, 21/11/2024
THỂ LỆ VIẾT BÀIBài viết phải đảm bảo chưa công bố, đăng tải trên các Báo, Tạp chí, độ dài không quá 10 trang, được đánh máy vi tính theo phông Times New Roman, cỡ chữ 12, in trên khổ A4 kèm theo file hoặc gửi qua Email. Bài viết sử dụng tiếng Việt, kèm theo tóm tắt nội dung bằng tiếng Việt và tiếng Anh (không quá 200 từ). Công thức được viết theo Equation Editor và đánh số thứ tự về bên phải. Các bản vẽ phải đúng quy định vẽ kỹ thuật, kích thước không quá 15 x 20cm. Các bài có bản đồ từng vùng hoặc cả nước cần vẽ theo mẫu chính xác, đúng theo quy cách hiện hành, các bản vẽ, biểu bảng phải đánh số thứ tự. Thứ tự sắp xếp bài báo: - Tên bài báo - Họ và tên tác giả, học hàm, học vị, cơ quan công tác - Tóm tắt nội dung (bằng tiếng Việt). - Tóm tắt nội dung (bằng tiếng Anh) - Nội dung bài báo. - Tài liệu tham khảo: đặt liền với bài và ghi thứ tự, số thứ tự được đặt trong [ ]. Trích dẫn tên đề tài công bố. |
Trang | Tên bài báo | Tác giả | Tóm tắt |
2 | Cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất bộ tiêu chí kiểm soát an toàn phòng chống thiên tai | Trần Văn Đạt | Kiểm soát an toàn thiên tai là một khái niệm mới. Gần đây, để kiểm soát an toàn thiên tai, hiện đã có không nhiều bộ tiêu chí được nghiên cứu và đề xuất ứng dụng ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ. Mặc dù vậy, các bộ tiêu chí đã được công bố vẫn còn tồn tại một số hạn chế liên quan đến mức độ chi tiết về cấp độ, quy mô tổn thương (tổn thất, thiệt hại), khả năng tự chống chịu của khu vực được áp dụng. Thông qua phân tích luận cứ khoa học và thực tiễn, nghiên cứu này đã đề xuất được định hướng nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí kiểm soát an toàn thiên tai trên cơ sở sử dụng phương thức chuẩn đối sánh thay vì định chuẩn. Ứng dụng trong điều kiện thực tiễn ở Việt Nam, với 227 tiêu chí được xác lập sơ bộ, nghiên cứu đã tiến hành kiểm định để rút gọn xuống còn 125 tiêu chí. Với kết quả đạt được, tác giả khuyến nghị các hoạt động nghiên cứu trong tương lai cần xem xét chi tiết hơn, cho từng loại hình thiên tai. Trên cơ sở đó có thêm các phân tích, đánh giá, lựa chọn hợp lý đối với cấu trúc của bộ tiêu chí kiểm soát an toàn thiên tai phù hợp với tình hình thực tế ở nước ta. |
14 | Nghiên cứu thí điểm mô hình xử lý nước thải sinh hoạt phân tán tại các khu dân cư trên địa bàn thành phố Bến Tre | Nguyễn Quang Vinh, Hà Hải Dương, Lê Văn Cư, Trịnh Thị Thùy Linh Nguyễn Hiếu Nhân Nguyễn Thanh Thủy | Thành phố Bến Tre nằm ở trung tâm của tỉnh Bến Tre, một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long và cách Thành phố Hồ Chí Minh 85km. Do quá trình phát triển đô thị và dân số tăng, hoạt động sinh hoạt và sản xuất của người dân ngày càng phát triển, kéo theo lượng chất thải, nước thải phát sinh ngày càng nhiều và hầu hết chưa được xử lý. Với hệ thống kênh rạch khá chằng chịt, thành phố Bến Tre vẫn còn đảm bảo được vấn đề tiêu thoát nước mặt, tuy nhiên nguồn nước mặt đang có dấu hiệu bị ô nhiễm. Theo số liệu phân tích nguồn nước mặt tại các kênh, rach thoát nước thì các chỉ tiêu về hữu cơ (BOD5, TSS, COD) và vi sinh vật (Coliform, E.Coli), cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn, nguồn nước có màu đen và mùi hôi chưa được khắc phục. Thành phố Bến Tre hiện chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung do thiếu nguồn lực về kinh tế cũng như việc quy hoạch hệ thống thu gom, thoát nước thải chưa được thực hiện. Giải pháp xử lý nước thải phân tán đã được nghiên cứu, áp dụng tại nhiều địa phương, nhằm xử lý các nguồn nước thải ô nhiễm hữu cơ với hiệu quả xử lý tốt, chi phí đầu tư và vận hành thấp. Việc nghiên cứu thí điểm và cải tiến mô hình xử lý nước thải sinh hoạt phân tán nhằm áp dụng linh hoạt tại các khu vực bị ô nhiễm, phù hợp với điều kiện hạ tầng và quản lý vận hành của Thành phố góp phần xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường và làm cơ sở cho việc phổ biến, nhân rộng trên địa bàn thành phố. Từ khóa: Thành phố Bến Tre, khu dân cư, xử lý nước thải sinh hoạt, mô hình xử lý phân tán, giảm thiểu ô nhiễm. |
24 | Nghiên cứu thực nghiệm chọn kết cấu mũi phun hợp lý cho đập tràn sông Bung 4, tỉnh Quảng Nam | Đỗ Ngọc Ánh, Tô Vĩnh Cường | Khi thiết kế giải pháp tiêu năng phóng xa cho các đập tràn có cột nước vừa và lớn, việc bố trí các thiết bị tiêu năng phụ (mố phun, dầm…) trên mũi phun giúp tăng khả năng tiêu hao năng lượng, góp phần giảm chiều sâu đào hố xói và gia cố hạ lưu. Để lựa chọn kết cấu tiêu năng hợp lý, bài báo trình bày biện pháp tiêu hao năng lượng dòng phun bằng giải pháp mũi phun 2 tầng. Kết quả nghiên cứu được thực hiện trên mô hình thủy lực tràn thủy điện Sông Bung 4, tỉnh Quảng Nam. Từ khóa: Mũi phun hai tầng, thí nghiệm mô hình thủy lực |
30 | Nguyên nhân và giải pháp hạn chế sự cố trong xây dựng cống vùng triều lớn ở Việt Nam | Thái Quốc Hiền Nguyễn Hữu Huế | Biến đổi khí hậu làm nước biển dâng cao và triều cường theo các cửa sông lớn vào sâu trong đất liền đang là mối đe dọa lớn cho các vùng đất trũng của Việt Nam. Trong khoảng 20 năm qua, Việt Nam đã xây dựng nhiều công trình cống vùng triều lớn bằng nhiều công nghệ bao gồm cả các công nghệ xây dựng mới được Việt Nam nghiên cứu phát triển. Quá trình ứng dụng, xây dựng các công trình này đã thể hiện tính hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật của từng công nghệ nhưng cũng cho thấy nhiều vấn đề kỹ thuật cần chú ý, nghiên cứu khắc phục và hoàn thiện để nâng cao hiệu quả khi triển khai các dự án tiếp theo. |
40 | Phân tích nguyên nhân hình thành dòng chảy xoáy tại cửa biển Tam Quan, tỉnh Bình Định
| Vũ Văn Ngọc Trương Văn Bốn Trần Thanh Tùng | Bài báo trình bày một số kết quả nghiên cứu nguyên nhân hình thành dòng chảy xoáy tại khu vực cửa biển Tam Quan, tỉnh Bình Định bằng mô hình Mike 21/3 Couple. Mô hình thủy động lực khu vực cửa Tam Quan đã được hiệu chỉnh và kiểm định bằng bộ số liệu sóng và mực nước đo đạc năm 2017 và 2022. Nghiên cứu đã mô phỏng trường dòng chảy tại khu vực nghiên cứu với 10 kịch bản thủy triều, sóng, gió và dòng chảy sông khác nhau. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong mùa gió Tây Nam, xuất hiện dòng chảy tách bờ tại gốc đê ngăn cát giảm sóng (NCGS) ở bờ nam. Trong mùa gió Đông Bắc, dòng chảy dọc bờ luôn có hướng Nam trong cả pha triều lên và pha triều xuống. Dòng chảy xoáy tại khu vực cửa thường xuất hiện tại phía nam đê NCGS và khá tương đồng với kết quả nghiên cứu của L.P.Trình [2]. Cấu trúc dòng chảy xoáy thường xuất hiện đồng thời với dòng chảy tách bờ và tạo thành những vùng bồi tụ ở ngay sát cửa Tam Quan. Nghiên cứu đã bổ sung thêm những hiểu biết về sự hình thành và phát triển các cấu trúc dòng chảy xoáy ở vùng cửa sông có doi cát bất đối xứng đã xây dựng đê NCGS ở khu vực Nam Trung Bộ nói chung và tại cửa Tam Quan, tỉnh Bình Định nói riêng. Từ khóa: Cửa Tam Quan, cấu trúc dòng chảy xoáy, bồi lấp cửa, mô hình thủy động lực. |
51 | Phát triển hạ tầng thuỷ lợi, phòng chống thiên tai phục vụ xây dựng và phát triển thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 | Nguyễn Ngọc Sơn Lê Văn Chính | Hạ tầng thuỷ lợi, phòng chống thiên tai đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô Hà Nội. Trong thời gian qua, hệ thống công trình thuỷ lợi, phòng chống thiên tai đã và đang phát huy hiệu quả để phục vụ sản xuất, dân sinh cho Thành phố. Tuy nhiên, trong bối cảnh Thủ đô Hà Nội được quy hoạch để phát triển nhanh và bền vững, hạ tầng công trình thuỷ lợi phòng, chống thiên tai hiện nay cũng cần được rà soát, đánh giá để đáp ứng với yêu cầu mới. Mục tiêu của nghiên cứu này là nhằm đánh giá thực trạng hệ thống hạ tầng thuỷ lợi, phòng chống thiên tai trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp cụ thể, phù hợp với mục tiêu phát triển thủ đô trong thời gian tới. Từ khoá: Hạ tầng thuỷ lợi, phòng chống thiên tai, xây dựng, phát triển thủ đô. |
61 | Đánh giá khả năng tiêu thoát nước khu vực Hà Nam, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh có xét đến tác động | Đặng Minh Hải, Ngô Lê Long, Nguyễn Hoàng Sơn, Lã Phú Hiến | Khu vực Hà Nam là một đô thị ven biển có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ninh. Do có 70 % diện tích có cao độ địa hình thấp hơn mực nước triều cao nên việc tiêu thoát nước của khu vực Hà Nam gặp nhiều khó khăn. Trong tương lai, sự gia tăng các trận mưa cực đoan (do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu) cùng với mực nước nguồn tiếp nhận tăng lên (do ảnh hưởng của nước biển dâng) sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngập lụt khu vực Hà Nam. Bài báo này tập trung vào đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đến mức độ ngập lụt khu vực đảo Hà Nam, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh bằng sử dụng mô hình SWMM 5.1 ứng với 3 trận mưa thiết kế khác nhau. Kết quả cho thấy mô hình thoát nước 1 chiều được hiệu chỉnh và kiểm định nên có độ tin cậy cao. Số điểm ngập sẽ tăng từ 20% đến 30%, thời gian ngập trung bình tăng từ 10% tới 30%, thể tích tràn trung bình tăng từ 40% tới 300%. Những kết quả trên là cơ sở khoa học để đề xuất các giải pháp ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở khu vực Hà Nam. Từ khóa: Biến đổi khí hậu, Nước biển dâng, Ngập lụt, Quảng Yên. |
69 | Nghiên cứu sử dụng phụ phẩm công nghiệp (Xỉ thép) thay thế cốt liệu đá dăm để sản xuất bê tông ứng dụng cho các công trình thủy lợi | Nguyễn Quang Phú, Ngô Thị Ngọc Vân, Bùi Mạnh Cường | Trong nghiên cứu sử dụng phụ gia khoáng là Tro bay và Xỉ lò cao hoạt tính, cốt liệu thô là đá dăm và xỉ thép để thiết kế thành phần bê tông đạt mác thiết kế từ M30 đến M40. Khi sử dụng cốt liệu xỉ thép kết hợp với phụ gia khoáng là xỉ lò cao hoạt tính thì cường độ bê tông ở tuổi 28 ngày đạt Rn28 = 47,5 MPa, mác chống thấm của bê tông thiết kế đạt từ W8 đến W12, độ mài mòn thấp, phù hợp thi công các công trình Thủy lợi. Từ khóa: Tro bay, xỉ lò cao hoạt tính, xỉ thép. |
78 | Nghiên cứu diễn biến hình thái và xây dựng tương quan giữa hình thái cửa Tiên Châu với yếu tố động lực sông | Đỗ Xuân Tình Trần Thanh Tùng Trần Đăng Hùng | Cửa Tiên Châu là cửa ra của sông Kỳ Lộ đổ vào vịnh Xuân Đài và biển Đông, trước cửa có doi cát chắn ngang cửa sông, chạy dài từ Bắc xuống Nam đến sát chân núi Ông Ngõn. Phía trong cửa Tiên Châu có cảng cá Tiên Châu và khu neo đậu tàu thuyền. Do doi cát chắn cửa thường xuyên biến động mạnh dưới tác động của các yếu tố động lực sông và động lực biển nên do vậy cửa Tiên Châu cũng thường xuyên bị bồi lấp, gây khó khăn cho tàu cá ra vào cảng. Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu diễn biến của doi cát ở cửa Tiên Châu từ các ảnh vệ tinh Landsat được thu thập từ năm 2000 đến 2022. Bài báo cũng đã xây dựng các tương quan giữa hình thái cửa sông với các yếu tố động lực sông để làm sáng tỏ các xu thế diễn biến của cửa Tiên Châu, phục vụ cho việc quy hoạch chỉnh trị, ổn định cửa sông trong tương lai. Từ khóa: Cửa Tiên Châu, doi cát chắn cửa, hình thái cửa sông, ảnh Landsat, động lực sông |
88 | Nghiên cứu đánh giá giải pháp cấp nước bổ sung cho sản xuất nông nghiệp của hệ thống thủy lợi sông Nhuệ | Trần Tuấn Thạch | Hệ thống thủy lợi đóng vai trò quan trọng trong việc cấp nước cho sản xuất nông nghiệp của các tỉnh khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) và các hoạt động xây dựng hồ chứa trên thượng nguồn đã dẫn đến tình trạng hạ thấp mực nước của các sông lớn trong vùng, trong đó có sông Hồng. Nghiên cứu này tập trung vào đánh giá khả năng cấp nước của hệ thống thủy lợi Sông Nhuệ, hệ thống lấy nước từ Sông Hồng, trong điều kiện hiện trạng và trong tương lai khi có cấp nước bổ sung từ trạm bơm Liên Mạc với công suất 70m3/s. Việc đánh giá hiện trạng cấp nước và giải pháp cấp nước bổ sung đã sử dụng mô hình MIKE 11 để mô phỏng diễn toán mực nước dọc trục chính Sông Nhuệ trong giai đoạn mùa kiệt (vụ Đông Xuân). Mô hình thủy lực hệ thống được thiết lập, kiểm định và hiệu chỉnh với độ tin cậy cao (R2>0,85 và NASH>0,78). Các kịch bản mô phỏng được đưa ra bao gồm: 1) Kịch bản (KB1) năm trung bình nước với tần suất mực nước và lưu lượng sông ngoài P=50%; 2) Kịch bản (KB2) năm ít nước với tần suất mực nước và lưu lượng sông ngoài P=85%; 3) Kịch bản (KB3) năm trung bình nước với tần suất mực nước và lưu lượng P=50% và được cấp nước bổ sung với lưu lượng Q=70m3/s; 4) Kịch bản (KB4) năm ít nước với tần suất mực nước và lưu lượng P=85% và được cấp nước bổ sung với lưu lượng Q=70m3/s. Kết quả mô phỏng cho thấy: Đối với KB1 và KB2 khi không được cấp nước bổ sung, mực nước tại các cống chính trên hệ thống không đảm bảo yêu cầu về cao trình so với quy định trong “Quy trình vận hành hệ thống Sông Nhuệ” nên không đảm bảo yêu cầu cấp nước; Trường hợp được cấp nước bổ sung với năm trung bình nước (KB3) thì mực nước đáp ứng được yêu cầu; Đối với năm ít nước khi được cấp nước bổ sung từ trạm bơm Liên Mạc thì mực nước dọc trục chính xấp xỉ so với yêu cầu, trường hợp này cần thực hiện điều tiết cống chính và tổ chức tưới luân phiên. Từ khoá: Hệ thống thủy lợi Sông Nhuệ, Cấp nước bổ sung, trạm bơm động lực, diễn biến mực nước. |
97 | Đánh giá độ nhạy xói của lớp đất đắp thân đập của đập đất thượng Kontum | Lê Văn Thảo | Những kết cấu thủy lực đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta như cung cấp năng lượng, cung cấp nước, điều khiển lũ lụt… Xói ngầm là một trong những nguyên nhân chính gây nên hiện tượng mất ổn định trong các công trình như đập, đê hay các hồ chứa nước bằng đất. Công trình đập đất Thượng Kon Tum với loại đập là đập đồng chất với các lăng trụ đá thượng hạ lưu. Đất đắp thân đập được đắp trực tiếp trên nền là lớp edQ hoặc IA1 sau khi bóc lớp đất thực vật. Lớp đất này là đất đất sét, á sét, hệ số thấm k = 2,8.10-8 m/s, dung trọng g = 1,77 T/m3, đất đắp thân đập có đường cong cấp phối tốt. Tuy nhiên để cho công trình được an toàn, cần nghiên cứu đánh giá tổng thể về thấm, ổn định, xói ngầm…. Bài báo này tập trung đánh giá độ nhạy xói của lớp đất đắp thân đập Thượng Kon Tum thông qua chỉ số kháng xói. Từ khóa: Xói ngầm, độ nhạy xói, chỉ số kháng xói, đập đất. |
102 | Mô hình bộ nhớ dài - ngắn LSTM cho mô phỏng dòng chảy lưu vực sông Thu Bồn | Phạm Văn Chiến Nguyễn Hoàng Bách | Bài báo này trình bày các kết quả mô phỏng lưu lượng dòng chảy trên lưu vực sông Thu Bồn tính đến trạm thủy văn Nông Sơn sử dụng mô hình bộ nhớ dài – ngắn LSTM. Chuỗi số liệu mưa tại Nông Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước, Trà My và lưu lượng dòng chảy tại Nông Sơn từ 1/1/1977 đến 31/12/2020 đã được thu thập để phục vụ cho các mục đích tính toán. Phương pháp thử sai đã được sử dụng để xác định giá trị phù hợp của các thông số mô hình LSTM, trong khi bốn chỉ tiêu đánh giá sai số (sai số quân phương - RMSE, sai số trung bình tuyệt đối - MAE, hệ số tương quan - r và hệ số Nash–Sutcliffe efficiency - NSE) đã được áp dụng để đánh giá sự phù hợp giữa lưu lượng dòng chảy tính toán và thực đo. Kết quả tính toán thể hiện rằng mô hình LSTM đã tái hiện khá tốt chuỗi lưu lượng dòng chảy thực đo trong thời kỳ nhiều năm trên lưu vực nghiên cứu. Hệ số tương quan r thay đổi từ 0,87 đến 0,95, trong khi hệ số NSE dao động từ 0,73 đến 0,90. Giá trị RMSE và MAE của lưu lượng dòng chảy nhỏ hơn 3,52% biên độ lưu lượng dòng chảy thực đo ghi nhận tại trạm. Trong bốn trạm mưa thu thập trên lưu vực nghiên cứu, dữ liệu mưa tại trạm Trà My cho các kết quả mô phỏng chuỗi lưu lượng dòng chảy thực đo tại Nông Sơn tốt nhất khi sử dụng mô hình LSTM, với hệ số tương quan r lớn hơn 0,94 và hệ số NSE lớn hơn 0,88. Ảnh hưởng của dữ liệu mưa và khả năng nâng cao độ chính xác kết quả mô phỏng lưu lượng dòng chảy khi sử dụng mô hình LSTM cũng được thảo luận. Từ khoá: Sông Thu Bồn, Mô hình LSTM, Dòng chảy |
110 | Một số tiêu chí lựa chọn hình thức kè bảo vệ bờ kênh Cái Côn tỉnh Hậu Giang theo điều kiện phát triển | Nguyễn Phương Dung | Nhiều yếu tố bất lợi đến ổn định đường bờ sông khu vực đồng bằng Sông Cửu Long đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có một hệ thống các tiêu chí lựa chọn hình thức bảo vệ kè hợp lý, thỏa mãn các yêu cầu về kỹ thuật và kinh tế. Nghiên cứu này đã tiến hành phân tích một số yếu tố quan trọng trong quá trình lựa chọn hình thức kè cho công trình bảo vệ bờ kênh Cái Côn, tỉnh Hậu Giang theo mức độ phát triển hạ tầng giao thông đường bộ. Bằng cách sử dụng phương pháp phân tích các tiêu chí kỹ thuật, môi trường và kinh tế, các tác giả đề xuất một khung tiêu chí giúp quyết định lựa chọn hình thức kè phù hợp với các điều kiện cụ thể của kênh Cái Côn, đóng góp vào việc cải thiện vấn đề ổn định bờ kênh và phát triển hạ tầng đô thị bền vững trong khu vực. Nghiên cứu này cũng cung cấp một ví dụ điển hình về chọn lựa hình thức kè trên sông lớn và mang đặc điểm địa chất đặc trưng tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Từ khóa: Sạt lở bờ sông, công trình bảo vệ bờ, kè bảo vệ bờ, đồng bằng Sông Cửu Long |