Thực hiện Khung hành động Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai cho ngành nông nghiệp ở châu Á - Thái Bình Dương
26/03/2018Ngày 15/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên hợp quốc (FAO) tổ chức Hội nghị khu vực về "Tăng cường tính chống chịu của hệ thống lương thực và nông nghiệp - Thực hiện Khung hành động Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai cho ngành nông nghiệp ở châu Á - Thái Bình Dương".
Hội nghị có sự tham gia của 200 đại biểu và các đối tác phát triển đến từ 28 quốc gia đến từ châu Á và Thái Bình Dương nhằm đưa ra các định hướng cho việc thực hiện Khung hành động Sendai về giảm thiểu rủi ro thảm họa 2015-2030 trong lĩnh vực nông nghiệp. Báo cáo toàn cầu "Tác động của thiên tai và khủng hoảng đối với nông nghiệp và an ninh lương thực năm 2017" tại hội nghị cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2015, thiên tai gây ra thiệt hại ước tính 96 tỷ USD trong trồng trọt và chăn nuôi của các nước đang phát triển. Hạn hán là một trong những nguyên nhân hàng đầu chiếm 83% thiệt hại kinh tế, với thiệt hại cho nông nghiệp ước tính khoảng 29 tỷ USD. Báo cáo cũng cảnh báo rằng đây không phải là bức tranh đầy đủ do chúng ta vẫn còn thiếu thông tin về các thiệt hại và mất mát trong nuôi trồng thủy hải sản, và lâm nghiệp. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu tại Hội nghị Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: "Nông nghiệp là vấn đề sống còn đối với nhiều nước trong khu vực. Phát triển nông nghiệp đặc biệt là sản xuất lương thực đã giúp Việt Nam đứng vững trong các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và khu vực, duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và đô thị hoá, không thể xóa đói giảm nghèo mà không tăng cường khả năng phục hồi sinh kế phụ thuộc nông nghiệp, đặc biệt là các nông hộ nhỏ. Vì vậy, chúng ta cần cải thiện hơn nữa tính đổi mới cũng như tìm kiếm tất cả các phương pháp tiếp cận cũng như các biện pháp kỹ thuật thích ứng với biến đổi khí hậu, hệ thống sinh thái". Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc giảm rủi ro và tăng cường khả năng phục hồi cho hệ thống nông nghiệp và lương thực; cùng nhau xác định các ưu tiên để tiếp tục thực hiện Khung Sendai trong các lĩnh vực nông nghiệp và thảo luận xoay quanh các vấn đề như: Làm thế nào để kết nối khoa học, chính sách và thực tiễn; chia sẻ các công cụ hỗ trợ tài chính sáng tạo liên quan đến thiên tai và thảm họa và các công cụ này có hiệu quả đối với hộ nông dân nhỏ; thảo luận các mối liên kết giữa đô thị- nông thôn và nông nghiệp dẫn đến bản chất đang thay đổi của nhiều rủi ro ở cả khu vực nông thôn và đô thị cũng như vai trò của lương thực và nông nghiệp trong quá trình đô thị hóa có khả năng chống chịu cao... Kết quả của Hội nghị sẽ được đưa lên Hội nghị khu vực Châu Á Thái Bình Dương lần thứ 34 của FAO vào tháng tới ở Fiji để đưa ra các ưu tiên trong vòng hai năm tới. Các khuyến nghị này cũng sẽ thông báo cho các cuộc thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Châu Á năm 2018 về Giảm nhẹ Thảm họa Thiên tai, là cơ sở để thảo luận về việc thực hiện Khung Sendai trong khu vực do Chính phủ Mông Cổ tổ chức vào tháng 7 năm 2018. Theo tongcucthuyloi.gov.vn
Ý kiến góp ý: