Thí điểm trọng dụng cán bộ khoa học công nghệ
19/12/2011Đổi mới phương thức trả lương cho các nhà khoa học, bổ sung chức vụ "Kỹ sư trưởng", "Tổng công trình sư" trong hệ ngạch, bậc viên chức KH&CN kèm theo thẩm quyền, chế độ đãi ngộ đặc biệt; tổ chức Ngày KH&CN Việt Nam"... là những đề xuất mang tính đột phá được bàn tại đề án "Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN" cho giai đoạn đến năm 2015 mà Bộ Khoa học và Công nghệ đang soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tránh xếp hàng ngang trong phân bổ kinh phí cho KH&CN
Tại hội nghị “Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý, hoạt động và tổ chức KH&CN”- hội nghị được xem như Hội nghị Diên hồng của ngành KH&CN đã được Bộ KH&CN tổ chức sáng 15/12, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân lấy dẫn chứng về rào cản cơ chế chính sách đối với hoạt động KH&CN đó là hiện nay công tác phân bổ ngân sách KH&CN vẫn mang tính bao cấp, chia theo tỷ lệ của năm trước mà không tính đến hiệu quả hoạt động, nhu cầu thực tế.
Một bất cập nữa, Luật Ngân sách quy định: “Đối với chi phí đầu tư phát triển việc lập kế hoạch dự toán phải căn cứ vào quy hoạch, chương trình, dự án đầu tư đã có quyết định của cấp có thẩm quyền”. Tuy nhiên, nhiều năm Bộ Tài chính áp đặt cứng nhắc quy định này đối với các nhiệm vụ KH&CN. Để đáp ứng yêu cầu này, việc đề xuất xây dựng các đề tài, dự án phải làm trước đó 15- 18 tháng. Việc áp đặt cứng nhắc cơ chế hành chính hoá cho hoạt động sáng tạo khoa học có tính đặc thù riêng là không phù hợp, gây ức chế cho giới khoa học. Một ý tưởng hay mọt vấn đề khoa học khi đã được nhận dạng cần phải giải quyết ngay nhưng phải đến hơn một năm sau mới có kinh phí thì có thể đã trở nên lạc hậu, không còn tính cấp thiết.
Về điều này, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, nên rót tiền đầu tư KH&CN thông qua các Quỹ hoạt động KHCN bởi cơ chế điều hành, quản lý Quỹ sẽ năng động và linh hoạt hơn nhiều so với mô hình hành chính Nhà nước. Đây cũng là xu hướng của thế giới đang triển khai rất có hiệu quả.
Thí điểm chính sách trọng dụng cán bộ KH&CN
Hiện nay tổng đầu tư xã hội cho khoa học và công nghệ còn thấp, mới ở mức 1%. Nguồn nhân lực chưa có điều kiện để phát triển. Số lượng các nhà khoa học đầu ngành, có trình độ chuyên môn cao và hiện đang tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học mang tính chuyên nghiệp là rất ít và ngày càng suy giảm, trong khi các cán bộ khoa học trẻ lại không được tạo động lực để phấn đấu theo đuổi và gắn bó với sự nghiệp khoa học lâu dài.
Để gỡ vướng mắc này, ông Quân kiến nghị, sẽ kiến nghị Chính phủ công nhận danh hiệu Nhà khoa học Nhân dân, Ưu tú cho người làm KH&CN. Bên cạnh đó, thí điểm chính sách trọng dụng cán bộ KH&CN được giao nhiệm vụ quốc gia theo đơn đặt hàng của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyên gia, tri thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN ở Việt Nam như mức lương, nhà ở, giao quyền hạn, chế độ tự chủ tài chính…
Bà Nguyễn Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, để đổi mới toàn diện hoạt động KH&CN, cần phải có tư duy đột phá như khoán 10 trong nông nghiệp trước kia. Bà Thu thông báo, hiện Bộ NN&PTNT đã đề xuất Chính phủ cho thí điểm 8 Viện nghiên cứu của Bộ này hoạt động theo cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm.
GS.TS Đỗ Năng Vịnh, Viện Di truyền Nông nghiệp đã thẳng thắn chỉ ra rằng, chừng nào chúng ta còn chưa nhận thức được các quy luật vận hành, các động lực cần có, các bài học lịch sử của phát triển KHCN quốc tế và trong nước, chừng đó chúng ta chưa thể đổi mới KH&CN một cách thực sự. GS Vịnh đã dẫn chứng, Trung Quốc đã trở thành cường quốc số một thế giới về khoa học cây gạo. Qua những gì quốc gia này làm, có thể nhận thấy, Trung Quốc đã đặt cây lúa thành sản phẩm chiến lược số 1 quốc gia.
Kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân những kết quả đã đạt được sau 7 năm thực hiện Đề án chứng tỏ sự chuyển biến rất quan trọng, đúng hướng và là tiền đề cho giai đoạn tiếp theo.
Phó Thủ tướng đề nghị thời gian tới cần sắp xếp lại hệ thống các đơn vị nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho hợp lý, có chính sách phân loại cấu trúc các đơn vị nghiên cứu để tạo thành chuỗi nghiên cứu ứng dụng đồng bộ, thống nhất, trở thành nòng cốt của hệ thống đổi mới quốc gia. Bên cạnh đó cần có cơ chế đặt hàng các nhà khoa học và phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của xã hội để tránh lãng phí.
Phó Thủ tướng giao Bộ KH&CN hoàn thiện Đề án “Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý, hoạt động và tổ chức KH&CN” trình Thường trực Chính phủ trước ngày 15/1/2012.
3 nhóm giải pháp lớn tháo gỡ bất cập trong cơ chế chính sách KH&CN
Mục tiêu của Đề án tiếp tục đổi mới: Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ nhằm nâng cao tiềm lực, trình độ, chất lượng, hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ theo hướng hội nhập quốc tế, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, xây dựng cơ sở để hình thành nền kinh tế tri thức ở nước ta. |
Theo Báo KH&ĐS Online
Ý kiến góp ý: