ/ha (3.2%) khi giảm 60% lượng nước tưới ở giai đoạn trổ cờ và 4,1 tạ/ha (7.8%) khi giảm 60% lượng nước tưới ở giai đoạn làm đòng. Đây là những thông tin, kết quả có giá trị, có thể được sử dụng trong việc xây dựng các kịch bản cấp nước, từ đó đảm bảo việc phân bổ nguồn nước một cách công bằng, hợp lý, thích ứng với biến đổi khí hậu cho các đối tượng sử dụng nước khác nhau trong hệ thống thủy lợi.

73

Đánh giá tác động của hồ chứa và biến đổi khí hậu tới bùn cát sông Nậm Mu

Lê Văn Thịnh
Trường Đại học Thủy lợi

Các hồ chứa trên sông Nậm Mu có dung tích phòng lũ trên 2 tỷ m3, đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống thiên tai, giảm lũ lụt, giảm nguy cơ vỡ đê và cung cấp nước tưới về mùa kiệt cho vùng đồng bằng rộng lớn ở Bắc Bộ. Xây dựng đập ở khu vực thượng nguồn làm thay đổi các yếu tố tự nhiên, dẫn đến những tác động tổng hợp tiêu cực cho khu vực hạ lưu cùng với các vấn đề thường gặp như bồi lắng hồ chứa, xói lở nghiêm trọng lòng sông và bờ sông ở hạ lưu. Bài báo này ứng dụng mô hình xói mòn, vận chuyển bùn cát và bồi lắng hồ chứa để mô phỏng ảnh hưởng của việc xây dựng hồ chứa và biến đổi khí hậu đến vận chuyển bùn cát sông Nậm Mu. Kết quả cho thấy nếu chỉ xét riêng biến đổi khí hậu thì lượng bùn cát tăng lên, khi xét kết hợp giữa ảnh hưởng của hồ chứa và biến đổi khí hậu thì kết quả lượng bùn cát vận chuyển giảm đáng kể. Kết quả nghiên cứu là cơ sở cho việc xây dựng các công trình tháo xả bùn cát về hạ lưu cho các hồ chứa mới và đã xây dựng.

Từ khóa: Hồ chứa, biến đổi khí hậu, vận chuyển bùn cát, sông Nậm Mu.

82

Một số giải pháp hoàn thiện công tác quản lý công trình thủy lợi tại Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi sông Chu

Nguyễn Ngọc Sơn
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội

Đỗ Văn Chính
Trường Đại học Thủy lợi

 

Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Sông Chu đang quản lý 73 hồ đập, 196 trạm bơm các loại (152 TB tưới, 31 TB tiêu, 13 TB tưới tiêu kết hợp), 03 âu thuyền, 2546 cống tưới tiêu lớn vừa và nhỏ, 343 hệ thống dẫn nước. Nguồn nước cung cấp phục vụ tưới chính cho vùng là sông Chu, sông Yên, Sông Lý, Sông Lê, Sông Hoàng, Sông Nhơm. Trong những năm gần đây, công ty TNHH MTV Sông Chu đã tập trung chỉ đạo nâng cấp, quản lý các công trình thủy lợi theo hướng hiện đại hóa nhằm tiết kiệm nguồn tài nguyên nước, tiết kiệm chi phí quản lý vận hành nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, cải thiện môi trường sinh thái và điều kiện sống của người dân. Tuy nhiên việc quản lý khai thác công trình thủy lợi vẫn còn chống chéo, bất cập, chất lượng công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi chỉ mới tập trung cho đầu tư mà chưa coi trọng công tác duy tu, bảo dưỡng công trình. Bài báo này sẽ tập trung nêu giải pháp hoàn thiện công tác quản lý khai thác công trình thuỷ lợi do công ty quản lý trong công tác duy tu, bảo dưỡng công trình.

Từ khóa: Quản lý khai thác công trình thủy lợi; Công tác duy tu,bảo dưỡng, Thủy lợi Sông Chu

91

Nghiên cứu xây dựng mô hình mô phỏng dòng chảy trên lưu vực sông Trà Khúc có xét đến tham gia vận hành công trình phía thượng nguồn

Đặng Vi Nghiêm, Đặng Thị Kim Nhung, Nguyễn Đức Hoàng, Vũ Thành Nghĩa
Viện Quy hoạch Thủy lợi

Trong những năm gần đây phía thượng nguồn lưu vực sông Trà Khúc đã bổ sung nhiều công trình thủy lợi, thủy điện lớn đi vào vận hành khai thác. Hệ thống công trình này đã làm thay đổi cơ bản chế độ dòng chảy trên sông trong mùa lũ và mùa kiệt. Nghiên cứu này giới thiệu phương pháp và kết quả xây dựng mô hình mô phỏng dòng chảy trên lưu vực sông Trà Khúc có xét đến tham gia vận hành công trình phía thượng nguồn. Dòng chảy trên lưu vực sông Trà Khúc được tính toán bằng mô hình thủy lực 1 chiều MIKE 11 và mô hình thủy lực 2 chiều MIKE 21FM cho cả vùng lòng dẫn và bãi tràn. Mô hình 1 chiều và mô hình 2 chiều được xây dựng bao trùm toàn bộ lòng dẫn sông và vùng ngập lũ từ trạm thủy văn Sơn Giang đến Cửa Cổ Lũy, với 110.090 mắt lưới, 55.200 đa giác tính toán. Bộ mô hình thủy lực 1 chiều, 2 chiều được hiệu chỉnh và kiểm định với các số liệu đo đạc trong mùa kiệt năm 2002, 2013 và số liệu đo đạc trận lũ lịch sử tháng 11 năm 2013, trận lũ tháng 10 năm 2020. Kết quả của nghiên cứu là cơ sở khoa học để triển khai các phương án vận hành công trình thích hợp nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra cho vùng hạ lưu sông Trà Khúc ở cấp Trung ương và địa phương.

Từ khóa: Mô hình, mô phỏng, lưu vực sông Trà Khúc, MIKE 11, MIKE 21FM, vận hành công trình

101

Nghiên cứu xác định mối quan hệ giữa cường độ nén và mô đun đàn hồi của bê tông sử dụng phụ gia khoáng tro trấu ứng dụng thi công các công trình thủy lợi

Phạm Nguyễn Hoàng, Nguyễn Quang Phú
Trường Đại học Thủy lợi

Ngô Anh Quân
Viện Thủy công

 

Sử dụng phụ gia khoáng tro trấu thay thế 15% xi măng Pooclăng, kết hợp lượng dùng phụ gia siêu dẻo hợp lý để chế tạo bê tông có cường độ nén đạt mác từ 30 đến 60 MPa, bê tông có tính công tác tốt, cường độ nén, mô đun đàn hồi và mác chống thấm cao, phù hợp cho thi công các công trình Thủy lợi. Thí nghiệm xác định cường độ nén và mô đun đàn hồi của các mác bê tông thiết kế. Xác định mối quan hệ giữa mô đun đàn hồi và cường độ nén của bê tông, công thức thực nghiệm giúp dự đoán được mô đun đàn hồi của bê tông thông qua cường độ nén, giảm thiểu được các chi phí thí nghiệm trực tiếp mô đun đàn hồi của bê tông.

Từ khóa: Mô đun đàn hồi; cường độ nén; tro trấu; phụ gia siêu dẻo.

108

Thiết lập mô hình mạng nơ-ron nhân tạo (ANN) tính toán độ sâu sau nước nhảy trong kênh lăng trụ mặt cắt chữ nhật

Hồ Việt Hùng
Trường Đại học Thủy lợi

Hiện tượng nước nhảy xảy ra khi dòng chảy biến đổi từ trạng thái chảy xiết với vận tốc lớn sang trạng thái chảy êm với vận tốc nhỏ. Độ sâu sau nước nhảy là một đặc trưng quan trọng, cần được xác định để từ đó tính toán chiều dài khu xoáy của nước nhảy và kích thước bể tiêu năng hay kênh dẫn nước. Khi bỏ qua lực ma sát, có thể xác định được tỷ số hai độ sâu liên hiệp của nước nhảy theo công thức Belanger cho kênh lăng trụ đáy bằng, mặt cắt chữ nhật. Tuy nhiên, trong thực tế có lực ma sát, độ sâu sau nước nhảy sẽ có trị số nhỏ hơn so với tính toán theo công thức Belanger. Vì vậy, bài báo này trình bày việc thiết lập một mô hình mạng nơ-ron nhân tạo (ANN) để tính toán tỷ số độ sâu liên hiệp của nước nhảy. Mô hình này có xét đến tính nhám của bề mặt lòng dẫn và tính nhớt của chất lỏng. Mô hình ANN mà tác giả đề xuất cho kết quả tính toán có độ chính xác rất cao, hệ số R2 đạt sấp sỉ 1 trong cả hai lần kiểm định. Phạm vi ứng dụng mô hình khá rộng, do đó có thể áp dụng mô hình này vào thực tế tính toán độ sâu sau nước nhảy trong kênh lăng trụ đáy bằng có mặt cắt chữ nhật.

Từ khóa: Nước nhảy, kênh lăng trụ, ANN, độ sâu liên hiệp, độ sâu nước nhảy