, 22/12/2024
THỂ LỆ VIẾT BÀIBài viết phải đảm bảo chưa công bố, đăng tải trên các Báo, Tạp chí, độ dài không quá 10 trang, được đánh máy vi tính theo phông Times New Roman, cỡ chữ 12, in trên khổ A4 kèm theo file hoặc gửi qua Email. Bài viết sử dụng tiếng Việt, kèm theo tóm tắt nội dung bằng tiếng Việt và tiếng Anh (không quá 200 từ). Công thức được viết theo Equation Editor và đánh số thứ tự về bên phải. Các bản vẽ phải đúng quy định vẽ kỹ thuật, kích thước không quá 15 x 20cm. Các bài có bản đồ từng vùng hoặc cả nước cần vẽ theo mẫu chính xác, đúng theo quy cách hiện hành, các bản vẽ, biểu bảng phải đánh số thứ tự. Thứ tự sắp xếp bài báo: - Tên bài báo - Họ và tên tác giả, học hàm, học vị, cơ quan công tác - Tóm tắt nội dung (bằng tiếng Việt). - Tóm tắt nội dung (bằng tiếng Anh) - Nội dung bài báo. - Tài liệu tham khảo: đặt liền với bài và ghi thứ tự, số thứ tự được đặt trong [ ]. Trích dẫn tên đề tài công bố. |
Trang | Tên bài báo | Tác giả | Tóm tắt |
2 | Nghiên cứu diễn biến hình thái lòng sông Tiền và sông Hậu đồng bằng sông Cửu Long
| Trần Tuấn Anh, Nguyễn Bình Dương, Lê Mạnh Hùng, Nguyễn Nghĩa Hùng | Diễn biến hình thái lòng sông Tiền và sông Hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có những biến động phức tạp trong những năm gần đây. Đặc biệt là trong bối cảnh của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và cả các hoạt động của con người làm thay đổi chế độ thuỷ động lực và bùn cát ở đồng bằng. Nghiên cứu này đã sử dụng mô hình hai chiều tổng thể cho toàn đồng bằng và bộ số liệu khảo sát chi tiết đầy đủ cho toàn bộ năm 2022 để bổ sung những hiểu biết về những biến động do sự thiếu hụt bùn cát đến thay đổi hình thái sông trên phạm vi toàn đồng bằng. Kết quả mô hình cho thấy sông Tiền và sông Hậu ở ĐBSCL đã có những thay đổi hình thái phù hợp với số liệu khảo sát thực đo giai đoạn 2018 và 2022. Các vùng xói mòn phù hợp với chế độ dòng chảy. Hạ thấp lòng dẫn do lũ và triều cường trong một năm là lớn, với độ sâu giảm từ 1,50 đến 2,00 mét trên sông Tiền và từ 1,00 đến 1,20 mét trên sông Hậu. Mô phỏng dài hạn cho thấy xói mòn trung bình trên sông Tiền dự kiến là 10 mét trong 10 năm, tập trung ở Tân Châu, Cao Lãnh, Sa Đéc và khu vực gần cầu Mỹ Thuận. Trên sông Hậu, xói mòn trung bình dự kiến là 4 đến 5 mét trong 10 năm, tập trung ở Long Xuyên và Ninh Kiều. Từ khoá: Đồng bằng sông Cửu Long, mô hình toán, hạ thấp lòng dẫn, bùn cát. |
12 | Xác định lượng bốc hơi nước ngầm của tầng chứa nước Holocene trong dải cồn cát ven biển tỉnh Bình Thuận bằng Lysimeter | Nguyễn Thành Công, Nguyễn Huy Vượng | Bốc hơi là quá trình chất lỏng chuyển từ trạng thái lỏng sang trạng thái hơi trên bề mặt của nó, mà không cần nhiệt độ cao đến điểm sôi. Quá trình bốc hơi nước ngầm thường diễn ra tại các khu vực có mực nước ngầm nằm nông, độ rỗng của đất đá trong đới thông khí lớn, nhiệt độ bề mặt đất cao, độ ẩm không khí thấp và vận tốc gió lớn. Dải cồn cát ven biển tỉnh Bình Thuận là khu vực có mực nước ngầm nằm nông, thành phần thạch học của đới thông khí chủ yếu là cát hạt mịn đến hạt vừa, có độ rỗng lớn. Tại các dải cồn cát này, thảm phủ thực vật thưa thớt, số giờ nắng trong năm lớn, nhiệt độ không khí và lượng bốc hơi bề mặt cao, các điều kiện trên thuận lợi cho quá trình bốc hơi từ bề mặt nước ngầm. Nghiên cứu này sử dụng phương pháp đo bốc hơi trực tiếp bằng Lysimeter (LS) theo nguyên lý cân bằng nước để quan trắc lượng bốc hơi nước ngầm từ tầng chứa nước holocene trong các dải cồn cát ven biển tỉnh Bình Thuận, trạm đo LS được đặt tại thị xã Lagi. Kết quả quan trắc và tính toán cho thấy tổng lượng bốc hơi nước ngầm trong năm 2022 vào khoảng 209,8 mm chiểm khoảng 34,7% lượng bổ cập tự nhiên của tầng chứa nước . Từ khóa: Lysimeter, cồn cát, bốc hơi, nước ngầm, lượng bổ cập tự nhiên, Bình Thuận |
22 | Nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kiểm soát an toàn phòng chống thiên tai Việt Nam
| Trần Văn Đạt, Giang Như Chăm, Nguyễn Tuấn Anh | Nghiên cứu đã xác định hiệu quả hoạt động kiểm soát an toàn phòng chống thiên tai Việt Nam. Các tỉnh được lựa chọn đại diện cho các vùng thiên tai điển hình trong cả nước gồm 7 vùng (ngoại trừ vùng hải đảo). Thông qua khảo sát các cấp từ cấp tỉnh đến cấp xã, và sử dụng mô hình phân tích nhân tố khám phá xác định được 10 nhóm nhân tố ảnh hưởng đến quản lý rủi ro thiên tai sạt lở đất theo thứ tự dựa trên mức độ tác động như sau: (1) Về xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai và phương án ứng phó thiên tai; (2) về tổ chức bộ máy phòng, chống thiên tai; (3) về năng lực dự báo, cảnh báo, truyền thông; (4) về thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai và phương án ứng phó thiên tai; (5) về hệ thống văn bản pháp luật và cơ chế chính sách; (6) về vận hành công trình phòng, chống thiên tai; (7) Bảo đảm yêu cầu phòng chống thiên tai; (8) về ứng dụng khoa học công nghệ và tiêu chuẩn, quy chuẩn; (9) cộng đồng và phương châm 4 tại chỗ; (10) về thực hiện quy hoạch công trình phòng, chống thiên tai và lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai. Tương ứng, với mỗi nhóm nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động nhằm kiểm soát an toàn phòng chóng thiên tai. Các nhà quản lý có thể dựa vào hiện trạng về công tác quản lý rủi ro thiên tai để lựa chọn hoạt động có tác động theo thứ tự ưu tiên trên và phân bổ nguồn lực nhằm quản lý hiệu quả hoạt động phòng, chống thiên tai. Từ khóa: Kiểm soát an toàn thiên tai, quản lý rủi ro thiên tai, nhân tố. |
33 | Nghiên cứu biến động sông suối biên giới phía Bắc sử dụng ảnh vệ tinh độ phân giải cao
| Hoàng Đức Vinh, Nguyễn Ngọc Quỳnh, Đào Văn Khương, Đỗ Vân Long | Sau hơn 10 năm ký nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền, các sông suối vùng biên giữa Việt Nam và Trung Quốc đã tương đối ổn định. Tuy nhiên, dưới sự tác động của các yếu tố tự nhiên và việc đẩy mạnh xây dựng hệ thống công trình đã gây biến động lòng dẫn, làm thay đổi địa hình, địa vật dẫn đến xói lở, bồi tụ các sông suối ở đây. Trong nghiên cứu này, lần đầu tiên, ảnh viễn thám độ phân giải cao Planet NICFI được đưa vào phân tích biến động sông suối. Thuật toán Random Forest được áp dụng để phân loại và phân tách vùng nước dựa trên 6 lớp giá trị gồm 4 kênh phổ B, G, R, NIR và 2 chỉ số NDVI, NDWI trên nền tảng Google Earth Engine. Nghiên cứu đã đưa ra hình thái sông suối cho 3 giai đoạn 2016 – 2017, 2018 – 2019 và 2020 – 2021. Kết quả phân tích biến động cho thấy, xét trên tổng diện tích bề mặt dòng chảy, có 8/14 sông suối bị thu hẹp dòng chảy và 6/14 sông suối bị xói lở. Trong đó, đáng chú ý là suối Nậm Thi, sông Xanh (Lào Cai) có tỷ lệ xói lở lớn nhất trong khi Nậm Cư, Nho Quế (Hà Giang) và Kỳ Cùng (Lạng Sơn) bị thu hẹp dòng chảy đáng kể. Kết quả của nghiên cứu là cơ sở khoa học để đề xuất các giải pháp kỹ thuật phù hợp nhằm ổn định sông suối, góp phần đảm bảo ổn định lãnh thổ, chủ quyền Quốc gia. Từ khóa: Sông suối biên giới, ổn định sông suối, Planet, random forest, GEE. |
42 | Nghiên cứu dự báo chiều dài xâm nhập mặn trên nhánh sông Cổ Chiên và sông Hậu bằng phương pháp phân tích hồi quy | Nguyễn Văn Hoạt, Nguyễn Thanh Hải, Phạm Văn Giáp, Đào Việt Hưng, Phạm Ngọc Hải, Dương Thị Thùy Dung | Nghiên cứu xâm nhập mặn nói chung và dự báo xâm nhập mặn nói riêng đóng vai trò quan trọng đối với sản xuất và dân sinh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nghiên cứu này tập trung vào dự báo mặn cho tỉnh Vĩnh Long, sử dụng các số liệu quan trắc mặn, dòng chảy và thủy triều để phân tích, dự báo chiều dài xâm nhập mặn lớn nhất trên sông Cổ Chiên và sông Hậu. Bằng phương pháp hồi quy lập các công thức tính dự báo chiều dài xâm nhập mặn lớn nhất tương ứng với tuần triều cao trong tháng (1 tháng có 2 tuần triều cao), việc tính toán dự báo được thực hiện từ tháng 1 đến tháng 5. Kết quả đánh giá số liệu thực đo và số liệu dự báo cho thấy kết quả tính toán các chuỗi số liệu có hệ số tương quan từ 0,5 – 0,9 cho tất cả các đợt triều cao tính toán. Riêng các năm đại diện 2020 và 2021, kết quả có hệ số tương quan từ 0,7 – 0,9. Từ khóa: Đồng bằng sông Cửu Long, xâm nhập mặn, nguồn nước, phân tích hồi quy, chiều dài xâm nhập mặn lớn nhất, năm đại diện |
55 | Bước đầu đề xuất giải pháp thủy lợi - lâm nghiệp kết hợp nhằm phục hồi rừng ngập mặn trong đầm nuôi trồng thủy sản. trường hợp nghiên cứu điển hình tại khu vực xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hhải, tỉnh Thái Bình | Đỗ Quý Mạnh, Hà Trà My, Nguyễn Việt Đức Nguyễn Thành Luân | Nghiên cứu được thực hiện tại đầm nuôi trồng thủy sản xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình thuộc Khu Dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng. Kết quả nghiên cứu cho thấy trong giai đoạn những năm 2000 trở về trước diện tích rừng ngập mặn (RNM) tại đây bị suy giảm do chủ yếu là chuyển đổi mục đích sang nuôi trồng thủy sản (NTTS) với diện tích trên 150 ha. Trạng thái rừng ngập mặn trước đây hàng trăm ha RNM, với thành phần loài cây ngập mặn chủ yếu: Trang (Kandelia obovata), Bần chua (Sonneratia caseolaris), Mắm biển (Avicennia marina), Sú (Aegiceras corniculatum),.. đã tạo ra cấu trúc RNM đa tầng tán, đa tác dụng. Hiện nay, khu vực nghiên cứu chủ yếu là mặt nước, không còn tồn tại cây ngập mặn, xung quanh bờ đầm có phân bố một số cây thân thảo, cây bụi sinh trưởng kém. Việc khôi phục lại hệ sinh thái RNM tại những khu vực có điều kiện lập địa khó khăn một cách ổn định, bền vững là một thách thức lớn và nhiều khó khăn. Bài báo đề cập, phân tích, đánh giá hiện trạng khu vực nghiên cứu chủ yếu đất trống và mặt nước để NTTS, nguyên nhân chính suy giảm RNM là chuyển đổi sang NTTS và đề xuất một số giải pháp thủy lợi và lâm nghiệp nhằm phục hồi ổn định RNM trong đầm nuôi trồng thủy sản, trường hợp nghiên cứu điển hình tại xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Đây là cơ sở khoa học để triển khai áp dụng thực tiễn xây dựng mô hình, có những kết luận chính xác về ứng dụng giải pháp thủy lợi, lâm nghiệp trong việc phục hồi RNM trong đầm nuôi trồng thủy sản điển hình. Từ khóa: Đầm nuôi trồng thủy sản, giải pháp phục hồi, Khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, thủy lợi - lâm nghiệp, rừng ngập mặn |
66 | Nghiên cứu phương pháp hiệu chỉnh hệ số tổn thất ban đầu và xây dựng đường quá trình lũ đơn vị trong tính toán thủy văn cho lưu vực suối Bắc Cuông, tỉnh Lào Cai | Lê Văn Thìn | Phương pháp SCS-CN là phương pháp tính tổn thất dòng chảy từ một trận mưa nhằm xác định dòng chảy cho một lưu vực sông. Trong đó, chỉ số đường cong dòng chảy (Curve Number – CN) và hệ số tổn thất ban đầu λ là một trong những chỉ số quan trọng và đặc trưng của mỗi lưu vực sông. Hiện nay, bảng tra đường cong CN do Cục bảo tồn tài nguyên thiên nhiên Hoa Kỳ (NRCS) được xây dựng cho λ = 0,2 dựa trên số liệu thực nghiệm tại các lưu vực đầu nguồn của Hoa Kỳ và chưa có sự điều chỉnh cho các lưu vực sông khác, điều này dẫn đến một số đặc điểm chưa phù hợp trong việc áp dụng phương pháp SCS-CN tại Việt Nam. Nghiên cứu này trình bày phương pháp chung để điều chỉnh hệ số tổn thất ban đầu dựa trên tài liệu khí tượng thủy văn của lưu vực và xây dựng đường quá trình đơn vị cho lưu vực suối Bắc Cuông, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Từ khóa: Phương pháp SCS-CN, chỉ số tổn thất ban đầu, suối Bắc Cuông |
76 | Ứng dụng phương pháp học máy tính toán chiều dài | Hồ Việt Hùng | Chiều dài nước nhảy là một đặc trưng quan trọng cần được tính toán chính xác vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến chiều dài bể tiêu năng. Vì vậy, mục đích của nghiên cứu này là phát triển và đánh giá sáu mô hình học máy, gồm có: Cây quyết định (Decision Tree – DT), Rừng cây ngẫu nhiên (Random Forest - RT), Tăng cường thích ứng (Adaptive Boosting – Ada), Tăng cường độ dốc (Gradient Boosting - GB), Cây bổ sung (Extra Trees - ET) và Máy Vector hỗ trợ (Support Vector Machine – SVM). Nghiên cứu này đã sử dụng Định lý π-Buckingham để tìm năm tham số không thứ nguyên phục vụ cho các mô hình học máy và ứng dụng các mô hình này để đánh giá mức độ ảnh hưởng của các biến độc lập đến biến mục tiêu. Phương pháp học máy cho thấy hiệu quả vượt trội so với phương pháp công thức kinh nghiệm. Các mô hình học máy có xét đến ảnh hưởng của độ nhám và chiều rộng lòng dẫn, tính nhớt của chất lỏng, có sai số dự báo nhỏ hơn so với các công thức kinh nghiệm. Mô hình ET cho kết quả tốt nhất với hệ số Nash đạt 0.99, sau đó là Ada, RF, GB, DT, SVR, theo thứ tự giảm dần. Kết quả nghiên cứu cho thấy mô hình ET có thể thay thế các công thức kinh nghiệm trong việc tính toán chiều dài nước nhảy trong kênh lăng trụ đáy bằng có mặt cắt chữ nhật. Từ khóa: Nước nhảy, Buckingham, học máy, mô hình, Froude |
87 | Cơ sở dữ liệu trong môi trường chuyển đổi số ngành nông nghiệp - thách thức cơ bản trong việc | Nguyễn Cao Đơn Nguyễn Thị Minh Hằng Phạm Quang Hà Lê Văn Hoàn, Lê Văn Diệm Vũ Công Lân | Chuyển đổi số đang trở thành một xu hướng quan trọng và không thể thiếu trên toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy lợi. Dữ liệu kỹ thuật số đóng vai trò quan trọng như một "nguồn tài nguyên mới" trong quá trình chuyển đổi số của ngành này tại Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng quản lý dữ liệu đang đối mặt với nhiều thách thức và rào cản. Các vấn đề pháp lý chưa được phát triển đầy đủ và không đồng bộ gây trở ngại cho thủ tục hành chính, làm chậm quá trình kết nối, chia sẻ và sử dụng dữ liệu số. Sự phân tán và trùng lặp dữ liệu trong cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin làm tăng độ khó khăn trong quản lý và sử dụng dữ liệu. Sự không nhất quán giữa các ngành và lĩnh vực cũng làm khó khăn cho việc tích hợp và chia sẻ dữ liệu. Thiếu liên kết giữa các cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin làm cho quá trình quản lý và tìm kiếm thông tin trở nên phức tạp, gây khó khăn cho người dân và các cơ quan liên quan. Lo ngại về tính đầy đủ và chính xác của thông tin cùng với khả năng không xác định mục đích chia sẻ dữ liệu là những thách thức khác. Hạ tầng kỹ thuật và phần mềm ứng dụng không được đầu tư đầy đủ, dẫn đến sự không ổn định trong quản lý và chia sẻ dữ liệu. Sự tồn tại của nhiều nền tảng và phần mềm quản lý dữ liệu tạo ra sự chồng lấn và lãng phí tài nguyên. Thiếu cơ chế kinh phí vận hành và quy định chung đang gây rối trong duy trì và phát triển hệ thống kết nối và chia sẻ dữ liệu. Vấn đề về cơ chế và quy định thu phí đối với các dịch vụ kết nối và khai thác dữ liệu cũng chưa rõ ràng, ảnh hưởng đến hiệu suất và tính bền vững của nguồn lực, ảnh hưởng tới độ chính xác và tính cập nhật của dữ liệu. Từ khóa: Chuyển đổi số, cơ sở dữ liệu số, cơ chế và chính sách, ngành nông nghiệp, chia sẻ thông tin và dữ liệu. |
97 | Đề xuất phương pháp tính toán ổn định mái dốc trong mô đun Slope/W | Phạm Ngọc Thịnh | Nghiên cứu này thực hiện phân tích sâu rộng về các phương pháp tính toán ổn định mái dốc sử dụng trong mô-đun Slope/w của phần mềm Geostudio, một công cụ phổ biến trong tính toán thiết kế công trình. Các phương pháp khác nhau như phương pháp Ordinary, Bishop, Spencer, và Morgenstern-Price đã được đánh giá để xác định phương pháp tối ưu cho ứng dụng thực tế, nhằm cải thiện độ ổn định của các công trình xây dựng nói chung và thủy lợi nói riêng. Nghiên cứu tập trung vào việc so sánh hiệu quả tính toán, các giả định đơn giản hóa, và tác động của chúng đối với kết quả cuối cùng. Kết quả cho thấy sự khác biệt đáng kể giữa các phương pháp về hệ số an toàn và khả năng ứng dụng trong điều kiện thực tế khác nhau. Bài báo đề xuất lựa chọn phương pháp phù hợp trong tính toán góp phần nâng cao hiệu quả thiết kế và đảm bảo an toàn cho các công trình. Từ khóa: Slope/w; ổn định mái dốc; cân bằng giới hạn; hệ số an toàn. |
106 | Áp dụng thuật toán quy hoạch động sai phân rời rạc cho vùng không gian giải pháp cận tối ưu từ thuật toán di truyền trong bài toán vận hành hệ thống đa hồ chứa thủy điện | Hồ Sỹ Mão, Hoàng Thanh Tùng | Vận hành tối ưu các hệ thống có nhiều hồ chứa thủy điện hiện nay vẫn còn là vấn đề phức tạp do các thuật toán tối ưu hiện nay vẫn gặp nhiều hạn chế để có thể giải các bài toán hệ thống lớn. Vấn đề phức tạp ở đây chính là mất quá nhiều thời gian để chạy mô hình do vùng không gian giải pháp tối ưu quá lớn. Thuật toán di truyền (GA) có khả năng giải quyết các bài toán hệ thống lớn tuy nhiên cũng cần mất nhiều thời gian để có thể tìm được giải pháp tối ưu hoặc chỉ tìm được giải pháp cận tối ưu. Ngược lại, thuật toán quy hoạch động sai phân rời rạc (DDDP) dựa trên nguyên tắc của phương pháp quy hoạch động có thể tìm nghiệm cận tối ưu trong vùng không gian hẹp nhưng lại không thể tìm được trên vùng không gian quá rộng do vấn đề về chiều. Do đó có thể sử dụng thuật toán DDDP để tìm giải pháp cận tối ưu trong vùng không gian hẹp sau khi đã chạy bài toán bằng thuật toán GA để tạo vùng không gian đó. Bài báo này trình bày cách sử dụng thuật toán DDDP để cải thiện quỹ đạo mực nước vận hành cận tối ưu cho hệ thống hồ chứa thủy điện lớn. Từ khóa: Hệ thống đa hồ chứa, thuật toán di truyền, thuật toán quy hoạch động sai phân rời rạc, thủy điện bậc thang. |
114 | Nghiên cứu ứng dụng mô hình Ecolab trong mô phỏng diễn toán chất lượng nước trong kênh thủy lợi | Trần Tuấn Thạch | Nhiều hệ thống thủy lợi ở Việt Nam đang phải đối mặt với nguy ô nhiễm nguồn nước mặt do tác động của các hoạt động do con người gây ra, đặc biệt là ô nhiễm chất dinh dưỡng. Do đó, việc nghiên cứu đánh giá diễn biến chất lượng nước mặt là rất cần thiết nhằm đưa ra biện pháp quản lý nguồn nước một cách hiệu quả. Trong nghiên cứu này, diễn toán chất lượng nước trong hệ thống kênh thủy lợi của hồ Núi Cốc được mô phỏng ứng dụng mô hình sinh thái MIKE Ecolab. Mô hình được hiệu chỉnh và kiểm định dựa vào kết quả quan trắc năm 2020 và 2023. Kết quả hiệu chỉnh và hiệu chỉnh mô hình cho thấy mô hình Ecolab cho kết quả mô phỏng phù hợp với số liệu thực đo về các chỉ tiêu BOD, DO, NO3-, và PO43- với hệ số (R2 và hệ số NASH>0,7), trong khi các chỉ số NO2-, NH4- và Total coliform cho kết quả tương đối phù hợp với số liệu thực tế với chỉ số RMSE nhỏ so với giá trị thực đo. Nghiên cứu đã đưa ra bộ thông số của mô hình Ecolab cho hệ thống kênh núi cốc (hệ số khuếch tán-AD, và các thông số liên quan đến phản ứng sinh hóa trong môi trường nước). Với bộ thông số được thiết lập mô hình có thể được sử dụng để mô phỏng chất lượng nước theo các kịch bản xả thải khác nhau, đánh giá khả năng tiếp nhận nguồn thải cũng như phân tích diễn biến chất lượng nước trên toàn tuyến kênh tưới Núi Cốc. Từ khóa: Chất lượng nước mặt, hệ thống thủy lợi, mô hình Ecolab, chất dinh dưỡng. |