, 08/12/2024
THỂ LỆ VIẾT BÀIBài viết phải đảm bảo chưa công bố, đăng tải trên các Báo, Tạp chí, độ dài không quá 10 trang, được đánh máy vi tính theo phông Times New Roman, cỡ chữ 12, in trên khổ A4 kèm theo file hoặc gửi qua Email. Bài viết sử dụng tiếng Việt, kèm theo tóm tắt nội dung bằng tiếng Việt và tiếng Anh (không quá 200 từ). Công thức được viết theo Equation Editor và đánh số thứ tự về bên phải. Các bản vẽ phải đúng quy định vẽ kỹ thuật, kích thước không quá 15 x 20cm. Các bài có bản đồ từng vùng hoặc cả nước cần vẽ theo mẫu chính xác, đúng theo quy cách hiện hành, các bản vẽ, biểu bảng phải đánh số thứ tự. Thứ tự sắp xếp bài báo: - Tên bài báo - Họ và tên tác giả, học hàm, học vị, cơ quan công tác - Tóm tắt nội dung (bằng tiếng Việt). - Tóm tắt nội dung (bằng tiếng Anh) - Nội dung bài báo. - Tài liệu tham khảo: đặt liền với bài và ghi thứ tự, số thứ tự được đặt trong [ ]. Trích dẫn tên đề tài công bố. |
Trang | Tên bài báo | Tác giả | Tóm tắt |
2 | Bảo đảm an ninh nguồn nước tại đồng bằng sông hồng, đồng bằng sông Cửu Long | Nguyễn Tùng Phong, Lê Hùng Nam, Phạm Quốc Hưng, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Hải Nam Cục Thủy lợi
| Nhận định an ninh nguồn nước sẽ tác động sâu sắc đến sự nghiệp phát triển bền vững đất nước, năm 2020 Quốc hội khóa XIV triển khai hoạt động giám sát an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập. Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đưa ra quan điểm về bảo đảm an ninh nguồn nước nước ta, đặt mục tiêu đến năm 2030, đến năm 2045 và đề ra các nhóm giải pháp triển khai. Kết quả nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, trong nước, với đặc thù nằm tại vị trí cuối nguồn các lưu vực sông lớn liên quốc gia, Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng sẽ chịu tác động bất lợi vô cùng lớn từ biến đổi khí hậu, từ hoạt động khai thác sử dụng nước tại phần lưu vực thượng nguồn, cũng như sức ép từ hoạt động phát triển kinh tế-xã hội trong nước. Căn cứ định hướng chung của Trung ương đảng, Kết luận số 36-KL/TW, bài viết đã đánh giá điều kiện đặc thù vùng, thách thức về nguồn nước để đưa ra các giải pháp trọng tâm nhằm mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế-xã hội bền vững tại Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long. Từ khóa: Quản lý nguồn nước; cấp nước; môi trường nước; kinh tế nước; phòng, chống thiên tai; phát triển bền vững. |
14 | Giải pháp phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long | Lương Văn Anh Cục Thủy lợi | Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có vị trí đặc biệt, điều kiện nguồn nước phụ thuộc rất lớn từ ngoài biên giới, hàng năm đều chịu ảnh hưởng rất lớn của cả lũ từ thượng nguồn trong mùa mưa và xâm nhập mặn về mùa khô. Trong khoảng 5 năm gần đây, vùng đã xảy ra hai đợt xâm nhập mặn nghiêm trọng trong các mùa khô năm 2015-2016 và 2019-2020, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và thiếu nước sinh hoạt. Trước thông tin dự báo khí tượng thủy văn có xu thế bất lợi, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có thể xảy ra trong mùa khô 2023-2024, việc chuẩn bị các giải pháp để chủ động ứng phó là hết sức cần thiết. Bài viết này phân tích cụ thể tình hình xâm nhập mặn, các tác động và định hướng một số giải pháp chính, gồm cả trước mắt và lâu dài để phòng, chống tác động của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đến sản xuất và dân sinh. Từ khóa: Hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, Đồng bằng sông Cửu Long, Giải pháp ứng phó. |
23 | Xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế của mô hình cấp nước tại vùng núi cao, vùng khan hiếm nước | Vũ Thị Hồng Nghĩa Bộ Khoa học và Công nghệ Ngô Văn Đạt, Nguyễn Mạnh Trường, Đinh Anh Tuấn, Nguyễn Tiếp Tân Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam | Nước sinh hoạt luôn là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá và cấp thiết đối với đời sống của con người, nhất là tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước ở Việt Nam. Trong những năm qua nhiều công trình cấp nước sinh hoạt đã được đầu tư xây dựng bước đầu đem lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, theo thời gian các công trình dần mất ổn định, xuống cấp, hư hỏng, giảm khả năng sử dụng. Do vậy cần có nhìn nhận, đánh giá toàn diện hiệu quả hoạt động của công trình cấp nước theo các tiêu chí. Trong đó có tiêu chí đánh giá về hiệu quả kinh tế. Để có cơ sở đề xuất được các giải pháp khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình cấp nước tại vùng núi cao, vùng khan hiếm nước |
34 | Vai trò, hiệu quả của thí nghiệm mô hình thủy lực trong thiết kế và xây dựng công trình thủy lợi, thủy điện | Giang Thư, Tô Vĩnh Cường Phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực học sông biển | Thí nghiệm mô hình thủy lực đóng vai trò quan trọng trong thiết kế xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện. Qua thí nghiệm mô hình đã giải quyết được những vấn đề khó khăn, như: Giải pháp bố trí công trình, biện pháp tiêu năng phòng xói, tăng khả năng tháo, triệt tiêu dòng xiên ở dốc nước, nối tiếp tiêu năng, biện pháp giảm vận tốc dòng chảy, chiều cao sóng ở hạ lưu v.v. Về hiệu quả kinh tế khi thí nghiệm mô hình đã tiết kiệm được nhiều tỷ đồng. Bài viết nêu về vai trò, hiệu quả của việc thí nghiệm mô hình thủy lực và ví dụ về thí nghiệm một số công trình đã áp dụng vào thực tế. Từ khóa: Thí nghiệm mô hình, nối tiếp dòng chảy, tiêu hao năng lượng. |
43 | Vai trò của hoạt động truyền thông trong công tác bảo vệ môi trường ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn | Trần Hưng, Phạm Đình Kiên, Vũ Thanh Trà, Hoàng Quốc Việt và nnk Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường | Truyền thông phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn luôn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, các hoạt động này hàng năm được thực hiện thường xuyên. Năm 2023, Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường đang chủ trì thực hiện nhiệm vụ: “Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về bảo vệ môi trường ngành nông nghiệp”. Đến nay một số hoạt động đã được triển khai và đã thu được những kết quả đáng kể, góp phần lan tỏa sâu rộng việc chấp hành luật Bảo vệ môi trường trong Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Từ khóa: Truyền thông, pháp luật, bảo vệ môi trường, nông nghiệp, nông thôn. |
50 | Đánh giá chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé và đề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm | Nguyễn Công Toại, Phạm Vũ Phương Trang, Viện Kỹ thuật Biển | Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé nằm phía Tây đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được xây dựng, hoàn thành và đi vào hoạt động, đây được xem là một trong những cống lớn nhất Việt Nam. Bài báo trình bày kết quả đánh giá thực trạng chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé, thông qua việc quan trắc và phân tích các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh và sử dụng chỉ số WQI (Water Quality Index). Qua kết quả phân tích các chỉ tiêu cho thấy chất lượng nước trong vùng đang có dấu hiệu bị ô nhiễm hữu cơ (BOD5, COD), ô nhiễm dinh dưỡng (amoni, nitrite) và ô nhiễm vi sinh do ảnh hưởng từ việc xả nước thải sinh hoạt, công nghiệp và hoạt động sản xuất nông nghiệp trong vùng, đặc biệt là ở hai khu vực cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành và kênh Xáng Giồng Riềng. Từ kết quả phân tích, tìm ra các nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước trong hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé như: xả thải từ nguồn sinh hoạt và các nhà máy chế biến thủy hải sản trong vùng nghiên cứu. Bài báo cũng đề xuất một số giải pháp giảm thiểu ô nhiễm là cần tăng cường về công tác vệ sinh môi trường nông thôn cho các khu chợ, các hộ gia đình và các khu chăn nuôi hộ gia đình, kiểm soát các nguồn thải tự phát (các khu công nghiệp, dân cư,…) đổ vào các kênh rạch. Từ khóa: Chất lượng nước, Cái Lớn-Cái Bé, ô nhiễm nguồn nước |
60 | Xây dựng bản đồ trực tuyến WEBGIS quản lý nguồn thải chính gây ô nhiễm nước tưới hệ thống thủy lợi sông Nhuệ - sông Đáy | Trần Quốc Thưởng Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam Đỗ Ngọc Ánh Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam | Hiện nay công tác quản lý lưu trữ các nguồn thải xả xuống hệ thống công trình thủy lợi nội đồng chủ yếu bằng sổ sách, văn bản giấy tờ, nhưng nguồn thải biến đổi thường xuyên, khó cập nhật, lưu trữ,vv,... Bài báo nêu lập bản đồ trực tuyến WebGis quản lý nguồn thải xả xuống hệ thống thủy lợi (HTTL) nội đồng gây ô nhiễm nước tưới HTTL sông Nhuệ - sông Đáy. Từ khóa: WebGis, nguồn thải |
66 | Đánh giá diễn biến chất lượng nước tại hệ thống thủy lợi Quản Lộ - Phụng Hiệp | Phạm Thị Thu Ngân, Phan Mạnh Hùng, Hà Thị Xuyến, Nguyễn Công Toại, Phạm Vũ Phương Trang Viện Kỹ thuật Biển Nguyễn Duy Liêm Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh | Hệ thống thủy lợi Quản Lộ Phụng Hiệp nằm ở phía Nam sông Hậu thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long, với nhiệm vụ cấp nước cho hoạt động sản xuất của người dân các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang và Hậu Giang. Hiện nay, chất lượng nguồn nước ở đây có dấu hiệu suy giảm, nên việc quản lý, giám sát hiện trạng nguồn nước là rất cần thiết. Nghiên cứu sử dụng phương pháp thống kê để đánh giá diễn biến chất lượng nước tại hệ thống thủy lợi Quản Lộ - Phụng Hiệp trong giai đoạn 2015-2022. Kết quả cho thấy, trong giai đoạn 2015-2022, có sự gia tăng tình trạng ô nhiễm phèn sắt tại cống cầu Sập (QL1), cống Vĩnh Mỹ (QL2), cống Láng Trâm (QL5), cống Cà Mau (QL6) và cống Đá (QL9), suy giảm phù sa, gia tăng ô nhiễm hữu cơ, dinh dưỡng tại tất cả các vị trí lấy mẫu. Đồng thời, có sự giảm thiểu ô nhiễm vi sinh trong khu vực. Ngoài ra, kết quả kiểm định Granger quan hệ nhân quả giữa độ mặn với các thông số chất lượng nước khác cho thấy độ mặn có tác động đến 5 thông số là pH, DO, COD, NH4+, Fe (p < 0,05). Độ mặn có tác động qua lại với PO43- và độc lập với TSS, NO3-, NO2- và Coliform. Từ khóa: Phương pháp thống kê, kiểm định Granger |
79 | Thực trạng chất lượng nước trong hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng và đề xuất biện pháp giảm thiểu ô nhiễm | Hà Thị Xuyến, Phan Mạnh Hùng, Phạm Vũ Phương Trang, Nguyễn Công Toại, Phạm Thị Thu Ngân Viện Kỹ thuật Biển | Nghiên cứu sử dụng hai phương pháp là (i) thống kê để đánh giá thông qua các chỉ tiêu chất lượng nước riêng lẻ và được so sánh với QCVN 08-MT:2015/BTNMT (cột A1, B1) và (ii) chỉ số chất lượng nước WQI so sánh bảng thang màu tại Quyết định 1460/QĐ-TCMT ngày 12/11/2019. Phạm vi nghiên cứu chất lượng nước (CLN) mặt trong hệ thống thủy lợi (HTTL) Dầu Tiếng tại 24 vị trí quan trắc thuộc phân bố đều trong hệ thống (công trình đầu mối, kênh tưới, kênh tiêu, khu đẩy mặn) với 07 đợt thu mẫu vào mùa khô tới đầu mùa mưa cho 12 chỉ tiêu quan trắc (Độ mặn, pH, DO, TSS, BOD5, COD, PO43-, NH4+, NO2-, NO3-, FeTS và Coliform). Kết quả nghiên cứu đã đưa ra được thực trạng, diễn biến CLN trong HTTL có sự biến động rõ theo không gian và thời gian như: khu vực đầu mối, kênh chính CLN tốt ngoại trừ một vài vị trí vào một số thời điểm trong năm; khu vực hạ lưu (kênh nhánh, kênh tiêu, khu đẩy mặn) CLN xấu hơn, có dấu hiệu bị ô nhiễm dinh dưỡng, hữu cơ thông qua một số chỉ tiêu amoni, nitrit, BOD5, coliform. Từ đó đã đưa ra được các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước góp phần cho phát triển nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt nhằm bảo vệ bền vững, ổn định tài nguyên nước mặt trong HTTL. Từ khóa: Chất lượng nước, hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng, biện pháp giảm thiểu ô nhiễm, amoni, oxy hòa tan (DO) |
89 | Tổng quan ứng dụng phương pháp học máy trong dự báo lũ | Đinh Nhật Quang, Tạ Quang Chiểu Trường Đại học Thuỷ lợi Trịnh Trần Tiểu Long Trường Đại học Cantabria | Với tầm quan trọng của việc dự báo và cảnh báo lũ, các nghiên cứu tập trung vào ứng dụng các mô hình học máy vào các bài toán dự báo lũ đang ngày càng được quan tâm. Trong bài báo này, chúng tôi tổng quan lại các bài nghiên cứu gần đây về ứng dụng của học máy trong lĩnh vực về dự báo lũ, dự đoán mực nước, lưu lượng, độ sâu ngập,… cùng với đó là các chỉ số thường dùng để đánh giá độ tin cậy của các mô hình học máy. Các nghiên cứu đã cho thấy, khác với các mô hình toán, mô hình học máy cần ít thông số đầu vào, tốn ít thời gian để mô phỏng và không đòi hỏi nhiều kiến thức về mô phỏng ngập lụt mà vẫn đưa ra kết quả dự đoán có độ chính xác tốt. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đã chỉ ra một số hạn chế của việc ứng dụng các mô hình học máy, từ đó đề ra những gợi ý về hướng nghiên cứu cần thực hiện để tối ưu hoá các mô hình học máy trong dự báo lũ. Từ khóa: Học máy, Học sâu, Dự báo lũ, Dự đoán Mực nước, Dự đoán Lưu lượng. |
102 | Mô phỏng diễn biến mặn trong hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải cho kịch bản lấy nước ngược từ sông Thái Bình | Trần Tuấn Thạch Trường Đại học Thuỷ lợi | Nghiên cứu tập trung vào mô phỏng diễn biến độ mặn trong hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải ứng với trong trường hợp lấy nước ngược từ sông Thái Bình. Chuỗi số liệu mực nước và độ mặn thực đo tại cống Cầu Xe và An Thổ trong thời kỳ từ 18-12-2020 đến 15-1-2021 được sử dụng để đánh giá chi tiết mối tương quan giữa độ mặn và mực nước sử dụng phân tích sóng con (wavelet analysis). Độ mặn tại An Thổ có mối tương quan chặt chẽ với mực nước trong khoảng thời gian 1 giờ đối với triều kém và 0,5 giờ đối với triều cường, trong khi đó giá trị trên là khoảng 2 giờ tại vị trí cống Cầu Xe. Module lan truyền chất của mô hình MIKE 11 đã được áp dụng để mô phỏng diễn biến mặn trong hệ thống ứng với kịch bản lấy nước ngược từ sông Thái Bình qua cống Cầu Xe và An Thổ với độ mặn tương ứng trong thời kỳ nêu trên. Kết quả mô phỏng thể hiện rằng xâm nhập mặn trong hệ thống truyền sâu vào trong nội đị trên sông chính Cửu An khoảng 24,92km, trong khi đó xâm nhập mặn tính toán trên sông Đình Đào là khoảng 18,90 km. Tại vị trí ngã ba nhập lưu giữa kênh Cầu Xe và kênh An Thổ, ngã ba nhập lưu giữa sông Đình Đào và sông Cửu An, giá trị độ mặn tính toán lần lượt bằng 0,5 và 0,35 PSU. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của hệ số khuếch tán đến quá trình lan truyền mặn trong hệ thống cũng được đề cập đến trong nghiên cứu này. Từ khoá: Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, Độ mặn, Diễn biến mặn, Module lan truyền chất |
110 | Nghiên cứu tác động của biện pháp thi công đến chuyển bị hố móng công trình thủy lợi trong điều kiện nền đất yếu | Ngô Văn Quận Trường Đại học Thủy lợi | Ổn định hố đào trong công tác thi công các công trình thủy lợi có ý nghĩa rất lớn về mặt kinh tế, kỹ thuật đặc biệt trong điều kiện nền đất yếu. Dưới tác động của nền đất yếu ảnh hưởng trực tiếp đến các biện pháp hố đào trong quá trình thi công, việc tính toán, mô phỏng và đánh giá chuyển vị của biện pháp là thực sự cần thiết. Vì vậy, nghiên cứu đánh giá tác động của biện pháp thi công đến chuyển bị hố móng công trình trong điều kiện nền đất yếu với phương pháp phần tử hữu hạn được áp dụng cho nghiên cứu này. Kết quả tính toán, mô phỏng cho thấy các biện pháp thi công khác nhau có ảnh hưởng đáng kể đến chuyển vị của tường chắn hố đào. Biện pháp ổn định hố đào được sử dụng với hai kịch bản gồm: Kịch bản 1 (KB1) chỉ sử dụng tường cừ thép chắn đất hố đào; Kịch bản 2 (KB2) sử dụng tường cừ thép kết hợp với hệ văng chống bảo vệ sạt lở đất nền công trình cho hố đào. Kết quả cho thấy, với kịch bản biện pháp chỉ sử dụng tường cừ thép đã xuất hiện về mất ổn định hố đào, trong khi nếu kết hợp tường cừ thép với hệ văng chống được đảm bảo ổn định hố đào trong suốt quá trình thi công. Kết quả nghiên cứu cung cấp một phương pháp hữu ích trong công tác kiểm tra, đánh giá ổn định hố đào với các công trình thủy lợi nói riêng và công trình ngầm nói chung, góp phần quan trọng trong việc đề xuất các biện pháp kỹ thuật phù hợp mang lại hiệu quả cho công trình. Từ khóa: Phần tử hữu hạn, tường cừ Larsen, Hệ văng chống, Chuyển vị, Plaxis |