TextBody
Huy chương 2

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh làm việc với Viện về công tác thủy nông.

08/05/2015

Ngày 7/5/2015,  Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và đoàn công tác đã đến làm việc với Viện về công tác nghiên cứu thủy nông.

Tham dự buổi làm việc, về phía đoàn công tác của Bộ có đại diện các Tổng cục, Vụ, Cục thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; đại diện Viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Quy hoạch Thủy lợi, Trường Đại học Thủy lợi... Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện, GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc, các chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu  thuộc lĩnh vực thủy nông, đại diện lãnh đạo các Ban tham mưu, Trung tâm Đào tạo và Hợp tác Quốc tế, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Trung và Tây Nguyên, Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường, Viện Kinh tế và Quản lý Thủy lợi, Trung tâm Tư vấn Thủy nông có sự tham gia của người dân, Trung tâm Công nghệ Phần mềm Thủy lợi.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh cũng đã nhấn mạnh vai trò của thủy lợi phục vụ cho đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thủy nông. Theo Thứ trưởng, hiện nay nguồn nước sông đang cạn kiệt, kỹ thuật tưới còn hạn chế, chưa có nghiên cứu bài bản, chuyên sâu.... do vậy thông qua buổi làm việc Thứ trưởng mong muốn sẽ được nghe các ý kiến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của các cán bộ, các chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu về kết quả nghiên cứu thủy nông còn hạn chế, tồn tại từ đó có các bước nghiên cứu sâu hơn, gắn với thực tiễn sản xuất hơn và đưa ra được các biện pháp tưới cụ thể đối với lúa, các loại cây ăn quả, cây công nghiệp.

Tiếp đó, các đại biểu đã được nghe PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam giới thiệu tóm tắt về Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và lĩnh vực khoa học công nghệ thủy nông và PGS.TS. Đoàn Doãn Tuấn - Viện trưởng Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường báo cáo về quá trình phát triển và định hướng khoa học công nghệ lĩnh vực thủy nông.

Các đại biểu đã phát biểu ý kiến và cùng nhau trao đổi, đề xuất một số giải pháp đã được đưa vào ứng dụng và mang lại hiệu quả thiết thực nhưhướng tiếp cận, đối tượng nghiên cứu, công tác dự báo, cơ chế chính sách, sự phối hợp giữa các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học với người sản xuất và sự phối hợp giữa các cơ quan nghiên cứu với nhau. Một số đại biểu cho rằng định hướng nghiên cứu về sử dụng nước cần phải căn cứ vào đặc điểm vùng miền từ đó đưa ra định hướng tiếp cận cụ thể và hướng tiếp cận là sử dụng tiết kiệm nước vì tưới tiết kiệm nước chỉ là giải pháp về sử dụng. Đặc biệt đối với những vùng khó khăn về nước, sự phối hợp giữa ngành nông nghiệp, cây trồng và thủy lợi cần phải chọn đối tượng cây trồng sử dụng ít nước, thời gian ngắn, khả năng chịu hạn cao, mang lại hiệu quả kinh tế từ đó đặt hàng cho ngành thủy lợi; theo đặc trưng địa hình của từng vùng, khả năng tạo ra nguồn nước khó khăn, cần có quy hoạch phát triển nguồn nước cụ thể hay việc tăng độ che phủ để giữ nước ngầm.

TSKH. Nguyễn Đăng Vỹ - Giám đốc Trung tâm công nghệ phần mềm thủy lợi đề xuất sử dụng ảnh viễn thám để theo dõi giai đoạn sinh trưởng của cây trồng  và sinh trưởng của thảm thực vật các vùng nguy cơ thiếu nước để xây dựng bản đồ cảnh báo thiếu nước cho nông  nghiệp. Việc giải toán ảnh này đã được tự động hóa 100%, không tốn kém nhân lực để xử lý và cung cấp được lượng thông tin rất lớn cho ngành nông nghiệp và ngành trồng trọt. Ngoài ra, TSKH cũng đề xuất việc ứng dụng công nghệ SCADA và kết hợp mô hình dự báo để quản lý mực nước ở các hồ chứa và hỗ trợ cho các nhà quản lý trong việc xả nước và giữ nước và đề xuất xây dựng hệ thống phân phối nước trên kênh tự động từ đó tính toán cân bằng nước trên ruộng và khả năng cung cấp nước.

GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi, chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực thủy nông chia sẻ về sự phối hợp giữa cơ quan nghiên cứu thủy nông với các cơ quan nghiên cứu khác trong cả quá trình từ việc nghiên cứu nhu cầu nước và chế độ tưới thích hợp cho các giống lúa mới, ngắn ngày; nghiên cứu về chống xói mòn, cải tạo đất mặn, điều hành tưới ở mặt ruộng, nghiên cứu về vấn đề rau màu...  hay quan hệ giữa nghiên cứu thủy lợi với nông nghiệp từ các đơn vị khoa học. GS.TS cũng đã đề xuất việc cần phải xây dựng quy trình tưới cho tất cả cây trồng cho từng vùng có sự tham gia của các chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp và lĩnh vực thủy lợi; đưa ra tầm quan trọng của công tác nghiên cứu dự báo, vấn đề cơ chế chính sách....

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đánh giá cao những đóng góp của Viện nói chung và lĩnh vực thủy nông nói riêng đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp trong những năm qua. Đồng thời, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của thủy lợi đối với sản xuất nông nghiệp. Theo Thứ trưởng, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cần quan tâm củng cố tổ chức, xây dựng các nhóm nghiên cứu chuyên sâu và bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia giỏi; Tổng Cục Thủy lợi và Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và các cơ quan khoa học liên quan cần phối hợp xây dựng được khung nghiên cứu dài hạn, đề xuất hướng giải quyết trong thời gian tới của lĩnh vực thủy nông. Bên cạnh đó, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cần phối hợp với các cơ quan khoa học liên quan tập trung các nghiên cứu vào một số cây trồng chủ lực, có giá trị xuất cao như cây cà phê, hồ tiêu, điều, cây ăn quả và các nghiên cứu đó phải đảm bảo tổng hợp, toàn diện từ khâu tạo nguồn, quy hoạch đồng ruộng, quy trình tưới phù hợp với sinh lý cây trồng, kỹ thuật tưới sử dụng tiết kiệm nước, kết hợp bón phân và thuốc bảo vệ thực vật.

Mặt khác, tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng thay mặt Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt hàng với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam về một số vấn đề như nghiên cứu thiết kế hệ thống tưới, tiêu thoát nước hợp lý, hiệu quả nhằm tăng năng suất chất lượng hồ tiêu và đảm bảo hồ tiêu không bị chết do úng ngập và dịch bệnh; nghiên cứu và ban hành sớm các quy trình tưới, tiêu tạm thời cho các cây trồng cạn chủ lực đáp ứng ngay yêu cầu của thực tế trên cơ sở tổng hợp các kết quả nghiên cứu đã có và thực tiễn, đồng thời tổ chức nghiên cứu căn cơ, bài bản để có thể ban hành chính thức phục vụ sản xuất lâu dài; nghiên cứu quy hoạch căn cơ lại các vùng sản xuất, triển khai thực tế cho tỉnh Ninh Thuận làm cơ sở để nhân rộng; nghiên cứu quy hoạch đồng ruộng, giải pháp cải tạo mặt ruộng để đảm bảo áp dụng các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, giảm lượng dùng thóc giống.

Ý kiến góp ý: