Tập huấn nâng cao nhận thức, tư duy của cộng đồng vùng hưởng lợi trong phối hợp quản lý, vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới
21/11/2023Trong thời gian từ ngày 15-17/11/2023 tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang Trung tâm Tư vấn quản lý thủy nông có sự tham gia của người dân, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam phối hợp với Cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức lớp tập huấn: “Nâng cao nhận thức, tư duy của người dân và cộng đồng vùng hưởng lợi của hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé trong việc phối hợp quản lý, vận hành công trình thủy lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”.
Các đại biểu và học viên tham dự lớp tập huấn. Ảnh: Trung Chánh – Báo Nông nghiệp VN
Đến dự lớp tập huấn có ông Trần Nhật Lam - Phó chánh văn phòng NTM TW, ông Phan Tiến An -Phó Trưởng phòng Kinh tế Thủy lợi, ông Nguyễn Minh Thắng, Phó Trưởng phòng Bảo vệ CTTL và Chất lượng nước - Cục Thủy lợi; Ông Nguyễn Việt Anh - Tổng giám đốc công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Miền Nam, Ông Đặng Minh Tuyến - Phó GĐ phụ trách Trung tâm tư vấn PIM và các cán bộ, chuyên gia thuộc Cục Thủy lợi, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.
Ông Đặng Minh Tuyến, Phó GĐ Phụ trách Trung tâm tư vấn PIM báo cáo đề dẫn tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu và Chương trình tập huấn
Về phía địa phương, các thành viên đại diện cho các đơn vị, tổ chức liên quan đến hoạt động thủy lợi trong hệ thống bao gồm: Chi cục Thủy lợi, Phòng NN&PTNT, UBND xã và thị trấn, các tổ chức thủy lợi cơ sở và các nông dân tiêu biểu đến từ 05 tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng thuộc phạm vi phục vụ của hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ông Phan Tiến An nhấn mạnh, công tác quản lý, vận hành công trình thủy lợi sau đầu tư có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả các dự án thủy lợi. Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé mới được đưa vào khai thác từ năm 2021 là công trình thủy lợi có qui mô lớn nhất vùng ĐBSCL, khai thác đa mục tiêu, phạm vi phục vụ của công trình trải rộng trên địa bàn 05 tỉnh, nhu cầu sử dụng nguồn nước khá đa dạng theo các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên). Mặt khác, việc tổ chức khai thác CTTL trong hệ thống hiện nay cũng có nhiều khác biệt, có thể nói đây là sự thu nhỏ về công tác quản lý khai thác thủy lợi toàn quốc. Cụ thể, Công ty TNHH MTV KTCTTL Miền Nam quản lý các công trình thủy lợi được Bộ NN&PTNT giao, các công trình còn lại sẽ do UBND 05 tỉnh tổ chức quản lý theo các loại hình tổ chức gồm: Chi cục Thủy lợi, Trung tâm khai thác CTTL, Công ty Cổ phần khai thác CTTL, các trạm khai thác CTTL cấp huyện, UBND các xã và tổ chức thủy lợi cơ sở.
Theo phân cấp quản lý CTTL, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam quản lý, khai thác gồm 03 cống: Cụm cống lớn (CL), gồm 02 cống (cống Cái Lớn và cống Cái Bé); Cụm An Biên 1 (AB1), gồm 01 cống (cống âu thuyền Xẻo Rô) và một số cụm đầu mối khác. Các công trình thủy lợi còn lại được giao cho 05 địa phương trong hệ thống tổ chức quản lý khai thác. Qua thực tế vận hành, đã mang lại hiệu quả rất lớn, bảo vệ sản xuất hiệu quả, giảm chi phí so với trước đây do không phải đắp đập tạm ngăn mặn. Tuy nhiên, đặc thù của hệ thống thủy lợi của vùng có tính liên thông cao trong khi yêu cầu vận hành đáp ứng đa mục tiêu ngọt, mặn, lợ trong khi đó hệ thống cống trong vùng hưởng lợi chưa được đầu tư đầy đủ, đồng bộ, khép kín, rất nhiều huyện chưa hoàn thiện được hệ thống thủy lợi nội đồng nên cũng gặp những khó khăn nhất định.
Do đó để công trình phát huy hiệu quả, theo Ông Phan Tiến An cần phải thiết lập và thực hiện tốt được cơ chế phối hợp giữa các tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý khai thác công trình trong hệ thống để đảm bảo đồng bộ cả trong qui hoạch thủy lợi, đầu tư xây dựng và quản lý vận hành công trình thủy lợi trong đó đối tượng ưu tiên được quan tâm là các tổ chức cộng đồng cấp huyện, xã, thủy lợi cơ sở và người trực tiếp hưởng lợi từ dự án. Việc phát huy hiệu quả của hệ thống cũng đồng nghĩa với việc góp phần để các địa phương hoàn thành tiêu chí thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Trong thời gian từ ngày 15-17/11/2023, các học viên đã được truyền đạt 05 chuyên đề bao gồm Các quy định của pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; Hướng dẫn hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống thủy lợi; Hướng dẫn thực hiện các chỉ tiêu của tiêu chí thủy lợi các cấp theo các mức độ đạt chuẩn, nâng cao trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Tổng quan về hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé và Qui trình vận hành tạm thời hệ thống thủy lợi; Công tác phối hợp quản lý, vận hành công trình do Bộ quản lý và công trình do địa phương quản lý trong hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé; Công tác quy hoạch, đầu tư khép kín công trình thủy lợi đảm bảo phát huy hiệu quả khai thác hệ thống;
Ngoài các kiến thức được lĩnh hội từ 05 chuyên đề tập huấn, đây cũng là cơ hội thuận lợi để các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động thủy lợi trong hệ thống gặp gỡ, giao lưu và kết nối để cải thiện hiệu quả phối hợp công tác quản lý khai thác CTTL đồng thời các địa phương trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện tiêu chí thủy lợi, cũng như hoàn thiện và nâng cao chất lượng tiêu chí thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Những thông tin từ khóa tập huấn sẽ được các học viên tiếp tục phổ biến, lan tỏa đến cộng đồng góp phần nâng cao nhận thức, tư duy cho đội ngũ cán bộ làm công tác thủy lợi, cộng đồng, người dân trong vùng hưởng lợi góp phần khai thác hiệu quả hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé.
Một số hình ảnh tập huấn và thực địa Hệ thống Cái Lớn – Cái Bé
Ông Trần Nhật Lam - Phó Chánh VP NTM TW Trao đổi, thảo luận với các học viên về Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025
Bà Lê Thị Bích Thuận - Đại diện Cục Thủy lợi và Ông Đặng Minh Tuyến - Đại diện Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam trao Chứng nhận cho các học viên
Các học viên chụp ảnh lưu niệm tại Công trình thủy lợi Cái Lớn
Nguyễn Văn Kiên & Phạm Duy Anh Tuấn
Ý kiến góp ý: