TextBody
Huy chương 2

Thủ tướng công bố ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam

19/05/2014

Công bố 18/5 là Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ sự kiện này không chỉ nhằm tôn vinh các nhà khoa học, mà còn nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam.

Tới dự lễ công bố "Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam" sáng nay còn có nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình; nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và đông đảo các nhà khoa học.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những đóng góp to lớn của khoa học công nghệ ở các lĩnh vực. Thủ tướng cũng biểu dương các cán bộ ngành khoa học với những hy sinh, cống hiến thầm lặng và lao động quên mình.

Theo Thủ tướng, Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam không chỉ nhằm tôn vinh các nhà khoa học và thành tựu khoa học công nghệ; tuyên truyền, phổ biến tri thức khoa học; mà còn nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam.

"Niềm tự hào và tinh thần cao quý đó phải được bồi đắp để trở thành một nguồn động lực nội sinh quan trọng nhất, mạnh mẽ nhất - nguồn lực con người, phục vụ sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, đưa nước ta “sánh vai với các cường quốc năm châu” như ước nguyện lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu", Thủ tướng nhấn mạnh.

"Hầu hết tài nguyên khi càng khai thác càng cạn kiệt, nhưng trí tuệ, năng lực sáng tạo càng khai thác, sử dụng thì càng thêm giàu có, phong phú. Bất kỳ ai, mọi người dân, đều có quyền tìm tòi sáng tạo, nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ", Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, Việt Nam đang sống trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, quốc gia nào có năng lực cạnh tranh cao thì sẽ có nhiều cơ hội để phát triển nhanh và bền vững.

"Cạnh tranh giữa các quốc gia suy cho cùng là cạnh tranh nguồn vốn tri thức, thể hiện qua chất lượng nguồn nhân lực và trình độ khoa học công nghệ", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, ngày Khoa học công nghệ Việt Nam sẽ là ngày hội để tôn vinh những người làm khoa học, giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Không những vậy, đây cũng là dịp để nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để khoa học công nghệ là động lực phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ Tổ quốc, Thủ tướng đề nghị ngành khoa học công nghệ trong thời gian tới cần tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ, chú trọng thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ưu tiên phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Bên cạnh đó, ngành khoa học cần triển khai chương trình phát triển khoa học cơ bản trong một số lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như Toán học, Vật lý... Đồng thời chú trọng phát triển các lĩnh vực có tính ứng dụng cao, một số lĩnh vực liên ngành giữa khoa học tự nhiên với khoa học kỹ thuật và công nghệ. 

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu ngành ban hành và cụ thể hóa các chính sách trọng dụng cán bộ, quan tâm chăm lo tới các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ quốc gia đặc biệt quan trọng, nhà khoa học trẻ tài năng. Có cơ chế, chính sách thiết thực và hiệu quả để thu hút các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia nước ngoài hợp tác tham gia hoạt động khoa học trong nước.

Thủ tướng cũng chỉ đạo đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế theo hướng mở rộng hợp tác khoa học công nghệ tầm quốc gia, hợp tác nghiên cứu chung với đối tác chiến lược, các nước tiên tiến.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng các nhà khoa học. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng giới khoa học. Ảnh: VGP.

Nhà khoa học Phùng Văn Phách (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chia sẻ, ông rất vui vì giới khoa học đã có một ngày riêng. "Đáng lẽ ngày này phải có từ rất lâu rồi. Đất nước có rất nhiều ngày kỷ niệm như Nhà giáo Việt Nam, rồi ngày Báo chí, Thầy thuốc Việt Nam... mà chưa có ngày dành cho giới khoa học, mặc dù khoa học công nghệ được coi là quốc sách hàng đầu. Vì vậy tôi và các nhà khoa học khác rất vui mừng khi chúng tôi cũng có ngày kỷ niệm của riêng mình", ông Phách nói.

Ông Phách cho rằng, ngày này cơ hội để giới khoa học gặp nhau, trao đổi và cũng là cơ hội để các nhà nghiên cứu gặp gỡ các tổ chức, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp để ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào cuộc sống.

Theo tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ngày 18/5 hằng năm sẽ là dịp để tôn vinh, tri ân, khuyến khích động viên những người có nhiều đóng góp cho cộng đồng, xã hội và đất nước. Đồng thời, ngày kỷ niệm này cũng là dịp để xã hội nhìn nhận những việc đã làm được và những việc cần phải tiếp tục làm trong mỗi ngành nghề, lĩnh vực. 

Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Môi trường của Quốc hội - cho rằng hoạt động kỷ niệm trong ngày này sẽ là cơ hội cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học công nghệ trình diễn, giới thiệu thành tựu nghiên cứu, sáng tạo với công chúng… 

Nhân dịp lần đầu tiên công bố Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các đơn vị khoa học thuộc Bộ, Viện, Liên hiệp hội đã có nhiều hoạt động hưởng ứng. Trong hai ngày 17 và 18/5 đã diễn ra các hoạt động trưng bày hình ảnh về thành tựu nổi bật của khoa học và công nghệ. Ngày 17/5 đã diễn ra Lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu và gặp mặt 300 nhà khoa học tiêu biểu, Hội thảo Doanh nghiệp khởi nghiệp từ kinh nghiệm các doanh nghiệp quốc tế của doanh nhân Việt kiều.

Nhiều viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã mở cửa các khu trưng bày, bảo tàng để người dân đến xem. Tại các trường đại học, viện nghiên cứu cũng sôi nổi các hoạt động hưởng ứng Ngày Khoa học và Công nghệ, như từ ngày 12 đến 18/5, Đại học Quốc gia Hà Nội tiến hành chuỗi sự kiện chào mừng và mở cửa tham quan các phòng thí nghiệm trọng điểm của nhà trường,… 

Hưởng ứng sự kiện quan trọng trên, nhiều địa phương cũng tổ chức các hoạt động như tại Bắc Giang trình diễn kết nối cung cầu công nghệ khu vực Bắc Bộ năm 2014 và Hội thảo “Đẩy mạnh ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội khu vực trung du và miền núi phía Bắc”. Đà Nẵng có Hội thảo Cơ chế chính sách Khoa học công nghệ và Hội thảo quốc tế Truyền thông khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo. Tại Thái Nguyên phát sóng hàng tuần các phóng sự từ 5-6 phút về thành tựu trong lĩnh vực KHCN của tỉnh. 

Giới khoa học chọn ngày 18/5 bởi ngày này gắn với một sự kiện lịch sử. Đó là vào ngày 18/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và phát biểu tại Đại hội lần thứ nhất của Hội phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam: "Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”. Trong lời nói ngắn gọn nêu trên, Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ nguyên lý, mục tiêu và sứ mệnh cao cả của khoa học và công nghệ. Lời dạy của Hồ Chí Minh đã trở thành kim chỉ nam cho khoa học công nghệ Việt Nam trong suốt chặng đường bảo vệ và xây dựng đất nước hơn 50 năm qua.

Mới đây, tại Kỳ họp Quốc hội Khóa XIII, Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) được Quốc hội biểu quyết thông qua; trong đó quy định lấy ngày 18/5 hằng năm là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Theo vnexpress.net

Ý kiến góp ý: