TextBody
Huy chương 2

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 87 năm 2024

28/12/2024

THỂ LỆ VIẾT BÀI

Bài viết phải đảm bảo chưa công bố, đăng tải trên các Báo, Tạp chí, độ dài không quá 10 trang, được đánh máy vi tính theo phông Times New Roman, cỡ chữ 12, in trên khổ A4 kèm theo file hoặc gửi qua Email. Bài viết sử dụng tiếng Việt, kèm theo tóm tắt nội dung bằng tiếng Việt và tiếng Anh (không quá 200 từ). Công thức được viết theo Equation Editor và đánh số thứ tự về bên phải. Các bản vẽ phải đúng quy định vẽ kỹ thuật, kích thước không quá 15 x 20cm. Các bài có bản đồ từng vùng hoặc cả nước cần vẽ theo mẫu chính xác, đúng theo quy cách hiện hành, các bản vẽ, biểu bảng phải đánh số thứ tự.

Thứ tự sắp xếp bài báo:

- Tên bài báo

- Họ và tên tác giả, học hàm, học vị, cơ quan công tác

- Tóm tắt nội dung (bằng tiếng Việt).

- Tóm tắt nội dung (bằng tiếng Anh)

- Nội dung bài báo.

- Tài liệu tham khảo: đặt liền với bài và ghi thứ tự, số thứ tự được đặt trong [ ].

Trích dẫn tên đề tài công bố.

Trang

Tên bài báo

Tác giả

Tóm tắt

3

Ứng dụng viễn thám và máy học trong giải đoán địa hình ven bờ tại khu vực cửa Tam Quan, Bình Định

 

Vũ Văn Ngọc
Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Động lực học sông biển

Nguyễn Tiếp Tân, Trần Trung Dũng
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Trần Thanh Tùng
Trường Đại học Thủy lợi

Dữ liệu địa hình ven biển đóng vai trò then chốt trong nghiên cứu kỹ thuật và quản lý vùng ven biển. Việc tiếp cận dữ liệu địa hình đa thời gian, kết hợp với thông tin khí tượng, thủy văn và hải văn, là yếu tố quan trọng để hiểu rõ động lực ven biển. Tuy nhiên, việc thu thập dữ liệu địa hình ven biển truyền thống thường gặp khó khăn do hạn chế về nguồn lực, tốn kém, đòi hỏi thiết bị chuyên dụng và chịu ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết. Công nghệ viễn thám nổi lên như một giải pháp thay thế hiệu quả. Ưu điểm của viễn thám bao gồm khả năng thu thập dữ liệu nhanh chóng, phạm vi bao phủ rộng lớn và khả năng tiếp cận kho lưu trữ ảnh lịch sử. Nghiên cứu này ứng dụng ảnh viễn thám để giải đoán địa hình khu vực cửa sông, ven biển và cồn cát tại cửa biển Tam Quan, tỉnh Bình Định. Hai phương pháp giải đoán được sử dụng và so sánh: công thức tỷ số của Stumpf và thuật toán máy học. Kết quả cho thấy cả hai phương pháp đều có khả năng trích xuất thông tin địa hình từ dữ liệu viễn thám. Phương pháp Stumpf đạt được hệ số tương quan R² = 0.73 so với dữ liệu khảo sát thực địa. Các thuật toán máy học cho thấy hiệu quả vượt trội hơn, trong đó thuật toán rừng ngẫu nhiên (RF) đạt độ chính xác cao nhất với R² = 0.957. Nghiên cứu này khẳng định tiềm năng của viễn thám, đặc biệt khi kết hợp với máy học, trong việc giải đoán địa hình đa thời gian ở vùng ven biển, góp phần hiểu rõ hơn về động lực ven biển và hỗ trợ quá trình ra quyết định.

Từ khóa: Viễn thám, Địa hình đáy biển, Giải đoán địa hình đáy, Máy học, cửa Tam Quan

13

Kết quả thi công mô hình đắp bờ bao bằng đất bùn cứng hóa thay thế cát tại tỉnh Cà Mau

 

Nguyễn Tiếp Tân
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Ngô Anh Quân, Đỗ Viết Thắng
Viện Thủy công

Nguyễn Quang Phú
Trường Đại học Thủy lợi

 

Bài báo công bố kết quả nghiên cứu mô hình sử dụng đất bùn cứng hóa thay thế đất cát vào thi công đắp đê bao, bờ bao. Đề tài nghiên cứu sử dụng hỗn hợp chất kết dính bao gồm xi măng, tro bay, xỉ lò cao và thạch cao để cứng hóa đất bùn nạo vét tại Đồng bằng sông Cửu Long làm vật liệu thay thế đất cát đắp đê bao, bờ bao là rất cần thiết tại những vùng xây dựng khan hiếm đất đắp hay cát tự nhiên. Đất bùn cứng hóa có chỉ tiêu tương đương với đất ở trạng thái dẻo cứng (0,25 < IL ≤ 0,5; Ctc = 0,32 ÷ 0,57 kG/cm2 và φ = 11o ÷ 18o), đáp ứng yêu cầu kỹ thuật để thay thế đất cát đắp đê bao, bờ bao. Đất bùn cứng hóa đã tăng được cường độ kháng nén, tăng mô đun đàn hồi và tăng các chỉ tiêu cơ lý của nền đất đắp. Kết quả nghiên cứu mở ra khả năng ứng dụng công nghệ cứng hóa đất bùn để đắp đê bao, bờ bao thay thế cát tại Cà Mau nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Từ khóa: Xi măng; xỉ lò cao hoạt tính; tro bay; thạch cao; đất bùn cứng hóa.

23

Đánh giá các yếu tố tác động đến sự biến đổi mực nước khu vực biển Tây đồng bằng sông Cửu Long

 

Nguyễn Nguyệt Minh, Lê Thanh Chương,
Lê Duy Tú, Phạm Văn Hiệp

Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam

Hiểu biết về các quá trình gây ra sự thay đổi mực nước ven biển và tác động của nó có ý nghĩa rất lớn trong các hoạt động khai thác và quản lý vùng ven biển. Mực nước có vai trò đặc biệt quan trọng trong tính toán thiết kế các công trình ven biển như cầu cống, đê biển, công trình giảm sóng… ảnh hưởng trực tiếp tới sự an toàn và hiệu quả hoạt động của công trình. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và khu vực ven biển Tây nói riêng là một trong những vùng kinh tế trọng điểm có đóng góp rất lớn cho nông nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản. Song khu vực này đang phải chịu nhiều áp lực trước bối cảnh của biến đổi khí hậu và các hoạt động khai thác của con người. Hiện nay các nghiên cứu về biến động mực nước ở ĐBSCL nói chung và khu vực ven biển Tây nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó trong nghiên cứu này bước đầu sẽ đưa ra đánh giá tác động của một số các yếu tố góp phần vào sự thay đổi dài hạn và ngắn hạn của mực nước ven biển, dựa trên số liệu đo đạc thực tế cùng với các phương pháp phân tích thống kê, kết hợp mô hình số nhằm định lượng tương đối mức độ đóng góp của từng yếu tố và đưa ra các cảnh báo cần thiết trước tình hình thực tế.

Từ khóa: ENSO, nước dâng, sụt lún, ngập lụt vùng ven biển, nước biển dâng tương đối

32

Đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải và đề xuất các giải pháp bảo vệ chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi Bắc Nam Hà

Nguyễn Thị Kim Dung
Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường

Hệ thống CTTL Bắc Nam Hà là hệ thống tưới tiêu bằng động lực lớn nhất cả nước. Ngoài nhiệm vụ chính là tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước phục vụ dân sinh, hệ thống đã và đang phải đảm nhận thêm nhiệm vụ tiêu thoát nước thải. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, chất lượng nước trong hệ thống đã có biểu hiện ô nhiễm và ngày càng có diễn biến khó lường tác động không nhỏ đến các mục tiêu cấp nước. Đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải là một công cụ quan trọng để quản lý các nguồn xả thải, giảm thiểu ô nhiễm chất lượng nước. Bài báo này đã xây dựng các kịch bản nguồn nước, xả thải, ứng dụng phương pháp gián tiếp kết hợp mô hình để tính toán khả năng tiếp nhận nước thải cho 22 đoạn sông/kênh chính, kênh cấp 1. Từ đó đề xuất các giải pháp công trình, phi công trình bảo vệ chất lượng nước trong hệ thống. 

Từ khóa: Chất lượng nước, hệ thống công trình thủy lợi, khả năng tiếp nhận nước thải.

44

Mô hình giải pháp phục hồi và phát triển cồn cát ven biển có vai trò là tuyến đê biển tự nhiên gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái

Nguyễn Tiếp Tân, Trần Trung Dũng,
Lê Ngọc Cương, Lê Nguyên Kha

Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam

Cồn cát ven biển miền Trung Việt Nam có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ hệ sinh thái và cộng đồng dân cư sống ven biển. Chúng có vai trò như tuyến đê biển tự nhiên, giảm thiểu các tác động tiêu cực của thiên tai như sóng lớn, gió bão. Dải cồn cát ven biển là vùng đất có hình thái phức tạp và không ổn định, luôn chịu rủi ro trước các tác động của thiên nhiên và con người. Chính vì thế, nhóm nghiên cứu dựa trên kết quả khảo sát, nghiên cứu để thực hiện xây dựng mô hình phục hồi và phát triển cồn cát ven biển có vai trò là tuyến đê biển tự nhiên gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái. Mô hình đã bước đầu phát huy được tác dụng như: ổn định hình thái cồn cát, chống xói lở chân cồn cát, hạn chế tình trạng cát bay, cát nhảy, che chắn gió giúp thảm thực vật sinh trưởng và phát triển. Các loài cây được trồng trong mô hình tăng trưởng tốt ở các chỉ tiêu, đạt tỉ lệ sống cao, góp phần bảo vệ môi trường sống trong khu vực và tạo cảnh quan sinh thái.

Từ khoá: Cồn cát, hệ sinh thái, hình thái, xói lở, thảm thực vật, tỉ lệ sống, cảnh quan sinh thái.

53

Một số vấn đề về thủy lực dòng chảy khi ứng dụng lưới thép cường độ cao ngăn lũ bùn đá tại đập dâng Mường Tùng, Điện Biên

Nguyễn Chí Thanh,  Phạm Thị Ngọc Diệp
Viện Thủy công

Nguyễn Phương Dung, Trần Đức Thành
Trường Đại học Thủy lợi

 

Lũ bùn đá đã và đang gây ảnh hướng nghiêm trọng tới đời sống của người dân và an ninh quốc phòng, đặc biệt là tại khu vực miền núi phía Bắc. Trên thế giới, giải pháp ngăn lũ bùn đá sử dụng lưới thép cường độ cao đã được áp dụng phổ biến và tiêu chuẩn hóa tại một số nước. Bài báo giới thiệu một giải pháp kết hợp lưới thép cường độ cao và đập dâng – một dạng công trình ngăn nước rất phổ biến tại khu vực miền núi phía Bắc. Giải pháp được mô phỏng bằng phần mềm FLOW-3D, tính toán áp dụng tại đập dâng Mường Tùng (Mường Chà, Điện Biên). Các kết quả tính toán cho thấy giải pháp có tính khả thi và hiệu quả ngăn lũ bùn đá, có thể nhân rộng trong thực tế.

Từ khóa: Lũ bùn đá; lưới thép cường độ cao; đập dâng.  

61

Thử nghiệm bả kiểm soát mối (Isoptera) gây hại một số công trình đập ở miền bắc Việt Nam

Nguyễn Quốc Huy, Nguyễn Thúy Hiền,
Lê Quang Thịnh, Nguyễn Hải Minh

Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình

Bả kiểm soát mối BDM.WIP.22 do viện Sinh thái và Bảo vệ công trình nghiên cứu sản xuất đã được thử nghiệm trên 174 tổ mối tại 5 công trình đập thuộc các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Kết quả cho thấy bả BDM.WIP 22 đạt hiệu quả xử lý mối 100% sau 3 - 5 tuần thử nghiệm bả. Có tổng số 549 trạm bả tương ứng với 18.310 gam bả đã được sử dụng để kiểm soát mối. Trong thử nghiệm này, trung bình mỗi tổ mối cần dùng khoảng 105,2 gam bả.

Từ khóa: Mối, đập, kiểm soát mối, bả mối

68

Hội dùng nước - Mô hình tổ chức quản lý vận hành công trình thủy lợi tại bản Xiêng Vang, huyện Nỏng Bốc, tỉnh Khăm Muộn, nước CHDCND Lào

 

Phạm Văn Ban
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Nguyễn Thị Thu Hương
Trường Đại học Thủy lợi
                               Vinvylay Sayaphone
Cục Thủy lợi Lào

Dự án xây dựng công trình thủy lợi huyện Nỏng Bốc, tỉnh Khăm Muộn, nước CHDCND Lào (bao gồm đoạn kè bờ sông Mê Kông) được xây dựng tại bản Xiêng Vang, sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam cho Chính phủ Lào, cấp nước tưới cho 500ha lúa, dự án góp phần nâng cao đời sống cho bà con Việt Kiều đang sinh sống, bảo vệ chống sạt lở bờ sông Mê Kông, và đảm bảo an toàn khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi xây dựng xong, dự án đã thành lập tổ chức quản lý vận hành công trình là Hội dùng nước có 16 thành viên, bao gồm Ban điều hành chung, bộ phận quản lý  tài chính, bộ phận quản lý vận hành trạm bơm, bộ phận quản lý vận hành hệ thống kênh, Hội có vai trò tiếp nhận, bảo vệ, quản lý vận hành hệ thống công trình thủy lợi sau đầu tư theo Luật Thủy lợi của  nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Từ khóa: Hội dùng nước, Hội dùng nước công trình thủy lợi Xiêng Vang, công trình thủy lợi Nỏng Bốc, quản lý vận hành công trình thủy lợi Nỏng Bốc, Bản Xiêng Vang.

74

Nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển xâm thực trong bơm hướng trục tỷ tốc cao  (ns1200 v/ph)

Đỗ Hồng Vinh
Viện Bơm và Thiết bị Thủy lợi

Trương Việt Anh, Nguyễn Văn Thanh, Đỗ Phước Phú
Đại học Bách khoa Hà Nội

Bài báo này trình bày nghiên cứu sự hình thành, phát triển và phân bố vùng bọt khí trên bánh công tác của bơm hướng trục tỷ tốc (ns) cao bằng phương pháp mô phỏng số và thực nghiệm. Đối tượng nghiên cứu là bơm hướng trục có ns1200 v/ph. Kết quả thực nghiệm và mô phỏng được tổng hợp và so sánh với nhau về mặt hình ảnh vùng bọt khí phát triển theo thời gian và các giá trị thông số làm việc của bơm để đánh giá tính tin cậy của phương pháp nghiên cứu. Các kết quả nghiên cứu mô phỏng gồm phân bố bọt khí, sự phát triển của vùng bọt theo thời gian, phân bố áp suất, mật độ, ảnh hưởng của dòng chảy ngược tại khe hở cánh đến sự nhiễu loạn và phát triển xâm thực sẽ được phân tích và thảo luận cụ thể so với kết quả thu được từ thực nghiệm. Về mặt lý thuyết, việc nghiên cứu sự hình thành và phát triển của xâm thực trong bơm hướng trục tỷ tốc cao đã giải thích và làm rõ hơn bản chất của xâm thực, Về mặt thực tiễn, nghiên cứu này giúp cho các nhà thiết kế có những dữ liệu cần thiết để có các nghiên cứu tiếp theo về các giải pháp hạn chế ảnh hưởng của xâm thực trong bơm nói chung và bơm hướng trục nói riêng.

Từ khóa: Bơm hướng trục, tỷ tốc cao, xâm thực, mô phỏng, thực nghiệm.

81

Nghiên cứu quá trình chế biến và lan truyền thức ăn của mối Odontotermes hainanensis light
(Isoptera: Macrotermitinae) làm cơ sở sử dụng bả phòng trừ mối hại đê, đập

Nguyễn Thị My, Nguyễn Quốc Huy, Nguyễn Thúy Hiền
Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình

Mối có vườn cấy nấm (Macrotermitinae) có quá trình chế biến thức ăn phức tạp. Kết quả nghiên cứu về quá trình chế biến thức ăn ở trong các tổ mối của loài Odontotermes hainanensis nuôi trong phòng thí nghiệm cho thấy quá trình này diễn ra trong khoảng từ 3 đến 5 tuần và có sự phân công lao động giữa các nhóm trong đẳng cấp mối thợ. Kết quả nghiên cứu về khả năng lan truyền thức ăn thông qua thức ăn đánh dấu ở trong những quần tộc mối nuôi trong phòng thí nghiệm và ngoài tự nhiên cho thấy khả năng lan truyền thức ăn cao đến các khoang trong quần tộc, tỷ lệ các khoang vườn nấm có thức ăn đánh dấu đạt từ 92,1-100% ở các tổ thí nghiệm. Đây là cơ sở khoa học cần thiết cho công tác nghiên cứu bả để phòng trừ mối vườn cấy nấm Macrotermitinae nói chung và loài Odontotermes hainanensis nói riêng.

Từ khóa: Chế biến thức ăn, lan truyền thức ăn, mối, Macrotermitinae, Odontotermes hainanensis

90

Đánh giá hiệu suất của mô hình truyền thống và học sâu trong tính toán mưa - dòng chảy trên sông Hiếu, Nghệ An

Hoàng Đức Vinh, Lê Văn Nghị, Nguyễn Ngọc Nam, Ngô Quang Hồng Sơn
Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Động lực học sông biển

 

Bài báo này trình bày hai cách tiếp cận trong việc tính toán dòng chảy từ mưa, một là cách truyền thống, sử dụng mô hình MIKE NAM và cách sử dụng thuật toán học sâu LSTM. Dữ liệu mưa, bốc hơi và lưu lượng với bước thời gian một ngày trong 46 năm từ 1975 đến 2020 trên lưu vực sông Hiếu, Nghệ An và trạm thủy văn Nghĩa Khánh được sử dụng cho nghiên cứu. Cả hai mô hình đều được huấn luyện/hiệu chỉnh với chuỗi dữ liệu 36 năm từ 1975 đến 2010 và kiểm chứng với chuỗi dữ liệu từ 10 năm từ 2011 đến 2020. Hiệu suất của các mô hình được đánh giá thông qua các chỉ số Nash-Sutcliffe Efficiency NSE; Root Mean Squared Error RMSE và Mean Absolute Error MAE. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các mô hình đều chứng minh khả năng mạnh mẽ trong việc mô phỏng và dự báo lưu lượng xả hàng ngày, nắm bắt hiệu quả xu hướng mùa lũ và mùa khô. Hệ số Nash-Sutcliffe (NSE) cho tất cả các mô hình đều vượt quá 70%. Trong đó, LSTM-Q, sử dụng lượng mưa, bốc hơi và lưu lượng từ Quỳ Châu làm đầu vào, đạt độ hiệu suất cao nhất. Những kết quả này cho thấy khả năng ứng dụng của MIKE NAM và LSTM trong việc tính toán và dự báo dòng chảy ở Việt Nam.

Từ khóa: LSTM, MIKE NAM, rainfall - runoff, Nghia Khanh

98

Nghiên cứu khảo sát phát hiện khoang rỗng bên dưới lớp bê tông cốt thép bằng công nghệ siêu âm chụp cắt lớp bê tông trên mô hình thực tế

Phạm Lê Hoàng Linh, Dương Văn Sáu, Vũ Hoàng Hiệp, Lê Văn Đức
Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình

 

Qua quá trình làm việc, dưới tác động của các yếu tố gây phá hủy khác nhau, cấu kiện bê tông cốt thép dần xuất hiện một số khuyết tật như: khoang rỗng bên dưới lớp bê tông, lỗ rỗng bên trong bê tông, sự tách lớp bên trong bê tông, khe nứt, sự ăn mòn cốt thép bên trong bê tông… Những khuyết tật này là nguyên nhân tiềm tàng làm giảm khả năng làm việc của cấu kiện bê tông, từ đó gây nguy cơ mất an toàn cho công trình. Công nghệ siêu âm chụp cắt lớp bê tông là phương pháp khảo sát không phá hủy hiện đại, có độ tin cậy cao trong việc phát hiện các khuyết tật có trong bê tông được hiển thị ở dạng hình ảnh có độ phân giải tốt và khả năng áp dụng cho các cấu kiện có chiều dày (sâu) lớn. Trong bài báo này, chúng tôi trình bày một số kết quả mới thu được khi nghiên cứu áp dụng công nghệ siêu âm chụp cắt lớp bê tông để xác định khoang rỗng bên dưới bê tông cốt thép trên mô hình thực tế.

Từ khóa: Công nghệ siêu âm chụp cắt lớp bê tông, bê tông cốt thép, khuyết tật, khoang rỗng

106

Phân tích SWOT hiệu quả công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung Việt Nam: Nghiên cứu trong trường hợp tỉnh Khánh Hòa

 

Nguyễn Tuấn Anh
Viện Kinh tế và Quản lý Thủy lợi

Trần Mạnh Trường
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Trần Quang Anh
Công ty TNHH MTV kỹ thuật máy bay

Nước sạch đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người. Quản lý bền vững công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung đảm bảo cấp nước cho người dân ở khu vực nông thôn. Khánh Hòa là một trong những tỉnh có các đặc trưng công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung tương đồng với các tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Để quản lý, vận hành các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung sau đầu tư đang đối mặt với nhiều thách thức. Sử dụng công cụ SWOT (Sức mạnh, Điểm yếu, Cơ hội và Nguy cơ) đánh giá tính bền vững trong quản lý, vận hành các công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa dựa trên sáu khía cạnh ảnh hưởng: thể chế, quản lý, kỹ thuật, tài chính, xã hội và môi trường. Từ kết quả phân tích SWOT đưa ra hàm ý chính sách để các nhà quản lý hoạch định chiến lược nhằm quản lý, vận hành bền vững công trình cấp nước nông thôn tập trung.

Từ khóa: Công trình nước sạch nông thôn tập trung, bền vững, hiệu quả, quản lý

114

Phân tích nguyên nhân gây ngập lụt trên tuyến đường DT719B Tp. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận: Thực trạng và giải pháp

 

Triệu Ánh Ngọc, Thái Hữu Hùng
Trường Đại học Thủy lợi

Nguyễn Đình Vượng
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Vũ Thị Hoài Thu
Trường Đại học Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh

Tuyến đường DT719B tại TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đóng vai trò quan trọng trong kết nối giao thông ven biển, nhưng hiện đang đối mặt với tình trạng ngập lụt nghiêm trọng do mưa lớn kéo dài. Các trận mưa từ 70-140mm đã gây ngập khu dân cư và vườn thanh long hai bên đường, ảnh hưởng nặng nề đến hạ tầng giao thông, đời sống người dân và kinh tế địa phương. Việc nghiên cứu thực trạng này nhằm đề xuất các giải pháp cải thiện hệ thống thoát nước, đảm bảo tính bền vững trong phát triển hạ tầng và ngăn chặn tái diễn ngập lụt.

Từ khóa: Ngập lụt, hệ thống thoát nước, hạ tầng giao thông, thiết kế bền vững

123

Năng suất và tích lũy nitrat (NO3-) trong rau cải xanh  do ảnh hưởng của chất lượng nguồn nước tưới khu vực Gia Lâm - Hà nội

 

Dương Thị Kim Thư 
Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường

Đinh Thị Thu Hiền, Nguyễn Thị Hằng Nga 
Trường Đại học Thủy lợi

Tạ Đức Thọ, Nguyễn Thị Ngọc Dinh
Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tính trạng ô nhiễm nước ngày càng phổ biến trên các hệ thống thủy lợi đã gây nhiều ảnh hưởng đến chất lượng rau xanh và môi trường đất. Nitơ (N) có trong nước tưới có nguy cơ gây tích lũy Nitrat (NO3-) trong rau, làm gia tăng rủi ro đối với sức khỏe của người tiêu dùng. Nghiên cứu này nhằm đánh giá tích lũy NO3- trong rau cải trồng trồng trên đất phù sa sông Hồng tại huyện Gia Lâm, Hà Nội, sử dụng nguồn nước tưới chính từ sông Cầu Bây làm cơ sở quản lý và bảo vệ nguồn nước đảm bảo an toàn chất lượng nông sản và sức khỏe cộng đồng. Thí nghiệm được thực hiện trong điều kiện nhà lưới, nguồn nước tưới từ nguồn sông Cầu Bây với 3 vụ thí nghiệm trồng rau cho thấy, tưới nước sông Cầu Bây đã có thể tăng gần 100% năng suất rau cải xanh so với tưới nước giếng khoan vì trong nước sông Cầu Bây đã có lượng đạm phù hợp với sinh trưởng, năng suất của rau. Tưới nước sông Cầu Bây kết hợp phân bón làm tích lũy NO3- vượt giới hạn an toàn nông sản. Có thể xem xét sử dụng pha loãng nguồn nước tưới sông Cầu Bây để đảm bảo an toàn cho rau trồng trong khu vực. Bài báo là cơ sở khoa học cho việc lựa chọn lượng phân bón hóa học cho phù hợp đối với cây cải xanh khi kết hợp với tưới nước sông Cầu Bây để tạo ra sản phẩm rau an toàn, chất lượng tốt.

Từ khoá: Nước tưới, chất lượng rau xanh, nitrat NO3-, môi tường đất.

130

Mối (Isoptera) gây hại công trình thủy lợi ở Việt Nam và biện pháp phòng trừ

Nguyễn Thúy Hiền, Nguyễn Quốc Huy, Nguyễn Minh Đức, Lê Quang Thịnh
Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình

Kết quả tổng hợp một số tài liệu nghiên cứu đáng chú ý về mối gây hại công trình thủy lợi ở Việt Nam từ khi bắt đầu cho đến năm 2022 đã lập được danh sách gồm có 56 loài, 18 giống, 8 phân họ và 4 họ mối. Trong số này, có 3/18 giống đã ghi nhận được coi là gây hại đối với công trình thủy lợi, đó là giống mối Odontermes, Macrotermes và Hypotermes. Các biện pháp diệt mối cũng đã được phát triển từ biện pháp đào tổ và bắt mối chúa thủ công đến xử lý đất bằng hóa chất, sau đó tích hợp biện pháp diệt mối với ba bước chính: (1) Khảo sát để xác định tình trạng hiện tại của loài mối; (2) Khoan lỗ và phun thuốc diệt mối và (3) Xử lý và lấp đầy các khoang tổ mối. Các nghiên cứu trong 10 năm qua đã tập trung vào mục tiêu cải thiện bước thứ hai, đó là thay thế việc sử dụng thuốc diệt mối dạng lỏng bằng bả mối. Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu một số nghiên cứu đã công bố về tình hình mối phá hoại các công trình thủy lợi ở Việt Nam từ năm 1970 đến nay để có cái nhìn tổng quan về xu hướng nghiên cứu diệt mối phát triển theo thời gian.

Từ khóa: Mối, công trình thủy lợi, kiểm soát, phòng trừ mối,Việt Nam

140

Đặc điểm rạn san hô vùng ven biển phía bắc tỉnh Quảng Bình

 

Phạm Văn Tùng, Huỳnh Vũ Ngọc Quý, Trần Trọng, Huỳnh Đức Khanh, Trần Vĩnh Hoàng
Viện Kỹ thuật Biển

Mai Xuân Đạt
Viện Hải dương học

 

Kết quả nghiên cứu về thành phần loài san hô và độ phủ ở vùng ven biển phía Bắc tỉnh Quảng Bình vào tháng 3/2022 đã xác định được 35 loài thuộc 18 giống, 10 họ. Trong đó, san hô cứng là nhóm có số lượng loài cao nhất với 27 loài, chủ yếu là các loài san hô dạng khối thuộc các họ Poritidae và Merulinidae. Số lượng loài san hô ghi nhận tại khu vực Tây đảo Yến (23 loài), phía Nam Vũng Chùa (22 loài) và Bắc đảo Hòn Cỏ (21 loài) cao hơn các khu vực nghiên cứu khác. Các loài san hô dạng khối thuộc họ Merulinidae, Poritidae bắt gặp phổ biến ở các mặt cắt gần bờ, trong khi các loài san hô mềm và san hô sừng được ghi nhận ở các mặt cắt có độ sâu cao hơn. San hô phân bố sát bờ ở độ sâu từ 2 – 5 m với các loài san hô dạng khối chiếm ưu thế. Càng ra xa bờ ở độ sâu lớn hơn độ phủ san hô giảm dần, ghi nhận san hô mềm và san hô sừng phân bố. Đa số các mặt cắt có độ phủ san hô khá thấp (bậc 1, từ 1 – 10%), nền đáy với chủ yếu là đá gốc, bùn cát và đá san hô xen lẫn san hô vỡ vụn; một số mặt cắt có độ phủ san hô tương đối tốt (bậc 2, từ 11-30%), đều ghi nhận các loài san hô thuộc giống Acropora, Favites và Pavona có kích thước khá lớn phân bố.

Từ khóa: Rạn san hô, Loài san hô, Độ phủ san hô, Phân bố san hô vùng ven biển tỉnh Quảng Bình

150

Nghiên cứu sử dụng mô hình học mạng thần kinh nhân tạo dự báo và nghiên cứu cường độ chịu nén của đất gia cố xi măng

Nguyễn Hữu Năm
Viện Thuỷ điện và Năng lượng tái tạo

Nguyễn Quang Phú
Trường Đại học Thủy lợi

Nguyễn Tiếp Tân
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

 

Nghiên cứu này ứng dụng Mạng Thần Kinh Nhân Tạo (ANN) trong việc dự đoán cường độ chịu nén không hạn chế (UCS) của đất gia cố xi măng. UCS bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như thành phần đất, hàm lượng xi măng và các điều kiện môi trường. Các phương pháp thực nghiệm truyền thống để xác định UCS thường tốn nhiều thời gian và chi phí, dẫn đến sự quan tâm ngày càng tăng đối với các phương pháp học máy. Trong nghiên cứu này, một mô hình ANN được phát triển dựa trên tập dữ liệu gồm 50 mẫu với 9 biến đầu vào: hàm lượng hữu cơ, hạt cát, hạt bụi, hạt sét, hạt cuội, giới hạn chảy, giới hạn dẻo, chỉ số dẻo và hàm lượng xi măng. Tập dữ liệu được chia thành 70% dùng để huấn luyện và 30% để kiểm chứng. Cấu trúc ANN tối ưu bao gồm hai lớp ẩn với lần lượt 4 và 3 nơ ron, đã dự đoán chính xác các giá trị UCS. Mô hình đạt độ chính xác cao với hệ số R² là 0.9545 đối với tập huấn luyện và 0.9212 đối với tập kiểm chứng. Phân tích SHAP đã chỉ ra rằng hàm lượng xi măng, giới hạn chảy và chỉ số dẻo là các biến có ảnh hưởng lớn nhất đến dự đoán UCS. Mô hình ANN này cung cấp một phương pháp hiệu quả và tiết kiệm chi phí trong việc dự đoán UCS cho đất gia cố xi măng, giúp tối ưu hóa các dự án hạ tầng liên quan đến gia cố đất yếu.

Từ khóa: Mạng thần kinh nhân tạo (ANN), cường độ chịu nén, gia cố đất bằng xi măng, học máy

157

Định hướng một số giải pháp thủy lợi, lâm nghiệp nhằm phục hồi và phát triển rừng ngập mặn tại
khu dự trữ sinh quyển sông Hồng

Đỗ Quý Mạnh, Nguyễn Quốc Huy, Nguyễn Minh Đức
Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình

Nguyễn Thành Luân
Phòng Thí nghiệm trọng điếm cấp Quốc gia về Động lực học sông biể

Định hướng các giải pháp khoa học và công nghệ để phục hồi và phát triển rừng ngập mặn Khu Dự trữ sinh quyển sông Hồng cần phải có các thông tin cơ bản về cơ sở lý luận từ các quan điểm, khái niệm và nguyên tắc của phục hồi, phát triển rừng ngập mặn. Một số cách tiếp cận lịch sử và logic, tổng thể, hệ sinh thái, phát triển và phục hồi bền vững, với các phương pháp như thu thập, kế thừa tài liệu, tham vấn chuyên gia, phân tích thống kê, logic. Bước đầu đã đưa ra một số khái niệm về rừng ngập mặn, phục hồi và phát triển rừng ngập mặn, giải pháp sinh thái, thủy lợi nhằm phục hồi lại điều kiện cơ bản, điều kiện lập địa để cây ngập mặn có thể sinh trưởng và phát triển được bằng các giải pháp kỹ thuật lâm sinh, thủy lợi. Đối với việc phục hồi và phát triển rừng ngập mặn trong đầm nuôi trồng thủy sản hoặc rừng ngập mặn bị suy thoái thì cần thực hiện các giải pháp thủy lợi hỗ trợ như điều tiết nguồn nước, gia cố bờ bao, tạo lạch, lên líp. Đối với công việc phát triển rừng ngập mặn bên cạnh việc ứng dụng giải pháp lâm sinh như trồng rừng thì giải pháp xây dựng công trình kiên cố, tường mềm giảm sóng, giảm dòng chảy ven bờ giúp cây trồng ổn định trong giai đoạn đầu khi rừng còn non là rất quan trọng và cần thiết.

Từ khoá: Khu sinh quyển sông Hồng, thủy lợi-lâm nghiệp, rừng ngập mặn

167

Tác động của tình trạng hạ thấp mực nước và xâm nhập mặn trên sông Vu Gia - Thu Bồn và đề xuất giải pháp thích ứng để phục vụ sản xuất và dân sinh cho 2 tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng

 

Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Ngọc Vinh, Đặng Thị Nga
Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên

Tình trạng hạ thấp mực nước và xâm nhập mặn trên sông Vu Gia - Thu Bồn ngày càng có nhiều thay đổi theo hướng bất lợi cho việc cấp nước phục vụ sản xuất và dân sinh cho 2 tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng. Bài báo này sẽ trình bày về thực trạng và tác động của tình trạng hạ thấp mực nước và xâm nhập mặn trên sông Vu Gia - Thu Bồn cũng như dự báo diễn biến mực nước và xâm nhập mặn trên sông đến năm 2030 khi xem xét đến tác động của biến đổi khí hậu; từ đó đã đề xuất giải pháp thích ứng hợp lý để phục vụ sản xuất và dân sinh cho 2 tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng.

Từ khóa: tác động, hạ thấp mực nước, Vu Gia - Thu Bồn, giải pháp, Quảng Nam, Đà Nẵng

177

Sử dụng cốt liệu xỉ thép và cốt sợi thủy tinh kháng kiềm để sản xuất bê tông ứng dụng cho các công trình thủy lợi

 

Nguyễn Hữu Năm
Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo

Nguyễn Quang Phú
Trường Đại học Thủy lợi

Trong nghiên cứu sử dụng cốt liệu xỉ thép và cốt sợi thủy tinh kháng kiềm, kết hợp tro bay và phụ gia siêu dẻo giảm nước để chế tạo bê tông cốt sợi có cường độ nén từ M40 đến M50. Bê tông cốt sợi thiết kế có tính công tác tốt, cường độ nén, cường độ kéo uốn và mác chống thấm cao, đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật cho thi công các công trình Thủy lợi. Bê tông cốt sợi thủy tinh kháng kiềm làm tăng khả năng chịu uốn của bê tông, làm giảm hiện tượng nứt mặt của bê tông và không bị ăn mòn trong môi trường nước biển. Sử dụng cốt liệu xỉ thép thay thế cốt liệu đá dăm trong sản xuất bê tông góp phần đa dạng hóa các loại vật liệu xây dựng, từ đó nghiên cứu và ứng dụng các loại vật liệu xây dựng xanh thân thiện với môi trường. 

Từ khóa: Xỉ thép; bê tông cốt sợi; cốt sợi thủy tinh kháng kiềm; tro bay; phụ gia siêu dẻo

185

Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả xã hội của mô hình cấp nước tại vùng núi cao, vùng khan hiếm nước

 

Nguyễn Mạnh Trường, Ngô Văn Đạt, Đinh Anh Tuấn, Trần Bằng Giang, Phạm Song Hùng
Viện Bơm và Thiết bị Thủy lợi

Bài báo giới thiệu phương pháp nghiên cứu và xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả xã hội của các mô hình cấp nước. Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học quan trọng để đánh giá khả năng và mức độ đáp ứng mục tiêu thực tế của công trình, để từ đó đề xuất các giải pháp kỹ thuật nâng cao hiệu quả của các mô hình cấp nước tại vùng núi cao, vùng khan hiếm nước

196

Ứng dụng mô hình FLOW3D đánh giá khả năng giảm sóng tràn của kết cấu kè dạng bậc

Nguyễn Thành Luân, Phạm Ngọc Tú
Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Động lực học sông biển

Kết cấu kè dạng bậc đã được áp dụng ở một số công trình dọc ven biển Việt Nam. Dạng kết cấu này vừa có khả năng giảm sóng leo, sóng tràn, vừa có tính thẩm mỹ cao, phù hợp với các địa điểm ven biển khai thác dịch vụ du lịch, thương mại, phù hợp với mục tiêu chiến lược phát triển đa mục tiêu của công trình thủy lợi nói chung và công trình biển nói riêng. Nghiên cứu này sử dụng mô hình Flow-3D mô phỏng đánh giá khả năng giảm sóng tràn của kè kết cấu dạng bậc với chiều cao của mỗi bậc khác nhau trên cùng mái dốc m = 3 nhằm tìm chiều cao bậc phù hợp. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ giữa chiều cao bậc và chiều cao sóng nằm trong khoảng 0,2 đến 1 cho hiệu quả sóng tràn tốt nhất. Hệ số nhám mái trong khoảng 0,39 – 0,82; lưu lượng tràn lớn nhất giảm khoảng 50% so với kè mái nghiêng trơn và khoảng 35% so với kè dạng tường đứng.

Từ khoá: Công trình biển, kè mái nghiêng, kè bậc, Flow-3D, sóng tràn.

203

Bước đầu đánh giá kết quả xây dựng 03 mô hình ứng dụng giải pháp sinh thái, thủy lợi nhằm phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch khu vực Tây Nam sông Hậu

Nguyễn Hoàng Hanh, Nguyễn Quốc Huy, Nguyễn Minh Đức, Đỗ Quý Mạnh, Lê Ngọc Cương, Nguyễn Việt Đức, Lê Anh Tuân
Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình

Sạt lở bờ sông, kênh, rạch khu vực Tây Nam sông Hậu đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường và rất cấp bách. Chính vì thế, việc ứng dụng giải pháp thủy lợi hỗ trợ cho giải pháp sinh thái nhằm phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch khu vực Tây Nam sông Hậu là rất cần thiết. Kết quả nghiên cứu cho thấy các công trình thủy lợi (giảm sóng, giảm dòng chảy) bằng vật liệu hữu cơ (cọc tre, bó rào tre) đã phát huy khả năng bảo vệ bờ giảm sóng từ 30-40%, giảm dòng chảy từ 35-45%. Góp phần nâng cao tỷ lệ sống của các loài cây trong các mô hình lên trên 85%. Các loài cây như Cỏ Vetiver, Thủy trúc, Tràm cừ, Mắm trắng và Đước đôi sinh trưởng tốt. Ứng dụng giải pháp thuận với tự nhiên cũng góp phần làm chậm các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu. Dự kiến sau 3 năm trồng thảm thực vật tại khu vực nghiên cứu giúp tăng khả năng tích lũy Carbon là 26,56 tấn và CO2 là 97,59 tấn với quy mô tổng 03 mô hình là 3.600 m2 . Hơn nữa, với giá thành ước đầu tư công trình bảo vệ bờ trên cơ sở ứng dụng giải pháp sinh thái, thủy lợi đầu tư kinh phí khoảng 1 triệu đồng/1mét so với các dạng công trình cứng, công trình bán kiên cố sẽ có giá thấp nhất.

Từ khóa: Giải pháp sinh thái, sạt lở bờ sông, Tây Nam sông Hậu, thủy lợi.

212

Giải pháp cải tạo vật liệu nạo vét từ hệ thống công trình thủy lợi để làm nền đường giao thông nông thôn và san lấp mặt bằng trên địa bàn tỉnh Bến Tre

 

Phùng Vĩnh An, Tô Quang Trung, Phan Việt Dũng
Viện Thủy công

Lê Văn Tuân
Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội

 

Bến Tre là một tỉnh có hệ thống kênh, rạch tương đối chằng chịt. Do vận tốc dòng chảy ở đây rất nhỏ, nên hiện tượng bồi lắng diễn ra rất nhanh chóng. Vì thế, khối lượng nạo vét hàng năm rất lớn, làm ảnh hưởng đến diện tích sản xuất, môi trường và xã hội tại địa phương. Trong khi đó, toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng, vấn đề thiếu cát tự nhiên đã trở thành một vấn đề nóng trước mắt và lâu dài. Do vậy, vấn đề là làm thế nào cải tạo vật liệu nạo vét để thay thế cho một phần cát tự nhiên có ý nghĩa quan trọng, nhằm làm giảm bớt các tác động đến môi trường tự nhiên và xã hội. Để giải quyết vấn đề đó, trong nghiên cứu này đã sử dụng hỗn hợp vật liệu gồm cát, vôi, xi măng phổ biến trên địa bàn với các hàm lượng khác nhau nhằm cải tạo vật liệu nạo vét khai thác từ hệ thống công trình thủy lợi phục vụ làm nền đường giao thông nông thôn và san lấp mặt bằng trên địa bàn tỉnh Bến Tre.     

Từ khóa: Vật liệu nạo vét; hỗn hợp cải tạo vật liệu nạo vét; vùng mặn; vùng lợ.

221

Nghiên cứu phát triển cảm biến đo độ ẩm đất tần số cao ứng dụng công nghệ FDR phục vụ tưới chính xác trong môi trường nhà kính, nhà màng

 

Nguyễn Tiếp Tân, Lê Xuân Quang, Nguyễn Xuân Lâm, Phạm Đức Trung
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Nguyễn Thị Hằng Nga
Trường Đại học Thủy lợi

Nguyễn Tài Tuyên
Học Viện Bưu chính Viễn thông

 

Trong những năm gần đây, nông nghiệp công nghệ và giá trị cao đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Diện tích nhà màng, nhà lưới được phát triển ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước, trong đó phải kể đến tỉnh Lâm Đồng, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, tính đến cuối năm 2022; diện tích nhà màng, nhà lưới toàn tỉnh đạt 4476,2 ha [1]. Trong một môi trường canh tác được kiểm soát, nhu cầu về tưới chính xác là rất cao khi tưới thường kết hợp với dinh dưỡng nhằm cùng lúc tiết kiệm công, nước và phân bón. Cảm biến đất đo nhanh là phương pháp đo độ ẩm đất không phá hoại mẫu và được coi là phương pháp tối ưu nhằm tức thời xác định độ ẩm tại bộ rễ để đưa ra quyết định tưới hợp lý. Có nhiều kỹ thuật để phát triển cảm biến đất như đo sức căng, phương pháp điện trở, điện dung, phản xạ miền tần số (FDR), phản xạ miền thời gian (TDR),vv... Trong nghiên cứu này, trình bày tóm lược các kết quả phát triển một cảm biến đo độ ẩm đất sử dụng kỹ thuật FDR đã đạt được độ chính xác trên 95% khi thử nghiệm với các loại môi trường trồng phổ biến như đất sét, đất mùn, giá thể xơ dừa. Kết quả nghiên cứu đã cho ra đời một cảm biến đất tin cậy dễ dàng tích hợp vào các hệ thống canh tác hiện đại với chi phí hợp lý cho ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp,vv…Bài báo là một phần kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu chế tạo cảm biến, tích hợp công nghệ, thiết bị và kết nối thông minh để nâng cao hiệu quả sử dụng nước mặt ruộng”.

Từ khóa: Cảm biến đo độ ẩm đất, nông nghiệp công nghệ cao

231

Phân tích, đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả giảm sóng của công trình kè cọc ly tâm tại vùng biển Cà Mau

 

Nguyễn Anh Tiến, Trương Thị Nhàn, Trần Thị Thúy An, Ngô Tiến Khiêm, Vũ Phúc Đông, Mai Hồng Hải Hà
Viện kỹ thuật Biển

Thiều Quang Tuấn
Trường Đại học Thủy lợi

 

Nghiên cứu đánh giá hiệu quả giảm sóng của 32 công trình kè cọc ly tâm được xây dựng từ năm 2010-2020 trải dọc theo vùng biển Cà Mau. Trong đó, bộ dữ liệu sóng thu được tại mỗi công trình mang lại giá trị quý giá về mặt không gian và thời gian tại vùng nghiên cứu. Nguồn số liệu được đo vào mùa gió Tây Nam đối với vùng biển Tây (BT) và mùa gió Đông Bắc đối với vùng biển Đông (BĐ). Kết quả phân tích cho thấy hầu hết các công trình đều đạt hiệu quả giảm sóng. Từ đó phân tích cho thấy hiệu quả giảm sóng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bề rộng kè tương đối và kích thước lõi đá hộc trong lòng kè. Từ các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả giảm sóng của công trình nghiên cứu đã xây dựng công thức thực nghiệm hệ số truyền sóng cho kè cọc ly tâm tại khu vực tỉnh Cà Mau.

Từ khóa: Kè cọc ly tâm, hiệu quả giảm sóng, hệ số truyền sóng, số liệu sóng thực đo, ven biển Cà Mau

242

Nghiên cứu đề xuất loài cây có khả năng hấp thụ CO2 cao trong trồng rừng đầu nguồn

Lê Văn Tuất, Nguyễn Nguyên Hằng, Lê Hạnh Chi
Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình

Biến đổi khí hậu đang làm thay đổi vòng tuần hoàn nước trong tự nhiên, dẫn đến những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và khó dự đoán. Rừng đầu nguồn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều tiết nguồn nước, giúp lưu trữ nước vào mạch nước ngầm. Phục hồi rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn và phát triển mảng xanh là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tái tạo môi trường và khắc phục hậu quả thiên tai. Để phục hồi rừng hiệu quả, việc lựa chọn nguồn giống cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của từng khu vực là vô cùng quan trọng. Hiện nay, việc trồng rừng không chỉ hướng đến hiệu quả về mặt sinh thái, kinh tế, thủy lợi, mà còn đồng thời phải giảm được lượng đáng kể CO2 trong không khí, hướng đến chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2028. Do đó việc lựa chọn các loài cây trồng rừng cần có khả năng hấp thụ CO2 cao, tác động tích cực đến hệ sinh thái, môi trường, thủy lợi, nâng cao sinh kế người dân. Kết quả nghiên cứu đã xác định trong tổng số 43 loài thường trồng tại Việt Nam đã thống kê được 28 loài có khả năng hấp thụ CO2 cao (tính cho 1 cây trồng hoặc 1 ha rừng trồng thuần loài/năm), với 21 loài cây trên cạn và 7 loài cây ngập mặn. Các loài cây được lựa chọn đều là thuộc danh mục các cây trồng lâm nghiệp chính, các loài cây được định hướng trồng và đã được trồng tại địa phương áp dụng cho rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất.

Từ khóa: Trồng rừng, hấp thụ CO2 cao, loài cây thường trồng, Việt Nam

249

Nghiên cứu ứng dụng mô hình MIKE 11 đánh giá chất lượng nước cho hệ thống sông chính trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

 

Phạm Trường Thảo Nguyên
Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình

Chu Nguyễn Ngọc Sơn, Lương Hữu Dũng
Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu

Đỗ Minh Anh
Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Nước là một trong những nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, mỗi vùng lưu vực sông và mỗi địa phương. Nghiên cứu ứng dụng mô hình Nghiên cứu ứng dụng mô hình MIKE 11 để đánh giá sự thay đổi chất lượng cho hệ thống sông chính nhằm đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của sông hồ trên địa bản tỉnh Vĩnh Phúc. Kết quả cho thấy nước mặt của các sông này có dấu hiệu ô nhiễm chủ yếu bởi các chất hữu cơ (COD, BOD5), chất dinh dưỡng (Amoni, Nitrate, Phosphate. Hiện tại, nguồn nước các sông không còn khả năng chịu tải đối với các thông số Amoni. Kết quả nghiên cứu có thể làm cơ sở đề đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm nước trên các sông chảy trong khu vực của tỉnh.

Từ khóa: Mô hình MIKE 11, chất lượng nước

Ý kiến góp ý: