TextBody
Huy chương 2

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 82 năm 2024

THỂ LỆ VIẾT BÀI

Bài viết phải đảm bảo chưa công bố, đăng tải trên các Báo, Tạp chí, độ dài không quá 10 trang, được đánh máy vi tính theo phông Times New Roman, cỡ chữ 12, in trên khổ A4 kèm theo file hoặc gửi qua Email. Bài viết sử dụng tiếng Việt, kèm theo tóm tắt nội dung bằng tiếng Việt và tiếng Anh (không quá 200 từ). Công thức được viết theo Equation Editor và đánh số thứ tự về bên phải. Các bản vẽ phải đúng quy định vẽ kỹ thuật, kích thước không quá 15 x 20cm. Các bài có bản đồ từng vùng hoặc cả nước cần vẽ theo mẫu chính xác, đúng theo quy cách hiện hành, các bản vẽ, biểu bảng phải đánh số thứ tự.

Thứ tự sắp xếp bài báo:

- Tên bài báo

- Họ và tên tác giả, học hàm, học vị, cơ quan công tác

- Tóm tắt nội dung (bằng tiếng Việt).

- Tóm tắt nội dung (bằng tiếng Anh)

- Nội dung bài báo.

- Tài liệu tham khảo: đặt liền với bài và ghi thứ tự, số thứ tự được đặt trong [ ].

Trích dẫn tên đề tài công bố.

Trang

Tên bài báo

Tác giả

Tóm tắt

2

Quản lý cơ sở dữ liệu từ các thí nghiệm mô hình vật lý thực hiện với các dạng kết cấu đê giảm sóng điển hình ở đồng bằng sông Cửu Long

Nguyễn Nguyệt Minh, Lê Duy Tú, Trần Thùy Linh,
Trương Ngọc Đạt, Đinh Công Sản

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Dữ liệu được thu thập từ các thí nghiệm thực hiện trong máng sóng và bể sóng tại Phòng thí nghiệm Thủy động lực sông biển thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam bao gồm các dữ liệu thô từ các thiết bị đo sóng, dòng chảy, sensor độ đục, các hình ảnh và camera ghi hình,  các dữ liệu đã qua xử lý và các báo cáo … được phân loại sắp xếp có cấu trúc và quản lý thông qua phần mềm quản lý dữ liệu. Bài báo này trình bày kết quả xây dựng phần mềm quản lý bộ dữ liệu thu được từ chuỗi các thí nghiệm vật lý thuận tiện cho tra cứu, cập nhật, và làm nguồn dữ liệu tham khảo cho các nghiên cứu tiếp theo dễ dàng tiếp cận, trích xuất, sử dụng.

Từ khóa: Bể sóng, máng sóng, cấu kiện giảm sóng, đồng bằng sông Cửu Long, thí nghiệm vật lý, quản lý cơ sở dữ liệu

14

Nghiên cứu ứng dụng đập ngầm nhằm lưu trữ và chống thất thoát nước dưới đất trong các thành tạo đệ tứ không phân chia khu vực ven biển Nam Trung Bộ

Nguyễn Thành Công, Nguyễn Huy Vượng,
Trần Văn Quang, Vũ Đình Hùng, Phan Việt Dũng

Viện Thủy Công

Nguyễn Bách Thảo
Trường Đại học Mỏ - Địa chất

Trên địa bàn Nam Trung Bộ, các trầm tích đệ tứ không phân chia chủ yếu phân bố dọc theo các lòng sông suối, có thành phần chủ yếu là cát hạt thô, cuội tảng, ..., có độ dốc tương đối lớn. Trên mặt cắt ngang của các sông suối, các thành tạo này thường được giới hạn bởi các đới đất đá thấm nước yếu. Vì vậy nước dưới đất có xu hướng theo độ dốc thủy lực của các trầm tích này thoát ra sông suối, làm tổn thất một lượng lớn nước ngọt của tấng chứa nước dẫn đến thiếu nước ngot phục sinh hoạt và sản xuất về mùa khô. Đập ngầm là dạng công trình cắt ngang qua tầng chứa nước ngăn không cho dòng ngầm thoát về hạ lưu làm dâng mực nước ngầm trước đập và nhằm giữ nước trong các tầng chứa nước. Kết quả phân tích các cấu trúc địa chất thủy văn đặc trưng của các thành tạo đệ tứ khu vực Nam Trung Bộ cho thấy đập ngầm là dạng công trình phù hợp để lưu giữ và chống thất thoát nước dưới đất trong thành tạo này. Sử dụng mô dòng chảy Visual Modflow để mô phỏng khả năng lưu giữ nước cho một lưu vực tại xã Xuân Phương – thị xã Sông Cầu- tỉnnh Phú Yên cho thấy đập ngầm có thể lưu giữ được khoảng 1.035.254,07 m3/năm để phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân trong vùng.

Từ khóa: Đập ngầm; lưu giữ nước dưới đất; trầm tích đệ tứ không phân chia, Nam Trung Bộ.

27

Giới thiệu phương pháp quản lý an toàn đập dựa trên thông tin rủi ro

 

Đỗ Ngọc Ánh, Trần Quốc Quân, Nguyễn Ngọc Tuấn
Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo

Đa phần trong số gần 62.000 đập lớn trên thế giới đều được xây dựng trong thời kỳ trước nên có tuổi đời cao và đang dần lão hóa, xuống cấp về mặt chất lượng công trình. Bên cạnh đó, tác động cực đoan của các yếu tố khí hậu dưới ảnh hưởng của BĐKH đã và đang gia tăng sức ép lên việc đảm bảo an toàn của các hồ chứa này. Tỷ lệ các đập gặp sự cố trên thế giới được thống kê lên tới khoảng 1%. Thiệt hại về nhân mạng, tài sản và môi trường trong các sự cố đập là thảm khốc. Tại Việt Nam, công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa vẫn chủ yếu dựa trên hệ thống các tiêu chuẩn ngành, vốn đã ra đời từ nhiều thập kỷ trước và chưa kịp thay đổi để thích ứng với các điều kiện hiện tại về kinh tế - xã hội và biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc phải đưa ra một chiến lược quản lý an toàn đập, hồ chứa hiện đại và cập nhật nhằm đáp ứng các yêu cầu an toàn ngày càng khắt khe là nhu cầu cấp bách. Bài báo này nhằm giới thiệu phương pháp tiếp cận quản lý an toàn đập dựa trên thông tin rủi ro. Đây là một trong những phương pháp hiện đại, ưu việt và được nhiều quốc gia phát triển nghiên cứu áp dụng và có nhiều bài học kinh nghiệm tốt. Phương pháp này được nghiên cứu và xây dựng nhằm nhận biết, hành động giảm thiểu, và lập thứ tự ưu tiên các rủi ro cho danh mục các công trình. Trong bối cảnh Việt Nam, phương pháp này cần có những nghiên cứu nhằm điều chỉnh và phân chia giai đoạn phù hợp với trình độ nhận thức và kỹ thuật của các bên có liên quan trong lĩnh vực quản lý an toàn đập.

Từ khóa: An toàn đập, quản lý an toàn đập, phương pháp tiếp cận dựa trên thông tin rủi ro

37

Nghiên cứu chế độ thủy động lực và bồi xói  khu vực Cồn Kiến, Cồn Bùn, Cồn Lác trên sông Cổ Chiên, tỉnh Bến Tre

Nguyễn Thị Kim Thảo, Lê Văn Tuấn, Hoàng Văn Huân
Viện Kỹ thuật Biển

 

Bài viết dùng mô hình MIKE 21/3 Coupled model FM để đánh giá chế độ thủy động lực và bồi xói lòng dẫn đoạn sông Cổ Chiên chảy qua cụm cồn Kiến, cồn Bùn và cồn Lác. Kết quả cho thấy dòng chảy trong khu vực lớn nhất đạt từ 0,8 đến 1,4 m/s, trung bình từ 0,3- 0,6 m/s, xuất hiện vào mùa mưa, thời kỳ đỉnh lũ, khi triều xuống. Có sự thay đổi phân bổ lưu lượng dòng chảy cho nhánh trái và nhánh phải khi đi qua khu vực nghiên cứu. Dòng chảy có xu hướng dịch chuyển phân bố lưu lượng từ nhánh trái sang nhánh phải khi chảy qua cồn Bùn. Kết quả là vận tốc các dòng triều lên và rút tăng mạnh ở khoảng hở giữa các cồn, đặc biệt là khu vực đuôi cồn Bùn và đầu cồn Lác. Tốc độ dòng chảy lớn nhất xuất hiện ở nửa đuôi cồn Bùn nhánh trái và nửa đầu cồn Lác nhánh phải. Tại những khu vực dòng chảy lớn, xói lói lở xảy ra với tốc độ 0,4-0,8 m/năm, một số vị trí có thể đạt tới 1 m/năm. Những khu vực có vận tốc nhỏ (dao động nhiều trong khoảng dưới 0,2 m/s) có xu hướng ổn định và bồi nhẹ từ 0,1-0,2 m/năm. So sánh với kết quả từ đợt điều tra thực địa tại khu vực nghiên cứu vào tháng 4 năm 2023 cũng cho thấy sự tương đồng giữa kết quả tính toán và điều tra thực tế. Kết quả nghiên cứu là cơ sở để đề ra các biện pháp phòng chống sạt lở nhằm giảm nhẹ thiệt hại và ổn định đời sống của người dân địa phương trong khu vực.

Từ khóa: Mô hình toán, cồn nổi, thủy động lực học, bồi xói.

50

Nghiên cứu mở rộng phạm vi làm việc của máy bơm  hướng trục cỡ lớn bằng phương pháp xoay cánh

Đỗ Hồng Vinh, Nguyễn Quang Minh, Phan Tuấn Anh
Viện Bơm và Thiết bị Thủy lợi

Trong bối cảnh hiện nay, việc ứng phó và thích nghi về các hiện tượng lũ lụt, nước biển dâng do tác động biến đổi khí hậu đang đòi hỏi phải xây dựng thêm các công trình thủy lợi nói chung và các trạm bơm nói riêng để đảm bảo cấp thoát nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, đặc biệt là nhu cầu cần thiết phải có các trạm bơm lưu lượng siêu lớn để phục vụ mục tiêu chống úng ngập các thành phố lớn và các vùng ven biển. Hầu hết các trạm bơm lớn này đều lắp đặt các bơm hướng trục cỡ lớn đòi hỏi có dải làm việc rất rộng.

Có hai phương pháp cơ bản để mở rộng dải làm việc của bơm hướng trục: điều chỉnh số vòng quay và điều chỉnh góc đặt cánh. Với các bơm hướng trục công suất lớn thì việc thay đổi góc đặt cánh (xoay cánh) là phổ biến vì việc thay đổi số vòng quay gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật và bị hạn chế về công suất. Để mở rộng dải làm việc bằng xoay cánh hiệu quả, cần nghiên cứu ảnh hưởng của góc xoay cánh đến đặc tính làm việc và đặc tính xâm thực của máy bơm, từ đó đưa ra được các khuyến cáo cần thiết giúp cho nhà quản lý chọn được góc xoay cánh phù hợp đảm bảo bơm vận hành hiệu quả nhất.

Từ khóa: Bơm hướng trục, bánh công tác, xoay cánh, xâm thực.

57

Nghiên cứu diễn biến hạn theo không gian
và thời gian trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk

Trần Tuấn Thạch
Trường Đại học Thuỷ lợi

Hạn hán diễn ra hàng năm đã gây thiệt hại rất lớn cho khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đăk Lăk nói riêng, tỉnh có diện tích trồng cây công nghiệp lớn so với cả nước. Nghiên cứu này tập trung vào phân tích diễn biến hạn theo thời gian và không gian trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk dựa trên số liệu quan trắc của các trạm khí tượng và thống kê diện tích hạn hán (ha) trong giai đoạn 2010÷2022. Nghiên cứu đã lựa chọn đánh giá mức độ hạn dựa trên chỉ số chuẩn hóa lượng mưa SPI (Standardized Precipitation Index) và sử dụng nguôn ngữ lập trình Python để tính toán giá trị SPI cho các thời đoạn ngắn (3, 6, 9, 12) tháng. Dựa trên kết quả tính toán chỉ số hạn, bản đồ phân bố hạn theo không gian được xây dựng ứng dụng công nghệ viễn thám ArcGIS với phép nội suy nghịch đảo IDW. Kết quả nghiên cứu cho thấy: 1) Hạn hán xảy ra nghiêm trọng nhất trong giai đoạn mùa khô từ năm 2014÷2016 trùng với thời điểm có hiện tượng El Nino xuất hiện trong khu vực; 2) Mức độ hạn hán khí tượng giai đoạn 6 tháng mùa khô từ tháng 11÷4 năm sau (SPI6), có độ tương quan cao với diện tích hạn trên địa bàn tỉnh với chỉ số R2=0,72 thông qua phép phân tích hồi quy đơn biến; 3) Dựa trên bản đồ phân bố không gian được xây dựng cho khu vực nghiên cứu nhận thấy phía Tây Bắc tỉnh Đăk Lăk có mức độ hạn hán nghiêm trọng hơn so với khu vực phía Đông Nam do ảnh hưởng của yếu tố địa hình (thấp dần từ Đông Nam xuống Tây Bắc). Nghiên cứu là cơ sở cho việc đề xuất giải pháp quy hoạch sản xuất vùng cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk nhằm thích ứng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Từ khóa: Hạn khí tượng, SPI6, không gian và thời gian, mùa khô

67

Những vấn đề chính trong xây dựng tiêu chuẩn cơ sở và định mức kinh tế - kỹ thuật thí nghiệm mô hình thủy động lực công trình vùng cửa sông, ven biển

Doãn Tiến Hà, Nguyễn Mạnh Linh, Trần Hương Cẩm, Triệu Quang Quân, Phạm Ngọc Tú
Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Động lực học sông biển

Ở nước ta, mặc dù có nhiều nghiên cứu về mô hình vật lý cửa sông - ven biển đã được tiến hành, nhưng điểm chung của các nghiên cứu này là hiện nay không có bộ tiêu chuẩn và định mức riêng cho lĩnh vực này. Do vậy, khi áp dụng vào thực tế còn tồn tại nhiều bất cập, không đảm bảo chặt chẽ về mặt kỹ thuật, không có căn cứ đầy đủ để lập đề cương - dự toán nhiệm vụ cần nghiên cứu. Bài báo sẽ trình bày tóm lược về các vấn đề chính trong xây dựng tiêu chuẩn cơ sở và định mức kinh tế - kỹ thuật thí nghiệm mô hình thủy động lực công trình vùng cửa sông, ven biển. Đó là nhiệm vụ rất có ý nghĩa về mặt khoa học cũng như đáp ứng được nhu cầu thực tiễn hiện nay đối với lĩnh vực nghiên cứu.

Từ khóa: Mô hình vật lý, Cửa sông, Ven biển, Tiêu chuẩn, Định mức

76

Phân tích diễn tiến ngập úng theo không gian và thời gian ở Cù lao Hưng Phong, tỉnh Bến Tre dựa trên ảnh viễn thám Sentinel-1

 

Nguyễn Đàm Quốc Huy, Lê Văn Tuấn, Hồ Công Toàn
Viện Kỹ Thuật Biển

 

Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá diễn tiến ngập lụt ở cù lao Hưng Phong, xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Nhóm tác giả sử dụng ảnh vệ tinh Sentinel-1 và ứng dụng phần mềm ENVI để giải đoán, xử lý các lớp ngập từ tháng 6 đến 12 cho giai đoạn 2015 – 2020. Các lớp ngập được phân tích dựa trên hệ số ngưỡng ngập (Threshold = 0,25) cho phù hợp với khu vực nghiên cứu. Kết quả phân tích cho thấy, diện tích ngập thấp nhất có diện tích là 602 ha (tháng 7/2015), cao nhất có thể đến 700 ha (tháng 11/2015), trung bình biến động khoảng 654 – 668 ha, trong đó tháng 11 có diện tích ngập trung bình cao nhất trong cả giai đoạn nghiên cứu. Trong khoảng thời gian tháng 6 đến tháng 12, diện tích ngập lớn nhất ở cù lao Hưng Phong có mối tương quan khá chặt chẽ với mực nước quan trắc cao nhất của trạm thủy văn Mỹ Hóa, hệ số tương quan R2 tốt trên 0,65 và diễn tiến ngập bị chi phối nhiều bởi mực nước sông. Sau khi phân tích cho thấy rằng, đây là những kết quả khả quan, điều này có thể hỗ trợ các nhà quản lý đưa ra các giải pháp để phòng, chống và theo dõi ngập úng bằng công nghệ viễn thám.

Từ khoá: Ngập, ảnh Sentinel-1, cù lao Hưng Phong, nước biển dâng.

88

Nghiên cứu giải pháp kỹ thuật tiêu thoát và chống ngập cho khu công nghiệp Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ

Ngô Văn Quận, Trần Tuấn Thạch
Trường Đại học Thủy lợi

Úng ngập cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các khu công nghiệp (KCN), đô thị và khu dân cư là vấn đề rất lớn đã, đang và sẽ phải đối mặt mà nguyên nhân chính là do mưa lớn và khả năng hệ thống tiêu thoát nước không đáp ứng được yêu cầu. Với vai trò quan trọng của một khu công nghiệp (KCN) nhằm đảm bảo an toàn cho các nhà máy, dây chuyền sản xuất một cách liên tục, không bị gián đoạn…vv đòi hỏi nghiên cứu phân tích, đánh giá và đề xuất giải pháp phòng, chống úng ngập khi xuất hiện những trận mưa lớn tác động đến khu công nghiệp. Vì vậy,“Nghiên cứu giải pháp tiêu thoát và chống ngập cho khu công nghiệp Vĩnh Thạnh, Thành phố Cần Thơ”, là thực sự cần thiết nhằm xác định được hạng mục, quy mô đầu tư xây dựng công trình tiêu thoát nước để phòng tránh và giảm những thiệt hại, cản trở đến các hoạt động sản xuất khi có mưa lớn xảy ra. Nghiên cứu đã xác định được các đặc trưng khí tượng, thủy văn thiết kế trong khu vực dự án tương với trận mưa thiết kế 1 ngày max với lượng mưa (Xptk10% = 120mm) và mực nước thiết kế tại cửa ra của khu vực dự án (+2,60m) sử dụng phương pháp xác suất thống kê. Bên cạnh đó, nghiên cứu đã mô phỏng hệ thống tiêu thoát nước của KCN một cách đồng bộ sử dụng mô hình SWMM với các kết quả như sau: 1) Đã đưa được các thông số hạ tầng kỹ thuật của dự án vào mô hình; 2) Xác định tổng lượng nước chảy tràn bề mặt gây úng ngập và các điểm úng ngập trên các tuyến cống, tuyến kênh, (tổng lượng nước gây ngập úng 350.000 m3). Dựa trên kết quả mô phỏng, nghiên cứu đề xuất giải pháp kỹ thuật chống úng ngập cho khu vực dự án bao gồm: trạm bơm tiêu lưu lượng bơm thiết kế 13,9 m3/s và hồ điều hòa diện tích 9,6ha. Kết quả nghiên cứu cung cấp một giải pháp hữu ích và có ý nghĩa trong công tác quản lý vận hành tiêu thoát nước cho các khu công nghiệp.

Từ khóa: Hệ thống tiêu thoát nước, chống úng ngập, SWMM, khu công nghiệp, hồ điều hòa

98

Nghiên cứu sử dụng kết hợp hầm gom nước bổ sung
làm tháp điều áp của trạm thủy điện

Nguyễn Văn Nghĩa
Trường Đại học Thủy lợi

 Nguyễn Thế Tiến, Bùi Mạnh Bằng
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Nguyễn Văn Chính
Trường Đại học Điện lực

Tháp điều áp là một công trình trong tuyến năng lượng các công trình thủy điện đường dẫn có áp, tháp điều áp là một trong các giải pháp công trình được sử dụng để giảm áp lực nước va trong đường ống áp lực hoặc hầm áp lực. Đối với một số công trình, sử dụng hầm để gom nước (hầm gom nước) từ các nhánh suối bổ sung cho tuyến đập chính nhằm tăng khả năng phát điện đang được sử dụng rộng rãi. Kết hợp hầm gom nước làm tháp điều áp mang lại hiệu quả về mặt kinh tế và môi trường rõ rệt, do đó việc tính toán xác định kích thước hợp lý của hầm gom nước để đảm bảo vai trò như tháp điều áp là vấn đề quan trọng.

Từ khóa: Trạm thủy điện, tháp điều áp, hầm gom nước, kinh tế, môi trường

105

Phân tích khả năng xói ngầm của đập đất hồ chứa nước Thủy Yên, tỉnh Thừa Thiên Huế

Lê Văn Thảo
Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng

Xói ngầm là một trong những nguyên nhân chính gây nên hiện tượng mất ổn định trong các công trình như đập, đê hay các hồ chứa nước bằng đất. Xói đất được gây ra bởi dòng thấm thông những đập đất, đê hoặc những công trình nền đắp...  Xói ngầm có thể gây ra sự thay đổi về thành phần cỡ hạt, độ rỗng, và độ dẫn thủy lực của đất. Xói ngầm bao gồm xói rò rĩ, xói kéo theo, xói tiếp xúc và xói hạt mịn. Foster cùng những cộng sự năm 2000 [1] đã thực hiện thống kê trên 11192 đập đất lớn, trong số 128 đập đất bị vỡ được biết, có khoản 46.1% là do xói ngầm, 48.4% là do nước tràn qua đập và 5.5% là do trượt lỡ. Đối với công trình hồ chứa nước Thủy Yên thuộc dự án hồ chứa Thủy Yên -Huế, hiện trạng công trình này xuất hiện các hiện tượng sạt trượt mái đất, thấm và mạch đùn gây mất ổn định. Vì vậy mục tiêu của bài báo sẽ đánh giá khả năng xói ngầm của đập đất hồ chứa nước Thủy Yên-Huế dựa vào mô hình số nhằm đảm bảo sự an toàn cho công trình.

Từ khóa:  Xói ngầm, mô hình số, dòng thấm, đập đất.

110

Ứng dụng mô hình học máy XGBOOST và LIGHTGBM trong việc dự báo mực nước triều trên sông Sài Gòn - Đồng Nai

Đặng Đồng Nguyên, Lê Thị Hòa Bình,
Phùng Tấn Phương, Phạm Hồng Đức

Phân hiệu trường Đại học Thủy lợi tại tỉnh Bình Dương

Trong những năm gần đây, trí tuệ nhân tạo (AI) đã được sử dụng rộng rãi, thay thế dần cho các mô hình thủy động lực học trong việc dự báo mực nước, lưu lượng trên các sông nhằm cảnh báo sớm nguy cơ lũ lụt. Nghiên cứu này áp dụng một số mô hình học máy để dự báo mực nước tại vị trí các trạm quan trắc trên hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai. Kết quả của nghiên cứu chỉ ra rằng có xu thế gia tăng đáng kể dữ liệu mực nước tại Nhà Bè, Phú An và Thủ Dầu Một trong khi đó xu thế gia tăng không đáng kể được ghi nhận tại trạm Vũng Tàu. Mô hình XGBoost và LightGBM được đánh giá có độ tin cậy cao để dự báo mực nước tại 4 trạm đo mực nước. Ngoài ra đề tài cũng tích hợp mô hình XGBoost và LightGBM vào trong nền tảng website cung cấp thông tin về mực nước triều dự báo của cả 2 mô hình trong 10 ngày tiếp theo tại các trạm. Kết quả dự báo mực nước triều cung cấp những thông tin hữu ích trong việc phòng tránh ngập úng cho đô thị ven sông Sài Gòn – Đồng Nai cũng như là vận hành công trình thủy phục vụ cho nông nghiệp và giao thông thủy.

Từ khóa: LightGBM, Machine Learning, Mực nước, Sài Gòn – Đồng Nai, Thủy triều, XGBoost