TextBody
Huy chương 2

Thủ tướng: Không thể xả lũ làm tăng ngập mà vẫn 'đúng quy trình'

18/04/2017

Tại Hội nghị về Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn chiều nay, Thủ tướng nêu rõ: “Không thể để tình trạng xả lũ làm tăng ngập cho dân vùng hạ lưu rồi lại trả lời là xả đúng quy trình. Vậy cái quy trình đó là sai, không thể chấp nhận được”.

Chiều nay (17/4), tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã dự Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017.

Cho rằng Việt Nam như lời một bài hát là “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, Thủ tướng hoan nghênh các đại biểu, đặc biệt là các vị khách quốc tế đã dành thời gian đến dự Hội nghị tổng kết quan trọng này để rút ra những bài học kinh nghiệm thành công cũng như những khiếm khuyết trong chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai (PCTT), cứu nạn cứu hộ để năm 2017 sẽ làm tốt hơn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nhất trí với các ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng và đại biểu, Thủ tướng cho rằng, năm 2016 có nhiều thiên tai và nhân tai, gây thiệt hại rất lớn, làm chết 264 người, bị thương gần 1.000 người, mất đi khoảng 1% GDP. Trong bối cảnh thiên tai nặng nề như vậy, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan phòng chống thiên tai đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, trách nhiệm. Các cơ quan đoàn thể Trung ương, các tổ chức xã hội, đoàn thể, tổ chức quốc tế đã hỗ trợ kịp thời.

“Chúng ta thấy thiệt hại dồn dập như vậy nhưng chúng ta không để người dân nào đói cơm, lạt muối, màn trời chiếu đất, đứt bữa xảy ra trên các vùng miền của Tổ quốc”, Thủ tướng nói và biểu dương các tỉnh, thành phố, đặc biệt là Ban Chỉ đạo PCTT, Ủy ban tìm kiếm cứu nạn cứu hộ các cấp. Nhiều cán bộ đã lăn lộn, xả thân, không ngại hiểm nguy.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều mặt tồn tại, bất cập cần rút kinh nghiệm sâu sắc để làm tốt hơn thời gian tới. Đó là bệnh chủ quan. “Thủy hỏa đạo tặc”, lũ lụt, cháy nổ được coi như giặc nhưng nhiều nơi chưa nhận thức tốt.

Luật Phòng chống thiên tai có hiệu lực từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng xong kế hoạch PCTT cấp quốc gia. Một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức xây dựng kế hoạch, phương án PCTT, cứu hộ cứu nạn. Chưa cụ thể hóa được các tình huống, kịch bản sát với thực tế để có phương án ứng phó phù hợp.

Vì vậy, Thủ tướng đề nghị phải khẩn trương hoàn thiện kế hoạch để ban hành trong năm 2017. Và để có kế hoạch PCTT cấp quốc gia tốt, theo Thủ tướng, không chỉ dựa vào chuyên gia, nguồn vốn nước ngoài mà phải biết cách huy động các chuyên gia trong nước, các bộ, ngành, địa phương cùng chung sức để xây dựng cho tốt. Phải biết kết hợp và hài hòa các nguồn lực kinh tế và chất xám ở cả trong và ngoài nước trong một kế hoạch tổng thể quốc gia PCTT.

Xả lũ làm tăng ngập mà lại nói đúng quy trình

Cho rằng công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập phải rà soát, sửa đổi ngay, Thủ tướng nêu ra một số ví dụ cụ thể. Đó là một số công trình thủy điện, giao thông, khu dân cư… khi đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành thì thiếu kiểm tra, giám sát từ khâu lập quy hoạch, chưa quan tâm việc phòng ngừa các tác động của thiên tai, làm gia tăng rủi ro thiên tai trong khu vực.

Thứ hai, hồ chứa nước bên cạnh phục vụ thủy điện, thủy lợi thì phải phục vụ chống lũ, chống hạn. “Không thể để tình trạng xả lũ làm tăng ngập cho dân vùng hạ lưu rồi lại trả lời là xả đúng quy trình”, Thủ tướng nêu rõ. “Vậy cái quy trình đó là sai, không thể chấp nhận được”. Xây hồ chứa nước nhưng khi hạn thì hồ lại cạn kiệt, thiếu nước chống hạn. Như vậy là quy trình điều tiết hồ sai.

Thứ ba, thành phố ngay cạnh biển nhưng lại không thoát được lũ ra biển, mà còn bị lụt nhiều ngày do không tiêu thoát được. Như vậy quản lý xây dựng không quy hoạch hoặc quy hoạch xây dựng sai vì không tính đến đường thoát lũ, Thủ tướng nói. “Những câu hỏi như vậy chúng ta cần phải lưu ý trong quy hoạch thành phố”.

Hoặc như quỹ phòng chống thiên tai do cấp xã, phường thu nhưng lại nộp hết về tỉnh, thành phố, sau đó phường, xã lại phải đi xin như thời bao cấp. Như vậy, tạo cơ chế xin-cho trong khi cấp xã phải làm rất nhiều việc về phòng chống thiên tai theo Luật Phòng chống thiên tai. “Sao không giao quyền chủ động hơn cho cấp xã?”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Về công tác dự báo, Thủ tướng cho rằng bên cạnh một số kết quả tích cực thì chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều khi gây bất ngờ lớn.

Công tác thông tin tuyên truyền chưa đến được với người dân, nhất là vùng thôn bản, vùng sâu, vùng xa nên có nhiều tai nạn thương tâm xảy ra khi mưa lũ đến.

Quy trình thủ tục hỗ trợ khắc phục hậu quả sau thiên tai còn chậm, còn máy móc. Việc tiếp nhận, phân bổ hỗ trợ ở một số địa phương chưa minh bạch, phát sinh thắc mắc, khiếu nại như báo chí đã phản ánh.

Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý các địa phương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình trạng vi phạm quy định pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai còn khá phổ biến, chậm được khắc phục. “Nổi cộm là nạn cát tặc, khai thác trái phép trên các dòng sông, lấn chiếm lòng, bờ sông, kênh rạch, làm sạt lở đê, kè, cản trở, suy giảm khả năng thoát lũ, tăng nguy cơ, rủi ro thiên tai”, Thủ tướng nói.

Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào xây dựng bản đồ số, tin học

Định hướng công tác năm 2017, Thủ tướng quán triệt tinh thần Việt Nam là 1 trong 5 nước chịu tác động sâu sắc của biến đổi khí hậu. Do đó, phải nâng cao nhận thức về vấn đề này bởi “khi bão lũ tới rồi thì không cách gì xử lý kịp thời được” nếu không chủ động.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Công tác phòng chống thiên tai cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp với phương châm lấy phòng ngừa là chính. 

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản pháp lý về phòng chống thiên tai. Hệ thống đó cần có sự tương thích với hệ thống pháp luật Việt Nam, với cam kết quốc tế về phòng chống thiên tai, đặc biệt phù hợp với khung hành động Sendai, Tuyên bố ASEAN về ứng phó thiên tai và Hội nghị Paris 2015 về biến đổi khí hậu (COP 21), phù hợp với hoàn cảnh hội nhập hiện nay. Từ đó, chúng ta xây dựng cơ chế quản lý, sử dụng Quỹ phòng chống thiên tai theo hướng cấp xã được trích lại một phần sau khi thu để chủ động trong hoạt động PCTT.

 

Hoàn thiện Chiến lược quốc gia phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và Kế hoạch Phòng chống thiên tai cấp quốc gia trên cơ sở cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và tình hình thiên tai 2016. Trong đó, tiếp tục phải lấy phòng ngừa là chính, xác định PCTT không chỉ của hệ thống chính trị, chính quyền các cấp mà phải dựa vào người dân, doanh nghiệp với tinh thần trước hết phải có phương án để tự bảo đảm an toàn cho chính mình, cho gia đình mình.

 

Rà soát, xây dựng phương án, nhiệm vụ ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của bộ, ngành, địa phương năm 2017 sát với thực tiễn tình hình, trong đó phát huy tốt vai trò, chức năng thường trực công tác tìm kiếm cứu nạn của cơ quan quân sự các cấp. Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT tiếp thu ý kiến các cơ quan địa phương để sớm hoàn thiện phương án ứng phó với siêu bão, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

Tiếp tục nâng cao năng lực, trong đó có năng lực phòng ngừa, sức chống chịu trước thiên tai và khả năng thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các hình thái thiên tai cực đoan khác, nhất là nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, năng lực chỉ đạo, chỉ huy, điều hành ứng phó, tìm kiếm cứu nạn, năng lực khắc phục hậu quả thiên tai, theo hướng xây dựng lại tốt hơn.

 

Tiếp tục tăng cường nâng cao năng lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho lực lượng làm công tác tham mưu, hỗ trợ ra quyết định cho Ban Chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, chủ động, hiệu quả.

 

Thủ tướng cũng yêu cầu áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào PCTT, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào xây dựng bản đồ số ở các loại tỉ lệ thích hợp theo từng vùng miền, địa phương; quản lý rủi ro thiên tai thông qua ứng dụng các phần mềm chuyên dùng, thông qua ứng dụng tin học, các nhà mạng để truyền tin, nhận tin, đào tạo từ xa, giao ban trực tuyến… Xây dựng hệ thống thông tin lưu trữ và chia sẻ dữ liệu về PCTT. Xây dựng cơ chế huy động nguồn lực nhằm xã hội hóa công tác PCTT. Nâng cao nhận thức cộng đồng về rủi ro và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chủ động và tích cực tham gia vào các hoạt động PCTT để có khả năng tự bảo vệ mình trước.

 

Thủ tướng mong muốn Hội Chữ thập Đỏ, các đoàn thể chính trị-xã hội sẵn sàng huy động, hỗ trợ cho người dân vùng thiên tai với tinh thần không để người dân gặp khó khăn, thiếu đói, bệnh tật khi thiên tai, lũ lụt, hỏa hoạn xảy ra.

Tại Hội nghị, các đại biểu trên cơ sở thực tiễn của địa phương, bộ, ngành mình đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho công tác PCTT, tìm kiếm cứu nạn.

 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý việc lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các địa phương sớm lập bản đồ chi tiết những điểm nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, trước mắt tại các tỉnh miền núi phía bắc. Từ đó có kế hoạch dài hạn, trung hạn và hằng năm để di dời những công trình, nhà cửa nằm trong khu vực nguy hiểm, kiên quyết, chủ động di dời người dân khỏi các khu vực nguy hiểm.

Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2016 thiên tai đã làm 264 người chết và mất tích. Tổng thiệt hại về kinh tế hơn 39.700 tỷ đồng.

Cả năm 2016 xảy ra 2.694 vụ thiên tai, tai nạn, sự cố (không tính tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt), tăng 183 vụ, 6,8% so với năm 2015.

Năm 2016 chúng ta đã huy động trên 197.000 lượt người, 11.000 phương tiện các loại tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố. Các lực lượng cứu hộ cứu nạn đã cứu được 4.868 người, 289 phương tiện.

Theo www.chinhphu.vn

Ý kiến góp ý: