TextBody
Huy chương 2

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng đến thăm và làm việc với Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

07/09/2016

Ngày 06/09/2016, Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường đã vinh dự được đón tiếp Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng và các đồng chí trong Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lãnh đạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam  tới thăm và làm việc.

Tham dự buổi làm việc, về phía Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn còn có Vụ Hợp tác Quốc tế, Vụ Kế hoạch, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Cục Quản lý xây dựng công trình, Tổng cục Thủy lợi và các Vụ thuộc Tổng cục Thủy lợi.

Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt; Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam kiêm chức Viện trưởng Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường; đại diện lãnh đạo các Ban chức năng của Viện và toàn thể các cán bộ chủ chốt của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường.

Tại Hội nghị, thay mặt Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong báo cáo kết quả hoạt động khoa học công nghệ của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường.

Theo báo cáo, từ năm 2008 - 2016, Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường đã thực hiện nhiều đề tài, khoa học và công nghệ cấp Nhà nước, cấp Bộ và các đề tài dự án khác thuộc các lĩnh vực tài nguyên nước và biến đổi khí hậu, lĩnh vực tưới tiêu cải tạo đất, lĩnh vực môi trường. Hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của Viện đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, đã nghiên cứu, áp dụng thành công trên khắp cả nước, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Về lĩnh vực tưới tiêu, cải tạo đất và cấp thoát nước, Viện đã xây dựng củng cố, phát triển thủy lợi nội đồng gắn với xây dựng nông thôn mới. Các giải pháp nâng cấp cơ sở hạ tầng thủy lợi nội đồng, đáp ứng các phương thức canh tác tốt, canh tác tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, đáp ứng linh hoạt yêu cầu của thị trường, nâng cao thu nhập của nông dân. Đồng thời đề xuất các mô hình thâm canh phù hợp cho vùng đất sản xuất kém hiệu quả, quy hoạch hệ thống kênh mương nội đồng.

Bên cạnh đó, Viện cũng đã nghiên cứu thí nghiệm, xây dựng các mô hình tưới cho các cây rau màu tại các tỉnh đồng bằng, ven biển và miền núi phía Bắc xây dựng các mô hình tưới tiên tiến tiết kiệm nước, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho các cây: cà phê, hồ tiêu, chè, cây điều, cây mía, cây ăn quả, rau, màu, hoa.... khu vực Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và miền núi phía Bắc: Hòa Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh....và các khu vực đất cát khô hạn như Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận.....; nhằm phục vụ việc chỉ đạo sản xuất, Viện đã nghiên cứu, biên soạn và xuất bản 09 sổ tay và 07 tiêu chuẩn kỹ thuật.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực Tài nguyên nước và Biến đổi khí hậu, Viện đã ứng dụng thành công các mô hình toán NAM, MIKE11, MIKE21, GIS... vào cân bằng nước cho các lưu vực sông Hương, sông Mã, sông Cả, Vu Gia - Thu Bồn xác định dòng chảy tối thiểu, dòng chảy kiệt theo tần suất, dự báo hạn và xâm nhập mặn theo thời gian thực lưu vực sông và các tỉnh ven biển, tính toán nhu cầu nước cho từng hệ thống thủy lợi, xây dựng bản đồ ngập lụt, hạn hán vùng đồng bằng sông Hồng, Nam Trung Bộ và tỉnh Tuyên Quang.

Về lĩnh vực Môi trường, Viện đã xây dựng bộ cơ sở dữ liệu chất lượng nước trong phục vụ công tác quản lý của ngành và đưa ra những cảnh báo tình hình ô nhiễm nước trong hệ thống thủy lợi, đã phát thiện ra những bất cập về chính sách, kiến nghị giải pháp quản lý vận hành, cải tạo trong công trình thủy lợi trong quản lý chất lượng nước, ứng dụng các công nghệ xử lý nước thải để tái sử dụng trong nông nghiệp như công nghệ xử lý nước thải bằng hồ sinh học, bãi lọc trồng cây, công nghệ xử lý yếm khí UASB, ABR với dòng hướng ngược để xử lý nước thải chăn nuôi, nước thải làng nghề, nước thải đô thị. 

Báo cáo cũng nêu rõ định hướng nghiên cứu khoa học công nghệ đến năm 2020 của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường trong đó mục tiêu chính là xây dựng Viện trở thành một đơn vị nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ mạnh của ngành và ngang tầm các viện nghiên cứu trong khu vực, các lĩnh vực nghiên cứu của Viện giải quyết được những vấn đề của ngành, của đất nước...

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho rằng trong thời gian qua Viện đã có nhiều nghiên cứu, nhiều giải pháp ứng dụng thành công tuy nhiên chưa thực sự có sức lan truyền rộng, cách tiếp cận khoa công nghệ chưa thực sự đi vào cuộc sống, gắn với nhận thức của người dân, hỗ trợ người dân có công nghệ để người dân tự làm.

Cách tiếp cận không chỉ đơn thuần khoa học và công nghệ  cần kèm theo cả cơ chế chính sách và cần nhìn vào vấn đề đất nước cần, người dân cần, không cần nhìn vào tính mới, tính sáng tạo mà không có thực tiễn áp dụng, Thứ trưởng cho biết thêm.

Tại Hội nghị, các đại biểu là các nhà chuyên gia, nhà khoa học của Viện đã đưa ra rất nhiều ý kiến xác thực giúp cơ quan quản lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có cách nhìn tổng thể về lĩnh vực tài nguyên nước và môi trường  từ đó đề ra các chính sách, hướng đi đúng đắn để giải quyết các vấn đề đặt ra cho đất nước về lĩnh vực này.

Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đã đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu, các chuyên gia, các nhà khoa học tại Hội nghị.

Thứ trưởng đề nghị Viện cần đổi mới tư duy và cách tiếp cận, cần tiếp cận vấn đề một cách hệ thống, đưa ra lộ trình cụ thể, xây dựng các nhóm chuyên gia sâu, và các gói kỹ thuật phù hợp gắn liền với các nhiệm vụ trọng tâm của ngành và của Bộ.

Đồng thời Thứ trưởng cũng nhắc nhở Viện cần xác định rõ định hướng chiến lược, tổ chức đội ngũ chuyên nghiệp, đẩy mạnh công cuộc đào tạo và tận dụng nguồn nhân lực hiện có, đưa Viện Nước từ cơ quan nghiên cứu khoa học cơ bản thành cơ quan nghiên cứu khoa học chuyên sâu. Cần làm nổi bật vai trò của Viện và đưa các công nghệ của Viện áp dụng nhanh vào cuộc sống.

Cuối cùng, Thứ trưởng khẳng định Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẵn sàng tạo mọi điều kiện, cơ chế, động lực cho Viện.

 Theo iwe.vn

Ý kiến góp ý: