Thông tin về luận án Tiến sỹ của NCS Phan Tiến An
22/04/2011Đề tài luận án: "Nghiên cứu phương pháp tính ổn định mái dốc có xét đến điều kiện tương thích của lực tương tác - Ứng dụng cho xây dựng đê biển". Chuyên ngành: Xây dựng Công trình thủy. Mã số 62 58 40 01. . Họ và tên NCS: Phan Tiến An. Họ và tên cán bộ hướng dẫn: GS.TS. Phan Trường Phiệt - Trường Đại học Thủy lợi; PGS.TS. Vũ Đình Hùng - Bộ NN&PTNT. Cơ sở đào tạo: Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam
TÓM TẮT NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN
1. Đã nghiên cứu, tổng kết và phân tích được những đặc điểm riêng của đê biển Việt Nam: (i) là công trình bán vĩnh cửu; (ii) trong trường hợp bất khả kháng phải để cho nước tràn qua; (iii) khối lượng xây dựng lớn, phải sử dụng vật liệu tại chỗ để đắp đê. Luận án cũng đã nghiên cứu sự phù hợp của VĐKT để làm cốt trong xây dựng và nâng cấp đê biển: (i) tuổi thọ phù hợp với đặc điểm công trình bán vĩnh cửu; (ii) có thể thay thế tầng lọc ngược, giảm kết cấu của đê biển, và trong trường hợp bất khả kháng có thể cho tràn nước qua thân đê; (iii) tận dụng được đất khai thác tại chỗ để đắp đê mà vẫn đảm bảo đê ổn định và cho phép thi công nhanh và an toàn.
2. Đã nghiên cứu, phát triển về mặt lý thuyết phương pháp phân tích ổn định mái đất có xét đến điều kiện tương thích của lực tương tác, từ đó xây dựng được các phương trình bổ sung để tĩnh định hóa bài toán phân tích ổn định của mái đất (công thức tính toán giá trị các đại lượng ∆X, ∆E của lực tương tác giữa các thỏi đất trong các trường hợp khác nhau). Phương pháp nghiên cứu đã xét được ảnh hưởng lực neo của cốt VĐKT đến trạng thái ứng suất của các thỏi đất.
3. Đã xây dựng được phần mềm tính toán hệ số an toàn ổn định mái dốc trên cơ sở lý thuyết đã nghiên cứu và tính toán kiểm định bằng phương pháp Bishop đơn giản và bằng công trình thử nghiệm (đê biển Bình Minh 3, Kim Sơn, Ninh Bình). Kết quả cho thấy phương pháp phân tích ổn định mái dốc có xét đến điều kiện tương thích của lực tương tác giữa các thỏi đất có độ chính xác và độ tin cậy cao.
4. Đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ đất có cốt VĐKT cho công trình thực tế một cách bài bản và có hệ thống: Thí nghiệm trong phòng để xác định cơ chế tương tác giữa cốt VĐKT và đất, ứng dụng để thiết kế mặt cắt của đoạn đê thử nghiệm; Thí nghiệm mô hình vật lý tỷ lệ 1:1 để quan trắc các quan hệ giữa biến dạng ngang với các cấp tải trọng và với thời gian và trực tiếp thi công xây dựng một đoạn đê thử nghiệm theo công nghệ đất có cốt VĐKT (đê biển Bình Binh 3, Kim Sơn, Ninh Bình). Cho đến nay, qua nhiều mùa mưa bão, công trình này vẫn đang làm việc ổn định.
Trích yếu luận án Tiến sỹ:
Tóm tắt luận án Tiến sỹ của NCS Phan Tiến An:
TRUNG TÂM ĐÀO TẠO & HỢP TÁC QUỐC TẾ
VIỆN KHOA HỌC THỦY LỢI VIỆT NAM
Ý kiến góp ý: