TextBody
Huy chương 2

Thông tin về đợt điều tra khảo sát năm 2013, dự án “Quy hoạch Khu bảo tồn vùng nước nội địa sông Mã, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”

06/12/2013

Từ năm 2013-2014, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tổ chức thực hiện dự án: “Quy hoạch Khu bảo tồn vùng nước nội địa sông Mã, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”.

Phạm vi thực hiện của dự án là vùng nước nội địa được quy hoạch thuộc sông Mã, tỉnh Thanh Hóa. Dự án tập trung vào phần sông Mã với tổng chiều dài 270 km, diện tích lưu vực sông Mã thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa là 8.900 km2, chảy qua các huyện: Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, Quảng Xương, thành phố Thanh Hóa, thị xã Sầm Sơn...

Nội dung thực hiện quy hoạch bao gồm: thu thập số liệu đánh giá điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và kinh tế - xã hội tác động đến vùng nước nội địa sông Mã; đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học, hệ sinh thái, môi trường và đối tượng cần bảo tồn vùng nước nội địa sông Mã; tiến hành lập quy hoạch khu bảo tồn vùng nước nội địa sông Mã đến năm 2020.

Mục tiêu tổng quát của việc quy hoạch bảo tồn vùng nước nội địa sông Mã nhằm thiết lập và đưa vào hoạt động khu bảo tồn vùng nước nội địa sông Mã, tỉnh Thanh Hóa  để  bảo tồn và phát triển bền vững sự phong phú, đa dạng về hệ sinh thái thủy sinh tại vùng nước nội địa, đặc biệt là các giống loài thủy sản quý hiếm, có giá trị kinh tế và khoa học cao như cá Chiên, cá Lăng,... khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn lợi, bảo đảm cân bằng sinh thái, bảo vệ các giá trị về đa dạng sinh học và các chức năng của hệ sinh thái, bảo vệ môi trường.

Để thực hiện các mục tiêu và nội dung của dự án, từ tháng 10 đến tháng 11 năm 2013, đoàn cán bộ nghiên cứu của dự án bao gồm các nhà khoa học về lĩnh vực thủy sinh vật học, ngư loại học, môi trường, bảo tồn, nuôi trồng thủy sản... đã tiến hành điều tra, khảo sát thực địa, thu thập vật mẫu, số liệu dọc sông Mã (từ cửa Hới đến cửa khẩu Tén Tằn – biên giới Việt - Lào). Các nội dung triển khai thực địa bao gồm:

   - Điều tra, thu thập số liệu về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và kinh tế-xã hội bằng phiếu điều tra, thảo luận nhóm tập trung và phiếu phỏng vấn sâu đối với cán bộ và người dân, tại các cộng đồng nơi có ảnh hưởng nhiều đến đối tượng bảo tồn và vùng bảo tồn.

   - Thu thập và đo đạc các mẫu thủy lý, hóa để đánh giá hiện trạng môi trường nước. Tại các địa điểm khảo sát, lựa chọn các kiểu hệ sinh thái, nơi cư trú điển hình trên sông.

- Thu thập và xử lý các mẫu thủy sinh; thu thập các dẫn liệu thống kê và phỏng vấn nghề cá tại địa phương, sử dụng bộ ảnh màu của cá, giáp xác, thân mềm để điều tra nhanh thành phần loài; điều tra đánh giá định tính, định lượng hiện trạng đa dạng sinh học các nhóm thực vật nổi, động vật nổi, động vật đáy, cá, đường di cư của thủy sinh vật, nghiên cứu đặc điểm và thành phần loài thực vật bậc cao theo các phương pháp điều tra theo nhóm chuyên ngành.

Kết quả điều tra bước đầu đã xác định được vùng phân bố của một số loài thủy sinh vật quý hiếm tại sông Mã như:Cá Lăng, Cá Chiên, Cá Dốc, Cá Nheo, Cá Ngạnh, Cá Dầm Xanh, Cua Ra… thuộc 20  điểm nghiên cứu: Cửa Lạch Trường, xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc; đoạn sông Mã thuộc tiểu khu Yên Vạc 3, Phường Tào Xuyên, thành phố Thanh Hóa; Cồn Sành, xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa; núi Mỗ, Thị trấn Cẩm Thủy; đoạn sông Mã từ thác Trà Lan, bản Trà Lan xuống đến cầu Chiềng Nưa, xã Mường Lý, huyện Mường Lát…

Kết quả  điều tra phỏng vấn  bước đầu đánh giá được tình hình dân sinh kinh tế, ngành nghề, sự lệ thuộc của người dân các khu vực dọc hai bên bờ sông Mã trong phạm vi dự án đối với nguồn lợi thủy sản sông Mã.

Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Hải

Trung tâm Sinh thái bảo vệ hồ chứa nước

 Theo http://vienbaovecongtrinh.vn

Ý kiến góp ý: