, 05/10/2024
THỂ LỆ VIẾT BÀIBài viết phải đảm bảo chưa công bố, đăng tải trên các Báo, Tạp chí, độ dài không quá 10 trang, được đánh máy vi tính theo phông Times New Roman, cỡ chữ 12, in trên khổ A4 kèm theo file hoặc gửi qua Email. Bài viết sử dụng tiếng Việt, kèm theo tóm tắt nội dung bằng tiếng Việt và tiếng Anh (không quá 200 từ). Công thức được viết theo Equation Editor và đánh số thứ tự về bên phải. Các bản vẽ phải đúng quy định vẽ kỹ thuật, kích thước không quá 15 x 20cm. Các bài có bản đồ từng vùng hoặc cả nước cần vẽ theo mẫu chính xác, đúng theo quy cách hiện hành, các bản vẽ, biểu bảng phải đánh số thứ tự. Thứ tự sắp xếp bài báo: - Tên bài báo - Họ và tên tác giả, học hàm, học vị, cơ quan công tác - Tóm tắt nội dung (bằng tiếng Việt). - Tóm tắt nội dung (bằng tiếng Anh) - Nội dung bài báo. - Tài liệu tham khảo: đặt liền với bài và ghi thứ tự, số thứ tự được đặt trong [ ]. Trích dẫn tên đề tài công bố. |
Trang | Tên bài báo | Tác giả | Tóm tắt |
2 | Nghiên cứu ảnh hưởng hàm lượng tro bay đến một số tính chất kỹ thuật của bê tông ứng dụng cho các công trình thủy lợi | Ngô Anh Quân | Trong nghiên cứu sử dụng phụ gia khoáng tro bay để thay thế xi măng với tỷ lệ từ 10% đến 40% theo khối lượng, mác bê tông thiết kế M30 (MPa). Kết quả thí nghiệm cho thấy, khi thay thế một phần xi măng bằng tro bay sẽ làm tăng tính công tác của hỗn hợp bê tông, tổn thất tính công tác của hỗn hợp bê tông sử dụng tro bay giảm từ 63,64 đến 81,58% khi để hỗn hợp bê tông sau 120 phút. Khi thay thế đến 20% xi măng bằng tro bay theo khối lượng, cường độ nén của bê tông giảm nhẹ và vẫn đạt mác thiết kế. Tuy nhiên, khi sử dụng 30÷40% tro bay, cường độ nén của bê tông giảm 24,2% và 43,7% so với cấp phối đối chứng. Từ khóa: Xi măng; tro bay; phụ gia siêu dẻo. |
9 | Nghiên cứu thực nghiệm xác định chế độ tưới theo các phương thức tưới tiết kiệm nước cho cây nho ở Ninh Thuận | Nguyễn Đình Vượng
| Nho được xem là cây trồng chủ lực có thương hiệu ở Ninh Thuận, đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích canh tác so với trồng lúa và các loại hoa màu khác. Tuy nhiên, do tình trạng khô hạn thiếu nước ở tỉnh Ninh Thuận trong những năm gần đây ngày càng gia tăng và có xu thế khắc nghiệt hơn, tình hình sản xuất của cây Nho gặp nhiều khó khăn do biến động thời tiết, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Để giải quyết vần đề này cần thiết phải ứng dụng giải pháp công nghệ tưới phù hợp nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho Nho trong điều kiện khô hạn hiện nay. Thông qua khảo cứu tại mô hình thực nghiệm đồng ruộng với các phương thức tưới nhỏ giọt, phun mưa tầm thấp và kết hợp tưới nhỏ giọt với phun mưa, kết quả nghiên cứu này đã xác định chế độ tưới theo các công thức tưới tiết kiệm nước phù hợp với cây Nho trong điều kiện khô hạn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn tại địa phương. Từ khóa: Tưới tiết kiệm nước, chế độ tưới, công nghệ tưới, khô hạn. |
21 | Nghiên cứu chế độ thủy động lực ven biển Trà Vinh sau khi xây dựng hệ thống điện gió và các công trình ven biển | Lê Văn Tuấn, | Điện gió là một trong những năng lượng sạch được nghiên cứu để thay thế cho nguồn nhiên liệu hóa thạch. Với nguồn năng lượng gió dồi dào, Trà Vinh đang đầu tư mạnh vào hệ thống điện gió. Tính đến nay đã có tổng cộng 5 công trình điện gió trên toàn tỉnh được hoàn thành đi vào hoạt động. Các công trình điện gió sau khi được xây dựng sẽ có ảnh hưởng đến chế độ thuỷ động lực và bồi xói bờ biển, các yếu tố chính bị ảnh hưởng như chế độ dòng chảy ven bờ, trường sóng và hình thái bờ biển. Bài báo này dùng mô hình Mike 21/3 Coupled Model FM mô phỏng chế độ sóng, dòng chảy vùng ven biển Trà Vinh sau khi có công trình bảo vệ bờ đã xây dựng và các công trình trụ điện gió. Kết quả cho thấy trường dòng chảy phía sau các công trình điện gió có biến đổi về hướng và độ lớn dòng chảy, cụ thể, vận tốc dòng chảy khi đi qua hệ thống trụ điện gió gia tăng giá trị khoảng 7,5%, hướng dòng chảy theo mùa tại vị trí lân cận trụ điện gió có sự thay đổi nhẹ. Chế độ sóng biển tiếp cận bờ bãi biển có xu thế giảm phía sau trụ điện gió. Mùa gió Đông Bắc độ cao sóng giảm nhiều hơn MGTN. Độ cao sóng trung bình giảm xấp xỉ 20%. Từ khóa: Mike 21/3, điện gió, sóng, dòng chảy, Trà Vinh |
35 | Đánh giá sự phù hợp của việc áp dụng mô hình thủy văn xác định biên mô hình thủy lực mô phỏng ngập lụt lưu vực sông Nhật Lệ, Quảng Bình | Đỗ Anh Đức, Nguyễn Thị Minh Tâm | Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu tạo biên mô hình thủy lực dựa trên tiếp cận mô hình mưa - dòng chảy, xem xét hiệu quả và tính hữu dụng của việc áp dụng mô hình mưa dòng chảy để hoàn nguyên lũ; xác định đặc trưng thủy văn thiết kế; dự báo lũ đối với lưu vực hạn chế về trạm đo dòng chảy; đặc biệt là khả năng dự báo lũ, ngập lụt theo thời gian thực từ dữ liệu mưa lũ tại các trạm tự động. Kết quả cho thấy sự hiệu quả của 2 loại mô hình thông số tập trung (NAM) và bán phân bố (DBTHL_2021) đáp ứng yêu cầu bài toán biên cho mô hình thủy lực mô phỏng lũ trên lưu vực sông Nhật Lệ. Các chỉ số thống kê chỉ ra độ tin cậy cao bộ thông số mô hình cho việc tái mô phỏng kết quả dòng chạy kiểm chứng tại trạm Kiến Giang trận lũ lớn năm 2020 và 2022 có Nash ≥ 0,85; PBias < 15% đối với mô hình DBTHL_2021. Từ khóa: Kiến Giang; Nhật Lệ; DBTHL_2021; NAM. |
46 | Nghiên cứu đề xuất giải pháp duy trì dòng chảy suối Côn Sơn thuộc khu di tích đền thờ Nguyễn Trãi tỉnh Hải Dương | Đỗ Thế Quynh, | Suối Côn Sơn là một hạng mục trong khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – tỉnh Hải Dương. Trước đây, suối Côn Sơn với hình ảnh suối chảy rì rầm rất đẹp và đi vào thơ ca của Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, từ năm 1990 trở lại đây, suối mất dần nước và trở nên khô cạn, nguyên nhân chính là mực nước ngầm đã bị hạ thấp trên toàn bộ lưu vực suối, nên vào mùa khô suối không còn nguồn bổ cập. Để duy trì dòng chảy mặt trên suối, giải pháp lâu dài phải khắc phục được nguyên nhân gây mất nước, giải pháp trước mắt phải đưa nước lên thượng nguồn bằng động lực rồi thả cho nước chảy xuống đồng thời kết hợp với chống thấm nền suối thành một hệ thống bơm tuần hoàn. Bài báo này giới thiệu kết quả nghiên cứu đề xuất giải pháp duy trì dòng chảy trên suối Côn Sơn đảm bảo khả thi, bền vững, bảo tồn được cảnh quan môi trường của suối. Từ khóa: Suối Côn Sơn, giải pháp lâu dài, giải pháp trước mắt, giải pháp duy trì dòng chảy |
55 | Nghiên cứu định hướng giải pháp bảo vệ bờ sông Cầu ngang đoạn qua thị trấn Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh | Hoàng Đức Cường, | Hệ thống cống Thâu Râu và cống Chà Và đưa vào vận hành đã làm thay đổi lớn chế độ thủy lực, thủy văn các sông nội vùng của huyện Cầu Ngang, Trà Vinh. Khi cống vận hành, nó đã làm thay đổi mực nước, biến động dòng chảy so với khi chưa có cống, hệ quả là dẫn đến sạt lở bờ sông, biến động lòng dẫn ở khu vực nghiên cứu. Hiện tượng sạt lở bờ tại sông Cầu Ngang trong thời gian dài đã gây ra biến động hình thái cắt ngang lòng sông và thiệt hại hệ thống cơ sở hạ tầng dân cư hiện hữu….Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu định hướng các giải pháp nhằm ổn định bờ sông chống sạt lở phục vụ phát triển kinh tế xã hội đoạn sông Cầu Ngang thuộc địa phận thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Từ khóa: Cống Thâu Râu, cống Chà Và, sạt lở, sông Cầu Ngang, giải pháp |
67 | Nghiên cứu đánh giá xu hướng biến động lượng mưa lớn nhất theo các thời đoạn khác nhau giai đoạn 1975-2021, tỉnh Vĩnh Phúc | Phan Mạnh Hưng Phạm Văn Chiến
| Nghiên cứu này trình bày kết quả đánh giá xu hướng biến động lượng mưa lớn nhất 1, 3, 5 và 7 ngày giai đoạn 1975-2021 tỉnh Vĩnh Phúc sử dụng kiểm định Mann-Kendall. Kết quả thể hiện rằng (i) lượng mưa 1 ngày lớn nhất giảm từ -0,17 đến -1,01 mm/năm (tại Quảng Cư, Tam Đảo, Tam Dương và Vĩnh Tường) và tăng từ 0,18 đến 2,64 mm/năm (tại Bình Xuyên, Phúc Yên, Vĩnh Yên và Xuân Hòa), (ii) lượng mưa 3 ngày lớn nhất giảm từ -0,41 đến -1,02 mm/năm (tại Quảng Cư, Tam Đảo và Tam Dương) và tăng từ 0,04 đến 4,06 mm/năm (tại Bình Xuyên, Phúc Yên, Vĩnh Tường, Vĩnh Yên và Xuân Hòa), (iii) lượng mưa 5 ngày lớn nhất tăng từ 0,13 đến 3,90 mm/năm (tại Bình Xuyên, Phúc Yên, Vĩnh Tường và Xuân Hòa) và giảm từ -0,37 đến -0,99 mm/năm (tại Quảng Cư, Tam Đảo, Tam Dương và Vĩnh Yên), (iv) lượng mưa 7 ngày lớn nhất tăng từ 0,03 đến 5,34 mm/năm (tại Bình Xuyên, Phúc Yên, Quảng Cư, Tam Đảo và Xuân Hòa) và giảm từ -0,08 đến -0,46 mm/năm (tại Tam Dương, Vĩnh Tường và Vĩnh Yên). Từ khoá: Mann-Kendall, Lượng mưa 1 ngày lớn nhất, Lượng mưa 3 ngày lớn nhất |
77 | Nghiên cứu áp dụng thuật toán PSO tối ưu vận hành hệ thống đa hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Đà | Hồ Sỹ Mão
| Hệ thống đa hồ chứa thủy điện trên cùng một lưu vực sông có mối quan hệ thủy văn, thủy lợi và thủy lực. Vận hành bất kỳ một hồ chứa nào đều ảnh hưởng đến các hồ chứa khác do đó để vận hành tối ưu cần phải xét đến sự làm việc đồng thời của các hồ chứa. Bài toán vận hành hệ thống đa hồ chứa là bài toán rất phức tạp vì liên quan đến nhiều ẩn số và có mối quan hệ phi tuyến. Các phương pháp thuần túy toán học không giải quyết được vì số lượng quá lớn về tổ hợp tính toán và chiếm tài nguyên máy tính. Thuật toán PSO là thuật toán tìm kiếm thông minh có thể tìm được tối ưu tổng thể của bài toán hệ thống đa hồ chứa. Bài báo đưa ra cách áp dụng thuật toán PSO để tính toán hệ thống 4 hồ chứa điều tiết năm trên lưu vực sông Đà bao gồm Lai Châu, Bản Chát, Sơn La và Hòa Bình. Từ khóa: Hệ thống đa hồ chứa, thuật toán PSO, thủy điện bậc thang
|
84 | Đánh giá mức độ an toàn thấm của đập Vĩnh Sơn B | Nguyễn Phương Dung Nguyễn Quang Thanh | Mối quan tâm của các nhà quản lý, chủ sở hữu và người sử dụng nguồn nước từ hồ chứa thủy lợi là việc đập đất được bảo đảm an toàn. Một trong các nội dung đánh giá quan trọng về an toàn của đập đất là các tính toán thấm. Bài viết tập trung vào việc đánh giá an toàn thấm cho đập Vĩnh Sơn B thông qua việc thiết lập bộ số liệu chuẩn, từ đó kiểm tra xem giá trị quan trắc của công trình có cho thấy đập ở mức độ an toàn hay không. Việc định lượng được mức độ an toàn thấm căn cứ vào các chỉ tiêu cơ lý của đất đắp đập và đất nền, mực nước hồ chứa, cùng các yếu tố khác là một nội dung quan trọng trong công tác kiểm định an toàn đập. Phương pháp thiết lập bộ số liệu chuẩn về thấm của nghiên cứu đã cho thấy hiện tượng thấm của đập Vĩnh Sơn B đang ở mức an toàn. Từ khóa: Bộ số liệu chuẩn, an toàn thấm, số liệu quan trắc, đánh giá an toàn đập |
94 | Ứng suất tiếp biên thành rắn trong máng tràn bên | Hoàng Nam Bình | Dòng chảy trong lòng dẫn luôn tồn tại lực ma sát ngược chiều với chuyển động, có độ lớn là tích số của ứng suất tiếp biên thành rắn và diện tích tiếp xúc với thành rắn. Dòng chảy trong máng tràn bên là dòng xoắn ba chiều rất phức tạp, tổn thất năng lượng vì thế mà liên tục thay đổi làm cho quy luật phân bố ứng suất tiếp biên thành rắn cũng biến đổi rất phức tạp. Bằng phương pháp lý thuyết kết hợp số liệu thực nghiệm, bài báo trình bày kết quả nghiên cứu quy luật biến đổi của ứng suất tiếp biên thành rắn dọc theo chiều dòng chảy trong máng tràn bên phi lăng trụ mở rộng dần mặt cắt hình chữ nhật. Từ khóa: Máng tràn bên, Ứng suất tiếp biên thành rắn, hồ Việt An, Đường mặt nước. |
102 | Diễn biến mực nước trong hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải ứng với các kịch bản suy giảm nguồn nước từ cống đầu mối Xuân Quan | Trần Tuấn Thạch | Nghiên cứu này trình bày các kết quả mô phỏng diễn biến mực nước trong hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải sử dụng mô hình thủy lực MIKE 11. Trước tiên, mô hình MIKE 11 được kiểm định sử dụng số liệu năm 2017. Kết quả thể hiện rằng mô hình đã tái hiện rất tốt mực nước thực đo tại các vị trí khác nhau trong hệ thống, với sai số quân phương và sai số tuyệt đối trung bình tại các vị trí so sánh chỉ bằng từ 2,59 đến 13,1% giá trị của biên độ mực nước thực đo. Hệ số tương quan giữa mực nước tính toán và thực đo tại các vị trí thay đổi từ 0,77 đến 0,98. Sau đó, mô hình MIKE 11 đã được áp dụng để mô phỏng diễn biến mực nước theo ba kịch bản suy giảm nguồn nước tại đầu mối cống Xuân Quan (tương ứng với H = 1,85, 1,40 và 1,0 m). Ứng với kịch bản mực nước H=1,85m và 1,40 m tại đầu mối cống Xuân Quan, mực nước trên hệ thống có sự thay đổi mạnh mẽ theo không gian và thời gian. Mực nước trên sông trục chính Kim Sơn biến đổi từ 1,85 đến 1,26 m ứng với kịch bản H=1,85m, trong khi giá trị trên thay đổi từ 1,40 đến 1,21m cho kịch bản H=1,40m. Ứng với kịch bản H=1,0 m, mực nước trên sông trục chính Kim Sơn biến đổi từ 1,0 đến 1,17 m và xuất hiện nước chảy ngược trên hệ thống. Từ khoá: Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, Diễn biến mực nước, Mô hình thủy lực. |
111 | Ứng dụng mô hình MIKE11 và mô hình DELFT3D đánh giá hiệu quả các giải pháp công trình chỉnh trị đoạn sông cong gấp hữu trung trên sông Luộc phục vụ giao thông thủy | Phạm Văn Thắng Nguyễn Kiên Quyết Nguyễn Quang Hùng | Nội dung bài báo trình bày kết quả ứng dụng mô hình MIKE11 và mô hình DELFT3D đánh giá hiệu quả các phương án quy hoạch công trình chỉnh trị đoạn cong gấp Hữu Chung trên sông Luộc, kết qủa nghiên cứu đã lựa chọn phương án cắt trong là phù hợp với đoạn sông nghiên cứu phục vục giao thông thủy và khai thác tổng hợp của các ngành kinh tế hữu quan. Từ khóa: Delft3D, Mike11, Hữu Chung, cắt trong, cắt ngoài. |