TextBody
Huy chương 2

Thủ tướng chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH

19/06/2019

Chiều 18/6 tại TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng chủ trì Hội nghị với Thủ tướng có Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Trung ương Đảng - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng – Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng.

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương; Lãnh đạo 13 tỉnh vùng ĐBSCL; Lãnh đạo TP.HCM… Các đại sứ nước ngoài, các Tổ chức Quốc tế cùng đông đảo các nhà khoa học am hiểu về ĐBSCL. Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có: Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Lê Công Thành cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ. Hội nghị thu hút 1.200 đại biểu đến từ các Bộ, Ban, Ngành, các Tổ chức Quốc tế, các Sở, Ngành của TP.HCM và 13 tỉnh ĐBSCL.

Với quy mô tổ chức trong 2 ngày (17 và 18/6) Hội nghị là diễn đàn có quy mô lớn về phát triển ĐBSCL. Hội nghị lần này được tổ chức nhằm đánh giá kết quả đạt được sau hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP, triển khai Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP. Đồng thời, xác định các vấn đề đang tồn tại, hạn chế; xác định nhiệm vụ ưu tiên, trọng tâm, trong điểm có quy mô vùng, có tính lan tỏa và bảo đảm tính bền vững cũng như giải pháp có tính hệ thống và nguồn lực thực hiện trong thời gian tiếp theo mang tính khả thi và hiệu quả cao.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định: “ĐBSCL có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của đất nước. Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách chương trình kế hoạch, giải pháp cụ thể để thúc đẩy phát triển khu vực này. Trong bối cảnh ĐBSCL đang phải đối mặt với nguy cơ lớn, ngày càng tăng do BĐKH nước biển dâng và các hoạt động khai thác, sử dụng nước, các tài nguyên thiếu hợp lý, thiếu bền vững ở trong nước và thượng nguồn sông Mê Kông. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, với nhiều nhiệm vụ, giải pháp tổng thể, trước mắt và lâu dài.

Việc ban hành Nghị quyết 120 đã đánh dấu bước đột phá lớn trong tư duy, định hình chiến lược phát triển bền vững của ĐBSCL theo hướng tổng thể, tích hợp phát triển kinh tế - xã hội trong toàn vùng với tầm nhìn dài hạn, tăng cường kết nối, phát triển giữa các địa phương trong vùng, đảm bảo tính liên vùng, liên ngành có trọng tâm, trọng điểm thông qua cơ chế điều phối của Chính phủ. Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả. Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp Đảng, chính quyền các địa phương vùng ĐBSCL cũng như sự chia sẻ, giúp đỡ của các tổ chức, đối tác quốc tế.

PTTg TH Bình

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Việt Hùng

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế khó khăn trong việc triển khai Nghị quyết, chưa đáp ứng được yêu cầu, kế hoạch đề ra cũng như sự kỳ vọng của chính quyền và người dân trong vùng. Để triển khai hiệu quả và thiết thực hơn khi đưa Nghị quyết 120/NQ vào cuộc sống. Chính Phủ tổ chức Hội nghị quan trọng này nhằm kiểm điểm, đánh giá cụ thể các kết quả đạt được, đặc biệt những tồn tại hạn chế và nguyên nhân khách quan, phân tích chỉ rõ những khó khăn thách thức. Trên cơ sở đó, đề ra các nhiệm vụ giải pháp, đối sách cụ thể để tập trung thực hiện trong thời gian tới”.

Theo chương trình, Hội nghị sẽ đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được và những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP; Xác định được các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP, bao gồm: Các hoạt động ưu tiên có quy mô vùng, mang tính bền vững và có tính lan tỏa; Các giải pháp về cơ chế, chính sách, khoa học và công nghệ, nguồn lực, cơ chế điều phối vùng, đối tác công - tư trong triển khai thực hiện Nghị quyết; Mối quan tâm và định hướng cam kết của các Đối tác phát triển hỗ trợ việc thực hiện Nghị quyết... Tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và hành động của các cấp, các ngành, địa phương và người dân trong vùng...

Các đại biểu

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Việt Hùng

Trong khuôn khổ phiên chính thức của Hội nghị vào ngày 18/6 đã diễn ra các chuyên đề:

Chuyên đề 01: “Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số địa phương, các đối tác phát triển.

Chuyên đề 02: “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, một số địa phương và các đối tác phát triển.

Chuyên đề 03: “Giải pháp phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng, nhà ở phục vụ phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, một số địa phương, các đối tác phát triển.

Chuyên đề 04: “Công tác quy hoạch, cơ chế điều phối vùng và thu hút vốn đầu tư cho đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, các Bộ khác, một số địa phương, các đối tác phát triển.

Tại phiên họp chính thức chiều 18/6 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, sau phát biểu khai mạc của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, các đại biểu sẽ nghe với các báo cáo quan trọng như sau: Báo cáo đánh giá tổng hợp kết quả thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP và các giải pháp cần thực hiện thời gian tới (do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày);

Báo cáo kết quả đạt được trong công tác quy hoạch, điều phối liên kết vùng; tình hình bố trí vốn và thu hút vốn đầu tư cho vùng đồng bằng sông Cửu Long và nhiệm vụ trong thời gian tới (Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày).

Báo cáo đánh giá kết quả đạt được trong công tác tái cơ cấu ngành, sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long và nhiệm vụ trong thời gian tới (Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trình bày).

Các đại biểu 2

Thủ tướng và lãnh đạo Chính phủ, MTTQ Việt Nam, và TP.HCM chủ trì Hội nghị. Ảnh: Việt Hùng

Báo cáo đánh giá kết quả được về phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và giải pháp phát triển hệ thống giao thông kết nối thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long, nhiệm vụ trong thời gian tới (Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày)

Báo cáo đánh giá kết quả đạt được về quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng xây dựng, nhà ở phục vụ phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long và nhiệm vụ trong thời gian tới (Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trình bày).

Báo cáo về vai trò, giải pháp kết nối giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong trình bày)…

Sau đó, Hội nghị sẽ nghe các phát biểu, tham luận của các Bộ, ngành, một số đối tác phát triển, Lãnh đạo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; đại diện các nhà khoa học, doanh nghiệp về đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP, nhiệm vụ trong thời gian tới. Đặc biệt là phát biểu kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chiến lược phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu…

Nguồn: Việt Hùng - Khương Trung/baotainguyenmoitruong.vn

Ý kiến góp ý: